Chính sách mới lĩnh vực tín dụng - xây dựng có hiệu lực từ tháng 12/2023
Trước khi bước sang năm 2024 sẽ có thêm một chính sách mới có hiệu lực được áp dụng, điều chỉnh tác động đến nhiều đối tượng. Trong đó, các chính sách mới lĩnh vực tín dụng - ngân hàng và xây dựng sẽ có hiệu lực bao gồm:
1. Căn cứ điều chỉnh thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi tiền vay của khách hàng
Đây là nội dung được quy định tại Nghị định 78/2023/NĐ-CP Chính phủ ban hành ngày 07/11/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư của Nhà nước.
Theo đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi tiền vay của khách hàng được Ngân hàng Phát triển Việt Nam (gọi tắt là Ngân hàng) căn cứ thực hiện như sau:
- Ngân hàng xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng và kết quả đánh giá của Ngân hàng về khả năng trả nợ của khách hàng, cụ thể như sau:
+ Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay và được Ngân hàng đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo kỳ hạn trả nợ được điều chỉnh, thì Ngân hàng xem xét, quyết định điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng; thời hạn cho vay không thay đổi;
+ Khách hàng không có khả năng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay đúng thời hạn cho vay đã thỏa thuận và được Ngân hàng đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay trong một khoảng thời gian nhất định sau thời hạn cho vay thì Ngân hàng xem xét, quyết định cho gia hạn nợ với thời hạn phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng.
- Căn cứ tình hình tài chính của Ngân hàng và khả năng trả nợ của khách hàng, Ngân hàng xem xét, quyết định việc miễn, giảm lãi tiền vay của khách hàng.
- Ngân hàng hướng dẫn về hồ sơ, trình tự, thủ tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi tiền vay theo quy định trên.
Nghị định 78/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 22/12/2023 sửa đổi Nghị định 32/2017/NĐ-CP.
2. Từ ngày 01/12/2023 các giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo NHNN
Thủ tướng Chính phủ ngày 27/4/2023 đã ban hành Quyết định 11/2023/QĐ-TTg quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo.
Theo đó, các đối tượng có giao dịch giá trị từ 400.000.000 (bốn trăm triệu) đồng trở lên thì phải báo cáo được quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 bao gồm:
(1) Đối tượng báo cáo là tổ chức tài chính được cấp giấy phép thực hiện một hoặc một số hoạt động sau đây:
Nhận tiền gửi; Cho vay; Cho thuê tài chính; Dịch vụ thanh toán; Dịch vụ trung gian thanh toán; Phát hành công cụ chuyển nhượng, thẻ ngân hàng, lệnh chuyển tiền; Bảo lãnh ngân hàng, cam kết tài chính; Cung ứng dịch vụ ngoại hối, các công cụ tiền tệ trên thị trường tiền tệ; Môi giới chứng khoán; tư vấn đầu tư chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán; Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán; Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; Đổi tiền.
(2) Đối tượng báo cáo là tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật thực hiện một hoặc một số hoạt động sau đây:
- Kinh doanh trò chơi có thưởng, bao gồm: trò chơi điện tử có thưởng; trò chơi trên mạng viễn thông, mạng Internet; casino; xổ số; đặt cược.
- Kinh doanh bất động sản, trừ hoạt động cho thuê, cho thuê lại bất động sản và dịch vụ tư vấn bất động sản;
- Kinh doanh kim khí quý, đá quý;
- Kinh doanh dịch vụ kế toán; cung cấp dịch vụ công chứng; cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư;
- Cung cấp dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ giám đốc, thư ký công ty cho bên thứ ba; cung cấp dịch vụ thỏa thuận pháp lý.
Quyết định 11/2023/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 01/12/2023 thay thế Quyết định 20/2013/QĐ-TTg.
3. Điều kiện xác định người bị nhiễm, phơi nhiễm HIV do tai nạn nghề nghiệp
Ngày 22/9/2023 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 24/2023/QĐ-TTg quy định điều kiện xác định người bị phơi nhiễm với HIV, người bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
Theo đó, điều kiện xác định người bị nhiễm, phơi nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp được quy định như sau:
(1) Người bị phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp
Người được xác định bị phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Khi đang thi hành nhiệm vụ bị một trong các tai nạn sau:
+ Bị máu, chế phẩm máu hoặc dịch cơ thể người nhiễm HIV tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc hoặc vùng da bị tổn thương;
+ Bị máu, chế phẩm máu hoặc dịch cơ thể người không xác định được tình trạng nhiễm HIV tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc hoặc vùng da bị tổn thương.
