Công an tỉnh Bình Phước
Quyết tâm cao, nỗ lực lớn thực hiện Đề án 06
Lượt xem: 114
Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, hay còn được gọi là Đề án 06 đã đi qua những chặng đường khó khăn đầu tiên. Đây là nhiệm vụ chính trị chưa có tiền lệ nên khó khăn đặt ra rất nhiều. Tuy vậy, 2 năm vừa qua, Bình Phước đã có nhiều giải pháp quyết liệt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, đặt những “viên gạch” đầu tiên để tiệm cận với các mục tiêu của quá trình chuyển đổi số quốc gia.  

Bài đầu: “Chìa khoá” xây dựng chính quyền số

Dữ liệu là nguồn nguyên liệu mới để xây dựng và phát triển nền kinh tế số, chính quyền số. Về lâu dài, dữ liệu mở sẽ tạo nền tảng cho quản lý hành chính số hoá, hỗ trợ người dân giám sát, quản lý hiệu quả công tác của cơ quan nhà nước và ý kiến đóng góp của người dân sẽ được cập nhật nhanh chóng đến các cấp chính quyền. Vì nguồn dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”, nhiều phần việc đang được Bình Phước tích cực triển khai, góp phần “làm giàu” dữ liệu phục vụ hiệu quả cho Đề án 06.

Làm sạch dữ liệu từ cơ sở

Sau khi tiến hành thu thập thông tin, những thông tin cơ bản về hội viên của Hội chữ thập đỏ xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú đã được Công an xã cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Những thông tin này khi có thay đổi sẽ được Hội chủ động thu thập, cập nhật, bổ sung và cung cấp các thống kê, báo cáo tình hình biến động cho cơ quan, đơn vị có liên quan khi có yêu cầu để phục vụ công tác quản lý theo quy định. Đây chỉ là một trong rất nhiều nhiệm vụ nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả công tác thu thập, cập nhật, xác thực thông tin hội viên các hội và các đối tượng có liên quan vào hệ thống cơsở dữ liệu quốc gia về dân cư mà Tổ công tác triển khai Đề án 06 các cấp đang thực hiện. Anh Trương Công Tuấn Anh, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Đồng Tâm khẳng định, “trước đây quản lý hội viên chủ yếu chỉ quản lý bằng danh sách giấy nhưng hiện tại thì những thông tin về hội viên đã được nhâp liệu trên cơ sở dữ liệu và quản lý rất rõ ràng, chặt chẽ. Nếu có bất kì thay đổi nào thì mình sẽ ngay lập tức cập nhật lên hệ thống”. 

Ngoài thu thập, cập nhật thông tin hội viên của các hội, đoàn thể cấp xã, thông tin về người lao động trên địa bàn tỉnh cũng được tiến hành thu thập. Các thông tin, dữ liệu thị trường lao động sau khi cập nhật lên hệ thống sẽ được quản lý, lưu trữ, bảo mật theo các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, công tác thu thập, làm sạch dữ liệu dân cư được lực lượng Công an cơ sở tiến hành với nhiều biện pháp, tập trung vào công tác đăng kí, quản lý cư trú, phối hợp với tư pháp, chính quyền địa phương tháo gỡ những tồn tại lịch sử về giấy tờ công dân trước đây đồng thời cập nhật, bổ sung các trường thông tin, làm sạch, sống dữ liệu dân cư. “Lực lượng Công an cơ sở phải đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Không chỉ đi một lần mà còn phải đi nhiều lần để rà soát các trường hợp, ai vắng mặt tại địa phương, ai bị sai lệch giữa thông tin trong giấy tờ thực tế với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dâncư hoặc các trường hợp giấy tờ bị thất lạc nhằm thu thập, cập nhật, sửa chữa thông tin một cách chính xác nhất. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang tiếp tục thu thập thông tin về phương tiện cơ giới trên địa bàn”, Trung tá Nguyễn Văn Huân, Phó trường Công an phường Tiến Thành, thành phố Đồng Xoài chia sẻ. 

Thông tin dân cư phải đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”ngay từ xã. Và Công an xã là lực lượng phải nắm thông tin dân cư chính xác nhất trên địa bàn quản lý. Cũng từ công tác làm sạch dữ liệu, việc xác thực và cung cấp tài khoản định danh điện tử cho mỗi công dân sẽ đảm bảo tính chính xác, đúng con người, đúng thông tin. Qua đó, tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mà không phải kê khai lại. Bởi thông tin đã được khai thác từ hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, mở ra nhiều tiện ích để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng các dịch vụ công trực tuyến ngay từ cơ sở.

anh tin bai

Công an xã Bù Nho tiến hành làm sạch dữ liệu dân cư đảm bảo yêu cầu “đúng, đủ, sạch, sống”

Tính đến hết quý I/2024, Bình Phước đã rà soát, cập nhật, làm sạch 100% dữ liệu an sinh xã hội, 100% dữ liệu người có công, 100% dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, 74,36% dữ liệu người lao động, 66,76% dữ liệu trẻ em trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Nền tảng hoạch định chính sách

Cơ sở dữ liệu dùng chung là chìa khoá xây dựng chính quyền số. Thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là thông tin đã được chuẩn hoá đến từng cá nhân và được bổ sung, cập nhật thường xuyên nên bảo đảm độ chính xác cao. Trong một hệ thống được thiết kế tổng thể thống nhất, cơ quan quản lý có thểcó được phiên bản số đầy đủ nhất về thực thể “người dân” và các tập thực thể khác thông qua dữ liệu liên kết trong cơ sở dữ liệu dùng chung. Từ đó, cung cấp thông tin chính xác cho việc xây dựng các chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn phù hợp.

Thượng tá Hồ Ngọc Chiến, Phó trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội, Công an tỉnh Bình Phước cho biết, “hiện nay Công an tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành có liên quan số hoá cập nhật dữ liệu chuyên ngành trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ kết nối làmgiàu dữ liệu về dân cư. Những dữ liệu này sau khi được cập nhật hoàn chỉnh, người dân, doanh nghiệp đều có thể dựa vào đó để khai thác”. Liên quan đến vấn đề này, Sở Tài nguyên – Môi trường hiện đã xây dựng được phần mềm Tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Phước đồng thời cơ bản hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành tích hợp lên phần mềm này. “Chúng tôi xác định lĩnh vực tài nguyên môi trường là lĩnh vực quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân địa phương. Do vậy, chúng tôi đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng dữ liệu chuyên ngành, đặc biệt là dữ liệu về đất đai để hoàn thiện trong thời gian sớm nhất, liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”, ông Trần Văn Hướng, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường cho biết thêm.

Để tăng tính kết nối và bảo đảman toàn thông tin, UBND tỉnh Bình Phước cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng kịp thời phối hợp các Cục nghiệp vụ - Bộ công an hoàn thành công tác kiểm tra an toàn thông tin cho việc kết nối máy chủ giữa hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu, kho lưu trữ hồ sơ số hoá của tổ chức, cá nhân, đảm bảo việc kết nối an toàn, hệ thống hoạt động tương đối ổn định, đảm bảo đường truyền, bảo mật an ninh mạng, an toàn thông tin.

Thu Thảo