Hiện nay, ở nước ta, tội phạm cướp giật tài sản đang diễn biến khá phức tạp và trở thành vấn đề nhức nhối ở hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là các thành phố lớn. Hành vi này không chỉ gây nguy hiểm cho tính mạng, tài sản của người bị hại mà còn tạo ấn tượng không tốt về nếp sống, nếp sinh hoạt của đời sống xã hội Việt Nam trong mắt bạn bè, du khách quốc tế.
Thời gian qua trên địa bàn tỉnh Bình Phước, lực lượng Công an đã liên tục phát hiện và bắt quả tang nhiều đối tượng có hành vi cướp giật tài sản, như:
Vào khoảng 13 giờ ngày 09/5/2021, Hiếu đến nhà Tiến chơi. Sau đó cả hai rủ nhau đi Lộc Ninh chơi. Tiến điều khiển xe môtô Sirius BKS: 93P1- 017.60 chở Hiếu đi lên Lộc Ninh theo đường QL13. Khi đến địa phận ấp 3, xã Lộc Thái, huyện Lộc Ninh cả hai phát hiện chị Ngô Thị Tư, 35 tuổi, trú thôn 7, xã Long Hà, huyện Phú Riềng, điều khiển xe mô tô chạy phía trước, đang nghe điện thoại. Lúc này, Hiếu kêu Tiến chạy xe mô tô áp sát xe mô tô của chị Tư để Hiếu giật chiếc điện thoại thì Tiến đồng ý. Tiến tăng ga xe môtô vượt lên áp sát để Hiếu ngồi sau giật lấy điện thoại của chị Tư, sau đó Tiến rồ ga theo hướng thị trấn Lộc Ninh để tẩu thoát. Chị Tư điều khiển xe truy hô “cướp, cướp”…Tiến điều khiển xe môtô rẽ vào đường liên thôn nhưng chị Tư tiếp tục đuổi theo. Sau đó xe mô tô của Tiến bị chết máy, chị Tư vượt lên chặn trước xe của Tiến. Ngồi phía sau, Hiếu xuống xe cầm điện thoại trả lại cho chị Tư và nói lời xin lỗi. Sau đó chị Tư đến cơ quan Công an trình báo toàn bộ sự việc. Biết không thể chạy trốn nên Tiến và Hiếu đến Công an huyện Lộc Ninh đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.
Ảnh: Nguyễn Văn Hiếu và Bùi Văn Tiến tại cơ quan Công an
Được biết đối tượng Bùi Văn Tiến là đối tượng có tiền án về tội trộm cắp tài sản. Nguyễn Văn Hiếu là đối tượng có các tiền án về tội cướp tài sản và tội cố ý gây thương tích. Cả hai cùng nghiện ma túy. Công an huyện Lộc Ninh đang thu giữ chiếc ĐTDĐ nhãn hiệu OPPO A92, màu xanh là tang vật vụ cướp giật cùng chiếc Sirius xe môtô BKS: 93P1- 017.60 là phương tiện các đối tượng gây án. Vụ án đang tiếp tục được Công an huyện Lộc Ninh điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Chiều 26/12/2021, trên địa bàn phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, quần chúng nhân dân cảnh giác phát hiện hai đối tượng đi trên xe mô tô có nhiều dấu hiệu nghi vấn nên đã báo lực lượng công an và phối hợp công an tổ chức kiểm tra 02 đối tượng trên. Qua kiểm tra phát hiện hai đối tượng là: Trần Công Huệ, 33 tuổi, trú huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk và Phạm Vũ Linh, 31 tuổi, trú huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Chiếc xe mô tô chúng sử dụng mang biển số 93P2-531.86 là biển số giả, kiểm tra trong chiếc giỏ hai đối tượng mang theo còn có một biển số khác là 73D1-272.61. Ngoài ra còn có 01 dao phay, 02 bình xịt hơi cay, 04 sim điện thoại và nhiều giấy tờ khác...
Ảnh: Hai đối tượng Trần Công Huệ và Phạm Vũ Linh. (Nguồn: binhphuoc online)
Nghi vấn đây là 2 đối tượng đã gây ra hàng loạt vụ cướp giật trên địa bàn các huyện, thị xã trong tỉnh thời gian qua nên Công an thành phố Đồng Xoài đã thông báo cho công an các huyện, thị xã trong tỉnh biết. Phối hợp đấu tranh với hai đối tượng, bước đầu cả hai đã khai nhận gây ra 08 vụ cướp giật tài sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Cơ quan Công an đang tiếp tục đấu tranh, điều tra mở rộng vụ án.
Cướp giật tài sản là một trong những tội thuộc nhóm tội xâm phạm sở hữu được quy định tại Bộ luật Hình sự Việt Nam. Vậy pháp luật hiện hành quy định như thế nào về tội danh này? Hình phạt áp dụng đối với loại tội phạm này là gì? Khung hình phạt cao nhất là bao nhiêu năm?
Trước hết, về mặt khách quan của tội này thể hiện qua dấu hiệu sau:
- Có hành vi chiếm đoạt tài sản một cách công khai và nhanh chóng. Được hiểu là người phạm tội không cần che giấu hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác mà thực hiện trước mặt mọi người một cách táo bạo bất ngờ và dứt khoát trong một thời gian rất ngắn.
