Công an tỉnh Bình Phước
Vạch trần thủ đoạn cổ xúy, tán dương đối tượng khủng bố của các thế lực thù địch, phản động
Lượt xem: 96
Trong bối cảnh an ninh toàn cầu ngày càng trở nên phức tạp, việc ra sức tô vẽ và đánh bóng cho các đối tượng khủng bố như Y Quynh Bdap không chỉ đi ngược lại lợi ích của Việt Nam mà còn đe dọa an ninh toàn cầu. Việc cố tình đổi trắng thay đen, đánh tráo bản chất nhằm kích động kêu gọi trả tự do cho đối tượng khủng bố là hành vi tiếp tay cho tội phạm, cần phải lên án.
 

Luận điệu cổ xúy, tán dương tội phạm khủng bố

Thời gian gần đây, trên các trang fanpage phản động, chống phá ở hải ngoại như tổ chức khủng bố Việt Tân, Chân trời mới media, Người Thượng vì công lý, các hãng truyền thông hải ngoại định kiến với Việt Nam như VOA, RFA, RFI... xuất hiện nhiều bài viết liên quan đến đối tượng Y Quynh Bdap sau khi đối tượng này đã bị TAND tỉnh Đắk Lắk xét xử vắng mặt với tội danh khủng bố. Song trái với những gì mà Y Quynh Bdap gây ra, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại tô vẽ đối tượng này trở thành “người hùng”.

anh tin bai

Quyết định truy nã đối với 6 nghi can liên quan đến vụ khủng bố tại huyện Cư Kuin, Đắk Lắk.

Khi Y Quynh Bdap bị nhà chức trách Thái Lan bắt giữ, đã có những tổ chức đội lốt dân chủ, nhân quyền như Ân xá quốc tế, Theo dõi nhân quyền (HRW), Liên minh Xã hội dân sự toàn cầu (CIVICUS)..., một số thành phần mang danh nghị sĩ, dân biểu tâng bốc tội phạm khủng bố Y Quynh Bdap là “người can đảm”, “người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền”, “người vì đồng bào dân tộc thiểu số”… Bất chấp các quy định của luật pháp quốc tế về phòng, chống khủng bố, họ ra sức kêu gọi cơ quan chức năng không dẫn độ đối tượng về Việt Nam, thúc giục đòi trả tự do cho Y Quynh Bdap.

Ngày 1/8/2024, Toà án Hình sự Bangkok, Thái Lan đã mở phiên xử dẫn độ đối với Y Quynh Bdap. Các thế lực thù địch lên tiếng phản đối tòa, cho rằng Y Quynh Bdap phải được trả tự do, bất chấp thực tế trước đó (ngày 31/7), Báo Bangkok Post dẫn lời ông Chai Wacharonke, phát ngôn viên của chính phủ Thái Lan khẳng định “Chính phủ Thái Lan sẽ không can thiệp vào tiến trình tố tụng liên quan đến đối tượng Y Quynh Bdap”.
Đây là sự khẳng định quan điểm rõ ràng trước những đòi hỏi vô lý của những tổ chức, cá nhân mượn danh dân chủ, nhân quyền để đồng lõa với tội phạm.

Gần đây, sau khi có thông tin về việc ngày 30/9/2024, tòa án Thái Lan quyết định dẫn độ Y Quynh Bdap thì các nhóm mượn danh nhân quyền lại giở trò, lên tiếng phản đối phán quyết của tòa án Thái Lan. Theo đó, Tổ chức Quỹ Nhân quyền (HRF) “kêu gọi Thái Lan trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Y Quynh Bdap”; tổ chức Đoàn kết Công giáo toàn cầu (CSW) “kêu gọi chính phủ Thái không thực thi lệnh dẫn độ ông về Việt Nam”; tổ chức Người Thượng vì công lý (MSFJ) “cực lực phản đối quyết định của Tòa án Hình sự Bangkok về việc dẫn độ ông Y Quynh Bdap theo yêu cầu của Chính phủ Việt Nam”…

Trên trang mạng xã hội của Việt Tân, Chân trời mới media, các hãng truyền thông hải ngoại thiếu thiện chí tỏ vẻ kêu oan, khóc mướn cho Y Quynh Bdap. Họ loan tin: “Các nhóm nhân quyền kêu gọi chính quyền Thái Lan không thi hành việc dẫn độ nhà hoạt động Y Quynh Bdap về Việt Nam sau khi ông bị tòa Hình sự Bangkok ra phán quyết dẫn độ theo yêu cầu của Hà Nội”.