- Có kết quả xét nghiệm HIV âm tính do cơ sở xét nghiệm theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh thực hiện. Mẫu máu sử dụng xét nghiệm HIV phải lấy từ người bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong thời gian 72 giờ kể từ thời điểm xảy ra tai nạn quy định tại Mục (1)
(2) Người bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp
Người được xác định bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Bị phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
- Có kết quả xét nghiệm HIV dương tính do cơ sở xét nghiệm HIV đủ điều kiện khẳng định HIV dương tính thực hiện. Mẫu máu sử dụng xét nghiệm phải lấy từ người bị phơi nhiễm với HIV tại thời điểm từ đủ 30 ngày đến trước 180 ngày kể từ thời điểm bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
Quyết định 24/2023/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 10/12/2023
4. Quy định bố trí hệ thống phòng vệ đường ngang thuộc phạm vi đường sắt
Ngày 29/9/2023 Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 29/2023/TT-BGTVT quy định về đường ngang và cấp giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt.
Theo đó, bố trí hệ thống phòng vệ đường ngang có người gác và không có người gác được quy định như sau:
(1) Đối với đường ngang có người gác:
- Cần chắn, giàn chắn thủ công hoặc cần chắn, giàn chắn sử dụng động cơ điện do người điều khiển hoặc cần chắn tự động;
- Cọc tiêu, hàng rào cố định;
- Vạch sơn kẻ đường;
- Hệ thống biển báo hiệu đường sắt, đường bộ;
- Đèn tín hiệu, chuông điện hoặc loa phát âm thanh;
- Tín hiệu ngăn đường trên đường sắt, trừ những đường ngang nằm trong phạm vi phòng vệ của tín hiệu vào ga, ra ga, hoặc tín hiệu bãi dồn, tín hiệu thông qua trên đường sắt có thiết bị đóng đường tự động hoặc tín hiệu phòng vệ khác, khi các tín hiệu trên cách đường ngang dưới 800 mét (m);
- Hệ thống giám sát đường ngang và các thiết bị khác liên quan đến bảo đảm an toàn giao thông tại đường ngang.
(2) Đối với đường ngang không có người gác:
- Đường ngang cảnh báo tự động:
+ Cần chắn tự động (nếu có);
+ Cọc tiêu, hàng rào chắn cố định;
+ Vạch sơn kẻ đường, gờ giảm tốc, gồ giảm tốc; biển cảnh báo chú ý tàu hỏa;
- Hệ thống biển báo hiệu đường sắt, đường bộ;
+ Đèn tín hiệu, chuông điện hoặc loa phát âm thanh;
+ Hệ thống giám sát đường ngang và các thiết bị khác liên quan đến bảo đảm an toàn giao thông tại đường ngang.
- Đường ngang biển báo hiện hữu:
+ Cọc tiêu;
+ Vạch sơn kẻ đường, gờ giảm tốc, gồ giảm tốc; biển cảnh báo chú ý tàu hỏa, biển STOP (R122), kết hợp với biển phụ ghi “Dừng lại quan sát trước khi qua đường ngang”;
+ Hệ thống biển báo hiệu đường sắt, đường bộ;
+ Các thiết bị khác liên quan đến bảo đảm an toàn giao thông tại đường ngang.
Thông tư 29/2023/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/12/2023.
5. 06 nội dung phải giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn cho học sinh
Ngày 26/10/2023 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 18/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên.
Theo đó, giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích cho người học
- Thực hiện giáo dục lồng ghép, tích hợp các nội dung xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong các môn học và hoạt động giáo dục.
- Giáo dục kiến thức, kỹ năng về bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; phòng, chống bạo lực học đường, tội phạm, tệ nạn xã hội trong nhà trường, cộng đồng và trên môi trường mạng.
- Giáo dục kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước, chú trọng kỹ năng bơi, kỹ năng an toàn trong môi trường nước; phối hợp với gia đình, chính quyền, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, tổ chức dạy bơi an toàn, phòng, chống đuối nước cho người học trong cộng đồng.
- Giáo dục kiến thức, kỹ năng về an toàn giao thông và phối hợp với gia đình trong việc giám sát thực hiện việc bảo đảm an toàn giao thông cho người học trong cộng đồng.
- Giáo dục kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường, ứng phó với thảm họa, thiên tai, phòng, chống tai nạn thương tích khác như ngã, va đập, điện giật, bỏng, ngộ độc, động vật tấn công.
- Tổ chức các tổ, đội, nhóm, câu lạc bộ giúp người học chủ động thực hiện một số hoạt động, chuyên đề rèn luyện kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích trong nhà trường và hỗ trợ nhau trên đường đi học, trong gia đình và cộng đồng.