Viết tiếp bài “Khốn khổ như nạn nhân đa cấp”: Gian nan hành trình đòi lại tiền… của chính mình
Như chúng tôi đã đề cập trong bài "Khốn khổ như… nạn nhân đa cấp", nỗi khổ của những nạn nhân tham gia hệ thống các công ty đa cấp không chỉ dừng lại ở chính bản thân họ, bởi đây không còn là một “cuộc chơi” theo lẽ thông thường nữa, mà nó là một cuộc chơi đánh cược tiền bạc, số phận của mình, của gia đình mình giữa hai trạng thái, hoặc là giàu có hoặc là đứng bên bờ vực nghèo khó, túng quẫn, vô sản...
>>> Khốn khổ như… nạn nhân đa cấp
Và hầu hết các nạn nhân tham gia vào các công ty đa cấp đều có một kết cục: trắng tay. Khi biết được mình bị lừa thì họ trông chờ, kêu gọi mọi sự ủng hộ, giúp đỡ từ mọi phía, từ các “cấp trên” của mình đến các mối quan hệ (nếu có) của người thân, bạn bè, thậm chí từ các “cò mồi” mọc lên ngay tức thì, kêu cứu, làm đơn từ cậy nhờ đến các cơ quan chức năng hòng mong muốn lấy lại được dù ít ỏi số tiền mình nhịn ăn nhịn mặc dành dụm cả đời để cuối cùng lại “cống nạp” vào các công ty đa cấp...
Tuy nhiên, kết quả thường vẫn là… tay trắng.
Những giọt nước mắt... muộn mằn
Những ngày này, đến trụ sở của Công ty Liên Kết Việt tại Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội, không một bóng người. Công ty đóng cửa, trang web của công ty cũng chỉ còn vài tin bài hình ảnh. Bên cạnh sự tan hoang của hệ thống một công ty từng lừa đảo hàng trăm nghìn người, bây giờ đến cái nơi ồn ã đó có thể gặp từng đoàn người, nhóm người, hầu hết là những người có tuổi, trong cái lạnh cóng của mùa đông, ngồi tụ tập, "than vắn thở dài", những gương mặt hốc hác, thiểu não, những tiếng thở dài, thậm chí là những giọt nước cạn khô còn vương trên mắt vì họ đã dốc cả vốn liếng hàng trăm triệu, thậm chí cả tỉ bạc, vài tỉ bạc vào Công ty Liên Kết Việt.
Trong số đó, có cả những người là công nhân, nông dân ở các tỉnh, là sinh viên ở các trường đại học. Họ tham gia bằng khoản tiền đi vay ngân hàng bằng việc thế chấp nhà cửa, sổ đỏ, sinh viên thì đi vay lãi, thế chấp thẻ sinh viên để lấy 8,6 triệu đồng nộp (số tiền tối thiểu để được mua một mã hàng gồm 1 máy ozone và 3 sản phẩm thực phẩm chức năng, sau 5 năm sẽ được hưởng 409 triệu đồng tiền hoa hồng cộng tiền thưởng mà không phải làm gì). Họ ngồi lại cùng nhau như vớt vát chút hy vọng cuối cùng đầy mong manh xem có "cấp trên" nào thương tình trả cho một ít để về trả nợ người thân, bởi bây giờ biết hỏi ai, kêu ai khi những con bài chủ chốt đã phải vào tù vì tội lừa đảo.
Hệ thống sụp thì tất cả số tiền đổ vào Công ty Liên Kết Việt sẽ coi như không cánh mà bay, không ai nhận trách nhiệm và không ai... gánh cho ai cả. Dù chỉ mới đây thôi, những lời hứa hẹn giàu sang, đổi đời, với các tên gọi "tỉ phú A", "tỉ phú B", "tỉ phú C"... đang còn nóng hổi.
|
Những người tham gia kéo đến đòi tiền đa cấp. |
Theo Cơ quan điều tra, hơn 1.900 tỉ đồng mà Liên Kết Việt lừa của các nạn nhân, giờ chỉ còn 45,5 tỉ đồng trong tài khoản.
