Admin
Đảm bảo an ninh mạng trong kỷ nguyên số
Lượt xem: 554
Việt Nam hiện xếp ở vị trí thứ 7 thế giới với khoảng 58 triệu người dùng Facebook, tăng 5% trong quý 1 năm 2018. TP Hồ Chí Minh nằm trong top 6 thành phố có người dùng Facebook đông nhất, với 14 triệu người dùng.

Facebook chỉ là một thống kê điển hình về sự bùng nổ của mạng Internet ở Việt Nam hiện nay. Trong một không gian rộng lớn, phát triển cực mạnh và độ tương tác, lan truyền như vũ bão, vấn đề an ninh mạng đang là thách thức với mọi quốc gia.

Ngay từ khi dự thảo Luật An ninh mạng được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 (2017), nhiều diễn đàn báo chí, mạng xã hội đã “nổi sóng” với những luận điệu chỉ trích. Làn sóng này kéo dài và cao điểm tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, khi Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua dự luật. Thậm chí, ngày 12-6-2018, khi Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua, trên nhiều diễn đàn báo chí, mạng xã hội còn vẽ trò “tường thuật trực tiếp”, đưa ra những tít gây hoang mang, phỏng vấn ông này, bà nọ dưới cái mác luật sư, nhà nghiên cứu, nhà “yêu nước”...

Thực ra, đây là chiêu trò của những kẻ chống phá, họ cố tình tạo ra điểm nóng, thổi thành sự kiện gây bão dư luận để khiến mọi người phải chú ý theo dõi, tìm cách hút cái nhìn không thiện cảm từ dư luận về phía cơ quan lập pháp Việt Nam.

Vậy, câu hỏi đặt ra: Tại sao có nhiều luồng dư luận chĩa mũi dùi vào quá trình xây dựng đạo luật như vậy? Có gì uẩn khúc trong đó?

Trước hết, đó là lợi ích từ một số doanh nghiệp bị tác động. Xuất phát từ lợi ích kinh doanh, không muốn chịu sự quản lý của pháp luật nước sở tại, không muốn đóng thuế và chịu các nghĩa vụ liên quan, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet nước ngoài ngay từ đầu đã có ý kiến về một số nội dung liên quan tới việc yêu cầu các doanh nghiệp phải lưu trữ tại Việt Nam dữ liệu người dùng và dữ liệu quan trọng của Việt Nam nhằm tạo “hiệu ứng ngược” để đẩy mạnh truyền thông, thu hút dư luận và tác động chính sách.

An ninh mạng đang thách thức toàn cầu.

Thậm chí, họ còn cho rằng, việc hạn chế dòng chảy dữ liệu gây hậu quả đến phát triển kinh tế, có thể giảm 1,7% GDP và giảm 3,1% vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Thực chất đây là thông tin được tung ra bởi chính các doanh nghiệp đang có hoạt động kinh doanh nhưng không đóng thuế, không làm tăng GDP cho đất nước trong nhiều năm qua.

Mục đích của những công ty này là cản trở việc ban hành chính sách về an ninh mạng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp này hoạt động không chịu sự ràng buộc của pháp luật, làm chậm nghĩa vụ đóng thuế.

Thứ hai, xuất phát từ những tổ chức, cá nhân có động cơ chống phá, thù địch với Đảng, Nhà nước Việt Nam. Nhiều tổ chức, cá nhân lên tiếng phản ứng dưới danh nghĩa tổ chức quốc tế, phi chính phủ, song lý lịch số này không khó để nhận ra. Chẳng hạn, tổ chức Freedom House nói “Việt Nam tiếp tục là kẻ thù của tự do Internet” khi nhận định về Luật An ninh mạng, đưa ra nhiều quan điểm “gây bão”. Cái cách mà Freedom House làm cũng tương tự như Human Rights Watch (tổ chức theo dõi nhân quyền - HRW), đó là biến có thành không, không thành có, sử dụng chiêu trò giả dối để vu cáo.

Giống như Freedom House, năm nào HRW cũng lặp lại luận điệu xuyên tạc, vu cáo Việt Nam đàn áp quyền tự do ngôn luận, lập hội, tự do báo chí, Internet... Cũng bởi thế nên chẳng có gì lạ khi Quốc hội thông qua dự luật, ngay lập tức Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) lên tiếng đòi “thu hồi Luật An ninh mạng”.

