Những điểm nổi bật của Luật An ninh mạng liên quan trực tiếp đến công tác bảo vệ an ninh trật tự
Năm 1997, Việt Nam chính thức kết nối vào mạng máy tính toàn cầu Internet. Từ đó đến nay, Việt Nam luôn là một trong những quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng số người sử dụng Internet cao nhất thế giới. Theo số liệu mới được công bố bởi Tổ chức thống kê Internet quốc tế (Internetworldstats), tính đến tháng 6/2017, Việt Nam đã có 64 triệu người (tương đương 67% dân số, cao thứ 12 trên thế giới) sử dụng Internet.
Bên cạnh nhưng lợi ích, Internet cũng ẩn chứa nhiều rủi ro cho mọi đối tượng người dùng. Điều này đã chứng minh qua thực tế nhiều năm nay, Internet đã trở thành không phải một “mảnh đất màu mỡ” mà là một miền không gian vô cùng hấp dẫn cho đủ loại tội phạm, từ những kẻ lừa đảo vặt cho đến các tổ chức khủng bố. Nạn nhân cũng rất đa dạng, từ những người dân bình thường cho đến các công ty đa quốc gia và các siêu cường trên thế giới. Trong đó, người ta thường nhắc đến những cuộc tấn công mạng vào các công ty, tổ chức lớn với mức thiệt hại nhiều triệu USD. Nhưng thực tế thì đối tượng dễ bị tổn thương hơn cả lại chính là những người dân bình thường – những người có hiểu biết hạn chế về những hiểm họa rình rập họ khi họ tham gia vào môi trường mạng Internet – với mức thiệt hại khi xảy ra sự cố có thể chỉ vài trăm nghìn đồng, cũng có thể lên đến hàng tỷ đồng.
Sáng ngày 12/6/2018, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV đã thông qua Luật An ninh mạng (Luật số 24/2018/QH14) với 86,86% đại biểu đống ý thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019. Luật An ninh mạng được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng với sự tham gia đóng góp ý kiến của các Bộ, ngành chức năng; ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia, tập đoàn kinh tế viễn thông lớn trong và ngoài nước như VNPT, FPT, BKAV, Facebook, Google, Apple, Amazon, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, Hiệp hội điện toán đám mây Châu Á; các cơ quan đại diện nước ngoài như Mỹ, Canada, Úc, Nhật bản…và ý kiến đóng góp rộng rãi của nhân dân.
Nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý để bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng; triển khai công tác an ninh mạng trên phạm vi toàn quốc, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; đảm bảo hiệu quả công tác quản lý nhà nước; nâng cao năng lực tự chủ về an ninh mạng, hoàn thiện chính sách nghiên cứu, phát triển chiến lược, chia sẻ thông tin về an ninh mạng. Luật An ninh mạng được ban hành với 7 chương, 43 điều quy định cụ thể phạm vi điều chỉnh; chính sách nhà nước về an ninh mạng, nguyên tắc bảo vệ an ninh mạng; hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đây là đạo luật quan trọng liên quan trực tiếp đến công tác bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của lực lượng Công an nhân dân và thu hút sự quan tâm rất lớn của quần chúng nhân dân. Bài viết này tác giả xin giới thiệu cùng bạn đọc về những điểm nổi bật cần quan tâm trong đạo luật, đặc biệt là đối với công tác bảo vệ an ninh trật tự trên không gian mạng:
Các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng và xử lý vi phạm pháp luật về an ninh mạng
Luật An ninh mạng chỉ nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật đã được pháp luật quy định. Theo đó, Luật An ninh mạng đã liệt kê cụ thể, rõ ràng các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng, góp phần thuận lợi trong việc thực hiện và xử lý hành vi vi phạm (được quy định cụ thể tại Điều 8), bao gồm:
- Sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi: Tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác;….
- Thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
- Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, phương tiện điện tử; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu, phương tiện điện tử của người khác.
- Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng.
- Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi và các hành vi bị nghiêm cấm khác.
Như vậy, Luật An ninh mạng không có quy định cấm Facebook, Google hoặc các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; không ngăn cản quyền tự do ngôn luận, quyền bày tỏ quan điểm của công dân; không cấm công dân sử dụng các dịch vụ mạng xã hội như Facebook, Google; không cấm công dân tham gia hoạt động trên không gian mạng hoặc truy cập, sử dụng thông tin trên không gian mạng; không cấm công dân khởi nghiệp, sáng tạo hay trao đổi, triển khai ý tưởng sáng tạo của mình trên không gian mạng.