Thời điểm này, có những nhóm trước đây là thuộc cấp của nhau thì chặn điện thoại, đổi số điện thoại, đổ vấy cho nhau hoặc trốn biệt tích vì sợ bị... đòi nợ. Có những nhóm đoàn kết hơn ngồi lại bên nhau, tìm cách tháo gỡ xem đầu mối tiền của mình đi đâu về đâu rồi kể lể sự tình bị chồng con mắng mỏ, trách móc, không có một ngày yên thân để tự an ủi, nương tựa vào nhau trong vô vọng.
Tới đây, thấy thật tiếc cho những người đã và đang có một cuộc sống yên ấm, no đủ chỉ vì tham lam, nghe những lời hứa hẹn hão huyền để bây giờ chỉ còn lại những gương mặt lo lắng, sầu não, những giọt nước mắt đầy ăn năn muộn màng của những người phụ nữ, đàn ông đã luống tuổi, của những ông bà già đã tóc bạc da mồi, cái tuổi đáng lẽ ra được hưởng sự thanh nhàn, an nhiên sau cả đời làm việc, tích cóp, thì nay phải hứng chịu nhiều lời trách móc, xỉa xói của con cháu, thậm chí là sự xa lánh của người thân vì tội "tham lam" "hám của" mong làm giàu bất chính một cách nhanh chóng...
Có nhiều người là nông dân từ các tỉnh lân cận Hà Nội thậm chí còn bị gia đình đuổi ra... chuồng lợn, về nhà bố mẹ đẻ, người thân hoặc phải trốn biệt vì nhiều người đến đòi nợ, thậm chí dọa nạt, chửi bới...
Tỉnh ngộ khi đã... trắng tay
Chúng tôi gặp bà N.L.X., ở quận Từ Liêm, một người mà theo giới thiệu của những người bạn khác là người chịu chơi, chịu đầu tư và cũng mất nhiều nhất. Bà mất tiền không chỉ với một hệ thống mà hầu hết với các công ty đa cấp: Bà X. chia sẻ: "Tôi biết được các công ty đa cấp thông qua một người anh họ tên là H. trong Bình Phước. Ông ấy bảo đã nộp vào Công ty TNMU khoảng 6 tỉ đồng, huy động cả đại gia đình ông tham gia, và bây giờ mỗi tháng ông thu lãi khoảng 1 tỉ đồng tiền trích ra từ hệ thống là chuyện bình thường.
Vốn là họ hàng, ông còn bay từ trong Bình Phước ra Hà Nội để nói chuyện với gia đình tôi, trong đó có bố tôi, đã 84 tuổi (là chú họ của ông ấy), mời cụ tham gia và dù chưa nộp đồng nào vào hệ thống, ông anh họ đã trích phần trăm là mấy triệu bạc ứng trước cho cụ. Cam kết rằng, nếu không có tiền trăm, tiền tỉ lãi suất trong thời gian chỉ vài tháng đến 1 năm tùy vào hệ thống thì ông ấy sẽ đền cả tính mạng và tài sản của nhà ông ấy cho bố tôi, cho tôi. Nghĩ là ông ấy đàng hoàng, tôi cùng tham gia.
Quả thật trong thời gian ngắn đó, ông anh họ đối xử rất đàng hoàng, tử tế, có quà cáp, tiền trích trong hệ thống đều đặn và bay ra bay vào như cơm bữa. Tổng số tiền của tôi, bố tôi, em gái tôi bỏ ra làm cấp dưới của ông anh họ là 2 tỉ rưỡi. Khi biết tiền tiết kiệm của gia đình của chúng tôi đã cạn kiệt, ông anh họ bèn giao trách nhiệm "chăm sóc" chúng tôi cho hệ thống Công ty TNMU ở Hà Nội, một cháu tên là N. đứng ra trả lời tất cả các câu hỏi của chúng tôi.
