Công an tỉnh Bình Phước
Diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ: TẤN CÔNG ĐỢT I
Lượt xem: 1197

Sự chỉ đạo chiến dịch của Đảng ta rất thận trọng theo một nguyên tắc “đã đánh thì phải thắng” để vừa tiêu diệt địch, vừa bồi dưỡng được lực lượng ta. Cho nên, đánh một chiến dịch lớn như Điện Biên Phủ mà không bảo đảm chắc chắn thắng lợi là một việc không thể nào làm được. Không bảo đảm chắc chắn thắng lợi nghĩa là có thể thất bại, mà thất bại sẽ có một hậu quả tai hại rất lớn: Kẻ địch sẽ tiến hành được kế hoạch xâm lược theo ý định của chúng, còn lực lượng ta sẽ bị tổn thất nặng nề, không những ngay ở trên chiến trường Điện Biên Phủ mà còn khi kéo quân trở về xuôi. Kẻ địch có thể lợi dụng thời cơ lúc đó tập trung lực lượng đánh vào vùng tự do để thực hiện âm mưu tiêu diệt một bộ phận lớn chủ lực của ta và cơ quan đầu não kháng chiến. Nếu thất bại thì còn ảnh hưởng tai hại đến tinh thần bộ đội và nhân dân ta nữa. 
 

anh tin bai

Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp họp Bộ Tổng tham mưu nghiên cứu kế hoạch tác chiến Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư Liệu)

Cho nên quyết định cách đánh ở Điện Biên Phủ là một vấn đề hết sức quan trọng có ảnh hưởng đến bước tiến của toàn quân, toàn dân lúc đó.

Thời gian đầu khi địch mới nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, vấn đề “đánh nhanh, giải quyết nhanh” đã được đặt ra vì căn cứ vào một số điểm thuận lợi trước mắt như: Công sự địch chưa được củng cố, lực lượng địch chưa được tăng cường nhiều, lực lượng ta còn sung sức. Hơn nữa, cuộc chiến đấu không phải kéo dài thì bộ đội ít ngại tiêu hao mệt mỏi, vấn đề tiếp tế cũng có thể giải quyết được nhanh chóng vì không cần phải huy động số lớn người phục vụ và số lớn lương thực từ hậu phương xa tới.

Nhưng trong quá trình theo dõi địch, ta thấy rằng địch cũng đã bố trí tương đối vững chắc, có tăng thêm quân, phi cơ và pháo binh của chúng phối hợp chặt chẽ. Còn về phía ta, vì chưa có kinh nghiệm đánh một tập đoàn cứ điểm mạnh như Điện Biên Phủ, nếu chủ trương “đánh nhanh giải quyết nhanh” thì thắng lợi không được bảo đảm chắc chắn.

Sau khi nghiên cứu, cân nhắc vô cùng thận trọng tình hình địch và tình hình ta với một tinh thần trách nhiệm rất cao, với một nghị lực rất lớn, Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy đã kiên quyết xác định phương châm tác chiến là “đánh chắc, tiến chắc”.

Quyết định này biểu hiện quyết tâm cao độ của Đảng. Vì “đánh chắc, tiến chắc” tức là mọi công việc chuẩn bị cũng kéo dài, thời gian chiến dịch cũng kéo dài. 

Thời gian kéo dài, công việc tiếp tế càng khó khăn gấp bội, từ khó khăn này lại nảy ra khó khăn khác. Đường tiếp tế dài hàng năm, bảy trăm cây số, đa số phương tiện vận tải lại thô sơ, mỗi ngày phải tiếp tế cho hàng mấy vạn người ở trên một trận tuyến dài từ ba mươi đến bốn mươi cây số xung quanh Điện Biên Phủ. Tiếp tế đạn dược lương thực lại phải liên tục, chậm một ngày cũng không được, trong khi đó kẻ địch dùng bom đạn ra sức ngăn cản ta để mong hãm ta vào tình thế nguy nan. 

Thời gian kéo dài sức lực bộ đội ta có thể bị mệt mỏi tiêu hao. 

Thời gian kéo dài kẻ địch cũng có điều kiện, tập trung thêm lực lượng mạnh. 

Nếu chiến dịch kéo dài thì sẽ gặp mùa mưa. Mà mùa mưa ở vùng rừng núi là một trở ngại rất lớn. Mưa to, dai dẳng, nước lũ biến suối thành sông, cuốn băng cả cầu, ngập cả đường, ngăn cản giao thông vận tải. Chiến trường Điện Biên Phủ là một lòng chảo sẽ bị ngập lụt, việc ăn ở, sinh hoạt, tác chiến lại càng thêm phức tạp.

