Admin
Một số khó khăn trong áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trên địa bàn tỉnh Bình Phước và ý kiến đề xuất
Lượt xem: 1217
Theo thống kê của Công an tỉnh Bình Phước, đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có hơn 1.900 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó, ngoài xã hội có hơn 1.500 người, còn lại là đang cai nghiện trong cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc đang chấp hành án phạt tại các cơ sở giam giữ do vi phạm pháp luật hình sự.

Hiện nay, tình trạng người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy ngày càng phổ biến, người nghiện ma túy đã gây ra rất nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, trong đó phổ biến là hành vi trộm cắp tài sản để có tiền sử dụng ma túy gây nhức nhối trong dư luận và mất an ninh trật tự tại địa phương, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân nhân và phát triển kinh tế của địa phương. Công tác lập hồ sơ và áp dụng biện pháp xử lý hành chính (XLHC) đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được quy định ở một số văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp XLHC đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Nghị định số 136/2016/NĐ-CP ngày 09/09/2016 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 221/2013/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 221/2013/NĐ-CP),… Tuy nhiên, trong quá trình lập hồ sơ đưa người nghiện áp dụng biện pháp XLHC đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như sau:

1. Về đối tượng áp dụng biện pháp: Khoản 1, Điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc “là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định”. Quy định này theo tôi là chưa phù hợp, vì người nghiện ma túy được xem là người bị bệnh não mãn tính, ma túy có thể thay đổi bộ não cả về cấu trúc và cơ chế hoạt động (1), tại khoản 16, Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định “người nghiện ma túy là người sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này”, do vậy, người nghiện ma túy đòi hỏi phải có sự chăm sóc liên tục và khi khỏi nghiện lại rất dễ có nguy cơ tái nghiện. Việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn với tính chất là giáo dục, quản lý người vi phạm bằng việc huy động sự chung tay của cộng đồng, gia đình và xã hội để giáo dục thay đổi con người “ở phương diện đạo đức hay trí tuệ”, không thể thay đổi tình trạng bệnh lý thì cho dù có giáo dục hay tình yêu thương của cộng đồng dù nhiều đến đâu cũng không thể thay thế các biện pháp điều trị. Người nghiện ma túy ngay sau khi bị phát hiện và được cơ quan chuyên môn xác nhận là “nghiện ma túy”, càng sớm, càng tốt phải dụng ngay biện pháp cai nghiện bắt buộc hoặc cai nghiện tại cộng đồng (nếu đảm bảo điều kiện), dưới sự quản lý, giám sát của cơ quan chức năng, hơn thế nữa, người nghiện ma túy không phải là người bệnh bình thường mà là người nghiện “đặc biệt”, vì đối với người bệnh thông thường đa số là không muốn mình bị bệnh nhưng bản thân họ lại bị bệnh (bị động), còn người nghiện ma túy, họ biết việc sử dụng các chất ma túy là vi phạm pháp luật và sẽ dẫn đến bị nghiện nhưng họ vẫn cố tình sử dụng đồng thời có hành vi che giấu việc họ sử dụng ma túy đối với cơ quan chức năng do lo sợ sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật (chủ động), nên quy định này là hoàn toàn không phù hợp tình hình thực tế.

2. Quy định xác định người nghiện không có nơi cư trú ổn định: Khoản 1, Điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng quy định đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng không có nơi cư trú ổn định”. Trên thực tế có nhiều người nghiện ma túy sống lang thang lúc ở địa bàn xã/phường này, lúc sang địa bàn xã/phường khác (có thể trong cùng địa bàn huyện/quận hoặc khác huyện/quận) nên việc lập hồ sơ quản lý đối với những người nghiện này thường rất khó khăn. Các văn bản pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể như thế nào là không có nơi cư trú ổn định gây lúng túng trong việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.


