Admin
Phát triển nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang sẽ là một nhiệm vụ trọng tâm
Lượt xem: 911
Trong Nghị định về phát triển nhà ở xã hội có quy định về việc phát triển nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Tuy nhiên có một thực tế là hiện nay, do thiếu những cơ chế, chính sách cụ thể để phát triển loại hình nhà ở này mà nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang vẫn đang còn trống.

Trong khi đó, số lượng cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang hiện đang khó khăn về nhà ở vẫn còn rất lớn.

Không phải bây giờ nhà ở xã hội cho lực lượng vũ trang mới được đề cập. Thực tế là ngay từ thời điểm năm 2012, nhận định về nhà ở cho cán bộ chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội đã đánh giá nhu cầu về cải thiện nhà ở của các đối tượng xã hội mà đặc biệt là sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân trên địa bàn Thủ đô còn rất lớn.

Chưa có dự án nhà ở xã hội cho lực lượng vũ trang nào được triển khai.

Theo đó, Bộ Xây dựng đã có tờ trình trình Chính phủ đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, cho ý kiến chỉ đạo UBND TP Hà Nội để Bộ Công an được tiếp tục triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho cán bộ, chiến sỹ thuộc Bộ Công an tại xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội (Dự án Mai Lâm) và dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp khó khăn về nhà ở tại Khu đô thị mới Đồng Mai, quận Hà Đông, TP Hà Nội (Dự án Đồng Mai) của Bộ Quốc phòng do Tổng công ty 319- Bộ quốc phòng làm chủ đầu tư.

Các dự án này được triển khai theo phương thức phát triển nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu cho các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang (cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên) khó khăn về nhà ở, chủ đầu tư dự án được dành 20% tổng diện tích đất ở được giao trong phạm vi dự án đó đầu tư xây dựng nhà ở thương mại (nhà chung cư hoặc nhà thấp tầng) để bán cho các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang nhằm bù đắp chi phí đầu tư và giảm giá bán, giá thuê, giá thuê mua và giảm kinh phí dịch vụ quản lý, vận hành nhà ở xã hội sau khi đầu tư.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm xây dựng các tiêu chí về đối tượng và điều kiện được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và được mua nhà ở thương mại bảo đảm công khai và công bằng. Tuy vậy từ đó đến nay vẫn chưa có dự án nhà ở xã hội cho lực lượng vũ trang nào chính thức được khởi công, mặc dù theo đánh giá của Bộ Xây dựng, những năm qua phát triển nhà ở xã hội là một “điểm sáng” trong phát triển kinh tế xã hội.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, không chỉ ở các đô thị lớn, hiện cũng có nhiều đối tượng trong lực lượng vũ trang không ở khu vực đô thị cũng cần có sự hỗ trợ về nhà ở, trong khi Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội không phủ kín hết được, do quá nhiều đặc thù cần phải quy định (các địa phương tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có thể giao đất, hoặc hỗ trợ tài chính để cải thiện nhà ở đã có, hoặc hỗ trợ tài chính theo năm phục vụ...v.v).

Theo đó, Bộ Xây dựng cho rằng cần thiết phải có các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện về nhà ở, đất ở cho cán bộ trong lực lượng vũ trang công tác tại biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa... nhằm khuyến khích, động viên các đối tượng đã có những đóng góp cho lực lượng vũ trang tại các địa bàn khó khăn. Bên cạnh đó, cần phải có quy định cụ thể chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho cán bộ trong lực lượng vũ trang khi hoàn thành nhiệm vụ (xuất ngũ, về hưu...) mà chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ nhưng có khó khăn về nhà ở, để cải thiện nhà ở; bổ sung quy định về chính sách tạo lập nguồn tài chính..., để cải thiện nhà ở trong lực lượng vũ trang. Việc hỗ trợ thực hiện theo nguyên tắc mỗi hộ gia đình hoặc cá nhân chỉ được hưởng một lần.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cho rằng, lực lượng vũ trang có mức lương khá cao, trong khi nếu quy định để được mua, thuê mua nhà ở xã hội thì đối tượng phải có mức thu nhập thấp (không phải đóng thuế thu nhập cá nhân). Do vậy, Bộ Xây dựng sẽ điều chỉnh điều kiện này trong Thông tư hướng dẫn Nghị định phát triển và quản lý nhà ở xã hội để cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang tiếp cận được với các chính sách về nhà ở xã hội.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong năm 2015, đã hoàn thành đầu tư xây dựng 33 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 13 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng 6.164 căn hộ và 20 dự án nhà ở cho công nhân, quy mô xây dựng 8.273 căn hộ. Tính đến nay, cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 135 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 51 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, quy mô 25.850 căn hộ và 84 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, quy mô xây dựng 28.550 căn hộ tuy nhiên trong số này vẫn chưa có bất kỳ một dự án nào để giải quyết khó khăn về nhà ở cho cán bộ chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lượng lượng vũ trang. Do đó, Bộ Xây dựng xác định phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang sẽ là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành Xây dựng trong thời gian tới vì lực lượng vũ trang là lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền quốc gia, giữ gìn TTANXH.

Nguồn: CAND Online