Admin
Vận dụng quan điểm lý luận về công tác Công an của cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn trong tình hình hiện nay
Lượt xem: 1580
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng và gần 30 năm giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ Công an, dù ở cương vị nào, đồng chí Trần Quốc Hoàn luôn là một người chỉ huy mưu lược, tài trí; là người dày công nghiên cứu, xây dựng và có những đóng góp to lớn, đặc biệt về lý luận công tác Công an, đặt nền móng cho ngành khoa học Công an.

Năm 1952, ngay sau khi được Trung ương cử sang phụ trách ngành Công an, đồng chí đã chỉ đạo tổng kết quá trình đấu tranh của lực lượng CAND từ khi được thành lập, rút ra một số kết luận quan trọng về các công tác cơ bản, như: công tác bảo vệ cơ quan; công tác điều tra và nghiên cứu; công tác bắt và xét xử; công tác hỏi cung; vấn đề quản chế… Đồng chí chỉ rõ phương pháp công tác căn bản của lực lượng Công an là “phương pháp điều tra nghiên cứu, tìm hiểu thực sự.

Thực tế như thế nào, thì ta nói đúng như thế ấy, không thêm, không bớt, không xuyên tạc sự thật”. Trong công tác hỏi cung, đồng chí chỉ đạo “phải có thái độ hết sức khách quan thực sự cầu thị… phải chống nhục hình và nhục hình biến tướng… phải nghiên cứu khéo lợi dụng những chỗ mâu thuẫn, sai lầm, mơ hồ trong lời cung của phạm nhân và lại biết lợi dụng những mâu thuẫn trong lời cung của đồng bọn phạm nhân để vạch cho chúng thấy không thể giấu giếm được, đồng thời giải thích chính sách, nói rõ tương lai tiền đồ của chúng để đánh tan tư tưởng ngoan cố của chúng”. Những quan điểm của cố Bộ trưởng đã trở thành phương hướng chỉ đạo công tác Công an, là cơ sở, nền móng để tiếp tục nghiên cứu, phát triển lý luận về công tác Công an.

Trong thực hiện đường lối công tác cơ bản của Đảng về đấu tranh chống phản cách mạng và tội phạm khác, đồng chí nhấn mạnh phải nắm vững tư tưởng phòng ngừa tích cực, tiến công và tiến công liên tục bọn phản cách mạng và bọn tội phạm trong bất cứ hoàn cảnh nào. 

Đối với bọn phản cách mạng, phương châm chỉ đạo của đồng chí là phải điều tra nghiên cứu sâu, tính toán lâu dài, nhưng khi thấy kẻ địch có ý định phá hoại, mặc dù chưa điều tra sâu được, chưa nắm được toàn bộ âm mưu, tổ chức của chúng cũng phải trấn áp ngay, “nâng cao cảnh giác, không để lọt một kẻ địch, đề phòng lệch lạc, không được làm oan một người ngay”. Trong công tác phòng, chống gián điệp biệt kích thì “giữ dưới đất là chính, giữ bên trong là chính”. Đối với bọn phản động hoạt động nhen nhóm tổ chức thì phải phát hiện sớm, “bóp chết tổ chức ngay từ trong trứng”, nhất thiết không để cho chúng gây ảnh hưởng chính trị xấu trong nhân dân. 

Thực hiện chính sách “trấn áp kết hợp với khoan hồng, trừng trị kết hợp với giáo dục cải tạo… nghiêm trị bọn chủ mưu, thủ ác, khoan hồng những kẻ bị ép buộc, lầm đường và những kẻ hối cải, giảm tội hoặc miễn tội cho kẻ lập công, thưởng cho kẻ lập công lớn”; biện pháp “không thể chỉ đơn độc sử dụng một hình thức đấu tranh hoặc chỉ đơn thuần dựa vào một biện pháp riêng biệt mà khéo léo kết hợp hình thức đấu tranh chính trị với giáo dục tư tưởng, khéo kết hợp cải thiện dân sinh với đấu tranh chính trị, khéo kết hợp biện pháp chính trị, biện pháp quần chúng với biện pháp pháp luật, hành chính, nghiệp vụ, vũ trang”.  

Trong đấu tranh chống gián điệp, xuất phát từ phương châm, nguyên tắc cơ bản của ngành Công an là “tích cực bảo vệ mình, chủ động tiêu diệt địch”, đồng chí xác định phương châm hành động “phòng ngừa và đánh địch”. Kết hợp công tác về trinh sát bí mật, về quản lý hành chính công khai và vận động quần chúng trong đấu tranh chống gián điệp. Thực hiện đường lối quần chúng trong công tác trinh sát, phản gin. 

Những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, cơ sở lý luận trên của cố Bộ trưởng đã tạo nền móng cho sự hình thành, phát triển lý luận về công tác bảo vệ an ninh, trật tự; là nội dung cơ bản của đường lối đấu tranh chống phản cách mạng của Đảng và hoạt động nghiệp vụ của lực lượng CAND trong 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Đồng thời là “kim chỉ nam” cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và hoạt động thực tiễn trong cuộc đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của các thế lực thù địch, bọn phản động và các loại tội phạm khác và của những công tác xây dựng lực lượng CAND.