Những cáo buộc, đòi hỏi về việc không dẫn độ và trả tự do cho Y Quynh Bdap bất chấp luật pháp quốc tế, đe dọa an ninh quốc gia mà các tổ chức, cá nhân chống phá, thù địch đưa ra là không thể chấp nhận. Đây là những đòi hỏi phi lý, vô căn cứ. Mục đích của các thế lực thù địch nhằm cổ xúy cho tội phạm khủng bố; đồng thời ca ngợi, tán dương các hành vi khủng bố, chống phá Việt Nam.
Hãy nhìn lại con đường phạm tội của Y Quynh Bdap để thấy đối tượng này phạm tội nguy hiểm và cực đoan, ngoan cố như thế nào.

Vòng xoáy tội lỗi

Cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên không còn xa lạ với cái tên Y Quynh Bdap. Theo thông tin từ cơ quan Công an, Y Quynh Bdap sinh năm 1992, tại Buôn Cuê, xã Băng Adrênh, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. Ngay từ khi còn là học sinh, Y Quynh Bdap đã có tư tưởng chống phá cực đoan, kết nối với các đối tượng lưu vong thuộc tổ chức FULRO, tìm cách lôi kéo người khác tham gia vào các hoạt động chống đối Nhà nước. Năm 2012, Y Quynh Bdap bị khởi tố, bắt tạm giam 5 tháng về hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Tuy nhiên, qua quá trình điều tra, xét thấy Y Quynh Bdap do thiếu hiểu biết, lại bị các đối tượng xấu lôi kéo nên thực hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của pháp luật Việt Nam, Y Quynh Bdap đã được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và giao cho địa phương quản lý, giáo dục. Mặc dù cơ quan chức năng phát hiện, giáo dục thuyết phục, cho hưởng sự khoan hồng, song Y Quynh Bdap vẫn chứng nào tật ấy, tiếp tục liên lạc, nhận sự chỉ đạo từ bên ngoài, lôi kéo các đối tượng trong nước hoạt động chống phá.

Năm 2018, Y Quynh Bdap vượt biên trái phép sang Thái Lan. Tại đây, đối tượng này cùng với một số đối tượng có tư tưởng chống phá Việt Nam thành lập “Nhóm người Thượng vì công lý”. Đây là tổ chức phản động nhằm tập hợp nhóm người dân tộc thiểu số tại Thái Lan có tư tưởng chống phá Nhà nước Việt Nam. Mượn danh đấu tranh vì công lý cho người Thượng ở Tây Nguyên, các đối tượng xấu đã xuyên tạc, bóp méo, vu cáo Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, đòi ly khai, tự trị. Ngoài ra, các đối tượng còn liên kết và nhận sự hậu thuẫn của tổ chức phản động “Ủy ban Cứu người vượt biển - BPSOS” do đối tượng phản động Nguyễn Đình Thắng ở Mỹ cầm đầu, thường xuyên tuyên truyền, kích động chống phá, lôi kéo, móc nối, tuyển mộ lực lượng ở trong nước và kích động, chống phá Việt Nam. Vụ tấn công khủng bố ngày 11/6/2023 tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk thể hiện rõ tội ác mà các tổ chức, đối tượng thù địch, phản động gây ra.

Theo lời khai của Y Ba Bya, đối tượng tham gia vụ tấn công khủng bố ngày 11/6/2023, Y Quynh Bdap chỉ đạo việc chọn những trụ sở cơ quan Nhà nước có ít người để dễ thực hiện việc tấn công, đồng thời bắt phải quay video diễn biến cuộc tấn công khủng bố, phá hoại, giết cán bộ gửi cho Y Quynh Bdap để tuyên truyền cho cộng đồng quốc tế. Ngày 30/11/2023, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk ra quyết định truy nã đặc biệt đối với 6 nghi can liên quan đến vụ khủng bố. Trong số 6 đối tượng này có Y Quynh Bdap. Tháng 1/2024, TAND tỉnh Đắk Lắk tuyên án vắng mặt Y Quynh Bdap 10 năm tù với tội danh “Khủng bố”.

