Admin
Công an tỉnh đẩy mạnh thực thi pháp luật và tăng cường tuyên truyền, phổ biến công tác bảo tồn đa dạng sinh học và các loài hoang dã
Lượt xem: 510
Vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam đã trở thành vấn đề cấp thiết do nhiều loài động vật hoang dã đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi nạn săn bắt, buôn bán trái phép.

Việt Nam được Tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế (Fauna and Flora International) ghi nhận là quốc gia có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao với nhiều kiểu hệ sinh thái và loài. Theo báo cáo quốc gia về đa dạng sinh học, ở Việt Nam, có khoảng 7.500 loài chủng vi sinh vật; 20.000 loài thực vật bậc cao trên cạn và dưới nước; 10.500 loài động vật trên cạn; 1.000 loài cá nước ngọt; 7.000 loài động vật không xương sống dưới biển, khoảng 2.500 loài cá và xấp xỉ 50 loài rắn biển, rùa biển và thú biển. Trong đó, nguồn tài nguyên động vật hoang dã là nguồn gen di truyền vô cùng quý giá với hàng triệu triệu năm hình thành, tích lũy.



(Hình ảnh minh họa về đa dạng sinh học)

Có thể nói, ĐDSH đã mang lại những lợi ích trực tiếp cho con người và đóng góp to lớn cho nền kinh tế quốc gia. Nếu chúng ta biết quản lý, giám sát để sử dụng một cách bền vững thì đây chính là cơ sở bảo đảm cho sự phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, du lịch bền vững; là nền tảng của y dược truyền thống phương Đông; là ngân hàng gen vô cùng quý giá tạo giống vật nuôi, cây trồng, phục vụ cho quá trình công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo tồn ĐDSH, Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia tích cực các hiệp ước quốc tế về ĐDSH như: Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (RAMSAR); Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES)… Việt Nam cũng ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng trong lĩnh vực quản lý tài nguyên thiên nhiên như: Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Thủy sản… Nghị định số 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 12/11/2013 về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Tiếp theo đó, Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ sửa đổi Điều 7 Nghị định số 160/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

 
 
Tuy nhiên trong những năm gần đây, tài nguyên ĐDSH của Việt Nam đang trên đà suy giảm một cách đáng báo động; các hệ sinh thái bị thu hẹp, bị chia cắt và suy giảm chất lượng; nguồn gen bị thất thoát, mai một... có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như là: do áp lực gia tăng dân số kéo theo việc khai thác quá mức tài nguyên sinh vật, không bảo đảm cho việc tái tạo lại; do công tác quản lý bảo tồn ĐDSH thời gian qua còn nhiều bất cập… 

Để đưa công tác bảo tồn ÐDSH sớm đi vào nền nếp và đạt hiệu quả, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương hoàn thiện, thống nhất các văn bản dưới luật hướng dẫn về ÐDSH, phân loại khu bảo tồn phục vụ quản lý hiệu quả các khu vực có giá trị ÐDSH cao ở Việt Nam. Ðồng thời, các cơ quan chức năng tăng cường giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về vai trò của công tác bảo tồn ÐDSH nói chung và các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm nói riêng. 

Quán triệt chủ trương trên và thực hiện Công văn số 502/UBND-KT ngày 09/02/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đẩy mạnh thực thi pháp luật và tuyên truyền, phổ biến công tác bảo tồn đa dạng sinh học và các loài hoang dã, ngày 23/02/2021, Giám đốc Công an tỉnh đã triển khai văn bản số 175 yêu cầu các phòng, trại, Công an các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện các nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới cán bộ, chiến sỹ của đơn vị và nhân dân nghiêm túc thực hiện các nội dung sau:

- Chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài hoang dã đặc biệt là các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ sửa đổi Điều 7 Nghị định số 160/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; không tham gia săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo động vật hoang dã trái pháp luật.



(Ảnh minh họa: Lực lượng cơ quan chức năng phát hiện mua, bán, 
vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ động vật hoang dã trái pháp luật)

- Không sử dụng, tiêu thụ các loài động vật hoang dã nguy cấp và sản phẩm từ động vật hoang dã nguy cấp. 

- Không tham gia săn, bắt, mua, bán, sử dụng các loài chim hoang dã, đặc biệt trong mùa di cư từ tháng 9 của năm trước đến tháng 4, tháng 5 của năm sau.

- Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 42/CT-TTg ngày 08/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại; không vận chuyển, buôn bán, phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại ra môi trường tự nhiên.

Thứ hai, giao cho Phòng Cảnh sát môi trường và Công an các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm cụ thể như sau:

- Tăng cường phối hợp liên ngành; thường xuyên kiểm tra các nhà hàng, cơ sở nuôi, kinh doanh động vật hoang dã, các tuyến vận chuyển hàng hóa trọng điểm, khu vực của khẩu, đường biên giới, các chợ, khu trung tâm thương mại và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, loài di cư.

- Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các hoạt động săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, tiêu thụ loài chim hoang dã mùa di cư, đặc biệt các khu vực có loài chim di cư xuất hiện; kiểm soát, ngăn chặn các hoạt động mua bán, vận chuyển, phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại tại các khu tâm linh như đình, chùa, đền… và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Thứ ba, giao cho Phòng Công tác đảng và công tác chính trị phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường viết tin, bài tuyên truyền pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, các loài chim hoang dã di cư và không buôn bán, vận chuyển, phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại đặc biệt trong thời gian các dịp lễ hội, tết nguyên đán, giao lưu văn hóa… của quốc gia hoặc của địa phương tổ chức trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Đức Hiếu