Đứng trước những khó khăn lớn lao đó, không phải là mọi người đã thông suốt phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. 

Nhưng Đảng đã biết dựa vào lực lượng vô cùng vĩ đại của nhân dân, vào tinh thần vô cùng anh dũng của bộ đội, nên đã kiên trì giáo dục làm cho mọi người hiểu rõ nhiệm vụ, ra sức khắc phục khó khăn để hoàn thành sứ mạng lịch sử.

Căn cứ vào phương châm tác chiến này, Bộ Tổng Tư lệnh đặt kế hoạch dùng chiến thuật bao vây tiêu diệt từng khu vực phòng ngự của địch, tổ chức trận địa bằng nhiều đường giao thông hào để dễ dàng tiến sát tiêu diệt địch, đồng thời để chia cắt từng khu vực nhất là cắt rời khu Trung tâm với khu phía Nam.

Bộ Tổng Tư lệnh chủ động chọn thời cơ thuận lợi để hạ lệnh tấn công. 
 

anh tin bai

Đường lên Tây Bắc (Ảnh: Tư liệu)

Thời cơ thuận lợi đó là lúc mà khối 44 tiểu đoàn chủ lực của địch ở đồng bằng Bắc Bộ đã bị ta “điều động” phân tán đi tứ phương ở trên các chiến trường Việt, Lào, Miên, là lúc địch nhận định sức tấn công của ta đã đến mức độ cao nhất và không còn đủ lực lượng để tấn công Điện Biên Phủ nữa, là lúc địch đánh ra Quy Nhơn để hòng thực hiện âm mưu phản công, giành lại chủ động và hoàn thành bước thứ hai của kế hoạch Na-va. 

Ngày 12-3-1954, địch vừa bắt đầu đánh ra Quy Nhơn, vùng tự do của ta ở Liên khu 5, thì ngày 13-3-1954 ta cũng bắt đầu tấn công vào Điện Biên Phủ. 
 

anh tin bai

Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp quan sát trận địa trước giờ nổ súng. (Ảnh: Tư liệu)

Bốn giờ chiều ngày 13-3-1954, tiếng súng tấn công của ta vào vị trí Him Lam chấn động khắp núi rừng Điện Biên Phủ, vang dội khắp toàn quốc và trên thế giới, mở đầu cho đợt tấn công thứ nhất. 

Vị trí Him Lam là một cụm cứ điểm đóng trên ba quả đồi, chiều ngang và chiều dọc khoảng năm trăm mét, lực lượng có một nghìn quân lê dương tinh nhuệ do tên quan tư Pê-gô chỉ huy. Vị trí này là một cửa ngõ phía Đông Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có nhiệm vụ ngăn đường tiến của ta từ Tuần Giáo đi vào Điện Biên Phủ và là một vị trí then chốt che chở khu sân bay và khu Mường Thanh.

Vì vậy, địch đã xây dựng công sự phòng ngự ở đây rất vững chắc. Xung quanh vị trí là một bãi dây thép gai chằng chịt dày tới bảy mươi mét trong đó gài mìn đủ các loại (mìn sáng, mìn “chiêng” chứa tới ba mươi kg thuốc nổ, v.v...), chỉ cần bấm điện là cả hệ thống mìn đó nổ tung thành một hàng rào lửa.

Vị trí Him Lam còn được trang bị nhiều thứ quân dụng tối tân như máy nhìn ban đêm bằng tia hồng ngoại, máy nghe tiếng động để có thể phát hiện đối phương từ xa để dùng đại bác bắn chặn đường. Các khẩu pháo ở trận địa Mường Thanh và Hang Cúm cũng đã lấy thước ngắm sẵn sàng bắn yểm hộ xung quanh đồn. Đờ Cát-tơ-ri cho Him Lam là một vị trí chắc chắn kiểu mẫu, bất khả xâm phạm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Cả những tên lính lê dương chán, sợ chiến tranh ra hàng ta cũng thật thà nói với ta rằng không nên đánh vào Him Lam. 

Nhưng đó chỉ là những ý kiến chủ quan của quân tướng địch.

Đúng 16 giờ ngày 13-3-1954, pháo binh của ta từ những trận địa trên núi xung quanh Điện Biên Phủ đã dội hàng nghìn quả đại bác trong một lúc vào đồn Him Lam và vào những trận địa pháo binh của giặc. Lần đầu tiên trong lịch sử chống thực dân xâm lược, ta đã sử dụng pháo binh bắn tập trung với khí thế mạnh mẽ áp đảo quân thù như vậy.

