Công an tỉnh Bình Phước
MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT THI ĐUA, KHEN THƯỞNG NĂM 2022
Lượt xem: 1479
Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 (Luật số 06/2022/QH15) vừa được Quốc hội khoá XV thông qua tại kỳ họp thứ 3. Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 gồm 08 chương, 96 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024.
anh tin bai

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 đã thể chế các quan điểm, định hướng đổi mới công tác thi đua, khen thưởng của Đảng vào 04 phương án chính sách xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông qua. Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống danh hiệu thi đua; hoàn thiện hệ thống hình thức khen thưởng; hoàn thiện chế định về thẩm quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng; cải cách thủ tục hành chính trong thi đua, khen thưởng. Cụ thể: Kế thừa đầy đủ những ưu điểm của Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành; bảo đảm bao quát hết các lĩnh vực đối tượng (khu vực công và khu vực tư); đồng thời, thực hiện phân cấp mạnh về thẩm quyền khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng cho các bộ, ban, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và cấp cơ sở, góp phần giải quyết hạn chế, bất cập trong tổ chức phong trào thi đua, công tác khen thưởng và công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến. 

Theo đó, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 có 08 nhóm điểm mới chủ yếu sau đây: 

- Thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong công tác thi đua, khen thưởng.

Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành chưa phân cấp về thẩm quyền quy định tiêu chuẩn cụ thể các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng thuộc các Bộ, ngành, địa phương; mặt khác, Luật cũng chưa phân định rõ về thẩm quyền khen thưởng theo chức năng quản lý nhà nước của Bộ, ngành và chức năng quản lý nhà nước theo địa phương dẫn tới trường hợp khen thưởng chồng chéo, trùng lặp giữa quản lý ngành dọc và địa phương; chưa phân định cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trình khen thưởng cho các tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng các cấp. Chính vì vậy, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 đã thực hiện phân cấp về thẩm quyền việc khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng cho các Bộ, ban, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và cấp cơ sở nhằm giải quyết các hạn chế, bất cập trong tổ chức phong trào thi đua, trong công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến.

- Thể hiện rõ nguyên tắc thành tích đến đâu, khen đến đó và đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được để khắc phục tình trạng khen thưởng "tích lũy thành tích, cộng dồn thành tích” trước đây.

Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành quy định thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, nhưng có tiêu chuẩn để xét khen thưởng theo Luật thì lại mang tính niên hạn, cộng dồn thành tích, trình tự từ thấp đến cao. Ngoài ra, quy định đối với khen thưởng cấp cao là phải đạt thành tích liên tục, nếu bị gián đoạn thì phải bắt đầu lại từ đầu, điều này không chỉ mang tính cộng dồn thành tích theo thâm niên mà còn làm giảm tính phấn đấu của người lao động, không khuyến khích được sự nỗ lực của cá nhân (hình thức này chỉ phù hợp với khen thưởng theo niên hạn đối với lãnh đạo hoặc đối với lực lượng vũ trang theo quy định hiện hành). Đồng thời, Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế đã xác định: “Thực hiện đổi mới công tác khen thưởng bảo đảm chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch; coi trọng việc phát hiện, lựa chọn các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng”. Chính vì vậy, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 đã bổ sung nguyên tắc “thành tích đến đâu khen thưởng đến đó" (điểm c khoản 2 Điều 5) và được thể hiện trong các điều, khoản của từng hình thức khen thưởng được quy định trong Luật về tiêu chuẩn, thành tích đạt được và điều kiện, hoàn cảnh cụ thể lập được thành tích. Đặc biệt, Luật đã bổ sung quy định “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” là tiêu chuẩn có thế thay thế nếu không có sáng kiến, đề tài, đề án (khoản 2 Điều 23).

- Đưa phong trào thi đua hướng về cơ sở, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, thiết thực, gắn với lợi ích của người trực tiếp tham gia thi đua, hạn chế tính hình thức trong thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở 4 khâu (phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến).

