Nghị định quy định về trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Nghị định số 103/2022/NĐ-CP quy định về trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2023.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Theo đó, Nghị định quy định về vị trí pháp lý, nhiệm vụ và quyền hạn, cơ cấu tổ chức, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nhà giáo, người học, quản lý đối với trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân (sau đây gọi chung là trường đào tạo, bồi dưỡng).
Áp dụng đối với trường, học viện và trung tâm có chức năng đào tạo, bồi dưỡng của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân; tổ chức và cá nhân có liên quan. Cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được giao nhiệm vụ bồi dưỡng thì thực hiện theo các quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan.
Nghị định cũng quy định trường đào tạo, bồi dưỡng là cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức, hoạt động theo quy định của Đảng và quy định của pháp luật. Cụ thể:
- Trường của cơ quan nhà nước là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước.
- Trường của tổ chức chính trị là cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng; tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương; huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Trường của tổ chức chính trị - xã hội là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội.
- Trường của lực lượng vũ trang nhân dân là đơn vị trực thuộc các cấp quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nằm trong tổ chức, biên chế của Quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân Việt Nam.
Bên cạnh đó, trường đào tạo, bồi dưỡng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Đảng và quy định của pháp luật đối với đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân về quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, tài chính, tài sản và các nhiệm vụ, quyền hạn trong phạm vi chức năng được giao. Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của trường đào tạo, bồi dưỡng được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường do cơ quan quản lý trực tiếp phê duyệt, ban hành.
- Về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, Nghị định quy định rõ trường đào tạo, bồi dưỡng của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của Đảng và quy định của pháp luật về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Trường đào tạo, bồi dưỡng của lực lượng vũ trang nhân dân có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và công nhân quốc phòng; bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý về nhiệm vụ và kiến thức quốc phòng, an ninh.
- Về đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục ở cấp học khác, Nghị định quy định rõ trường đào tạo, bồi dưỡng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoạt động đào tạo các trình độ của giáo dục đại học thì thực hiện hoạt động đào tạo và bảo đảm chất lượng giáo dục đại học theo quy định như đối với cơ sở giáo dục đại học và quy định tại Nghị định này.
Trường đào tạo, bồi dưỡng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục nghề nghiệp thì thực hiện hoạt động đào tạo và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo quy định như đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và quy định tại Nghị định này.
Trường đào tạo, bồi dưỡng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục ở mỗi cấp học thì thực hiện hoạt động giáo dục và bảo đảm chất lượng theo quy định như đối với các cơ sở giáo dục của cấp học đó và quy định tại Nghị định này.
Việc đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp phải phục vụ nhu cầu phát triển nhân lực của ngành, lĩnh vực phù hợp chủ trương của Đảng, khả năng đầu tư của Nhà nước và khả năng huy động nguồn lực của xã hội.
- Về hoạt động khoa học và công nghệ: Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn liên quan tới hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ; Trường đào tạo, bồi dưỡng có đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp thì thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn liên quan tới hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật đối với cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
- Về các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục: Tuyển dụng, quản lý, sử dụng, xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu về số lượng, cơ cấu và tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật đối với từng hoạt động giáo dục; Huy động và quản lý, sử dụng các nguồn lực; xây dựng và tăng cường cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị, thư viện, công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng.
- Về quản lý và hỗ trợ người học: Quản lý người học, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người học; bảo đảm môi trường sư phạm cho hoạt động giáo dục; Thực hiện chính sách xã hội đối với đối tượng được hưởng chính sách xã hội, đối tượng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Về thông tin, báo cáo và trách nhiệm giải trình: Thực hiện chế độ báo cáo, công khai thông tin, kết nối và cập nhật dữ liệu ngành theo quy định đối với mỗi hoạt động giáo dục; Thực hiện tự đánh giá chất lượng và kiểm định theo quy định đối với chương trình đào tạo của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; Chịu sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục, các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi trường đào tạo, bồi dưỡng đặt trụ sở hoặc có tổ chức hoạt động đào tạo, bồi dưỡng theo quy định.
Thực hiện các nhiệm vụ khác được cấp có thẩm quyền giao, theo quy định của Đảng và pháp luật có liên quan.
- Về cơ cấu tổ chức của trường đào tạo, bồi dưỡng:
Cơ cấu tổ chức của trường đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội phải phù hợp với cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập, theo quy định của pháp luật có liên quan, trong đó bao gồm: Hiệu trưởng, giám đốc (gọi chung là hiệu trưởng); phó hiệu trưởng, phó giám đốc (gọi chung là phó hiệu trưởng); Hội đồng trường, hội đồng học viện (gọi chung là hội đồng trường) thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định này và của pháp luật có liên quan; Hội đồng khoa học và đào tạo; Khoa, phòng chức năng; đơn vị phục vụ đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học; Các đơn vị, tổ chức khác (nếu có) theo nhu cầu phát triển của trường đào tạo, bồi dưỡng.
Cơ cấu tổ chức của trường đào tạo, bồi dưỡng thuộc tổ chức chính trị thực hiện theo quy định của tổ chức chính trị.
Cơ cấu Tổ chức của trường đào tạo, bồi dưỡng thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thực hiện theo quy định của pháp luật về lực lượng vũ trang nhân dân.
Các trường đào tạo, bồi dưỡng là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư phải thành lập hội đồng trường (trừ các trường đào tạo, bồi dưỡng của tổ chức chính trị và các trường đào tạo, bồi dưỡng của lực lượng vũ trang nhân dân) để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của hội đồng quản lý đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật và những quy định sau: Cơ cấu thành viên của hội đồng trường bao gồm: chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng, bí thư cấp ủy trường, chủ tịch công đoàn trường, đại diện cơ quan quản lý trực tiếp, đại diện đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đại diện người học và các thành viên khác; cơ quan quản lý trực tiếp trường đào tạo, bồi dưỡng quy định chi tiết việc thành lập, hoạt động của hội đồng trường và quyết định thành lập hội đồng trường của trường đào tạo, bồi dưỡng; Hội đồng trường thông qua và trình cơ quan quản lý trực tiếp phê duyệt hoặc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường đào tạo, bồi dưỡng; phê duyệt định hướng phát triển đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế và bảo đảm chất lượng; phê duyệt định hướng phát triển và chế độ chính sách đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, viên chức và người lao động; phê duyệt chính sách hỗ trợ người học; Hiệu trưởng không kiêm nhiệm chủ tịch hội đồng trường; hiệu trưởng trình những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng trường
Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các trường đào tạo, bồi dưỡng thực hiện theo quy định của tổ chức chính trị; quy định của pháp luật về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; quy định của pháp luật về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.
Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đào tạo, bồi dưỡng quy định cụ thể cơ cấu tổ chức và quản lý trường; nhiệm vụ và quyền hạn của các đơn vị, tổ chức và chức danh quản lý; quy trình thành lập, tổ chức lại, giải thể các tổ chức, đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức trường.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chịu trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, thanh tra hoạt động giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp của các trường đào tạo, bồi dưỡng có tổ chức đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và công nhân quốc phòng; bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý nhà nước về nhiệm vụ và kiến thức quốc phòng, an ninh.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2023; thay thế Nghị định số 125/2011/NĐ-CP ngày 30/12/2011 của Chính phủ quy định về trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân.