Theo thống kê, Bình Phước là địa phương có số lượng doanh nghiệp, cơ sở chế biến hạt điều lớn nhất cả nước với hơn 500 doanh nghiệp, cơ sở theo quy mô khác nhau. Với đặc thù của ngành nghề sản xuất, nguy cơ cháy tại các doanh nghiệp, cơ sở chế biến điều rẩt cao, thiệt hại thường rất nặng nề nếu không có biện pháp phòng cháy, chữa cháy hiệu quả.
Bài đầu: Nguy cơ cháy đã được quan tâm đúng mức?
Chỉ trong vòng nửa đầu tháng 8, liên tiếp 2 vụ cháy đã xảy ra tại các cơ sở kinh doanh, chế biến hạt điều trên địa bàn tỉnh. Thực trạng này cho thấy, công tác phòng cháy chữa cháy ở các cơ sở kinh doanh chế biến điều còn chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, các cơ sở này đều là những khu vực tập trung nhiều máy móc, sử dụng nguồn điện công suất lớn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy khác ở mức cao.
Nguy cơ hiển hiện
Lò hơi công nghiệp – thiết bị dùng để sấy điều và là thiết bị quan trọng không thể thiếu trong quá trình gia công hạt điều. Tuỳ theo tính chất của cơ sở, lò hơi sẽ có công suất khác nhau. Nhưng đều có nguyên lý chung là nếu không được vận hành cũng như bảo quản đúng cách, tuân thủ các quy định về an toàn phòng cháy, những nguy cơ, sự cố về lò hơi có thể xảy ra bất kì lúc nào và gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng. Vụ cháy xảy ra ở công ty TNHH LC Buffalo, tại thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú thời gian qua được xem là bài học lớn đòi hỏi các cơ sở chế biến, gia công điều phải quan tâm hơn đến nguy cơ cháy từ các lò hơi, lò sấy và bồn chứa nhựa hạt điều,…
Ông Đỗ Hữu Cường, quản lý một cơ sở chế biến hạt điều ở xã. Thuận Lợi, huyện Đồng Phú cho biết, trong quá trình lò hơi vận hành, cơ sở của ông thường xuyên phải có người đứng túc trực để thăm nước, thăm đầu bơm. Nước và đầu bơm đều phải hoạt động tốt thì lò hơi mới vận hành an toàn. “Mình phải xem nước có được liên tục bơm vào trong nồi hay lò hơi hay không. Nếu không hoạt động là mình phải có biện pháp xử lý ngay, không là không được”, ông Cường nói. Dù vậy, theo nguyên tắc vận hành, bảo quản lò hơi, lò hơi cần phải được bảo dưỡng theo đúng thời gian quy định. Hơn nữa, trong quá trình sử dụng, người vận hành phải trải qua đào tạo và có giấy phép vận hành lò hơi đồng thời thường xuyên kiểm tra, kiểm định theo yêu cầu nghiêm ngặt của thiết bị áp lực do cơ quan có thẩm quyền cấp phép xem xét. Tuy nhiên, với các cơ sở gia công điều ở mức độ nhỏ và vừa, vấn đề này gần như bỏ ngỏ.
Số lượng máy móc hiện đại trong cơ sở chế biến điều tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy do chập điện
Không chỉ vậy, ứng dụng kĩ thuật trong sản xuất, số lượng máy móc hiện đại, tiên tiến trong chế biến hạt điều ngày càng được các cơ sở sử dụng nhiều hơn. Đi cùng với đó là nguồn điện công suất lớn phục vụ vận hành số máy móc này. Vì vậy, chỉ cần một sự cố chập điện nhỏ, nhất là khi xảy ra vào ban đêm, công tác phòng cháy chữa cháy gần như sẽ không kịp trở tay. “Nếu sự cố cháy xảy ra ban ngày thì còn có thể hô hoán công nhân tham gia chữa cháy được, khắc phục phần nào. Chúng tôi sợ nhất là xảy ra cháy ban đêm, khi cơ sở gần như không có người, việc chữa cháy rất khó khăn”, ông Nguyễn Văn Đẳng, chủ cơ sở sản xuất điều ở xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú chia sẻ.
Dễ thành đám cháy lớn
Theo nhận định của cơ quan chức năng, bên trong các cơ sở chế biến, gia công hạt điều có rất nhiều yếu tố khiến ngọn lửa một khi đã bùng phát thì lây lan rất nhanh và dễ thành đám cháy lớn. Ngoài ra, các cơ sở này thường có nhiều khu vực tập kết gỗ, củi dùng trong đốt lò hơi hoặc khu vực tập kết các phụ phẩm của điều, đều là những chất xúc tác để hình thành một vụ cháy lớn chỉ cần một sự cố nhỏ xảy ra. “Nguyên nhân các vụ cháy phần lớn là do chập điện. Có thể chập trên hệ thống điện và chập ở thiết bị sản xuất. Chập điện là nguyên nhân khách quan. Song nó cũng xuất phát từ ý thức con người, từ thiết kế hệ thống, vận hành hệ thống”, Thượng tá Nguyễn Thọ Bài, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh nhấn mạnh.
Tổ phòng cháy chữa cháy Công ty Sentai Industry, huyện Đồng Phú kiểm tra hệ thống bơm nước phục vụ chữa cháy của doanh nghiệp
Thượng tá Nguyễn Thọ Bài cũng cho biết thêm, doanh nghiệp phải chủ động trong công tác phòng cháy và việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, doanh nghiệp trong công tác tự kiểm tra an toàn PCCC là đặc biệt quan trọng. “Việc tự kiểm tra giúp cơ sở nhận thấy những thiếu sót còn tồn tại và có biện pháp khắc phục. Khi cơ sở báo cáo lên cơ quan quản lý Nhà nước về PCCC, lực lượng PCCC có biện pháp, giải pháp để hướng dẫn khắc phục. Hiện nay chúng tôi đang phát triển mô hình kết nối giữa cán bộ kiểm tra với doanh nghiệp thông qua zalo để có biện pháp nhắc nhở về các quy định mới cũng như tuyên truyền về các mô hình hay và các điều kiện phòng cháy chữa cháy”, Thượng tá Nguyễn Thọ Bài nói.
Mới đây, Bình Phước đã công khai danh sách 65 cơ sở sản xuất kinh doanh không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Trong đó, có 31 cơ sở chế biến hạt điều và ép dầu điều. Đây là một trong những hành động cụ thể nhằm nâng cao ý thức của người dân đồng thời cảnh báo đối với những cơ sở sản xuất kinh doanh chưa chú ý đến công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn.