Truy bắt, truy nã là cuộc hành trình dài đầy khó khăn và nguy hiểm. Tuy nhiên tội phạm cũng là một con người, sâu thẳm trong họ vẫn có sự lương thiện. Bên cạnh việc quyết liệt truy bắt thì với những biện pháp tâm lý, dùng tình cảm, lý lẽ để thuyết phục đối tượng ra đầu thú, hưởng sự khoan hồng của pháp luật, cũng là một nét nhân văn đầy tình người của lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm.
Hành trình truy bắt tội phạm
Tiếp xúc với các trinh sát truy nã tội phạm Cục Cảnh sát truy nã (C52) những ngày cuối năm, chúng tôi mới thấy được, đằng sau những vụ án đã xét xử được đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng là hành trình truy bắt tội phạm đầy gian nan, nguy hiểm để buộc chúng phải ra đứng trước vành móng ngựa. Bởi các đối tượng truy nã thường là những tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm, nếu bị bắt sẽ phải chịu mức án rất nặng, có thể chung thân hoặc tử hình. Vì thế, chúng rất manh động, sẵn sàng chống trả lại lực lượng truy bắt.
Nói là vậy, nhưng khi đề nghị được viết về những hành trình truy nã khó khăn, gian khổ, các anh lại đề nghị chỉ kể về công việc, nghe chừng đơn giản nhưng cũng khiến người nghe phải suy ngẫm. Kể về lần bắt truy nã gần đây là đối tượng Bùi Đăng Đức, 50 tuổi, trú tại Hàng Bạc, Hà Nội, một đối tượng rất manh động, có đầy tiền án tiền sự. Các trinh sát cho biết, Đức nằm trong đường dây ma tuý của Sa Văn Cầu, thường xuyên vận chuyển heroin sang Trung Quốc, qua vùng biên tỉnh Quảng Ninh để tiêu thụ, số ít tiêu thụ ở trong nước. Hắn mua được khẩu súng ekolt của Đức 60 triệu, luôn thủ trong người, sẵn sàng tiêu diệt bất cứ ai tố cáo hắn và lực lượng Công an truy lùng. Vì vậy các trinh sát luôn phải rất cẩn thận khi tiếp cận. Phòng PC47 Công an tỉnh Quảng Ninh cũng đã nhiều lần truy bắt Đức nhưng không thành công.
Thiếu tướng Nguyễn Dĩnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát truy nã tội phạm
trao thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
Sau một thời gian dài dày công truy tìm, Cục C52 lập chuyên án tập trung truy bắt. Một tổ trinh sát Phòng 4, không kể ngày đêm, nắng mưa kiên trì tiếp cận với hàng xóm khu vực nơi Đức sinh sống để nắm thông tin. Qua một thời gian, trinh sát xác định được thông tin là cứ hôm nào trời mưa, sẩm tối là vợ Đức đưa con bắt taxi đi đâu không rõ, 2 - 3 ngày sau mới trở về. Trước khi đi, vợ hắn mua sắm rất nhiều vật dụng sinh hoạt, nên khả năng đi thăm Đức là rất cao.
Một hôm có tin trinh sát báo về, vợ Đức chuẩn bị đi thăm chồng, một tổ công tác tìm cách tiếp cận, nhưng khi đến gần nhà thì biết vợ con Đức đã đi mất. Nhận định vợ con Đức sẽ hướng về Giáp Bát, tổ công tác lập tức lên đường. Phát hiện vợ con đối tượng đứng ngoài đường bắt xe, trinh sát liền bám theo. Lúc đầu ngỡ mẹ con chị ta sẽ về Ninh Bình, trinh sát đã liên lạc với Công an địa phương sẵn sàng tiếp ứng, nhưng đến Hà Nam, vợ con Đức bất ngờ xuống xe. Tổ công tác buộc phải thay đổi kế hoạch, thông báo cho Công an Hà Nam phối hợp, đồng thời cũng xuống xe để tiếp tục đeo bám.
Khi xác định được nơi đối tượng Đức lẩn trốn là một xóm trọ, trinh sát tiếp cận nơi Đức ở, nhưng khi vào đến nơi, Đức đã chở vợ con đi mất. Qua tìm hiểu, trinh sát được biết Đức và một bạn tù khác đóng giả là cán bộ đo đạc địa chất thuê trọ để tránh bị phát hiện. 2 trinh sát được bố trí ở lại khu trọ tiếp tục theo dõi, nắm thông tin, đồng thời tổ công tác tìm gặp chủ nhà để vẽ lại toàn bộ sơ đồ khu trọ, đề nghị chủ nhà cộng tác, lên phương án bắt giữ đối tượng, đảm bảo không bị lộ và tuyệt đối an toàn cho những người ở trọ xung quanh. Buổi tối, khi Đức về nhà, mọi sinh hoạt trong xóm diễn ra bình thường nhưng thực tế các trinh sát đã giám sát chặt chẽ, bố trí đủ lực lượng và chờ khi Đức lên giường đi nghỉ, các trinh sát ập vào bắt giữ, khoá tay hắn lại khiến hắn không kịp trở tay, dù súng đã lên đạn, trước sự ngạc nhiên, bất ngờ của những người xung quanh.
Hành động nhân văn, lương tâm thức tỉnh
Việc truy bắt đối tượng truy nã luôn đầy gian nan, nguy hiểm không chỉ cho lực lượng truy bắt mà cả những người dân xung quanh. Vì vậy, trong những biện pháp nghiệp vụ, vận động đầu thú luôn được coi trọng thực hiện. Đó là biện pháp của lực lượng Công an, dùng nghệ thuật đánh vào lòng người, đánh vào ý chí lẩn trốn của đối tượng, đánh vào ý chí che giấu đối tượng của gia đình đối tượng bị truy nã; thức tỉnh lương tri tội phạm, giúp cho đối tượng nhận thức được hành vi phạm tội của mình, để từ đó ăn năn, hối cải, đầu thú, thành khẩn khai báo và cải tạo tốt, trở về sống lương thiện trong cộng đồng.
Kể về một lần vận động truy nã như vậy, trinh sát cho biết: Năm 2011, C47 và Công an tỉnh Quảng Ninh đã phá thành công chuyên án ma tuý lớn nhất cả nước thời điểm đó, bắt hàng trăm đối tượng, hàng nghìn bánh heroin và ma tuý tổng hợp. Trong vụ án này, các đối tượng câu kết rất chặt chẽ tạo thành một mạng lưới vận chuyển, mua bán ma túy xuyên quốc gia.
Đối tượng trốn truy nã người Trung Quốc đang khai báo với cơ quan chức năng Trung Quốc và Công an Việt Nam.
Theo đó, Nguyễn Tuấn Anh, trú tại Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc là đại lý cấp 1 trong đường dây của Nguyễn Thanh Tuân cùng vợ là Vũ Thị Thanh Hiền cầm đầu đã trốn thoát. Xác định đây là đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm, lãnh đạo Cục C52 chỉ đạo Phòng 4 triển khai nhiều tổ truy tìm đối tượng. Qua bám sát nắm tình hình, tổ công tác biết được Tuấn Anh có vợ là Vũ Thị Hường đang làm giáo viên tại Vĩnh Tường. Sau khi Tuấn Anh bỏ trốn, Hường đưa hai con trai về nhà mẹ đẻ ở thành phố Tuyên Quang mở một siêu thị gia đình để sinh sống. Sau khi vào gặp bố mẹ đẻ Tuấn Anh, ông bà cho biết, từ khi bỏ trốn, Tuấn Anh không liên lạc về nhà, tổ công tác quyết định lên kế hoạch về Tuyên Quang để gặp vợ Tuấn Anh.
Với nhiều biện pháp nghiệp vụ, sau vài giờ đồng hồ hỏi han, chuyện trò, trinh sát dần lấy được tình cảm và niềm tin của Hường. Tuy nhiên, vốn là một người phụ nữ thông minh, sắc sảo, Hường nhanh chóng đoán được anh không phải là khách vào mua hàng. Lúc này, trinh sát Phòng 4 C52 cũng tự giới thiệu mình là Công an đang truy tìm Tuấn Anh, vì không muốn làm hàng xóm, gia đình biết chuyện nên gặp Hường trực tiếp để nắm thông tin.
