HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 41 NĂM GIẢI PHÓNG TỈNH BÌNH PHƯỚC (23-3-1975 - 23-3-2016): Những thành tựu nổi bật của tỉnh sau 41 năm ngày giải phóng (Bài cuối)
Tiềm năng, thế mạnh của tỉnh được khai thác hiệu quả. Nền kinh tế đã có bước bứt phá ngoạn mục, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng:
>>> Nguyên nhân thắng lợi và những bài học kinh nghiệm (Bài 2)
>>> Phong trào đấu tranh của Đảng bộ và nhân dân Bình Phước từ 1954-1975 (Bài 1)
Một góc thị xã Đồng Xoài hôm nay - Ảnh: C.TRMột góc thị xã Đồng Xoài hôm nay - Ảnh: C.TR
Sau ngày giải phóng, cơ cấu kinh tế của tỉnh Bình Phước ngày nay chủ yếu là nông - lâm nghiệp, công nghiệp - thương mại - dịch vụ thì quá nhỏ bé, cơ sở hạ tầng thấp kém... Chiến tranh để lại hậu quả nặng nề, ruộng đất bỏ hoang, mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, thêm vào đó là tâm lý nóng vội, chủ quan duy ý chí đã có ảnh hưởng tiêu cực, cản trở sự phát triển kinh tế của tỉnh. Thời kỳ 1986-1996, Sông Bé trở thành một trong những địa phương ghi “dấu ấn” trong công cuộc đổi mới và mở cửa. Sau khi tái lập tỉnh (năm 1997), nền kinh tế của tỉnh Bình Phước thực sự chuyển mình, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp một cách hợp lý.
Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu của tỉnh là: Cao su, hạt điều, hạt tiêu, linh kiện điện tử, mặt hàng gỗ... đã có mặt trên 50 quốc gia. Chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung quy mô lớn, hiện đại với hơn 5.000 trang trại. Quy mô sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp từ chỗ quá nhỏ bé, đến năm 2015 toàn tỉnh đã có 12 khu công nghiệp, 30 cụm công nghiệp đi vào hoạt động hiệu quả, giá trị sản xuất đạt 9.543 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 142.000 lao động. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đến năm 2015 đạt trên 1 tỷ USD.
Cuối năm 2015, tỉnh có trên 4.500 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký gần 23 ngàn tỷ đồng; có 18 dự án FDI với số vốn đăng ký hơn 62 triệu USD. Năm 2008, Bình Phước đã gia nhập vào “Câu lạc bộ 1.000 tỷ” của cả nước. Thu ngân sách năm 2015 đạt 3.846 tỷ đồng.
Kết cấu hạ tầng giao thông đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đáp ứng được yêu cầu phát triển và phục vụ tốt nhu cầu ngày càng cao của nhân dân:
Sau ngày giải phóng Bình Phước, kết cấu hạ tầng của tỉnh chưa phát triển, giao thông đi lại rất khó khăn, quốc lộ 13 và 14 chưa được đầu tư xây mới, chưa có hệ thống điện lưới quốc gia. Đến nay, toàn tỉnh đã có 493 tuyến đường dài hơn 4.400km, trong đó quốc lộ 13, 14 đã nhựa hóa 100% và đang tiếp tục nâng cấp mở rộng; đường tỉnh nhựa hóa đạt 96,53%; 100% số xã đã có đường nhựa đến trung tâm xã; hệ thống giao thông kết nối với các tỉnh giáp biên Campuchia, các tỉnh trong vùng và các địa phương trong tỉnh rất thuận lợi. Đến năm 2015, 100% số xã có điện lưới quốc gia với tỷ lệ sử dụng điện đạt 98% số hộ; có 90% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Chính sách an sinh xã hội được thực hiện hiệu quả. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao:
Trước năm 1997, Bình Phước chưa có điều kiện “bứt phá” phát triển kinh tế - xã hội, tỷ lệ hộ đói, nghèo cao so với các tỉnh trong khu vực miền Đông Nam bộ. Năm đầu mới tái lập, toàn tỉnh còn hơn 17,82% hộ đói nghèo, đến năm 2000 cơ bản xóa được hộ đói, đến nay hộ nghèo giảm còn 2,8%, bình quân mỗi năm giảm được 1,3% hộ nghèo, đã đưa được 60% số xã ra khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn. Các chính sách tín dụng ưu đãi, y tế, giáo dục, công tác khuyến nông, lâm, ngư... được thực hiện tốt góp phần quan trọng làm cho tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm. Đặc biệt, tỉnh đã quy hoạch trồng được gần 4.000 ha cao su để xây dựng quỹ an sinh xã hội, xóa nghèo bền vững. Tỷ lệ người thất nghiệp thành thị dưới 3,5% lao động trong toàn tỉnh. Hiện nay, hầu hết gia đình chính sách đều có mức sống khá hơn so với mức sống trung bình ở khu dân cư, không còn hộ nghèo.