- Để thực hiện được hành vi này người phạm tội không sử dụng vũ lực (tuy một số trường hợp có sử dụng sức mạnh như đạp, xô cho bị hại té để cướp), cũng không đe dọa sử dụng vũ lực hay uy hiếp tinh thần của người bị hại như trong tội cướp tài sản mà chỉ dựa vào sự nhanh nhẹn của bản thân và sự sơ hở của người bị hại, hay trường hợp người bị hại không đủ khả năng bảo vệ tài sản (chẳng hạn như trẻ em, người già, phụ nữ…) để giật lấy tài sản của họ và tẩu thoát.
- Đặc trưng của hành vi chiếm đoạt của tội phạm này là được thực hiện một cách bất ngờ và nhanh chóng (trong một khoản thời gian rất ngắn, thường chỉ trong một vài giây là đã thực hiện xong hành vi chiếm đoạt) làm cho người bị hại không kịp ứng phó. Đồng thời ngay sau khi đoạt được tài sản từ tay người bị hại, người phạm tội cũng nhanh chóng tẩu thoát nhằm tránh khỏi việc truy đuổi của người bị hại. Thông thường thì người phạm tội có sử dụng phương tiện để thực hiện tội phạm (như dùng xe phân khối lớn để cướp giật…)
Lưu ý:
+ Đối tượng của hành vi cướp giật tài sản thông thường là nữ trang, tiền và các giấy tờ có giá trị như tiền, là những vật nhẹ, gọn, dễ lấy và cất giấu một cách dễ dàng.
+ Nhiều trường hợp người phạm tội cũng sử dụng thủ đoạn tinh vi để tạo sơ hở mất cảnh giác của chủ sở hữu tài sản, người quản lý tài sản để thực hiện hành vi cướp giật. Chẳng hạn như là giả vờ hỏi mua điện thoại di động, khi được chủ tài sản đưa cho xem đã nhanh chóng tẩu thoát cầm theo chiếc điện thoại.
+ Trường hợp người bị hại giữ, giằng, giật lại tài sản khi bị cướp giật tài sản của mình, thì ngay lúc đó người có hành vi cướp giật sử dụng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc để chiếm đoạt bằng được tài sản đó. Trường hợp này là sự chuyển hoá tội phạm, từ tội cướp giật tài sản sang tội cướp tài sản.
+ Tính chất công khai ở tội này cũng là công khai về hành vi đối với người bị hại, người phạm tội có thể giấu mặt, lợi dụng ban đêm khi thực hiện hành vi cướp giật. Việc giấu mặt đó không ảnh hưởng đến tính công khai của hành vi cướp giật.
+ Tội phạm hoàn thành khi người phạm tội đã giật được tài sản. Nếu không cướp giật được tài sản mà không phải do tự ý nửa chừng chấm dứt hành vi phạm tội, thì thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt. Định lượng tài sản chiếm đoạt không phải là yếu tố định tội mà chỉ là yếu tố định khung hình phạt.
Về hình phạt đối với tội này được chia thành bốn khung, cụ thể như sau:
- Khung một (khoản 1): Có mức phạt tù từ một năm đến năm năm. Được áp dụng đối với trường hợp phạm tội có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản ủa tội này nếu ở mặt khách quan.
- Khung hai (khoản 2): Có mức phạt tù từ ba năm đến mười năm. Được áp dụng đối với một trong các trường hợp phạm tội sau đây:
+ Có tổ chức.
+ Có tính chất chuyên nghiệp.
+ Dùng thủ đoạn nguy hiểm. Được hiểu là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi cướp giật tài sản rất táo bạo, có thể gây thiệt hại đến sức khoẻ, tính mạng của chủ sở hữu tài sản, hoặc người quản lý tài sản như cướp giật tài sản của người đang đi xe gắn máy trên đường phố rồi đạp người bị hại ngã để tẩu thoát.
+ Hành hung để tẩu thoát. Được hiểu là hành vi của người phạm tội dùng vũ lực (như đấm, đá, dùng gậy đánh…) chống trả lại việc đuổi bắt nhằm mục đích tẩu thoát khỏi sự truy đuổi của người bị hại hoặc những người khác.
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%.
+ Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.
+ Gây hậu quả nghiêm trọng.
- Khung ba (khoản 3): Có mức phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. Được áp dụng đối với một trong các trường hợp phạm tội sau đây:
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%.
+ Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng.
+ Gây hậu quả rất nghiêm.
- Khung bốn (khoản 4): Có mức phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. Được áp dụng đối với một trong các trường hợp phạm tội sau đây:
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người.
+ Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên.
+ Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
- Hình phạt bổ sung (khoản 5): Ngoài việc chịu một trong các hình phạt chính nêu trên, tuỳ từng trường hợp cụ thể, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng).
Mong rằng qua bài viết này sẽ giúp cho mọi người hiểu rõ hơn những quy định của pháp luật về tội cướp giật tài sản, từ đó góp phần đấu tranh ngăn chặn đối với tội phạm này nói riêng và các hành vi vi phạm pháp luật khác nói chung.
Nguyễn Đức Hiếu