Một số văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới
Ngày 07/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 889/QĐ-TTg về Danh mục văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới.
Ảnh minh họa. (Nguồn: internet)
Theo Quyết định, có 16 Luật, 12 Nghị định cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, cụ thể:
- Danh mục 16 Luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới bao gồm: Luật Đất đai 2013; Luật Bảo hiểm xã hội 2014; Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi, bổ sung 2010, 2019); Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014,…); Luật Giá 2012; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014; Luật Thương mại 2005; Luật Điện lực 2004; Luật Giao dịch điện tử 2005; Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Chính phủ số; Luật Việc làm 2013; Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015; Luật Luật sư 2006 (sửa đổi, bổ sung 2012); Luật Kinh doanh bất động sản 2014; Luật Nhà ở 2014.
- Danh mục 12 Nghị định cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới bao gồm:
+ Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện;
+ Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử;
+ Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp;
+ Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Điện lực;
+ Nghị định 11/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá);
+ Nghị định 76/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản;
+ Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở;
+ Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân;
+ Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an ninh mạng;
+ Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dung dịch vụ Internet và thông tin trên mạng (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng);
+ Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
+ Nghị định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.
Ngoài ra, còn 04 văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới bao gồm:
Thông tư số 05/2018/TT-BYT ngày 05/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Danh mục thực phâm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm được xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam do Bộ Y tế quản lý;
Văn bản ban hành Danh mục loài, chủng loại dược liệu quý, hiếm, đặc hữu phải kiểm soát kèm mã số HS;
Thông tư số 15/2018/TT-BNNPTNT ngày 29/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành bảng mã số HS đối với Danh mục hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành danh mục pháo hoa, pháo hoa nổ; quy định danh mục chi tiết mã số HS các loại pháo, vũ khí thể thao, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, quy chuẩn kỹ thuật an toàn trong nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng và tiêu hủy pháo.
Quyết định cũng nêu rõ: Căn cứ Danh mục, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm như sau:
- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý tại các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua hoặc cho ý kiến đối với các dự án luật, pháp lệnh đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.
- Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp khẩn trương nghiên cứu, đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và các năm tiếp theo đối với các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành chưa có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đã có trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2021; phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, đề xuất đưa vào Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2022 và các năm tiếp theo.
- Khẩn trương xử lý các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành.
- Tiếp tục rà soát, tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thi hành văn bản quy phạm pháp luật cùng với các vấn đề đã được nêu tại Danh mục trong quá trình soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đức Hiếu