Admin
Cán bộ Công an bị phơi nhiễm, nhiễm HIV trong khi làm nhiệm vụ: Những vết thương không mảnh đạn (tiếp theo)
Lượt xem: 6987
Theo các cán bộ của Cục Y tế, nếu các cán bộ, chiến sỹ (CBCS) bị phơi nhiễm, kịp thời điều trị theo đúng phác đồ thì chưa có trường hợp chuyển sang giai đoạn nhiễm HIV.

>>> Bài 1: Tiềm ẩn những hiểm nguy khi truy bắt tội phạm

Bài cuối: Họ đã phải hy sinh cả tính mạng và gia đình

Nhưng do thời gian trước đây (trước năm 2005), khi chưa có hướng dẫn của Bộ Y tế về việc dự phòng phòng, chống phơi nhiễm HIV, các CBCS Công an, thậm chí cả các cán bộ y tế trong lực lượng Công an cũng còn thiếu thông tin về vấn đề này. Vì thế, nhiều CBCS trong lĩnh vực Cảnh sát hình sự, ma túy, quản lý hành chính, trại giam bị phơi nhiễm, nhưng không có kiến thức về phơi nhiễm, không điều trị phơi nhiễm. Và rất không may, một số người đã vô tình nhiễm virus HIV/AIDS từ đối tượng quá trình làm nhiệm vụ. Họ đã phải chấp nhận và sống chung với “vết thương không mảnh đạn” này, một cuộc sống có quá nhiều sự hy sinh.

Chắc mọi người vẫn còn nhớ đồng chí Nguyễn Thành Dũng, nguyên Trung úy Đội Cảnh sát hình sự Công an quận 11, TP Hồ Chí Minh. Vợ anh, rồi anh mất đi vì virus HIV, để lại cuốn nhật ký cho con trai gây xúc động, lay động tất cả tâm hồn độc giả. Anh Dũng hy sinh ngày 13/6/2006, sau 5 năm gắng gượng chiến đấu với virus HIV mà anh vô tình bị lây nhiễm. Vợ của Dũng cũng đã ra đi vào tháng 12/2005. Họ để lại một đứa con nhỏ vừa qua tuổi lên 10. Anh Nguyễn Thành Dũng cũng không biết bản thân mình bị lây nhiễm HIV trong trường hợp nào.

Trong cuốn hồi ký của anh, anh chỉ nhớ rằng: “Vào tháng 10/1998, trong một lần kết hợp với Công an phường 8, quận 11 mai phục triệt phá một ổ buôn bán ma túy, ba bị tai nạn. Một tên tội phạm ma túy đã vật lộn và đâm ba, có lẽ nó đã bị virus HIV… Tháng 11/2000, trong khi trinh sát tại Công viên Lãnh Binh Thăng, ba bị một đối tượng dùng kim tiêm đâm lén từ phía sau rồi bỏ chạy, trời tối và đang làm nhiệm vụ, ba không đuổi theo. Về đơn vị, bác đội phó kêu ba đi chích ngừa, nhưng ba đã không đi...”.

Tháng 2/2002, anh Dũng bị sốt cao kéo dài, nghĩ bị sốt rét, anh vào nằm Viện 30-4 và xét nghiệm máu. Cầm tờ giấy xét nghiệm trên tay, vợ anh bật khóc nức nở, còn anh thì chết lặng… Sau đó, gần 5 năm trời, vợ chồng anh Dũng đã phải chống chọi với virus HIV/AIDS. Anh chỉ ân hận một điều rằng: "Mình không biết sớm để tránh lây nhiễm cho vợ".


Công an TP HCM trao bằng “Tổ quốc ghi công” cho gia đình liệt sỹ Nguyễn Thành Dũng.

Niềm an ủi duy nhất, hạnh phúc duy nhất của hai vợ chồng Dũng là bé Nguyễn Duy Minh xét nghiệm âm tính. Những ngày sau đó, hai vợ chồng Dũng cứ kìm nén nỗi khao khát được ôm thằng bé vào lòng. Khi phát bệnh nặng, vợ chồng anh Dũng đã gửi hẳn bé Minh về ở bên ngoại. 6 tháng cuối đời, nằm trong bệnh viện, ngày nào anh Dũng cũng gọi điện cho con trai nhưng tuyệt nhiên không một lần cho bé Minh vào bệnh viện thăm bố.

Trong lực lượng CAND, ngoài đồng chí Nguyễn Thành Dũng, hiện chỉ có một trường hợp nữa chính thức được công nhận là nhiễm HIV do tai nạn nghề nghiệp. Đó là Thiếu tá Nguyễn Quang Ánh, làm y sỹ trực tiếp khám bệnh và điều trị bệnh cho phạm nhân tại Trại giam Thủ Đức.

Cách đây 13 năm, vào khoảng 8h15 ngày 6/7/2001, anh Ánh đã trực tiếp cấp cứu phạm nhân Bùi Văn Phú tại bệnh xá phân trại số 3 - Trại giam Thủ Đức. Phạm nhân Phú bị nhiễm HIV/ AIDS đã được đưa đi điều trị tại Bệnh viện Phan Thiết, sau đó được chuyển về điều trị tiếp tại phân trại số 3, Trại giam Thủ Đức. Trong lúc đang điều trị, đối tượng này đã dùng mảnh sành tự rạch vào động mạch tay, bụng và đùi mình, sau đó dùng ca hứng máu rồi hăm dọa cán bộ và một số phạm nhân khác.