Trong câu chuyện, biết Hường hay đau đầu, trinh sát đã động viên cô xuống Hà Nội khám bệnh và sẽ nhờ bạn bè giúp đỡ. Bên cạnh đó, trinh sát còn phân tích lí lẽ để Hường hiểu, Tuấn Anh đang là đối tượng bị truy nã, truyền hình, báo chí đều đã đưa tin, cả nước đều biết đến, nếu bị bắt sẽ phải lĩnh án tử hình. Trong thời gian trốn chạy, sẽ không được công khai gặp gỡ gia đình, vợ con. Nếu Tuấn Anh đầu thú, sẽ được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ, sớm trở về cộng đồng để làm lại cuộc đời. Lúc đầu, Hường định không đi khám bệnh nhưng nhờ sự động viên, khuyên nhủ của anh em trinh sát nên Hường lại đổi ý.
Vài ngày sau, khi Hường xuống Hà Nội, một số anh em trinh sát ra bến xe đón Hường và tận tình đưa đi khám bệnh khiến cô rất cảm động. Biết mình không có bệnh gì nghiêm trọng, Hường vui vẻ về gặp trinh sát, cô cũng thành thật khai nhận, Tuấn Anh có liên lạc về và thi thoảng, Hường vẫn đi thăm chồng. Cô hứa sẽ vận động Tuấn Anh ra đầu thú và hỗ trợ các chiến sĩ hết mình để mong chồng được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Ngay khi Hường cung cấp số điện thoại của Tuấn Anh, trinh sát yêu cầu Hường gọi điện bảo Tuấn Anh điện thoại trực tiếp cho trinh sát. Ít hôm sau, Tuấn Anh gọi điện cho trinh sát đúng số mà Hường cung cấp. Lúc đầu, Tuấn Anh không tin các trinh sát biết mình đang ở Phú Thọ, nhưng sau khi được phân tích, khuyên nhủ, nhất là khi bị nói đúng khu vực hắn đang ở, thậm chí còn biết rõ hắn đang sống cùng với ai, nếu không ra đầu thú mà bị bắt, người thân sẽ bị ảnh hưởng thế nào, thì Tuấn Anh mới giật mình và xin với trinh sát cho hắn một tuần nữa để ra đầu thú. Ngày Tuấn Anh ra đầu thú, hắn ngỏ ý muốn được gặp vợ con và qua nhà gặp cha mẹ. Các cán bộ Phòng 4 đã tạo điều kiện cho Tuấn Anh gặp vợ con, gia đình.
Sau bao tháng ngày trốn chạy, sống chui lủi, nay được gặp lại gia đình, Tuấn Anh và gia đình đều rất cảm động. Khi về đến Hà Nội, Tuấn Anh đã tâm sự với các trinh sát rằng: "Bây giờ em mới thanh thản, ngồi trên xe được ngủ một giấc ngon lành mà chẳng phải lo lắng gì". Sau này, Tuấn Anh thực sự thay đổi, góp phần đắc lực giúp lực lượng Công an triệt phá thành công toàn bộ chuyên án.
Phối hợp biện pháp vận động đầu thú cùng với các biện pháp nghiệp vụ truy bắt khác, các cán bộ Cục C52 đã và đang hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Lưới trời lồng lộng, dù các đối tượng phạm tội có thủ đoạn, xảo quyệt đến đâu, chúng cũng không thoát khỏi vòng vây của các trinh sát dày dạn kinh nghiệm. Đầu thú là cách duy nhất để phạm nhân được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, nhanh chóng được trở về gia đình, xã hội để làm lại cuộc đời.
Năm 2014, lực lượng Công an đã bắt, vận động 7759 đối tượng truy nã, trong đó có 2111 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Riêng Cục C52 đã bắt, vận động đầu thú 507 đối tượng, trong đó có 242 đối tượng đặc biệt nguy hiểm. Đã có 80 lượt tập thể, cá nhân nhận được khen thưởng, trong đó có 1 Huân chương Chiến công hạng Ba; 3 tập thể được tặng Bằng khen của Chính Phủ; 5 tập thể, cá nhân được Bộ Công an tặng Bằng khen; 10 tập thể, 19 cá nhân được Tổng cục VI tặng giấy khen. C52 tặng Giấy khen cho 3 tập thể, 32 cá nhân. 5 đồng chí được tặng Bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh và Giám đốc Công an tỉnh.
Nguồn: cand,.com.vn