Admin
Nơi lưu giữ những kỷ vật về Bác Hồ với lực lượng CAND
Lượt xem: 777
Trải qua hơn nửa thế kỷ, Bảo tàng Công an nhân dân (CAND) với gần 20 ngàn hiện vật được trưng bày, lưu giữ đã thực sự trở thành một “địa chỉ đỏ” nhằm giáo dục truyền thống cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an và nhân dân. Đến với Bảo tàng, du khách trong và ngoài nước còn hiểu thêm về những kỷ niệm, kỷ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh với lực lượng CAND.

1-Bảo tàng CAND tọa lạc ở số 1, phố Trần Bình Trọng (quận Hoàn Kiếm – Hà Nội). Nơi đây hiện đang lưu giữ và bảo quản gần 20 ngàn hiện vật về lịch sử truyền thống chiến đấu, xây dựng và phát triển của lực lượng CAND Việt Nam.

Trung tá Trần Thị Quý, Phó Giám đốc Bảo tàng vừa dẫn tôi đi tham quan một lượt phòng trưng bày các hiện vật vừa chia sẻ, hiện Bảo tàng cũng đang lưu giữ gần 200 kỷ vật (gồm hình ảnh, tài liệu, thể khối…) về Bác Hồ với lực lượng CAND. Toàn bộ số kỷ vật này được các cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị phối hợp với một số cơ quan chức năng dày công sưu tầm trong nhiều năm qua.

Bước vào Bảo tàng CAND, du khách thấy ngay cụm tranh tượng nghệ thuật Chủ tịch Hồ Chí Minh với lực lượng CAND đặt ở vị trí trung tâm, thể hiện chủ đề tư tưởng “CAND từ nhân dân mà ra, dựa vào nhân dân mà làm việc”.

Bước sâu vào bên trong, khi chứng kiến những kỷ vật về Bác Hồ với các cán bộ, chiến sĩ CAND, mọi người có cảm nhận sâu sắc về hình ảnh người chiến sĩ CAND “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” trong cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước. Bức thư gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu XII vào ngày 11-3-1948 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Tư cách người Công an cách mệnh” được trưng bày trang trọng ở khu số 3 của Bảo tàng.

Bức thư mà Bác gửi tới đồng chí Hoàng Mai với Sáu điều Bác dạy CAND có ý nghĩa sâu sắc, toàn diện đối với quá trình công tác, chiến đấu, tu dưỡng và rèn luyện của mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an. Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng chỉ đạo, ra sức học tập, làm theo lời dạy của Bác, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ CAND qua các thời kỳ đã luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thường xuyên tu dưỡng, không quản khó khăn, vất vả hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), so với yêu cầu của cuộc đấu tranh, lực lượng CAND còn mỏng. Song do được bố trí lực lượng hợp lý, được nhân dân và các lực lượng vũ trang phối hợp chặt chẽ, nên lực lượng Công an đã từng bước đánh bại các cơ quan tình báo, gián điệp Pháp và hệ thống tề ngụy.

Đoàn viên thanh niên Công an đến tham quan, tìm hiểu các kỷ vật về Bác với lực lượng CAND tại Bảo tàng CAND.

Đứng trước tủ kính trưng bày chiếc Cờ tổng phá tề, Áo bông, Huy hiệu Bác Hồ, Thanh gươm Quyết thắng và Bức ảnh chân dung Bác, Trung tá Trần Thị Quý xúc động giới thiệu: “Thời điểm bấy giờ, tại vùng giáp ranh, các chiến dịch tổng phá tề liên tiếp diễn ra một cách rộng khắp. Hàng trăm thôn, xã hình thành hình thái chính quyền “ngày địch, đêm ta”, những tên tay sai gian ác bị trừng trị. Chính sách “dùng người Việt trị người Việt” của thực dân Pháp từng bước bị phá sản.

Trong phong trào diệt tề trừ gian ấy, đã nhiều đơn vị, địa phương có thành tích xuất sắc được Bác tặng thưởng những chiếc Cờ tổng phá tề, Áo bông và Thanh gươm Quyết thắng trên. Như, Công an Thừa Thiên được Bác tặng chiếc Áo bông (1949); Công an Hải Kiến được Bác tặng Thanh gươm Quyết thắng (1949); Ty Công an Nam Định được Bác tặng Áo lụa, Áo bông do có thành tích trong công tác diệt tề trừ gian v.v..”. Những phần thưởng này đã trở thành nguồn động viên, cổ vũ tinh thần vô giá tới phong trào đấu tranh, đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) của quân và dân ta thời bấy giờ.

Bên cạnh những hiện vật – thể khối, Bảo tàng CAND còn lưu giữ khá nhiều trang tài liệu, trang báo có bút tích của Bác. Một trong số đó là Báo CAND, số 462 ra ngày 27-5-1969. Bài viết có tựa đề “Lực lượng CSND phục vụ tốt cuộc vận động chống đầu cơ, buôn lậu, lấy cắp vật tư, hàng hóa của Nhà nước” đăng ở góc phía trên bên phải - trang nhất tờ báo phản ánh chiến công của lực lượng CSND khi phát hiện 339 vụ tham ô, trộm cắp, thu hồi được 40 mặt hàng (trong đó có 58 tấn lương thực, 49 tấn than, 103kg mỳ chính…) đã được Bác bút phê với dòng chữ Nên khen (đã nói với A.Hoàn rồi (A. Hoàn – tức đồng chí Trần Quốc Hoàn, khi ấy là Bộ trưởng Bộ Công an).