Nửa năm trôi qua, nhưng tôi, với số tiền 1 tỉ 800 triệu đồng, bố tôi 200 triệu đồng và em gái tôi 500 triệu đồng phải lần lượt chờ đến hạn là 5 đến 8 tháng sau mới được lấy tiền trích ra từ hệ thống theo tỉ lệ tiền từng người bỏ ra. Bản thân tôi khi rút tiền tiết kiệm ra nộp cho ông anh họ đã không bảo với con cái, khi biết, con tôi đã rất tức giận và chúng khẳng định đây là trò lừa đảo. Tôi cho số của ông anh họ thì máy luôn bận, thậm chí là đổi số khác.
Tôi tìm được số điện thoại nhà riêng gọi, gặp ông ấy, ông ấy khuyên không nên rút tiền, cứ để như thế 3 năm sau sẽ nhận tiền gấp 3 lần và cam kết bằng tất cả danh dự của ông ấy. Ông ấy sẽ đảm bảo nếu sai sẽ trả bằng tiền riêng của ông ấy.
Khi tôi đề nghị ông bay ra Hà Nội, hoặc tôi sẽ bay vào Bình Phước để làm giấy cam đoan có công chứng của pháp luật thì ông ấy trở mặt bảo: "Người ta muốn tốt cho mà không biết điều thì thôi!" rồi dập máy cái rụp. Rồi từ lần sau thì số điện thoại bàn nhà ông ấy cũng bị cắt nốt.
Chúng tôi có đến Công ty TNMU để đòi lại số tiền, nhưng được giải thích là nếu các hợp đồng mua bán đã bị phá (tức là có mấy chục cái hợp đồng của tôi đã được sử dụng để mời bạn bè, người thân đến làm gói "chăm sóc sức khỏe" tại văn phòng các công ty đại diện của TNMU, mỗi hợp đồng trị giá 8 triệu rưỡi, chưa kể phải nộp thêm 1 triệu tiền tươi ngoài hợp đồng cho các cháu làm mát xa) thì không được phép lấy lại. Tôi đã sử dụng 50 cái hợp đồng chăm sóc sức khỏe và 20 cái hợp đồng mua máy ôzon. Như vậy là có khoảng gần 700 triệu của tôi mất trắng, còn khoảng hơn 1 tỉ tôi muốn rút lại thì đại diện công ty bảo phải chờ vì tôi phá bỏ cam kết giữa chừng thì tôi sẽ bị phạt từ 30 đến 50% trên tổng số tiền còn lại. Như vậy là bỏ ra gần 2 tỉ, tôi chỉ lấy về được khoảng 500 triệu, đó là chưa kể phải hàng chục lần đi đi về về, gọi điện thoại xin xỏ, năn nỉ ngon ngọt.
|
Hàng ngàn nạn nhân khốn khổ “bắc thang lên hỏi ông trời”. |
Trong số 3 người trong gia đình chúng tôi, họ chỉ giải quyết một trường hợp, còn bố và em gái tôi thì không được trả lại và phải chấp nhận theo đến cùng. Đến nay đã gần 2 năm trôi qua nhưng số tiền nhận về chỉ vài triệu bạc, không bằng một phần tiền lãi ngân hàng. Đó là chưa kể, không biết khi đã đủ thời hạn 3 năm thì số tiền đó sẽ như thế nào, hay công ty lại tuyên bố phá sản như đại đa số các công ty khác.
Em gái tôi rất đau đớn, tất cả số tiền vợ chồng tích cóp được mang đi chơi đa cấp, đến khi con gái lấy chồng, không có tiền phải vay mượn khắp nơi. Chồng cô ấy phát hiện ra cũng chán nản đâm ra rượu chè, về đến nhà là mắng chửi, đánh vợ vì tội "ngu dốt, tham lam", cuộc sống không khác gì địa ngục”.
Thực tế cho thấy, tất cả các nhân viên các công ty đa cấp khi mời người tham gia thì nói "ngọt như mía lùi", đến "con kiến trong lỗ cũng phải chui ra", chứ nói gì đến những ông bà già ham giàu một cách nhanh chóng. Hầu hết những "thợ săn" đều nắm giữ tuyệt đối tâm lý của người tham gia là mong muốn được giàu có, muốn mua được xe, sắm được nhà mà vẫn còn thừa một số tiền không nhỏ gửi tiết kiệm mà không phải làm gì cả, chỉ cần giới thiệu một người khác tham gia vào hệ thống. Một khi đã lột sạch số tiền họ có thì họ không còn là Thượng đế nữa mà bị "bỏ rơi" một cách không thương tiếc.
