Admin
MỘT SỐ ĐIỂM MỚI NỔI BẬT CỦA LUẬT CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG NĂM 2022 (P1)
Lượt xem: 1012
Ngày 14/6/2022, Quốc hội đã thông qua Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) 2022 tại kỳ họp thứ 3, khóa XV. Luật quy định 9 nhiệm vụ và 7 quyền hạn cho CSCĐ. 



Ảnh: Kết quả đại biểu tham gia biểu quyết thông qua Luật CSCĐ 2022.
Dưới đây là một số điểm mới nổi bật của Luật CSCĐ năm 2022:
1. Thêm hành vi bị nghiêm cấm đối với CSCĐ
Điều 8 Luật CSCĐ 2022 quy định bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm đối với CSCĐ như sau:
– Chống đối, cản trở hoạt động của CSCĐ; trả thù, đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cán bộ, chiến sĩ CSCĐ, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ CSCĐ trong thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ. (quy định mới bổ sung)
– Chiếm đoạt, hủy hoại, cố ý làm hư hỏng, tàng trữ, sản xuất, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của CSCĐ.
(Hiện hành, Pháp lệnh CSCĐ 2013 chỉ quy định nghiêm cấm hành vi sản xuất, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí, trang phục, phù hiệu, giấy chứng nhận của CSCĐ.)
– Mua chuộc, hối lộ hoặc có hành vi ép buộc cán bộ, chiến sĩ CSCĐ làm trái với nhiệm vụ, quyền hạn được giao. (quy định mới bổ sung)
– Giả danh cán bộ, chiến sĩ CSCĐ; giả mạo phương tiện, làm giả, mua bán, sử dụng trái phép trang phục, phù hiệu, con dấu, giấy chứng nhận công tác đặc biệt của CSCĐ.
– Cán bộ, chiến sĩ CSCĐ lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác để vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có hành vi sách nhiễu, gây khó khăn đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân.
(So với quy định hiện nay, Luật CSCĐ 2022 đã cụ thể hóa các hành vi bị cấm liên quan đến CSCĐ, đồng thời bỏ đi quy định chung về cấm các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến CSCĐ tại.)
2. Điểm mới về nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ
Hiện hành, Pháp lệnh CSCĐ 2013 quy định chung về cả nhiệm vụ và quyền hạn của CSCĐ tại Điều 7 Pháp lệnh.
Tuy nhiên, Luật CSCĐ 2022 đã chia lại CSCĐ có 9 nhiệm vụ và 7 quyền hạn riêng biệt.
Trong đó, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn mới so với quy định hiện nay, đơn cử như sau:
– Về nhiệm vụ của CSCĐ:
+ Tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an về biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; xây dựng CSCĐ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
+ Sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu để chống hành vi bạo loạn, khủng bố.
+ Thực hiện nghi lễ trong Công an nhân dân và các sự kiện quan trọng theo quy định.

– Về quyền hạn của CSCĐ:

+ Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định tại Điều 15 Luật CSCĐ 2022.
+ Được mang theo người vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không, lên tàu bay dân sự để làm nhiệm vụ theo quy định của Luật CSCĐ 2022.
+ Xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính…
 
3. Quy định về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ của CSCĐ
Điều 15 Luật CSCĐ 2022 quy định việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của CSCĐ như sau:
– Khi thực hiện nhiệm vụ độc lập, cán bộ, chiến sĩ CSCĐ được sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và được nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
– Khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức, việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của CSCĐ phải tuân theo mệnh lệnh của người chỉ huy trực tiếp.
Người ra mệnh lệnh phải tuân thủ quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ , quy định của pháp luật có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên về quyết định của mình.
– Việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ khi thực hiện nhiệm vụ của CSCĐ theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
– Việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của CSCĐ trong huấn luyện, diễn tập thực hiện theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
(Hiện nay chỉ quy định CSCĐ được sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật.)
4. Quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự của CSCĐ
– Khi thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 9 Luật CSCĐ 2022, trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, cán bộ, chiến sĩ CSCĐ được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện, thiết bị đó.
Trường hợp thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố, việc huy động người, phương tiện, thiết bị thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống khủng bố.
Trong trường hợp cấp bách theo quy định nêu trên, cán bộ, chiến sĩ CSCĐ đề nghị tổ chức, cá nhân nước ngoài hỗ trợ, giúp đỡ để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
– Thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự của cơ quan, tổ chức, cá nhân được quy định như sau:
+ Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ thuộc  CSCĐ được huy động người, phương tiện, thiết bị khi thực hiện nhiệm vụ độc lập;
+ Người chỉ huy trực tiếp của CSCĐ tại hiện trường quyết định huy động người, phương tiện, thiết bị khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức.
– Cán bộ, chiến sĩ CSCĐ huy động người, phương tiện, thiết bị có trách nhiệm hoàn trả ngay sau khi trường hợp cấp bách chấm dứt.
Trường hợp người, phương tiện, thiết bị được huy động làm nhiệm vụ mà bị thiệt hại thì được hưởng chế độ, chính sách, đền bù theo quy định tại khoản 4 Điều 32 Luật CSCĐ 2022; đơn vị có cán bộ, chiến sĩ huy động có trách nhiệm giải quyết việc đền bù theo quy định của pháp luật có liên quan.
(Hiện hành, Pháp lệnh CSCĐ 2013 chỉ quy định tại phần nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ như sau:
CSCĐ được quyền huy động người, phương tiện của cá nhân, tổ chức trong tình thế cấp thiết xử lý các tình huống được quy định tại khoản 2 Điều 7 Pháp lệnh hoặc để đuổi bắt người và phương tiện vi phạm pháp luật, cấp cứu người bị nạn.)
(Còn tiếp)

 

Nguyễn Đức Hiếu