Rõ ràng, chân tướng của những của RSF, Freedom House, HRW... đã lộ dạng từ lâu, cũng chiêu bài, thủ đoạn đánh lận, gian dối và vu cáo vẫn như cũ dù xu thế ngày nay đã thay đổi nhiều.

Thứ ba, cùng những tổ chức như trên, không ít cá nhân trong và ngoài nước cũng được dịp “lên án” vấn đề an ninh mạng, chỉ trích Quốc hội, Nhà nước Việt Nam. Có thể thấy rõ, đó là những người có hành vi phạm pháp, lợi dụng không gian mạng để chống phá đất nước, đã bị cơ quan chức năng xử lý dưới các hình thức. Số này lâu nay sử dụng mạng Internet viết bài tuyên truyền phỉ báng, chống đối, nhân danh chiêu bài “xã hội dân sự”, “dân chủ nhân quyền”, “bảo vệ Tổ quốc”... để lập hội, nhóm với tên gọi, khẩu hiệu, tôn chỉ, mục đích dễ gây ấn tượng với nhu cầu, thị hiếu của từng tầng lớp, thành phần xã hội nhất định như “Diễn đàn xã hội dân sự”, “Hội tù nhân lương tâm”, “Hội phụ nữ nhân quyền”, “Hội bầu bí tương thân”, “Hội nhà báo độc lập”... Một số khác viết theo trào lưu, ca thán trên Facebook, mạng xã hội vì bị tác động bởi những luồng thông tin sai trái, độc hại.

Hiện nay, công tác bảo đảm an ninh mạng trở thành một trong những nhiệm vụ cấp bách được nhiều quốc gia đặc biệt quan tâm. Với việc thừa nhận rộng rãi mức độ ảnh hưởng tích cực và tiêu cực tới đời sống xã hội, quốc phòng, an ninh, xu hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật về an ninh mạng đã lan tỏa trên phạm vi toàn cầu, điển hình là Mỹ, Nga, Trung Quốc.

Trong xu thế đó, chỉ trong vòng 6 năm trở lại đây, đã có 23 quốc gia trên thế giới ban hành trên 40 văn bản luật, dưới luật về an ninh mạng. Nhận thức về vấn đề này đã được cụ thể hóa thành các chiến lược an ninh mạng, các đạo luật hoặc tương tự trên 80 quốc gia, tổ chức, liên minh quốc tế như Mỹ, Anh, Đức, Hà Lan, Pháp, Canada, Hàn Quốc, NATO... nhằm tạo ra các thiết chế, cơ sở pháp lý chống lại các nguy cơ đe dọa đến an ninh quốc gia từ không gian mạng; thành lập các lực lượng chuyên trách về an ninh mạng, tình báo mạng, chiến tranh mạng, phòng chống khủng bố mạng và tội phạm mạng.

Hiện nay, tình hình an ninh mạng nước ta ngày càng diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều nguy cơ thách thức không chỉ đối với nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh đối với các hoạt động sử dụng không gian mạng để kích động biểu tình, phát tán thông tin xấu độc, vu khống, sai sự thật; bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng; phòng chống lợi dụng mạng để tiến hành các hoạt động khủng bố, tuyên truyền chống phá chế độ. Việc bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia và an toàn xã hội theo cấp độ và áp dụng các biện pháp bảo đảm là cấp bách.

Không gian mạng trở thành môi trường lý tưởng cho âm mưu “diễn biến hòa bình”, phá hoại tư tưởng, chuyển hóa chế độ chính trị nước ta, thông qua các hoạt động thúc đẩy tự diễn biến, tự chuyển hóa; liên lạc, móc nối, chỉ đạo và thành lập tổ chức hoạt động chống phá; sử dụng không gian mạng để kích động biểu tình, gây rối an ninh, chuyển hóa chính trị ở nước ta. Việc xây dựng hành lang pháp lý đảm bảo an ninh trên mạng Internet rõ ràng là yêu cầu khách quan, cần thiết.

Nguồn: CAND Online