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đến thăm một đơn vị Công an
trước ngày lên đường đi chiến đấu và công tác ở chiến trường miền Nam.

Từ thực tiễn vận dụng quan điểm đấu tranh chống phản cách mạng của cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, các thế hệ CAND đã kế thừa cơ sở nền tảng lý luận, không ngừng bổ sung, phát triển thành hệ thống lý luận CAND. Ngày nay, khoa học an ninh đã hình thành hệ thống lý luận khá hoàn chỉnh, phong phú, bao gồm lý luận chung về bảo vệ an ninh quốc gia; lý luận về đảm bảo trật tự an toàn xã hội; lý luận về công tác tình báo; lý luận về xây dựng lực lượng CAND; lý luận về công tác hậu cần – kỹ thuật CAND; lý luận về công tác pháp chế; cải cách hành chính, cải cách tư pháp…

Cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn cũng là người đầu tiên đặt nền móng cho việc nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật trong công tác đánh địch, quản lý đối tượng và trong đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn xã hội đưa lại hiệu quả thiết thực, phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự của ngành Công an. 

Về xây dựng lực lượng CAND, cố Bộ trưởng là người đặt nền móng cho công tác tổ chức cán bộ, quan điểm chỉ đạo của cố Bộ trưởng là phải coi trọng công tác tuyển lựa, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, quy hoạch đội ngũ cán bộ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, văn hóa, nghiệp vụ, khoa học, kỹ thuật. Trong khâu tuyển chọn cán bộ, đồng chí đặc biệt chú trọng đến tiêu chuẩn khi lựa chọn cán bộ, “thể hiện trên 2 mặt phẩm chất cách mạng và tri thức cách mạng”. 

Trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, cố Bộ trưởng cho rằng phải làm tốt công tác chuyên môn hóa cán bộ và chính sách cán bộ “cần đặc biệt chú ý giải quyết tốt mối quan hệ giữa yêu cầu nâng cao trình độ một cách toàn diện và nâng cao trình độ trên từng mặt công tác; giữa sắp xếp sử dụng cán bộ với chuyên môn hóa cán bộ; giữa bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cho cán bộ cũ với chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ mới thay thế và bổ sung”.  

Về hợp tác quốc tế, nhận thức rõ sức mạnh của dân tộc phải gắn liền với phát huy sức mạnh của thời đại trong sự nghiệp cách mạng, đồng chí Trần Quốc Hoàn và Đảng đoàn, lãnh đạo Bộ Công an đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo tăng cường hợp tác quốc tế với cơ quan An ninh, Tình báo các nước xã hội chủ nghĩa, các nước láng giềng. 

Về công tác pháp chế, cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn hết sức quan tâm đến công tác xây dựng và thực hiện pháp luật. Với sự chỉ đạo của Bộ trưởng, ngành Công an đã có Pháp lệnh Cảnh sát PCCC (27-9-1961), Pháp lệnh CSND (16-7-1962), đặc biệt các văn bản dưới luật đã được Bộ trưởng ban hành, phủ kín hầu hết các lĩnh vực cần thiết như Điều lệ Cảnh sát khu vực; chế độ bắt, giam, giữ, khám xét, hỏi cung;… là những “viên gạch” đặt nền móng để ngày nay chúng ta xây dựng được hệ thống pháp luật về an ninh trật tự tương đối hoàn thiện. Cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn cũng là người đầu tiên quyết định thành lập tổ chức pháp chế ngành và quan tâm, chỉ đạo đào tạo cán bộ pháp lý.

Một trong những thành tựu quan trọng trong công tác lý luận CAND Việt Nam là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương về xây dựng hệ thống giáo trình, tài liệu phục vụ học tập, nghiên cứu, giảng dạy. Sự phối hợp giữa các đơn vị chuyên trách nghiên cứu lý luận với các đơn vị trực tiếp chiến đấu ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. 

Đến nay, về cơ bản, lực lượng Công an đã xây dựng được một hệ thống lý luận về công tác nghiệp vụ, trong đó, đã hình thành hệ thống quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, phương châm, nguyên tắc, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực công tác đảm bảo an ninh, trật tự, tạo cơ sở cho việc đổi mới toàn diện các mặt công tác Công an. 

Mối quan hệ hợp tác về lĩnh vực lý luận của Công an với các cơ quan ban ngành, đặc biệt là các Viện nghiên cứu, Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện Chiến lược, các cơ sở đào tạo ngoài lực lượng Công an ngày càng chặt chẽ, hiệu quả.

Đại tá, TS. Đinh Ngọc Hoa - Phó Giám đốc Học viện Chính trị CAND

Nguồn: CAND Online