Admin
Những điểm mới trong Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (phần 1)
Lượt xem: 3936
Ngày 27/11/2015, Quốc hội khóa XIII thông qua Bộ luật hình sự năm 2015 và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016.



Quốc hội khóa XIII thông qua BLHS  và BLTTHS năm 2015

NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG BLHS NĂM 2015

Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 27/11/2015 gồm 26 chương, 426 điều. Bộ luật Hình sự năm 2015 có những điểm mới cơ bản sau: Bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm các tội trong lĩnh vực kinh tế, môi trường (quy định chi tiết thành một chương cụ thể - chương XI); hoàn thiện chính sách xử lý đối với người dưới 18 tuổi; thay thế tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng các tội danh cụ thể trong lĩnh vực quản lý kinh tế; nội luật hóa các quy định có liên quan của điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Bộ luật hình sự năm 2015 cũng quy định vấn đề tuổi chịu trách nhiệm hình sự (Điều 12), chuẩn bị phạm tội (Điều 14) áp dụng đối với từng tội danh cụ thể, chi tiết hơn so với BLHS sửa đổi năm 2009. Quy định thêm về một số trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự như gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội (Điều 24), rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ (Điều 25), thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên (Điều 26).

Bộ luật Hình sự năm 2015 bãi bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội phạm, đồng thời mở rộng đối tượng không bị áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình. Cụ thể, bãi bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội gồm: Cướp tài sản; sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; tàng trữ trái phép chất ma túy; chiếm đoạt chất ma túy; phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch. Ngoài ra, bổ sung đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình là người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. 

Một điểm mới đáng lưu ý, tại điểm c khoản 3 Điều 40 quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu "Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn."
 


VỀ NGUYÊN TẮC ÁP DỤNG

Không xử lý về hình sự đối với người thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự năm 1999 quy định là tội phạm nhưng BLHS năm 2015 không quy định là tội phạm, bao gồm: tảo hôn; báo cáo sai trong quản lý kinh tế; vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính... Nếu vụ án đã được khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ thi hành án, thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án, thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt;

Không xử lý về hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về tội phạm không được quy định tại khoản 2 Điều 12 và các điểm b, c khoản 2 Điều 14 của BLHS năm 2015; nếu vụ án đã được khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trong trường hợp người đó đã bị kết án và đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ thi hành án, thì họ được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; nếu người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án, thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.

(còn tiếp)

TRẦN CHIẾN