Admin
MỘT SỐ ĐIỂM MỚI NỔI BẬT CỦA LUẬT CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG NĂM 2022 (P2)
Lượt xem: 940
Ngày 14/6/2022, Quốc hội đã thông qua Luật Cảnh sát cơ động 2022 tại kỳ họp thứ 3, khóa XV. Luật quy định 9 nhiệm vụ và 7 quyền hạn cho Cảnh sát cơ động. Luật Cảnh sát cơ động 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.
 


Ảnh: Kết quả đại biểu tham gia biểu quyết thông qua
Luật Cảnh sát cơ động 2022.

Dưới đây là phần tiếp theo về một số điểm mới nổi bật của Luật Cảnh sát cơ động năm 2022:

5. Bốn đối tượng được phép điều động Cảnh sát cơ động

Theo Điều 20 Luật Cảnh sát cơ động 2022, 04 đối tượng sau đây được phép điều động Cảnh sát cơ động, bao gồm:

- Bộ trưởng Bộ Công an: điều động Cảnh sát cơ động trong phạm vi toàn quốc để thực hiện nhiệm vụ.

- Tư lệnh Cảnh sát cơ động: điều động Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ trong các trường hợp sau đây:

+ Đơn vị Cảnh sát cơ động thuộc quyền thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch, phương án thuộc thẩm quyền phê duyệt;
 
Đơn vị Cảnh sát cơ động theo phương án đã được cấp trên phê duyệt, được ủy quyền phê duyệt hoặc khi được giao chủ trì chỉ huy giải quyết các tình huống cụ thể;
 
Đơn vị Cảnh sát cơ động thuộc quyền để thực hiện nhiệm vụ trong trường hợp cấp bách và đồng thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an.

- Giám đốc Công an cấp tỉnh: điều động đơn vị Cảnh sát cơ động thuộc quyền thực hiện nhiệm vụ trong các trường hợp sau đây:

+ Thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch, phương án đã được cấp trên phê duyệt hoặc thuộc thẩm quyền phê duyệt;

+ Thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn quản lý trong trường hợp cấp bách và đồng thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an.

- Chỉ huy đơn vị Cảnh sát cơ động: điều động, sử dụng đơn vị thuộc quyền để thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch, phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; điều động đơn vị thuộc quyền tham gia phòng, chống, khắc phục thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ và đồng thời báo cáo chỉ huy cấp trên trực tiếp.

(So với quy định hiện hành, không còn quy định đối tượng là Chỉ huy cấp Trung đoàn, Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động đóng quân độc lập được phép điều động Cảnh sát cơ động.)

Lưu ý: Việc điều động Cảnh sát cơ động trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiết quân luật, giới nghiêm được thực hiện theo quy định của pháp luật và quyết định của cấp có thẩm quyền.
6. Quy định về phối hợp thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động
Điều 21 Luật Cảnh sát cơ động 2022 bổ sung quy định về phối hợp thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động so với quy định hiện nay. Trong đó, quy định nguyên tắc phối hợp như sau:
- Việc phối hợp phải trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng theo quy định của pháp luật, quyết định của cấp có thẩm quyền và phù hợp với tình hình thực tế;
- Bảo đảm sự chủ trì, điều hành tập trung, thống nhất trong công tác chỉ đạo, chỉ huy thực hiện nhiệm vụ; giữ bí mật thông tin về quốc phòng, an ninh và biện pháp nghiệp vụ của cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng trong quá trình phối hợp;
- Bảo đảm chủ động, linh hoạt, cụ thể và hiệu quả, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ trì, phối hợp.
7. Đầu tư trang bị hiện đại, khoa học công nghệ cho lực lượng Cảnh sát cơ động
Hiện nay Cảnh sát cơ động được ưu tiên trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tàu bay, tàu thủy, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ và trang thiết bị đặc chủng chuyên dụng hiện đại.
Điều 23 Luật Cảnh sát cơ động 2022 đã bổ sung thêm Nhà nước ưu tiên đầu tư trang bị hiện đại, nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ cho các hoạt động của Cảnh sát cơ động.
8. Điều chỉnh quy định về cấp nhà ở công vụ cho Cảnh sát cơ động
Được cấp nhà ở công vụ là một trong những chế độ, chính sách mà Cảnh sát cơ động được hưởng.
Luật Cảnh sát cơ động 2022 quy định tại khoản 3 Điều 25 rằng sĩ quan Cảnh sát cơ động sẽ được bố trí nhà ở công vụ.
(Hiện hành, quy định sĩ quan Cảnh sát cơ động công tác ổn định lâu dài tại địa bàn đóng quân độc lập được bố trí nhà ở công vụ.)
9. Đối tượng được tuyển chọn vào Cảnh sát cơ động
Điều 26 Luật Cảnh sát cơ động 2022 vừa bổ sung quy định về việc tuyển chọn công dân vào lực lượng Cảnh sát cơ động. Theo đó:
- Công dân Việt Nam không phân biệt nam, nữ, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có sức khỏe, độ tuổi phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tự nguyện thì được tuyển chọn vào Cảnh sát cơ động.
- Cảnh sát cơ động được ưu tiên tuyển chọn công dân theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Cảnh sát cơ động 2022 có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ hoặc có năng khiếu, tài năng phù hợp để phục vụ lâu dài trong Cảnh sát cơ động.
(Hiện hành chỉ quy định Cảnh sát cơ động phải tuyển chọn nguồn nhân lực có chất lượng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ được giao.)
10. Ưu tiên thực hiện chính sách về nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động
Đây là nội dung được đề cập tại Điều 30 Luật Cảnh sát cơ động 2022 quy định về trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Cụ thể Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:
- Phối hợp với Bộ Công an quy hoạch quỹ đất phù hợp để xây dựng trụ sở đóng quân, thao trường huấn luyện cho Cảnh sát cơ động.
- Hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động của Cảnh sát cơ động phù hợp với khả năng của địa phương và theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Cảnh sát cơ động.
- Ưu tiên thực hiện chính sách về nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động theo quy định của pháp luật.
(Hiện nay, chỉ quy định Ủy ban nhân dân các cấp phải bảo đảm và tạo điều kiện để Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ.)
Luật Cảnh sát cơ động 2022 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2023.

 

Nguyễn Đức Hiếu