Gọi điện thoại cho nhân viên tư vấn thì họ không nghe máy, tìm đến họ không tiếp vì bận rộn, đi công tác vắng... Bởi vì các "thợ săn" mải đi tìm "con mồi" mới. Bà Hiệp (nhà ở Điện Biên Phủ), một người có con cái là những người cũng có vai vế.
Khi biết mẹ mình chơi đa cấp với số tiền không nhỏ, con trai bà đã gọi điện thoại mang pháp luật ra "dọa dẫm" thì được chủ cơ sở khẳng định: "Mẹ anh tham gia là tự nguyện, chúng tôi không ép buộc, thuận mua vừa bán, có hợp đồng hẳn hoi nên chúng tôi không có nhiệm vụ phải trả tiền cho bà". Rất nhiều lần ngon ngọt, dỗ dành, thậm chí xuống nước đều không được đáp ứng, anh con trai đành giở trò "Chí Phèo" bằng việc thuê "đầu gấu" chặn đường chủ công ty để "dằn mặt" thì họ hứa sẽ trả lại tiền ( số tiền không còn được một nửa với rất nhiều thủ tục lằng nhằng) cho mẹ anh.
Người viết bài này có dịp đi cùng bà Toán, nhà ở Đê La Thành đến tìm "cò mồi" để đòi tiền cho Công ty TNMU. Khi biết công ty có chế độ ưu đãi hoàn tiền cho một số người khó khăn. "Cò mồi" là ông Vinh "đầu hói", với thủ tục bài bản là làm một cái đơn xin trả lại một số hợp đồng cho công ty. Với lý do ốm đau, bệnh tật hiểm nghèo cần tiền để chữa bệnh, mong công ty tạo điều kiện giúp đỡ, thương tình cho bà được trả lại số hợp đồng chưa sử dụng cho công ty và chịu mọi tổn thất cũng như không kiện cáo tới các cơ quan chức năng...
Số "cò mồi" này được "đẻ ra" từ cơ chế lỏng lẻo và ăn chia thị phần với giám đốc để tiếp tục một lần nữa lừa đảo người chơi để chiếm đoạt tiền một cách ngang nhiên, trắng trợn. Điều đau đớn nhất là ở tuổi "cổ lai hy" cả đời làm giáo viên liêm khiết, bà phải nói khó, nói khéo, khum tay, cúi đầu, nịnh nọt "bà chủ" (là quản lý cao nhất) chỉ đáng tuổi cháu bà, không học hành đến nơi đến chốn nhưng lại giàu lên nhờ "lừa đảo" hàng chục người như bà.
Bà Toán cũng đành "ngậm bồ hòn làm ngọt" vì nếu không lấy dù ít dù nhiều, bà có nguy cơ sẽ mất tất cả số tiền mà con trai làm công nhân ở nước ngoài gửi về sửa nhà để cưới vợ. Không chỉ người già, người trẻ, người thành thị, nông thôn mà tệ hơn nữa là trò đa cấp đã du nhập cả vào giới sinh viên. Nhiều em không học tập mà chỉ tìm cách... đi lừa bạn. Nhiều em khốn đốn không mời được ai, lãi mẹ đẻ lãi con không có khả năng chi trả phải bỏ học về quê trốn các chủ nợ.
Có thể thấy rằng, các hệ thống đa cấp đã nắm được tâm lý cũng là điểm yếu của rất nhiều người là lòng tham, không phải lao động mà vẫn có tiền, thậm chí rất nhiều tiền. Bởi vậy, khi mọi chuyện vỡ lở "tiền mất tật mang" họ mới tỉnh ngộ thì chỉ còn cách "bắc thang lên hỏi ông trời"...
Nguồn: CAND Online