Kèm với bút phê trên là nét gạch chân các cụm từ “đầu cơ, buôn lậu, lấy cắp vật tư” bằng mực đỏ. Điều này cho thấy, tuy bộn bề công việc, thế nhưng Bác luôn quan tâm tới hoạt động làm báo; tới công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo ANTT, giữ gìn trật tự an toàn xã hội của lực lượng CAND.

2-Những ngày này, khi dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ có Sáu điều dạy CAND đang đến gần, có mặt tại Bảo tàng CAND, chúng tôi được gặp khá nhiều du khách đến tham quan, trong đó có nhiều cán bộ, chiến sỹ Công an các đơn vị, địa phương. Mọi người đến với Bảo tàng để tìm hiểu về lịch sử truyền thống xây dựng và trưởng thành của lực lượng CAND cũng như ôn lại ký ức hào hùng một thời thông qua những hiện vật khắc họa sinh động hình ảnh người chiến sĩ Công an.

Dừng lại khá lâu trước bức thư của Bác gửi đồng chí Hoàng Mai với Sáu điều Bác dạy CAND, bạn Nguyễn Duy Nam, học viên lớp B2 – Trường Trung cấp Cảnh sát Vũ trang cùng các bạn trong lớp tự thấy mình phải nỗ lực hơn nữa trong quá trình học tập, rèn luyện. Nam bảo, Sáu điều Bác dạy là kim chỉ nam, phương châm hành động, là mục tiêu phấn đấu, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng cho bản thân, bởi thời gian ngắn nữa, Nam sẽ ra trường và đảm nhận công tác.

“Chúng em – tập thể lớp B2, Trường Trung cấp Cảnh sát vũ trang rất vinh dự và tự hào khi được đến tham quan và học tập tại Bảo tàng CAND. Chúng em sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thực hiện những điều Bác dạy bằng việc làm cụ thể”, Nam khẳng định.

Trước những hiện vật, tư liệu sinh động phản ánh chân thực về truyền thống xây dựng và trưởng thành của lực lượng CAND; về những kỷ niệm, kỷ vật của Bác với lực lượng CAND, du khách - nhất là các cán bộ, chiến sĩ trẻ CAND không khỏi xúc động trước sự vượt khó, không quản gian khổ, hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì bình yên cuộc sống người dân của các thế hệ đi trước.

Hôm nay, đến với Bảo tàng, bạn Vũ Tuấn Anh, học viên lớp B1 – Trường Trung cấp Cảnh sát vũ trang thêm hiểu về truyền thống hơn 70 năm của lực lượng CAND Việt Nam. Tuấn Anh tự hào và xúc động khi được tận mắt thấy những kỷ vật đi cùng năm tháng lịch sử hào hùng.

Đại úy Vũ Hưởng Lộc, Bí thư Đoàn thanh niên Trường Trung cấp Cảnh sát vũ trang cho biết, việc đưa các bạn đoàn viên thanh niên nhà trường đến tham quan, tìm hiểu truyền thống lịch sử CAND, những câu chuyện, kỷ vật về Bác với lực lượng CAND đã thành hoạt động thường xuyên của nhà trường. Thông qua hoạt động vừa nhằm ôn lại truyền thống hào hùng, vừa trang bị kiến thức cho cán bộ, học viên học tập, nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn, phục vụ cho công tác sau này.

Tại Bảo tàng CAND, chúng tôi cũng đã được đọc những dòng suy nghĩ của nhiều du khách trong và ngoài nước lưu trong sổ cảm tưởng. Bên cạnh các du khách đến từ Anh, Mỹ, Hàn Quốc v.v.., còn có những du khách là các cán bộ Công an hưu trí. Mỗi lần đến đây là mỗi lần các cô, các bác như được sống lại những năm tháng oai hùng, tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Bác Đặng Đức Toàn, cán bộ hưu trí Công an huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) viết trong sổ cảm tưởng: “Được tham quan Bảo tàng CAND, tôi rất xúc động và tự hào vì những thành tích của lực lượng Công an qua các cuộc kháng chiến để có được đất nước độc lập tự do như ngày hôm nay”.

3-Là người có thâm niên gắn bó với Bảo tàng CAND, Trung tá Trần Thị Quý am tường về nguồn gốc về những sự kiện lịch sử liên quan đến các kỷ vật nói chung và những kỷ vật về Bác Hồ với lực lượng CAND nói riêng đang được lưu giữ tại Bảo tàng.

Chị tâm sự, việc lưu giữ lâu dài các hình ảnh, tài liệu, kỷ vật trên nhằm phục vụ công tác giáo dục truyền thống, bồi dưỡng kiến thức và tình cảm cách mạng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an; phục vụ yêu cầu chính trị trước mắt cũng như lâu dài. Trong đó có những nội dung về thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy CAND. Hay nói cách khác, Bảo tàng CAND với những kỷ vật, hiện vật giống như “quyển sách”, tư liệu sống khái quát một cách sinh động về quá trình đấu tranh và trưởng thành của lực lượng Công an; về sự quan tâm, huấn thị của Bác với lực lượng CAND.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an và Tổng cục Chính trị CAND, từ ngày 11-3-2018 – thời điểm diễn ra lễ kỷ niệm trọng thể 70 năm Ngày Bác Hồ có Sáu điều dạy CAND, Bảo tàng CAND sẽ trưng bày khoảng 500 hiện vật (hình ảnh, tư liệu, thể khối…) tại Nhà trưng bày trong Khu Lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND ở thôn Chùa Nguộn, xã Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Qua đó khái quát việc thực hiện và làm theo Sáu điều Bác Hồ dạy CAND; quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của lực lượng Công an qua các thời kỳ tới du khách trong, ngoài nước.
Nguồn: CAND Online