Trước tình huống như vậy, anh Ánh, lúc đó mang cấp hàm Trung úy, đã phân tích, giáo dục nhưng Phú không nghe. Hắn còn cầm ca máu nhiễm bệnh của mình hất lên người và mặt anh Ánh. Do chủ quan, anh Ánh không nghĩ đến khả năng bị phơi nhiễm HIV/AIDS và cũng không đi xét nghiệm…

3 năm sau, vào ngày 15/7/2004, anh Ánh đưa vợ đi sinh đứa con đầu lòng tại Bệnh viện 30-4, Bộ Công an. Đáng nhẽ đó phải là ngày hạnh phúc nhất của đôi vợ chồng trẻ khi đón nhận những tiếng khóc đầu đời của đứa con mà họ hằng mong đợi. Thế mà, khi vào làm xét nghiệm để sinh con, Bệnh viện 30-4 đã phát hiện cả 2 vợ chồng anh Ánh bị nhiễm HIV.

Tin dữ khiến đôi vợ chồng trẻ đau đớn, bàng hoàng. Vợ anh, sức khỏe đang rất yếu sau sinh con đã không trụ được. Chị ra đi, để anh ở lại, đau đớn, nhưng phải gạt nước mắt để sống tiếp. Giờ đây, sức khỏe của anh cũng đã giảm nhiều, anh đã chuyển sang giai đoạn AIDS, phải điều trị thuốc kháng virus phác đồ bậc II.

Nhưng cũng như vợ chồng anh Nguyễn Thành Dũng, trong nỗi đau của bản thân, anh Ánh cũng đã được ông trời ban tặng một niềm vui: con gái bé nhỏ của anh đã không bị nhiễm HIV/ AIDS từ bố mẹ.

Tôi liên lạc với Thiếu tá Nguyễn Quang Ánh vào một buổi sáng cuối năm. Dường như đã chạm đến ngưỡng của nỗi đau tột cùng nên khi nhắc đến những chuyện đã qua, giọng anh đều đều, không quá nhiều cảm xúc. Chỉ đến khi nhắc đến đứa con nhỏ hiện đang học lớp 5, gửi về cho ông bà nội ở một huyện ngoại thành Hà Nội, giọng anh mới vui hơn.

Anh nói rằng, nhớ con bé lắm, ngày nào cũng phải gọi điện cho nó. Nhưng anh không thể để nó ở trong này với bố, bởi anh sợ, một nỗi sợ rất mơ hồ, sẽ chẳng may lây căn bệnh chết người mình đang mang sang con gái…

Sức khỏe yếu đi vì căn bệnh hiểm và những tác dụng phụ của thuốc điều trị, nhưng hằng ngày, anh Ánh vẫn cùng đồng đội hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Anh có thể nghỉ ngơi, không ai trách anh, nhưng anh không muốn. Tôi hỏi dịp nghỉ Tết lần này, anh có ra Hà Nội thăm bố mẹ và con gái không.

Anh bâng khuâng: “Chắc là không. Vì vào dịp cuối năm công việc ở trại giam rất bận, Công an các tỉnh chuyển phạm nhân về đông, tâm lý của nhiều phạm nhân lại không ổn định, dễ nảy sinh tiêu cực, buồn chán”. Anh bảo, còn ngày nào, anh còn làm việc với đúng trách nhiệm và danh dự của người lính…

Có một điều khiến chúng tôi, những người thực hiện bài báo này, rất khâm phục: đó là ý chí, là nghị lực của những CBCS bị phơi nhiễm, nhiễm HIV trong khi làm nhiệm vụ mà chúng tôi đã gặp và tìm hiểu; các anh không một lời than, không một lời kể công về sự hy sinh của mình trong công việc. Và các anh dũng cảm lao vào cuộc chiến đấu với tội phạm mà bản thân họ quá thấu hiểu những nguy hiểm tiềm ẩn. Họ, dẫu đã trải qua những giờ khắc lo âu, những hy sinh rất đau đớn khi bị phơi nhiễm, nhiễm HIV, nhưng vẫn không hề chùn bước. Có lẽ chúng tôi chỉ trả lời được rằng: Bởi vì họ là những chiến sỹ CAND!

Theo Trung tá Nguyễn Thị Thu Ba, Phó trưởng Phòng Y tế dự phòng, Cục Y tế - Bộ Công an, trên thực tế, có một số CBCS của lực lượng Công an đã bị nhiễm HIV trong quá trình làm nhiệm vụ. Nhưng do giai đoạn trước đây, rất nhiều người không có kiến thức về dự phòng phơi nhiễm HIV, chủ quan, lại không làm đầy đủ thủ tục từ ban đầu nên đã không được cấp giấy chứng nhận bị nhiễm HIV do tai nạn nghề nghiệp.

Theo Điều 2, Quyết định 22/2003/QĐ-TTG ngày 30/1/2003, CBCS lực lượng Công an trong khi làm nhiệm vụ bị tội phạm tấn công mà bị nhiễm HIV/AIDS được khám chữa bệnh theo quy định; được hưởng chính sách bệnh binh; khi từ trần được xét công nhận liệt sỹ theo các điều kiện, tiêu chuẩn, thủ tục quy định tại Nghị định số 28/CP ngày 29/4/1995.

Nguồn: cand.com.vn