Hiện nay, quy định về các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng trong Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành chưa phù hợp ở các cấp, nhất là ở cấp cơ sở, đặc biệt, Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành chưa có những quy định ràng buộc chặt chẽ, có hệ thống để tạo ra mô hình khen thưởng theo hình chóp; một số quy định về thẩm quyền xét tặng danh hiệu thi đua và khen thưởng còn thể hiện sự bất cập, không hợp lý; quy định tiêu chuẩn của một số danh hiệu thi đua và khen thưởng cao, nhưng tiêu chuẩn lại thấp hơn dẫn đến xu hướng dồn lên các hình thức khen thưởng cấp bộ và cấp nhà nước. Khen thưởng nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý; khen thưởng tập thể nhỏ và lao động trực tiếp còn hạn chế, chủ yếu tập trung vào các kỳ đại hội; chưa có quy định tiêu chuẩn sáng kiến hoặc đề tài khoa học, đề án khoa học để làm cơ sở xét tặng danh hiệu thi đua. Chính vì vậy, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, đưa phong trào thi đua hướng về cơ sở, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, thiết thực, gắn với lợi ích của người trực tiếp tham gia thi đua, hạn chế tính hình thức trong thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở 4 khâu (phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến), Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 đã sửa đổi, bổ sung một số điều nhằm thể chế hoá chủ trương của Đảng tại Chỉ thị số 34-CT/TW “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”. Trong đó, đã quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, đơn vị, cơ sở trong tổ chức triển khai phong trào thi đua, để việc phát động, triển khai các phong trào thi đua trong thời gian tới phải thực sự thiết thực, hướng về cơ sở, gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, gắn với lợi ích của người trực tiếp tham gia thi đua, hạn chế tính hình thức trong thi đua.

- Chú trọng khen thưởng tập thể ở cơ sở, công nhân, nông dân người lao động trực tiếp, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ...; quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.

Luật Thi đua, khen thưởng là Luật có đối tượng điều chỉnh rộng liên quan đến cả hệ thống chính trị, các cơ quan nhà nước: lập pháp, hành pháp, tư pháp; tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp; các dân tộc, vùng, miền; các tôn giáo và chức sắc tôn giáo; các thành phần trí thức, công nhân, nông dân; các lứa tuổi thanh niên, thiếu niên, người cao tuổi; các tổ chức hội; các lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành, điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng cụ thể chủ yếu tập trung vào đội ngũ là cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; cán bộ lãnh đạo, quản lý hoạt động, công tác qua các thời kỳ, chưa bao quát, cụ thể đối tượng đông đảo quần chúng trong cả nước (công nhân, nông dân, trí thức…). Mặt khác, các quy định về tiêu chuẩn trong Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành còn chung chung, định tính, chưa cụ thể và định lượng; phải điều chỉnh bằng Nghị định, Thông tư và các văn bản hướng dẫn. Do đó, các văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên phải được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn. Mặc dù, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013 đã có quy định điều kiện, tiêu chuẩn để khen thưởng cho nông dân, người lao động trực tiếp, nhưng hiện nay trong quá trình tổ chức thực hiện nhiều nơi thực hiện chưa nghiêm dẫn đến khen thưởng không trúng thành tích, khen thưởng chưa kịp thời, việc khen thưởng vẫn tập trung nhiều vào cán bộ lãnh đạo, quản lý. Chính vì vậy, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 đã khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên.

- Giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước và kinh tế tư nhân.

