Admin
THỰC TRẠNG KINH DOANH ĐA CẤP: VÒI BẠCH TUỘC BIẾN HÌNH: Làm gì để không lãnh đòn từ kinh doanh đa cấp biến tướng? (bài cuối)
Lượt xem: 2451
Thực ra, hình thức kinh doanh đa cấp đang “hoành hành” ở Việt Nam hiện nay là “hình tháp ảo”, tức trò biến tướng vì lợi nhuận, trái với bản chất ban đầu của nó. Với “hình tháp ảo”, hàng vạn người sa bẫy hỏa mù “làm giàu không khó” – một thực trạng đã nẩy sinh tại Mỹ cách đây hơn nửa thế kỷ và đã bị tẩy chay từ lâu. Thật bi hài khi thứ bị tẩy chay đó lại bùng nổ ở Việt Nam bây giờ.

>>> Bài 1: Đại tá "dỏm" và những chiêu lừa kinh doanh đa cấp tinh quái
>>> Bài 2: Lật lại những vụ lừa đảo kinh doanh đa cấp "kinh thiên động địa"

>>> Bài 3: Khánh kiệt, tan cửa nát nhà vì đa cấp

Kinh doanh đa cấp là phương thức kinh doanh tận dụng chính thói quen của người tiêu dùng: khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ tốt thường đem chia sẻ cho người thân, bạn bè và những người xung quanh.

Thực ra, kinh doanh đa cấp được “thai nghén” từ đầu thế kỷ XX và gây nhiều tranh cãi với “ba làn sóng” tại Mỹ. Điều đáng nói, khi mà thế giới đã kiểm chứng kinh doanh đa cấp tới gần 1 thế kỷ và bước sang “làn sóng thứ ba” thì phải đến đầu thế kỷ XXI, hình thức kinh doanh này mới xâm nhập vào Việt Nam. 

Ngay lập tức, đa cấp gây bão lôi cuốn hàng triệu người tham gia và Việt Nam lại dẫm phải vết xe đổ của trò “kim tháp ảo” vốn đã xảy ra ở Mỹ giữa thế kỷ XX (điển hình là Công ty Amway trong bốn năm liền phải theo hầu tòa (từ năm 1975-1979).

Kinh doanh đa cấp giúp người tiêu dùng trực tiếp mua hàng mà không thông qua đại lý bán lẻ, theo lý thuyết thì điều này giúp tiết giảm chi phí, đồng thời người mua hàng cũng có thể trở thành kênh phân phối sản phẩm, thu lợi nhuận thông qua việc giới thiệu cho người thân, bạn bè… 

Tuy nhiên, tại Việt Nam, kinh doanh đa cấp đã bị biến tướng, trở thành trò lừa đảo của nhiều công ty. Đó là từ chỗ kinh doanh đa cấp lấy sản phẩm làm trung tâm và cũng là đích cuối cùng để kinh doanh thì ở Việt Nam, nhiều người đã bị sa vào bẫy lợi nhuận.

Cho rằng đây là một cách có thể làm giàu nhanh chóng nên khi tham gia vào đa cấp, họ bằng mọi cách lôi kéo người khác vào hệ thống của mình với tham vọng càng đông người càng béo bở. Khi đó, sản phẩm chỉ là “chiêu dụ mồi”, người giới thiệu không phải vì họ muốn khách hàng có được sản phẩm chất lượng để sử dụng mà chỉ muốn lôi kéo vào giúp mình tăng cấp, tăng lợi nhuận. 

Vì tham vọng đó, nhiều người đã biến kinh doanh đa cấp thành những chiêu kiếm tiền trắng trợn, từ mua chuộc, dụ dỗ đến cưỡng ép, khống chế. Đây chính là điểm khác biệt của hoạt động này ở Việt Nam so với nhiều quốc gia trên thế giới và là lý do gây hỗn loạn, lừa đảo. 

Mô hình kinh doanh đa cấp đang bị biến tướng trước vòng xoáy lợi nhuận.

Nhiều công ty dùng đủ chiêu trò hút người tham gia mạng lưới đa cấp, lòe bịp làm giàu nhanh chóng, bắt người mới tham gia phải nộp các khoản tiền đặt cọc, ký quỹ hoặc các loại lệ phí để trở thành thành viên của mạng lưới. 