- Về xử lý vi phạm pháp luật về an ninh mạng, Luật quy định như sau: Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng (Điều 29)
Cho đến nay, Việt Nam là quốc gia đầu tiên quy định về bảo vệ quyền của trẻ em trên không gian mạng bằng điều luật cụ thể. Theo đó, Luật quy định như sau: trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng, đây là quy định rất tiến bộ trong Luật An ninh mạng. Bên cạnh đó, Luật quy định cụ thể trách nhiệm của chủ quản hệ thống thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cá nhân tham gia hoạt động không gian mạng, cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và tổ chức, cá nhân khác liên quan, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và các cơ quan chức năng.
Trách nhiệm của doanh nghiệp
Doanh nghiệp trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, Internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng. Chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp phải ngăn chặn việc chia sẻ thông tin, xoá bỏ các thông tin có nội dung vi phạm. Doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam, dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ tại Việt Nam.
Quy định của Luật về trách nhiệm của doanh nghiệp là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu bảo vệ an ninh mạng hiện nay; đồng thời, Luật An ninh mạng đã quy định cụ thể 03 loại dữ liệu cần lưu trữ (thông tin cá nhân người sử dụng dịch vụ; dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ; dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra). Như vậy, không phải toàn bộ các dữ liệu được truyền đưa trên không gian mạng phải lưu trữ tại Việt Nam; do đó, quy định này không làm ảnh hưởng tới lưu thông dữ liệu số, cản trở hoạt động của doanh nghiệp.
Trách nhiệm của Bộ Công an
Theo quy định tại Điều 36 Luật An ninh mạng, Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an ninh mạng và có nhiệm vụ, quyền hạn sau: Ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và hướng dẫn thi hành văn bản quy phạm pháp luật về an ninh mạng; xây dựng, đề xuất chiến lược, chủ trương, chính sách, kế hoạch và phương án bảo vệ an ninh mạng; phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và phòng, chống tội phạm mạng; bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng; xây dựng cơ chế xác thực thông tin đăng ký tài khoản số; cảnh báo, chia sẻ thông tin an ninh mạng, nguy cơ đe dọa an ninh mạng; tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc phân công, phối hợp thực hiện các biện pháp bảo vệ an ninh mạng, phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng trong trường hợp nội dung quản lý nhà nước liên quan đến phạm vi quản lý của nhiều Bộ, ngành; tổ chức diễn tập phòng, chống tấn công mạng; diễn tập ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia và tổ chức kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về an ninh mạng.
Trong những năm qua, để đảm bảo đất nước có những bước phát triển vững chắc hướng đến mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” đảm bảo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, Quốc hội với tinh thần trách nhiệm cao nhất trước nhân dân đã ban hành nhiều bộ luật, luật phù hợp với tiến trình phát triển xã hội, con người trong thời kỳ mới, các luật đó thể hiện ý chí của dân tộc, biểu thị sự nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền, của tinh thần tự quyết và tự chủ và Luật An ninh mạng ra đời là một sự tất yếu phù hợp với sự phát triển của đất nước. Vì vậy, mọi công dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm với đất nước, đồng hành cùng Quốc hội và Nhà nước tham gia đóng góp ý kiến xây dựng xuất phát từ sự am hiểu và niềm tâm huyết, không gây trở ngại hoặc phá hoại quá trình đi lên của dân tộc. Đối với lực lượng Công an nhân dân, trong thời đại “Cách mạng 4.0”, Internet ngày càng phổ biến và vượt khỏi ranh giới địa lý quốc gia thì công tác bảo vệ an ninh không gian mạng, phòng chống hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, hành vi vi phạm phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức lại càng phức tạp và nặng nề hơn bao giờ hết, xuất phát từ nhiệm vụ đó yêu cầu cần thiết đối với mỗi người cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an là cần am hiểu và nắm vững pháp luật phục vụ yêu cầu công tác. Hy vọng rằng, với bài viết này tác giả phần nào truyền tải được những vấn đề nổi bật, trọng tâm của Luật An ninh mạng, rất mong nhận được sự góp ý của quý bạn đọc./.
XUÂN QUYNH (PV01-Đ4)