3. Quy định về thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma túy: Việc xác định tình trạng nghiện ma túy của người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là điều kiện tiên quyết để xem xét có xử lý người sử dụng trái phép ma túy không. Trong giai đoạn lập hồ sơ giáo dục tại cấp xã, cơ quan lập hồ sơ phải xác định tình trạng nghiện ma túy hiện tại của họ. Việc xác định tình trạng nghiện ma túy được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BCA ngày 09/07/2015 của Bộ Y tế, Bộ Lao động TB & XH và Bộ Công an quy định thẩm quyền, thủ tục và quy trình xác định tình trạng nghiện ma túy, quy định để xác định tình trạng nghiện ma túy thì bác sĩ, y sĩ bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề và chứng chỉ tập huấn về điều trị cắt cơn nghiện ma túy do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức hoặc các viện, bệnh viện, các cơ sở đào tạo bồi dưỡng có đủ điều kiện thực hiện tập huấn và cấp chứng chỉ hoặc chứng nhận được Bộ Y tế giao. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Bình Phước, rất nhiều Trạm trưởng y tế của xã, phường, thị trấn cũng chưa có chứng chỉ tập huấn về điều trị cắt cơn nghiện ma tuý do Sở Y tế cấp theo quy định của Luật Khám chữa bệnh. Vì vậy, để xác định tình trạng nghiện ma túy, tại một số địa bàn cơ sở, đặc biệt các địa bàn vùng sâu, vùng xa, không có người đủ thẩm quyền, cũng như có chứng chỉ để ký xác định tình trạng nghiện ma túy của người nghiện.

4. Quy định về thông báo về việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: Tại Điều 11, Nghị định số 221/2013/NĐ-CP quy định thông báo về việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có nhiều nội dung không phù hợp với tình hình thực tế, cụ thể “Cơ quan lập hồ sơ thông báo bằng văn bản về việc lập hồ sơ cho người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc người đại diện hợp pháp của họ”, “Thời gian đọc hồ sơ: Thời gian đọc hồ sơ là 05 ngày kể từ ngày nhận được thông báo”. Đây là những quy định không phù hợp bởi thực tế vì tâm lý người nghiện ma túy khi biết bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc (thường sẽ bị áp dụng cai nghiện bắt buộc 02 năm tại cơ sở cai nghiện) nên sẽ có tâm lý muốn trốn tránh, thậm chí là nhiều trường hợp bỏ trốn khỏi địa phương. 

5. Quy trình làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải trải qua nhiều bước, tốn nhiều thời gian không cần thiết, cụ thể: Hiện nay, theo quy định tại Nghị định số 221/2013/NĐ-CP, đối với hồ sơ đề nghị áp dụng biện  pháp, cơ quan lập hồ sơ phải gửi cho Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện để kiểm tra tính pháp lý và Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra trong 5 ngày làm việc, sau đó hồ sơ được chuyển cho Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội. Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đối chiếu hồ sơ đề nghị và chuyển hồ sơ cho Tòa án nhân dân cấp huyện trong 07 ngày. Như vậy, cả quá trình lập hồ sơ đưa người nghiện đi cơ sở cai nghiện bắt buộc tốn rất nhiều thời gian, nhiều khâu, thủ tục, trong khi đó người nghiện có thể tự ý đi khỏi địa phương trước khi Tòa án nhân dân huyện ra quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Quá trình lập hồ sơ phải trải qua các bước như sau:

(1) Thời gian lập, thu thập tài liệu lập hồ sơ.

(2) Thời gian xác định tình trạng nghiện do Cơ quan y tế có thẩm quyền xác định.

(3) Thời gian để người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đọc hồ sơ: 5 ngày.

(4) Thời gian Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ: 5 ngày làm việc.

(5) Thời gian Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra hồ sơ: 7 ngày.

(6) Thời gian Tòa án nhân dân cấp huyện ra quyết định.

Như vậy, thực tiễn hiện nay, thời gian lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện phải từ 01 đến 02 tháng, đây là thời gian quá dài, ảnh hưởng tới hiệu quả của biện pháp XLHC đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Trên cơ sở phân tích những khó khăn, vướng mắc về quy định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện, tác giả xin đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ những khó khăn trong quá trình đưa người nghiện áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc như sau:

1. Về khó khăn quy định đối tượng áp dụng, tác giả đề nghị diện đối tượng nên quy định là: “người được cơ quan chuyên môn xác định là người nghiện ma túy (không cần thiết đã áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thi trấn) đều là đối tượng áp dụng biện pháp này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp cai nghiện tại cộng đồng; trường hợp đã áp dụng biện pháp cai nghiện tại cộng đồng nhưng không hiệu quả thì sẽ tiếp tục áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc)”; vì hiện nay, ma túy đang là một tệ nạn cực kỳ nguy hiểm và có sự chuyển hóa từ tội phạm ma túy sang tội phạm hình sự, nên để đảm bảo an toàn xã hội, việc cách ly các đối tượng nghiện khỏi cộng đồng để điều trị là cần thiết. Đã có nhiều vụ án nguy hiểm gây hoang mang dư luận và sự bình yên của xã hội như vụ án: Vụ việc nữ sinh giao gà ở Điện Biện, hay rất nhiều vụ đối tượng “ngáo đá” sát hại nhiều người; vụ việc ở huyện Định Hóa, Thái Nguyên đối tượng sử dụng ma túy đá đã ra tay sát hại 5 người;...



