Admin
Các trường hợp không đổi Chứng minh nhân dân sang Căn cước công dân gắn chíp sẽ bị phạt
Lượt xem: 459
Hiện nay, lực lượng Công an các địa phương đang tăng cường thời gian, thậm chí bố trí cả thời gian làm việc ngoài giờ hành chính, ban đêm để hỗ trợ người dân để đi làm Căn cước công dân (CCCD) gắn chíp nhưng vẫn có không ít trường hợp người dân dù thuộc đối tượng bắt buộc đổi CCCD nhưng vẫn “bình chân như vại”.



Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Vậy, trường hợp nào người dân phải đi đổi hoặc cấp lại Chứng minh nhân sang CCCD gắn chíp? Nếu người dân không đi đổi Chứng minh nhân dân sang CCCD gắn chíp có bị phạt hay không? Trường hợp nào sẽ bị xử phạt? Hình thức xử phạt đối với các trường hợp đó là gì? Bài viết này sẽ giúp cho mọi người hiểu rõ hơn về những câu hỏi trên.

Căn cứ Điều 5 Nghị định 05/1999/NĐ-CP về Chứng minh nhân dân, những trường hợp sau đây phải làm thủ tục đổi Chứng minh nhân dân:

- Chứng minh nhân dân hết thời hạn sử dụng;

- Chứng minh nhân dân hư hỏng không sử dụng được;

- Thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh;

- Thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Thay đổi đặc điểm nhận dạng.

Trường hợp bị mất Chứng minh nhân dân thì phải làm thủ tục cấp lại.

Như vậy, có đến 05 trường hợp người dân bắt buộc phải đi đổi thẻ và 01 trường hợp phải xin cấp lại thẻ Chứng minh nhân dân.

Theo điểm b khoản 1 Điều 9 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm có quy định về quản lý, sử dụng Chứng minh nhân dân như sau:

“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a)…

b) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp mới, cấp lại, đổi chứng minh nhân dân.”

Như vậy, nếu người nào thuộc trường hợp phải đổi hoặc cấp lại Chứng minh nhân dân mà không đi đổi hoặc cấp lại, người đó sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 200.000 đồng.

Theo quy định, từ đầu năm 2021, cả nước đã ngừng cấp Chứng minh nhân dân và CCCD mã vạch. Thay vào đó, thẻ CCCD gắn chíp ra đời với nhiều tiện ích hơn. Về việc đổi Chứng minh nhân dân 09 số, 12 số hoặc cấp đổi hoặc cấp lại CCCD mã vạch sang CCCD gắn chíp, thời điểm hiện tại Luật Căn cước công dân năm 2014 và các văn bản pháp luật liên quan vẫn chưa đặt ra cơ chế xử phạt.

Tuy nhiên, hiện nay Bộ Công an đang đề xuất nhiều mức phạt mới để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội. Một trong số các hành vi vi phạm đáng chú ý nêu tại dự thảo Nghị định này là vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng Chứng minh nhân dân hoặc thẻ CCCD, trong đó dự thảo Nghị định đề xuất trường hợp không đổi sang CCCD gắn chíp sẽ bị phạt tới 500.000 đồng.

Theo đó, các trường hợp phải đổi sang CCCD gắn chíp hoặc cấp lại CCCD gắn chíp được quy định cụ thể tại Điều 23 Luật Căn cước công dân 2014:

- Trường hợp đổi CCCD gắn chíp: (1) Khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi; (2) Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được; (3) Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; (4) Xác định lại giới tính, quê quán; (5) Có sai sót về thông tin trên thẻ CCCD; (6) Khi công dân có yêu cầu.

- Trường hợp cấp lại CCCD gắn chíp: (1) Bị mất thẻ CCCD; (2) Được trở lại quốc tịch Việt Nam.

Do đó, nếu thuộc các trường hợp phải đổi hoặc cấp lại Chứng minh nhân dân thì đều phải đổi sang CCCD gắn chíp, nếu không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại CMND/CCCD sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 – 500.000 đồng.

Như vậy, có thể thấy, so với mức phạt hiện đang áp dụng, Bộ Công an đề xuất mức phạt mới đến 500.000 đồng nếu công dân không đi đổi CCCD gắn chíp khi thuộc trường hợp phải đổi.

Mong rằng qua bài viết này sẽ giúp cho người dân hiểu rõ hơn những trường hợp phải đổi hoặc cấp lại Chứng minh nhân dân mà không đi đổi hoặc cấp lại sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật, từ đó giúp người dân có ý thức tự giác hơn trong việc đi làm CCCD gắn chíp.

Đức Hiếu