Pháp luật hiện hành về thi đua, khen thưởng đã có các quy định về việc biểu dương, tôn vinh các đối tượng là doanh nhân, doanh nghiệp có đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai thực hiện còn một số hạn chế, bất cập như: Có Bộ, ngành, đoàn thể chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật khi trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức các giải thưởng phạm vi toàn quốc; trong quá trình tổ chức chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, tổ chức bình xét chưa bám sát các tiêu chí đã đề ra, không đảm bảo tính khách quan và chính xác, dẫn đến một số doanh nghiệp, doanh nhân được tôn vinh, biểu dương, nhưng thành tích chưa tiêu biểu xuất sắc; một số giải thưởng tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, do các cơ quan, đơn vị không có thẩm quyền tổ chức ở nước ngoài khi không được sự đồng ý của chính quyền nước sở tại hoặc vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục, nội dung, hình thức; có tình trạng yêu cầu các doanh nghiệp, doanh nhân tham gia giải thưởng nộp kinh phí để được giải thưởng gây ảnh hưởng đến quan hệ với bạn bè quốc tế, gây bức xúc cho chính các doanh nghiệp, doanh nhân đạt giải và dư luận không tốt trong xã hội. Vì vậy, tại khoản 2 Điều 81 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 bổ sung nguyên tắc xét tôn vinh và trao tặng giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác.

- Quy định cụ thể khen thưởng đối với người nước ngoài có nhiều đóng góp cho đất nước Việt Nam.

Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành đã có các quy định về việc biểu dương, tôn vinh các đối tượng là người nước ngoài, tập thể người nước ngoài có đóng góp to lớn trong xây dựng, củng cố và phát triển tình hữu nghị giữa Việt Nam và các nước trên thế giới; đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, tuy nhiên, các quy định này đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: chưa quy định đối tượng khen thưởng là cá nhân người nước ngoài đối với Huân chương Hồ Chí Minh; cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tập thể người nước ngoài đi với Huân chương Độc lập và Huân chương Lao động các hạng; chưa có quy định cụ thể đối tượng, tiêu chun khen thưởng Huy chương Hữu nghị. Chính vì vậy, nhằm thể chế hoá chủ trương của Đảng tại Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, trong đó xác định rõ: “Chủ động xem xét, khen thưởng cho tập thể, cá nhân người nước ngoài có đóng góp lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của Việt Nam, có nhiều thành tích trong việc củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế”, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 đã bổ sung đối tượng khen thưởng.

- Bổ sung hình thức khen thưởng kháng chiến “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”.

Công tác khen thưởng thành tích kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ tuy đã được triển khai theo Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành từ nhiều năm và đến nay cơ bản đã hoàn thành, song chưa thực hiện đầy đủ (mới triển khai khen thưởng thành tích kháng chiến từ ngày 30/4/1975 trở về trước và trường hợp còn tồn đọng đã bổ sung hồ sơ đủ căn cứ pháp lý, các trường hợp mới phát hiện đủ điều kiện, tiêu chuẩn). Chính vì vậy, nhằm thể chế hoá chủ trương của Đảng tại Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, trong đó xác định rõ: “Tập trung giải quyết dứt điểm việc khen thưởng thành tích trong các cuộc kháng chiến và thực hiện chế độ, chính sách đối với các đối tượng có công lao, thành tích, cống hiến trong các cuộc kháng chiến của dân tộc”.

- Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác thi đua, khen thưởng.

Về cải cách thủ tục hành chính trong công tác thi đua, khen thưởng, Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành chưa quy định về quy trình, thủ tục, hồ sơ đối với các trường hợp được cấp trên phát hiện, đề nghị khen thưởng cũng như một số quy định về thủ tục, hồ sơ còn rườm rà, phức tạp chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính (phải xin ý kiến nhiều cơ quan khác nhau, thông qua nhiều cấp), dẫn đến thời gian thẩm định hồ sơ dài, không kịp thời, làm giảm ý nghĩa, tác dụng của khen thưởng. Chính vì vậy, để thực hiện chủ trương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng, tạo điều kiện thuận lợi cho tập thể, cá nhân khi đề nghị khen thưởng, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 quy định cải cách thủ tục hành chính trong thi đua, khen thưởng theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm số lượng hồ sơ đề nghị khen thưởng Nhà nước.

Với các chính sách đột phá nêu trên, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 kỳ vọng sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc và cả hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng để công tác thi đua, khen thưởng đi vào thực chất, thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của từng bộ, ban, ngành, địa phương và của đất nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.