Suốt trong hai tiếng đồng hồ, từng loạt đại bác nổ dồn dập, san bằng và lật tung hết lô-cốt này đến lô-cốt khác, đài vô tuyến điện liên lạc với Mường Thanh cũng thành tro bụi, nhiều ụ súng bị tung lên tơi bời cùng với xác những tên lính viễn chinh hung hãn. Những hệ thống mìn của địch cũng nổ tung và chính những quả mìn đó đã cắt đứt nhiều hàng dây thép gai của chúng. Đồn Him Lam bẹp dúm và bần bật run lên dưới hỏa pháo của ta.

Pháo binh địch bị tiêu diệt một bộ phận nên ba mươi phút đầu chúng không bắn lại được phát nào. 

Ở hai trường bay lúc bấy giờ còn mấy chiếc phi cơ của địch chưa kịp cất cánh cũng bị pháo binh của ta bắn cháy nốt.

Trong lúc pháo binh ta bắn thì bộ binh của ta tiến theo giao thông hào tới gần đồn địch.

Khi bộ binh của ta bắt đầu nổ súng thì trên không phận của trận địa chỉ có hai chiếc phi cơ địch hoạt động. Sau đó một đoàn tám chiếc khu trục từ phía Hà Nội bay lên. Lập tức cao xạ pháo của ta nhả đạn. Mấy chiếc này phải bay tít trên cao ba nghìn thước thả vội vàng mấy quả bom rồi cút thẳng về căn cứ.

Đến 17 giờ 50, bộ binh của ta được lệnh chuẩn bị xung phong. Chỉ trong mười lăm phút, đội xung kích của ta dùng thuốc nổ phá tan cả hệ thống dây thép gai, mở đường cho bộ binh ào ào tiến lên. 

Cuộc chiến đấu bắt đầu trở nên ác liệt. Tiểu đội “dao nhọn” Trần Can một lúc chọc thủng cả tuyến phòng ngự hàng chục lô-cốt, diệt hai mươi hai tên địch, cắm lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” phấp phới trên ngọn đồi Him Lam.

Ở ngọn đồi số hai, cuộc chiến đấu cũng cam go từng giờ từng phút. Trong khi súng máy của ta đem lên không có chỗ đặt, đại bác địch lại dội hết loạt này đến loạt khác để ngăn chặn bộ binh ta. Đồn Him Lam chìm trong khói lửa mù mịt, đất cát tung bay vùi lấp cả súng máy. Ta phải dùng tiểu liên và lựu đạn để chiến đấu. Diệt xong lô-cốt số một, bộ đội ta đang tiến lên thì gặp lô cốt số hai phun lửa ra dữ dội bắn quét sát mặt đất đến nỗi nằm dán mình xuống mà vẫn bị đạn. 

Lúc đó đồng chí Phan Đình Giót tuy đã bị thương ở bả vai, vẫn bò lên ném hết lựu đạn và bắn hết đạn tiểu liên vào lô-cốt đó nhưng vẫn không tiêu diệt được hỏa điểm. Nhìn lại đằng sau, thấy đồng đội ào lên xung phong trong làn đạn địch, nhiều đồng chí hy sinh gục xuống. Đồng chí Giót căm thù sục sôi, gắng sức bò đến sát lỗ châu mai, lao mình vào bịt chặt miệng súng của địch. Luồng đạn của địch tắc lại ngay tức khắc. Lợi dụng thời cơ đó, bộ đội ở đằng sau vụt lên tiêu diệt lô-cốt. Đồng chí Giót hy sinh anh dũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho trận đánh Him Lam toàn thắng.

Sau lúc đồng chí Giót hy sinh, khí thế mọi người ngùn ngụt dâng lên, chiến đấu anh dũng gấp bội. Như đồng chí Tuệ mang trên mình hàng chục vết thương vẫn xông lên diệt và bắt sống hai mươi tên địch và đánh một quả thuốc nổ mười kg, phá tan đồn của tên quan tư chỉ huy. Đồng chí Nguyễn Hữu Oanh bị bom na-span bỏng khắp cả mặt, cả người, vẫn luồn qua hàng rào dây thép gai, vượt qua lửa đạn, trèo thẳng lên lô-cốt cắm cờ. Đồng chí Thi đã cùng tiểu đội mình vừa đánh vừa gọi địch hàng; khi đã bắt được tù binh, đồng chí đã hạ lệnh cho tù binh phải đi nhặt lựu đạn đưa cho đồng chỉ sử dụng, phải dẫn đường cho đồng chí đi đánh các lô-cốt. Tư thế dũng mãnh của đồng chí đã làm cho bọn tù binh răm rắp nghe theo. Trong trận Him Lam, cả một tập thể anh dũng gan dạ của bộ đội ta đã làm cho quân địch tại đây hoảng sợ.