Lĩnh vực giáo dục - đào tạo và y tế có nhiều tiến bộ vượt bậc:
Sau ngày giải phóng, lĩnh vực giáo dục - đào tạo của tỉnh đặc biệt khó khăn. Năm 1997 tái lập tỉnh, toàn tỉnh thiếu hàng ngàn giáo viên, hàng trăm phòng học. Đến năm 2015, giáo dục - đào tạo của tỉnh được đổi mới căn bản, toàn diện ở các cấp học, ngành học; đội ngũ giáo viên được quan tâm chuẩn hóa với 12.425 giáo viên. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm gần 21% số trường trong toàn tỉnh. Năm 1998, tỉnh được công nhận xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, đến năm 2009 tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở. 100% xã, phường, thị trấn có trường từ cấp mầm non và tiểu học; tỉnh có 3 trường cao đẳng và nhiều cơ sở, trung tâm đào tạo nghề. Toàn tỉnh hiện có 458 trường học các cấp với tổng số trên 233 ngàn học sinh. Số học sinh trúng tuyển vào các trường cao đẳng, đại học ngày càng nhiều, trong đó có nhiều em là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện đáng kể. Các bệnh viện tỉnh, huyện và trạm y tế cấp xã được đầu tư nâng cấp, trang thiết bị từng bước được hiện đại. Đến nay, đã có 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, có 6,5 bác sĩ/vạn dân, 25 giường bệnh/vạn dân. Công tác phòng chống dịch bệnh, các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được thực hiện tốt, chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh ngày càng tốt hơn.
Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo:
Lực lượng quân đội, công an, biên phòng, dân quân tự vệ không ngừng được củng cố, kiện toàn cả về số lượng và chất lượng, tinh thần sẵn sàng chiến đấu được nâng cao và trưởng thành về mọi mặt. Tỷ lệ thanh niên nhập ngũ hằng năm đều đạt 100% chỉ tiêu, trong đó tỷ lệ đảng viên, đoàn viên ngày càng tăng. Thế trận quốc phòng toàn dân, biên phòng toàn dân kết hợp với thế trận an ninh nhân dân... được củng cố, phát triển.
Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng trong tỉnh không ngừng được củng cố và nâng cao:
Từ chỗ chỉ có 356 tổ chức cơ sở đảng với gần 8.500 đảng viên năm tái lập tỉnh, đến tháng 12-2015, toàn Đảng bộ tỉnh đã có 22 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, 803 tổ chức cơ sở đảng, gần 30.620 đảng viên. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ngày càng đi vào chiều sâu, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng đảng. Đội ngũ cán bộ ngày càng trưởng thành, phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Cơ bản cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, huyện đều đạt chuẩn, có 75% cán bộ chủ chốt cấp xã đạt chuẩn theo quy định. Sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ và khối đại đoàn kết toàn dân được giữ vững và phát huy cao độ.
Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên; cải cách hành chính, kỷ cương hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí đạt kết quả tích cực:
Công tác cải cách hành chính được triển khai tích cực; thủ tục hành chính thường xuyên được rà soát, đơn giản hóa theo hướng rút ngắn thời gian giải quyết, công khai, minh bạch. Tổ chức bộ máy ổn định và hoạt động có hiệu quả; đã quan tâm thực hiện phân cấp quản lý, tạo sự chủ động, phát huy sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các ban, sở, ngành và chính quyền các cấp trong quản lý điều hành. Kỷ luật hành chính, chất lượng công vụ được chấn chỉnh. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, kịp thời xử lý nghiêm và công khai các vụ án tham nhũng. Công tác tiếp dân, đối thoại với dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được quan tâm.
Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức góp phần giữ vững và phát huy cao độ khối đại đoàn kết toàn dân:
Tỉnh đã xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình mới, nhiều điển hình “Dân vận khéo”, có sức lan tỏa, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Nhiệm vụ xây dựng đảng, chính quyền và giám sát những lĩnh vực có liên quan đến quyền lợi và đời sống nhân dân được thực hiện tốt. Sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ và nhân dân luôn được giữ vững và phát huy, các biểu hiện mất đoàn kết nội bộ đều được nhanh chóng xử lý nghiêm khắc, tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị dân tộc, tôn giáo trong nhân dân không xảy ra.
Quan hệ hợp tác, giao lưu hữu nghị giữa tỉnh với các tỉnh giáp biên giới thuộc Vương quốc Campuchia và một số tỉnh của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào không ngừng được củng cố, chủ quyền an ninh biên giới được giữ vững:
Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng góp phần nâng cao uy tín, vị thế của tỉnh đối với bạn bè quốc tế. Ngày 30-12-2012, Bình Phước là tỉnh đầu tiên hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh trên chiến trường Campuchia được thực hiện hiệu quả.
Nguồn: Bình Phước Online