Công an tỉnh Bình Phước
Nhận diện “tà đạo”, “đạo lạ”
Lượt xem: 339
Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo. Các tôn giáo ở Việt Nam tuân thủ hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo, quy định của pháp luật Việt Nam đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của người dân. Tuy nhiên bên cạnh những tôn giáo đã được nhà nước công nhận, hiện nay trên cả nước cũng đã xuất hiện nhiều hiện tượng tôn giáo mới, với sự pha trộn hỗn tạp những giáo lý, giáo luật của nhiều tôn giáo khác nhau, mang màu sắc mê tín dị đoan, phản khoa học, phi văn hóa tác động tiêu cực đến sức khỏe, tính mạng và tài sản của người dân, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự (“Long Hoa Di Lạc”, “Đại đạo quy nguyên thống nhất”, “Thanh Hải vô thượng sư”, “Pháp Luân công”, “Tin lành Đề Ga”, “Pháp môn Diệu Âm”, “Mà mòn”, “Bà cô Dợ”...).  

Dưới góc độ nhìn nhận từ tôn giáo “tà đạo” là một biểu hiện của tôn giáo được hình thành từ tôn giáo chính thống nhưng hoạt động ly khai, chống lại tôn giáo chính thống (“Hội thánh đức Chúa trời mẹ”, “Giê sùa”, “Nhất quán đạo”..). Dưới góc độ xã hội “tà đạo” là hiện tượng đội lốt tín ngưỡng, tôn giáo, hoạt động mê tín, dị đoan, chống lại con người xã hội thậm chí chống đối chính trị (“Pháp luân công”, “Tin lành Đề Ga”, “tà đạo Hà Mòn”...).

anh tin bai

Ảnh minh họa

Người tin theo “tà đạo” thuộc nhiều thành phần như trí thức, cán bộ, học sinh, sinh viên, viên chức, công nhân, nông dân, người lao động nhưng chủ yếu là những người có trình độ nhận thức lạc hậu, điều kiện sống thấp người gặp khó khăn, bế tắc trong cuộc sống, sức khỏe; họ bị số đối tượng cầm đầu lợi dụng, lôi kéo tham gia. Các đối tượng sáng lập nên các “tà đạo” thường là những chức sắc, chức việc và tín đồ có uy tín trong tôn giáo, dân tộc thậm chí có cả những đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị. Các đối tượng tạo ra các “tà đạo” với mục đích chính là trục lợi cá nhân, thông quan sự đóng góp tiền, của của người dân tin theo tà đạo.

Các tà đạo, đạo lạ thường lợi dụng đấng tôn thờ của các tôn giáo truyền thống  hay biểu tượng anh hùng, lãnh tụ của dân tộc làm biểu tượng từ đó xây dựng nên niềm tin tôn giáo; hệ thống giáo lý, giáo luận mang tính vay mượn, lượm, nhặt từ các tôn giáo truyền thống, mang tính pha tạp; các hoạt động nghi lễ của tà đạo chủ yếu mang nặng yếu tố mê tín, dị đoan, phản khoa học; các “tà đạo” thường không có cơ cấu tổ chức chặt chẽ rõ ràng, đây là những đặc điểm quan trọng để nhận diễn và phân biệt các “tà đạo” với các tôn giáo truyền thống. 

Thực tế thời gian qua cho thấy, các “tà đạo” đã gây ra những vấn đề phức tạp về an ninh trật tự như: Nhiều người tham gia các “tà đạo” bị lừa bịp, thu tiền dưới nhiều hình thức như đóng góp “công đức” (“Đại đạo chân không”, “Long hoa Di lạc”, “Pháp môn diệu âm”); tập trung đông người gây mất an ninh, trật tự tại địa phương (“Pháp Luân công”, “Thanh Hải vô thượng sư”...); chống phá Đảng, Nhà nước, xâm phạm an ninh quốc gia (“Pháp Luân công”, “Thanh hải vô thượng sư”, “Hà Mòn”...).

Có thể khẳng định, các tà đạo đã gây những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, tuyên truyền mê tín dị đoan, kích động tâm lý hoang mang, giao động của quần chúng nhân dân, làm phức tạp thêm tình hình an ninh chính trị tại địa phương, truyền bá những đức tin phản khoa học, phản văn hóa chuẩn mực thuần phong, mỹ tộc, truyền thống dân tộc, thậm chí được các thế lực thù địch sử dụng làm công cụ để chống Đảng, chống chính quyền. Do nhiều nguyên nhân nhất là những vấn đề khó khăn, bất cập trên cả vấn đề thực tiễn và nhận thức công tác đấu tranh, giải quyết các vấn đề liên quan đến “tà đạo” còn gặp không ít những khó khăn, hơn ai hết mỗi người dân cần trang bị cho mình kiến thức và nhận thức đúng đắn, khoa học để về tôn giáo, tín ngưỡng để không bị các đối tượng xấu lôi kéo, cùng chung tay với lực lượng chức năng và cơ quan Công an đấu tranh, xử lý các hiện tượng “tà đạo” đem lại đời sống tín ngưỡng tôn giáo thuần khiết, đáp ững nhu cầu tinh thần không thể thiếu trong đời sống của quần chúng nhân dân. 

Anh Ngọc