Sau bốn giờ chiến đấu, bộ đội ta đã phá tan vị trí Him Lam, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch tại đây, ghi một chiến công rực rỡ mở đầu thắng lợi cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Sau khi thắng trận, bộ đội ta đã băng bó cho thương binh địch ngay tại chỗ. Sau đó, Bộ Chỉ huy của ta đã gửi cho tên Đờ Cát-tơ-ri chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ một bức thư cho phép hắn mang cờ hồng thập tự ra chuyển thương binh về. Diệt xong Him Lam, chiều 14-3-1954, ta lại tấn công vị trí Độc Lập là cửa ngõ vững chắc ở phía Bắc Điện Biên Phủ, có một nghìn lính Bắc Phi tinh nhuệ, xây dựng trên một quả đồi chiều dài bảy trăm mét, chiều ngang một trăm năm mươi mét, hình bầu dục theo kiểu yên ngựa, cách khu trung tâm ba ki-lô-met, án ngữ con đường từ Lai Châu đi vào Điện Biên Phủ và che chở cho sân bay khu trung tâm, 
 

anh tin bai

Bộ đội ta kéo pháo vào trận địa

Đúng năm giờ chiều, trọng pháo của ta bắt đầu bắn vào vị trí dồi Độc Lập và vào khu chỉ huy của Đờ Cát-tơ-ri ở Mường Thanh. Suốt từ đó đến hai giờ sáng ngày 15-3, trên mặt trận Điện Biên Phủ đã diễn ra một trận pháo chiến dữ dội.

Sau mấy loạt pháo đầu tiên của quân ta, pháo binh của địch hoạt động rất mạnh, đan thành một lưới lửa xung quanh đồi Độc Lập. Nhưng trọng pháo của ta đã bắn trả rất mạnh mẽ, và bắn rất trúng nên đã chế áp pháo binh địch. Vị trí đồi Độc Lập bốc cháy rừng rực, một kho đạn ở Mường Thanh cũng phát hỏa, đạn nổ vang trời. Đến 2 giờ sáng, bộ binh của ta được lệnh tấn công, vượt qua các lớp hàng rào dây thép gai dày hơn năm mươi mét để xung phong vào đồn. Cuộc chiến đấu ác liệt tiếp diễn cho đến sáu giờ sáng.

Lúc này quân ta đã tiêu diệt gần xong vị trí, địch chỉ còn vài hầm cố thủ chống cự lại một cách yếu ớt thì Bộ Chỉ huy địch ở Mường Thanh cho khoảng một nghìn quân, có năm xe tăng yểm hộ tiến ra tiếp viện. Đến nửa đường bị pháo binh của ta bắn chặn trúng một xe tăng bốc cháy và trúng vào toán quân đi đầu. Bốn xe tăng kia phải dừng ngay rồi quay lộn lại, bọn lính cũng chạy tán loạn về phía Mường Thanh. Quân ta lập tức đuổi theo tiêu diệt thêm một số.

Đến bảy giờ sáng, quân ta hoàn toàn làm chủ vị trí đồi Độc Lập, tiêu diệt và bắt sống hết quân địch ở đó, thu toàn bộ vũ khí trong đó có tám khẩu súng cối 120 ly. Ta lại dùng ngay những khẩu súng đó để bắn vào khu Mường Thanh.

Qua ngày 16-3, đồn Bản Kéo ở phía Tây Bắc Điện Biên Phủ có bốn trăm lính ngụy Thái nghe theo lời kêu gọi của ta phải xin đầu hàng.

Theo lời khai của những hàng binh này, thì từ tên quan ba chỉ huy đến cai, đội, lính đều sợ chết, khóc sướt mướt cả ngày vì không được rút về khu trung tâm. Tên quan hai Mi-sen tự tay cầm búa đi phá vỡ súng máy 12 ly 7 và khẩu đại bác 57 ly. Nó vứt cả nòng súng cối 81 ly và nói: “Đồn này không giữ được đâu, đừng bắn súng nữa kẻo Việt Minh bắn đại bác thì chết hết”. Cả đồn cứ lo ngay ngáy về đại bác của ta nên dù bọn lính có trông thấy bộ đội ta đào hào tiến sát tới đồn địch cũng không dám bắn. Tây sợ lính Thái chạy, phải gác suốt đêm ngày, không cho lính Thái đi đâu cả. Đến chiều ngày 16-3, bị đói cơm hai bữa liền, tất cả lính Thái mang súng lên đòi Mi-sen phải có cơm. Nó sợ quá chạy sang báo tên quan ba, thế là cả tụi Tây rút chạy tán loạn. Thừa dịp ấy, tất cả lính Thái gồm bốn trăm người kéo cờ trắng gọi nhau chạy sang hàng bộ đội ta.

Thế là chỉ trong có bốn ngày, cả tuyến phòng thủ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị hoàn toàn tiêu diệt. Đến đây cũng là lúc kết thúc đợt tấn công thứ nhất của ta từ 13-3-1954 đến 17-3-1954. 

Những chiến thắng đầu tiên giòn giã đã cổ võ tinh thần phấn khởi của toàn thể quân đội và nhân dân ta. Hàng vạn lá thư, hàng chục tấn quà và tặng phẩm từ hậu phương gửi ra tiền tuyến khích lệ bộ đội. Những chiến thắng đó đã đánh dấu sự trưởng thành rõ rệt của bộ đội ta và đặt cơ sở cho nhiều chiến thắng sau này, vì toàn khu phía Bắc Điện Biên Phủ mà ta chiếm được sẽ trở thành những căn cứ bàn đạp thuận lợi cho các đợt tấn công khác vào khu trung tâm.

Về phía địch, sau những thất bại lớn, tinh thần binh lính giảm sút nhiều và không tin tưởng ở “Điện Biên Phủ bất khả xâm phạm” nữa. Tên quan năm Pi-rốt, Phó Tư lệnh phụ trách chỉ huy pháo binh ở Điện Biên Phủ trước đây đã từng tuyên bố huênh hoang “sẽ làm câm họng pháo của Việt Minh” thì nay bị khiển trách vì bất lực đến nỗi phải tự tử.

Còn Na-va ở Hà Nội thì vội vã tăng viện cho Đờ Cát-tơ-ri hai tiểu đoàn, nhưng lực lượng này chưa đủ để bổ sung vào số quân vừa bị tiêu diệt. Mặt khác, địch dùng không quân oanh tạc dữ dội xung quanh Điện Biên Phủ hòng tiêu hao lực lượng của ta, đồng thời ra sức tăng cường phòng ngự để cố thủ khu trung tâm. 

Tuy nhiên, Na-va vẫn chủ quan nhận định rằng những hoạt động của ta vừa qua chỉ có tính chất nghi binh, chứ ta không còn đủ lực lượng để tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Sau khi bị mất các vị trí Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, Đờ Cát-tơ-ri điên cuồng tàn sát dã man những đồng bào Thái mà chúng đã dồn vào trại tập trung từ khi chúng chiếm Điện Biên Phủ. Chúng đã ném bom ngay vào trại tập trung ở các bản Cô My, Long Nhai, khiến cho trong giây phút có tới năm trăm người chết một lúc.

Chúng còn bắt dân phải làm lều tranh ở trên mặt đất gần hầm chúng bố trí để làm bình phong che cho chúng. Do đó, trong cơn đạn lạc tên bay, dân cũng bị chết nhiều. Ta phải bắc loa kêu gọi nhân dân đào hầm trú ẩn và cho người vào bí mật liên lạc để dẫn nhân dân ra dần dần. 

Nhân dân sống ở trong trại tập trung thật muôn vàn khổ cực: Thiếu gạo, thiếu rau, thiếu muối, trẻ con và người già chết dần. Chỉ có đàn bà được phép ra khỏi trại tập trung để kiếm thức ăn, nhưng ra ngoài thì lại bị binh lính Pháp hãm hiếp.

Sau này ta tính ra trong số chín nghìn dân ở các trại tập trung thì một phần tư đã bị chết trong đó có khoảng bảy trăm người chết vì bom đạn địch, một nghìn năm trăm người bị chết vì đói và bệnh tật. 

Những tội ác này một lần nữa bóc trần bộ mặt dã man tàn ác của bọn thực dân Pháp sắp chết đến nơi mà vẫn chứng nào tật ấy. 