Việc đặt cọc, thu phí là trái quy định pháp luật nhưng rất nhiều người đã bị hoa mắt bởi lòng tham mà giao tiền cho các đối tượng và đây chính là nguồn thu nhập chính của các công ty khoác áo đa cấp, sau đó họ dùng nguồn này chia tỷ lệ phần trăm theo các cấp khác nhau. Đây chính là “hình tháp ảo” mà tại Mỹ từng bị lên án, tẩy chay những năm 1960, 1970, trong đó người khởi xướng hệ thống bán hàng đa cấp nằm ở đỉnh tháp và lợi dụng, bóc lột các thành viên khác ở đáy tháp.

Điểm nữa, trong khi kinh doanh đa cấp là tự nguyện thì tại Việt Nam, trước ma lực đồng tiền, nhiều công ty dùng hình thức ép buộc, nếu đóng tiền hoặc mua sản phẩm khi tham gia mạng lưới rồi thì không được lấy lại tiền hoặc trả lại sản phẩm. Nhiều người phải chấp nhận mất tiền cọc để “chạy làng” khi không thể đáp ứng yêu cầu của công ty. 

Về chất lượng và giá sản phẩm, sản phẩm có tính độc quyền nên người tiêu dùng không có cơ hội để mua bên ngoài hoặc tham khảo giá trên thị trường. Tại Việt Nam, giá các sản phẩm đa cấp thường “trên trời” nhưng vẫn được dụ rằng, giá đó vẫn rất lợi. 

Chẳng hạn, khi mua một hộp kem đánh răng của Amway, người tiêu dùng phải trả gấp cả chục lần so sản phẩm khác trên thị trường nhưng vẫn được quảng cáo kiểu như: “Một hộp của Amway bằng 5 hộp kem khác, thay việc mua 5 hộp, bạn chỉ cần mua một hộp dùng… nửa năm”. 

Theo thống kê, hiện thị trường đa cấp ở Việt Nam có khoảng 7.000 mặt hàng khác nhau, trong đó đánh vào thị hiếu làm đẹp của chị em phụ nữ, sản phẩm hút hàng nhất là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Nhiều chị em không ngại ngần bỏ số tiền lớn để mua bộ sưu tập sản phẩm làm đẹp được cho là “độc quyền” mà không biết thực chất mình đã bị móc túi. Ước lượng, có khoảng 1,2 triệu người tham gia, trong đó đa phần là những người về hưu, nông dân, học sinh, sinh viên, người mới ra trường chưa có công ăn việc làm…

Mô hình kinh doanh đa cấp xuất hiện ở nước ta những năm 1999 – 2000 với một vài công ty hoạt động nhỏ lẻ, cho đến cuối năm 2004 khi Luật Cạnh tranh ra đời và Nghị định 110 của Chính phủ được ban hành năm 2005 thì loại hình này mới chính thức được thừa nhận và chịu sự quản lý, điều chỉnh bằng pháp luật. 

Những năm gần đây, Nhà nước ban hành một số quy định: Nghị định 42 của Chính phủ năm 2014, Thông tư 24 hướng dẫn thi hành Nghị định 42 về quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp… nhưng có thể thấy chế tài xử lý vi phạm hành chính chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, điều kiện để kinh doanh đa cấp còn lỏng lẻo, chưa đầy đủ, hệ thống văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực này còn thiếu đồng bộ, việc kiểm tra, hậu kiểm cũng gặp khó khăn do có sự đối phó và thủ đoạn che giấu tinh vi.

Bên cạnh đó, sự thiếu hiểu biết, sự hám lợi của người dân khi tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp, thậm chí khi hệ thống chưa bị đổ vỡ thì người tham gia mạng lưới thiếu hợp tác với cơ quan chức năng… là một số nguyên nhân dẫn đến tình hình vi phạm và tội phạm trong loại hình kinh doanh này diễn biến phức tạp trong thời gian qua.

7 dấu hiệu nhận biết công ty bán hàng đa cấp lừa đảo

Theo các chuyên gia, để nhận biết một công ty bán hàng đa cấp làm ăn bất chính, lừa đảo, người dân có thể dựa vào một số dấu hiệu sau:

– Thứ nhất, công ty đó yêu cầu người tham gia phải đặt cọc, ký quỹ hoặc mua một số lượng sản phẩm nhất định hay phải trả tiền để được tham gia vào mạng lưới kinh doanh đa cấp (luật pháp không cho phép thu tiền cọc, ký quỹ).

– Thứ hai, công ty đó không cam kết mua lại hàng hóa trong thời gian luật định và không mua lại với số tiền tối thiểu là bằng 90% giá sản phẩm ở thời điểm bán.

– Thứ ba, người tham gia mạng lưới không phải hưởng lợi ích từ việc bán sản phẩm mà là từ việc lôi kéo người khác tham gia vào mạng lưới. Lợi nhuận không phát sinh từ hoạt động bán hàng mà là từ tuyển dụng người tham gia.