Không thể dung túng tội phạm khủng bố

Liên quan vụ khủng bố xảy ra tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, nhiều chính phủ, tổ chức quốc tế lên án mạnh mẽ hành động dã man, vô nhân tính của kẻ khủng bố. Mặc dù quy định pháp luật ở mỗi quốc gia có những điểm khác nhau nhưng nhìn chung đều hướng tới bảo vệ lợi ích cộng đồng, lợi ích đất nước, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, lợi ích hợp pháp của người dân. Hành vi xâm phạm hay chống lại quốc gia, dân tộc sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Trong bối cảnh toàn cầu, tội phạm khủng bố vẫn là một thách thức lớn đối với an ninh của tất cả các quốc gia. Để ứng phó với nguy cơ này, Liên hợp quốc đã thông qua nhiều điều ước đa phương về chống khủng bố. Nổi bật trong số đó là Công ước quốc tế về chống tài trợ khủng bố và Nghị quyết số 1373 về chống khủng bố và tài trợ khủng bố. Nhiều quốc gia đã đưa ra những biện pháp mạnh mẽ nhằm xử lý tội phạm khủng bố. Tại Mỹ, sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, chính phủ đã ban hành “Đạo luật Yêu nước Mỹ”, tăng cường hình phạt đối với tội phạm khủng bố và cho phép các bang thành lập cơ quan chống khủng bố riêng. Tương tự, Trung Quốc cũng tuyên bố rõ việc trừng phạt nghiêm khắc các phần tử khủng bố để duy trì trật tự xã hội và bảo vệ quyền con người.

Tổ chức ASEAN cũng ra Công ước về chống khủng bố. Trong đó nhấn mạnh: “Quan ngại sâu sắc về hiểm hoạ nghiêm trọng của chủ nghĩa khủng bố gây ra cho cuộc sống của người vô tội, cơ sở hạ tầng và môi trường, hòa bình và ổn định cũng như sự phát triển kinh tế của khu vực và quốc tế”; “Chủ nghĩa khủng bố, trong tất cả các hình thức biểu hiện, bất cứ nơi nào, bất cứ khi nào, do bất kỳ ai, là một mối đe dọa sâu sắc đối với hòa bình và an ninh và là một thách thức trực tiếp đến việc đạt được hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng của ASEAN”…

Nhà nước Việt Nam không chỉ bảo vệ các quyền tự do, lợi ích của công dân mà còn kiên quyết trừng phạt những kẻ lợi dụng quyền tự do, dân chủ để thực hiện các hành vi chống phá, mục đích lật đổ chính quyền. Nhà nước ta luôn tuân thủ và tôn trọng các quy định của luật pháp quốc tế về phòng, chống khủng bố. Việt Nam tích cực hợp tác với các quốc gia khác trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh chống lại các tổ chức tội phạm khủng bố quốc tế.

Tuy nhiên, bất chấp những quy định của luật pháp quốc tế, luật pháp Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động vẫn cố tình xuyên tạc, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để chống phá Việt Nam. Họ đã lợi dụng vụ việc liên quan đến Y Quynh Bdap để bôi nhọ hình ảnh Việt Nam, cáo buộc chính phủ đàn áp người “bất đồng chính kiến” và người dân tộc thiểu số. Đó là những cáo buộc phi lý, nhằm mục đích kích động chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Y Quynh Bdap là một kẻ phạm tội khủng bố lại được các thế lực thù địch, phản động tô vẽ thành một “người hùng”! Với hành vi khủng bố, chống phá Nhà nước, giết hại cán bộ, người dân, các đối tượng phải bị trừng trị theo quy định pháp luật. Công lý phải được thực thi và không một tổ chức hay cá nhân nào có quyền can thiệp vào việc xét xử của tòa án. Các hành vi cản trở việc thực thi pháp luật, bảo trợ cho các tổ chức khủng bố cần phải bị lên án và ngăn chặn kịp thời.

Lẽ ra, các tổ chức tự xưng bảo vệ nhân quyền cần phải tôn trọng luật pháp quốc tế, ủng hộ Việt Nam trong việc điều tra, xét xử các đối tượng khủng bố, trong đó có đối tượng khủng bố đang lẩn trốn ở nước ngoài theo các công ước và nghị quyết của Liên hợp quốc mà Việt Nam tham gia. Hành động can thiệp, bảo vệ cho những kẻ phạm tội khủng bố không chỉ đi ngược lại quy định của pháp luật mà còn gây tổn hại đến sự ổn định và an ninh của Việt Nam cũng như an ninh khu vực và toàn cầu.

Nguồn: CAND Online (Văn Thủy)