Còn bọn cầm quyền phản động Pháp và bọn đế quốc Mỹ thì có thái độ ra sao sau những thất bại đầu tiên ở Điện Biên Phủ? 

Chúng ra lệnh cho các đài phát thanh của chúng cố thu nhỏ những thất bại to lớn của chúng ở Điện Biên Phủ. Nhưng sự thật vẫn là sự thật, bức màn dối trá đó cứ bị những phát đại bác của ta phá thủng. Nhân dân Pháp càng thấy rõ thanh niên Pháp đã bị xô đẩy sâu vào con đường chết để bảo vệ quyền lợi ích kỷ của chúng, nên càng ra sức đấu tranh. Ý muốn chấm dứt chiến tranh xâm lược ở Đông Dương đã trở thành một yêu sách cấp bách của toàn dân Pháp. Ngay trong giai cấp tư sản Pháp, nhiều người cũng đã công khai thừa nhận sự thất bại của thực dân Pháp và đều tỏ ý lo lắng trước sự can thiệp trắng trợn của Mỹ vào chiến tranh Đông Dương và tán thành thương lượng với Chính phủ ta. Những thủ lĩnh Đảng Cộng hòa bình dân, một đảng trước kia chủ trương tiếp tục chiến tranh xâm lược đến cùng, đã phải thông qua Nghị quyết tán thành việc triệu tập hội nghị Giơ-ne-vơ. 

Các nghị sĩ các đảng tư sản như Đa-ni-en May-e (Xã hội), Đa-la-đi-ê, Măng-đét Phơ-răng-xơ (Xã hội cấp tiến) đã công kích kịch liệt chính sách theo Mỹ tiếp tục chiến tranh của chính phủ phản động La-ni-en.

Trước tình hình ấy, đế quốc Mỹ càng tăng thêm can thiệp và ra sức thúc ép thực dân Pháp. Tên Đi-ông, đại sứ Mỹ ở Pháp đã gặp Bi-đón, ngoại trưởng Pháp ba lần để bàn về Điện Biên Phủ. Hắn cảnh cáo cho bọn La-ni-en biết rằng Mỹ không thể công nhận một cuộc thương lượng nào về vấn đề Đông Dương, vì Mỹ đã phải bỏ ra 80% chiến phí, nếu chính phủ Pháp tìm con đường hòa bình tức là đã đầu hàng! 

Do Mỹ ra lệnh, ngày 17-3, chính phủ La-ni-en đã phải họp cấp tốc để bàn cách đối phó với tình hình Điện Biên Phủ. Ê-ly, Tổng tham mưu trưởng Pháp đã sang nằm túc trực ở Hoa Thịnh Đốn nhận lệnh của Mỹ. Đa-lét, ngoại trưởng Mỹ đã họp với Bi-đôn để bàn về vấn đề sử dụng các chuyên viên quân sự Mỹ ở Đông Dương và việc Mỹ cấp tốc gửi thêm vũ khí và phi cơ sang Đông Dương. Theo tin Mỹ thì ngày 16-3-1954, Chính phủ Mỹ đã cấp tốc cho 11 chiếc tàu lớn chở vũ khí sang Đông Dương. 

Ai-xen-hao, Tổng thống Mỹ, và Uyn-sơn, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lại còn triệu tập Mác Ác-tơ, một tên đao phủ Mỹ đã gây bao nhiêu tộc ác ở Triều Tiên, và Nhật Bản trước đây, để họp bàn về tình hình Đông Dương và Đông Nam Á.

Chúng bàn gì? Không có gì khác là đặt thêm mưu kế để tiếp tục can thiệp vào Đông Dương và phá hoại việc họp Hội nghị Giơ-ne-vơ lúc đó đã được công bố sẽ triệu tập vào ngày 26-4-1954. 

Uy-lây (Wiley) nghị sĩ phụ trách Tiểu ban ngoại giao trong quốc hội Mỹ tuyên bố trắng trợn hôm 23-3-1954: “Mỹ sẽ cung cấp tất cả vũ khí và phương tiện mà Pháp cần. Không những thế, Mỹ còn cung cấp cả chuyên viên quân sự và các huấn luyện viên nữa”.

Mặc dù âm mưu của chúng rất thâm độc, mặc dù chúng rất ngoan cố trong chính sách ăn cướp, chúng vẫn không ngăn cản nổi đà chiến thắng của bộ đội ta ở Điện Biên Phủ cũng như trên khắp các chiến trường.

 
VĂN THỦY (Tổng hợp)