– Thứ tư, công ty đó khuyến khích, hoặc đào tạo người tham gia tuyển người khác vào mạng lưới và hứa trả hoa hồng khi tuyển được người.

– Thứ năm, công ty cung cấp hàng hóa, tuy nhiên hàng hóa đó chất lượng kém hoặc không có giá trị sử dụng để bán cho người tiêu dùng.

– Thứ sáu, người trong công ty bán hàng đa cấp hướng dẫn bạn cách vay tiền để mua sản phẩm hoặc vay tiền để đóng phí tham gia mạng lưới.

– Thứ bảy, công ty bán hàng đa cấp đó buộc và hối thúc người tham gia mua hàng để bán dù biết hàng hóa đó khó tiêu thụ, không thể bán ra thị trường để thu hồi vốn.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, Cục trưởng Cục CSĐT Tội phạm về kinh tế và tham nhũng: Người dân cần cảnh giác trước hứa hẹn mức hoa hồng quá cao

Khác với phương thức kinh doanh truyền thống, bản chất của kinh doanh đa cấp là hướng tới đại chúng, người tiêu dùng sản phẩm cũng có thể đồng thời tham gia kinh doanh sản phẩm đó và số lượng người tham gia phân phối cao nên nếu có sự cố xảy ra thì tác động ảnh hưởng về mặt xã hội là rất lớn. 

Ở Việt Nam hiện có 59 đơn vị được cấp phép kinh doanh đa cấp, có trên 1,2 triệu người tham gia với hơn 7.000 mặt hàng, trong đó thực phẩm chức năng chiếm đến 90%. Để loại hình này phát triển lành mạnh, theo đúng nghĩa của nó, các cơ quan chức năng cần quy định chặt chẽ điều kiện kinh doanh đa cấp, tăng chế tài xử phạt đủ sức răn đe (nâng mức tiền phạt, xem xét tạm đình chỉ hoạt động một thời gian hoặc đình chỉ vĩnh viễn nếu có vi phạm nghiêm trọng); tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và phối hợp trao đổi thông tin; cần kiểm tra, thẩm định các sản phẩm đa cấp chào bán để bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng (có nhiều sản phẩm kinh doanh doanh đa cấp chất lượng kém, quảng cáo sai sự thật, đẩy giá lên quá cao ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng). 

Bên cạnh đó, cần khuyến cáo người tham gia mạng lưới kinh doanh đa cấp và tiêu dùng khi mua sản phẩm cần tìm hiểu cặn kẽ về quy tắc hoạt động của mạng lưới, nghiên cứu quyền lợi, nghĩa vụ giữa các bên, chất lượng, xuất xứ hàng hóa.

Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lợi dụng kinh doanh đa cấp biến tướng để lừa đảo, vi phạm pháp luật, tôi đề nghị người dân khi tham gia hoạt động kinh doanh đa cấp cần tìm hiểu kỹ lưỡng về doanh nghiệp, sản phẩm, điều kiện ràng buộc về nghĩa vụ, quyền lợi giữa các bên. Cảnh giác trước hứa hẹn mức hoa hồng quá cao, cảnh giác với hoạt động kinh doanh đa cấp theo mô hình kim tự tháp ảo, mô hình nhị phân hoặc ma trận biến tướng. 

Những loại hình này thường có những đặc điểm như: yêu cầu người tham gia phải trả phí, đặt cọc ban đầu rất cao để gia nhập mạng lưới; buộc người tham gia mua số lượng hàng lớn hơn mức họ có thể bán hoặc sử dụng, không cho phép trả lại hàng tồn; lợi nhuận (hoa hồng) không xuất phát từ việc giới thiệu, bán sản phẩm mà từ việc tuyển mộ những thành viên mới tham gia hệ thống (đối tượng kinh doanh đa cấp thực thụ là hàng hóa, còn đối tượng của mô hình kim tự tháp ảo là tiền). 

Để che giấu, các đối tượng sẽ quy đổi tiền ra hàng hóa, dịch vụ, nhưng với mô hình kim tự tháp ảo biến tướng, nếu xem xét kỹ thì số lượng hàng hóa tiêu thụ luôn gia tăng tương xứng với số người mới tham gia vào hệ thống (đối với kinh doanh đa cấp chân chính thì số lượng hàng hóa bán được tùy thuộc vào khả năng nội tại của mỗi người tham gia phân phối sản phẩm). Nếu không, họ có thể trở thành nạn nhân và vô tình tham gia giúp sức cho các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.


Nguồn: CAND Online