Chi đoàn Phòng Tham mưu - Công an tỉnh Bình Phước tặng áp pano tuyên truyền
phòng chống tệ nạn ma túy cho trường THCS Tiến Hưng –TP Đồng Xoài, Bình Phước
2. Khó khăn về xác định tình trạng nghiện ma túy, để thực hiện quy định này thì bác sĩ, y sĩ bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề và chứng chỉ tập huấn về điều trị cắt cơn nghiện ma túy do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức hoặc các viện, bệnh viện, các cơ sở đào tạo bồi dưỡng có đủ điều kiện thực hiện tập huấn và cấp chứng chỉ hoặc chứng nhận được Bộ Y tế giao. Đây là quy định khoa học, vì để xác định đối tượng có nghiện ma túy, có lệ thuộc vào ma túy hay chưa từ đó có căn cứ áp dụng biện pháp là rất cần thiết, nên để giải quyết vấn đề này đề nghị Sở Y tế tỉnh cần quan tâm mở các lớp tập huấn về điều trị cắt cơn nghiện ma túy cho toàn bộ các Trạm trưởng trạm y tế xã, phường, thị trấn, các y sĩ, bác sĩ để quá trình xác định tình trạng nghiện của người nghiện ma túy được thuận lợi.
 
3. Khó khăn về quy định được cơ quan lập hồ sơ thông báo về việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đây là quy định thể hiện quyền của người bị lập hồ sơ, cũng như thể hiện tính công khai, minh bạch của quá trình lập hồ sơ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên, người bị lập hồ sơ là những người nghiện ma túy, bị lệ thuộc ma túy, phần lớn đều có tâm lý trốn tránh, có thể bỏ đi khỏi địa phương khi được thông báo lập hồ sơ áp dụng biện pháp XLHC đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Vì vậy, theo tác giả, cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu rút ngắn thời gian đọc hồ sơ từ quy định cũ là 05 ngày làm việc, xuống còn 3 ngày làm việc, đồng thời quy định chế tài xử lý đối với các đối tượng cố tình đi khỏi địa phương trong quá trình bị lập hồ sơ hoặc sau khi thông báo lập hồ sơ, đồng thời có biện pháp phòng ngừa đối tượng trốn như giao trách nhiệm quản lý, giám sát cho gia đình, người thân.
 
4. Khó khăn xuất phát từ quy định lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, phải trải qua nhiều bước, nhiều khâu, thời gian lập hồ sơ dài. Vì vậy, cần đơn giản thủ tục, sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và văn bản hướng dẫn thi hành, theo hướng: Cơ quan lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ; thời gian đọc hồ sơ của người bị đề nghị lập hồ sơ: 03 ngày làm việc; trong thời gian 01 ngày kể từ khi hết hạn đọc hồ sơ, cơ quan đề nghị áp dụng gửi hồ sơ cho Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện nơi người bị đề nghị áp dụng biện pháp; thời gian Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra đối chiếu hồ sơ: 3 ngày, nếu hồ sơ chưa đầy đủ, cần bổ sung thì chuyển hồ sơ cho cơ quan lập hồ sơ để bổ sung, thời hạn bổ sung (02 ngày), còn hồ sơ đầy đủ, không cần bổ sung thêm thì chuyển cho Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định áp dụng biện pháp; căn cứ hồ sơ, Tòa án nhân dân cấp huyện ra quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hay không áp dụng.
 
Trên đây là một số khó khăn trong áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trên địa bàn tỉnh Bình Phước và một số ý kiến đề xuất, hy vọng rằng qua bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về các quy định pháp luật trong áp dụng biện pháp xử lý hành chính này./.

(1) Trích dẫn và tham khảo từ bài viết “Tác hại của ma túy đối với sức khỏe con người”, tác giả Nguyễn Thanh, đăng trên trang Thông tin điện tử Sở Tư pháp tỉnh Bình Phước, ngày 05/8/2019

Xuân Quynh