Sửa đổi, bổ sung về mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
Ngày 24/5/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 55/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 10/7/2021.
Ảnh minh họa (nguồn hoatieu.vn)
Theo đó, Nghị định 55/2021/NĐ-CP đã bổ sung về đối tượng áp dụng của Nghị định (khoản 3 và khoản 4 Điều 2), như sau:
- Tại khoản 3 là tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo Nghị định này, tổ chức này bao gồm:
+ Doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện) được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
+ Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập theo quy định của Luật Hợp tác xã;
+ Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam được thành lập theo quy định của Luật Đầu tư;
+ Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao;
+ Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; Các đơn vị sự nghiệp công lập; Các tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
- Tại khoản 4 bao gồm: người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính; người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; các cơ quan, tổ chức khác có liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường, đều là đối tượng áp dụng của Nghị định này.
Nghị định 55/2021/NĐ-CP bổ sung các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, đó là:
- Buộc di dời dự án, cơ sở đến địa điểm phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Buộc rà soát, cải tạo công trình xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định;
- Buộc phải lắp đặt thiết bị, hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục hoặc thiết bị, hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục theo quy định trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
- Buộc lập đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận theo quy định;
- Buộc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án cải tạo, nâng cấp, bổ sung các công trình bảo vệ môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đúng quy định;
- Buộc tháo dỡ công trình, thiết bị được xây lắp trái quy định về bảo vệ môi trường để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường.
Nghị định 55/2021/NĐ-CP đã sửa đổi một số mức phạt đối với hành vi vi phạm trong trường hợp trực tiếp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, cụ thể:
- Phạt tiền từ 130 triệu đồng đến 150 triệu đồng đối với hành vi không có kho, bãi lưu giữ phế liệu nhập khẩu đáp ứng điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất hoặc để thử nghiệm làm nguyên liệu sản xuất theo quy định; lưu giữ phế liệu nhập khẩu tại khu vực không đáp ứng điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất hoặc để thử nghiệm làm nguyên liệu sản xuất theo quy định.
- Đối với hành vi không có công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng phế liệu theo quy định; không xử lý tạp chất đi kèm phế liệu hoặc không chuyển giao tạp chất cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định bị phạt tiền từ 150 triệu đồng đến 170 triệu đồng.
- Phạt tiền từ 230 triệu đồng đến 250 triệu đồng đối với hành vi nhập khẩu phế liệu không đúng chủng loại trong Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo quy chuẩn kỹ thuật về môi trường quy định, trừ trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 25 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP.
Nghị định số 55/2021/NĐ-CP cũng nêu rõ phạt tiền từ 900 triệu đồng đến 01 tỷ đồng đối với hành vi nhập khẩu, quá cảnh phế liệu có chứa chất phóng xạ; nhập khẩu phế liệu không thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu trừ trường hợp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép nhập khẩu phế liệu để thử nghiệm làm nguyên liệu sản xuất và các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường.
Nghị định số 55/2021/NĐ-CP bổ sung mức phạt hành vi không báo cáo phục hồi môi trường.
Đối với vi phạm các quy định về cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản, Nghị định số 55/2021/NĐ-CP quy định bổ sung mức phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi không báo cáo công tác thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường về cơ quan phê duyệt phương án và cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường tại địa phương theo quy định; không báo cáo cơ quan phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong trường hợp có sự điều chỉnh phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.
Đồng thời, Nghị định số 55/2021/NĐ-CP sửa đổi phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 120 triệu đồng đối với hành vi thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ một trong các hạng mục công việc phải thực hiện trong phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.
Phạt tiền từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng đối với hành vi không có phương án cải tạo, phục hồi môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; không lập lại phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định, trừ trường hợp thuộc đối tượng phải lập lại báo đánh giá tác động môi trường.
Ngoài ra, theo quy định của Nghị định số 55/2021/NĐ-CP hành vi thu gom, thải rác thải sinh hoạt trái quy định về bảo vệ môi trường bị xử phạt như sau:
- Phạt tiền từ 01 – 02 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt, trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố.
Ảnh minh họa: Hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt, trên vỉa hè, lòng đường
- Phạt tiền từ 100.000 – 150.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.
- Phạt tiền từ 150.000 – 250.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.
- Phạt tiền từ 500.000 – 01 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.
Ngoài ra, phạt tiền từ 02 – 04 triệu đồng đối với hành vi điều khiển phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường trong khi tham gia giao thông.
Nghị định số 55/2021/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Công an nhân dân cho phù hợp với những quy định sửa đổi, bổ sung của Nghị định này.
Toàn văn Nghị định 55/2021/NĐ-CP
Đức Hiếu