Công an tỉnh Bình Phước
Diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ: TẤN CÔNG ĐỢT II
Lượt xem: 740

Sau chiến thắng đợt một, ta chuẩn bị tấn công đợt hai. Đây là cả một thời gian chiến đấu cực kỳ gay go và gian khổ. Vì trận địa bây giờ ở đồng ruộng bằng phẳng, địch lại có hỏa lực mạnh, có phi cơ nhiều, nên ta phải đào chiến hào tấn công để đánh chắc thắng và ít thương vong. Đào chiến hào tấn công là một cuộc chiến đấu ác liệt đổ máu, vì ta phải đối phó với hàng nghìn quả bom, hàng vạn quả đại bác của địch.

Chúng ra sức phá chiến hào của ta, vì mỗi một nhát cuốc của ta là một bước đẩy địch đi dần vào chỗ chết. Thường thường bộ đội ta phải đào chiến hào về đêm, nhưng pháo sáng của địch thả sáng rực cả cánh đồng, và súng máy, đại bác của chúng vẫn bắn ra như mưa, nên ta cũng gặp nhiều trở ngại và cũng đã phải mất nhiều máu. Chiến sĩ của ta rất gan dạ, vừa đánh vừa đào, một tổ bắn yểm hộ cho mấy tổ đào. Đại bác của ta từ những vị trí lưu động và từ những trận địa kiên cố cũng bắn vào trận địa pháo binh của địch để yểm hộ cho các chiến sĩ đào chiến hào. Trong đêm tối, thỉnh thoảng lòe lên những loạt pháo sáng rực trời, mặc cho đạn địch vun vút quanh mình, chiến sĩ của ta nằm sát xuống đất để đào theo hướng đã định. Bắt đầu đào đất ở gần phía dưới ngực, rồi trườn lên đào cho đến khi đào sâu được ba mươi phân đủ để che lấp cả chiều dài thân mình. Sau đó lại đào sâu xuống cho đến khi có thể ngồi thỏm xuống được, rồi lại đào sâu hơn nữa để có thể đứng được, và khi đó mới sử dụng dễ dàng xẻng cuốc để hất đất lên trên miệng hào đắp thành một bờ cao. Suốt đêm đào, giao thông hào của người này nối với giao thông hào của người kia, sáng ra đã có một đường giao thông hào dài liên tục. Trước khi trời sáng, phải đào sâu những hầm hàm ếch để ban ngày có thể ngồi đó bố trí để phòng địch ra phá. 

Chiến sĩ ta còn nghĩ ra nhiều sáng kiến để nguỵ trang trong khi đào. Có đồng chí trát đất vào khắp người để cho đồng màu với đất ruộng làm cho địch khó nhìn thấy. Có đồng chí đã lợi dụng những chiếc dù của địch thả rơi trên trận địa để chui xuống đó mà đào.

Bọn địch tìm mọi cách để phá chiến hào của ta, hết dội bom lại bắn đại bác, rồi cho cả xe tăng và bộ binh ra lấp. Nhưng các chiến sĩ của ta bao giờ chịu để cho chúng phá. Các tổ súng máy, các tổ súng ĐKZ (đại bác không giật) luôn luôn sẵn sàng nhả đạn vào chúng.

Mặc dầu gặp muôn vàn gian khổ, mặc dầu máu và mồ hôi pha lẫn bùn non nhầy nhụa, mặc dầu thời tiết lúc đó tháng ba còn mưa dầm, gió rét, bộ đội ta đã anh dũng đào hết đêm này qua đêm khác tất cả hai trăm cây số chiến hào, đào qua dây thép gai, đào vào trong vị trí rồi đánh lấn luôn cả vị trí. Cứ như thế, bọn địch ở trong cứ điểm càng nghe thấy tiếng cuốc gần bao nhiêu là chúng càng run sợ bấy nhiêu. Nhiều tên ngụy binh thấy chiến hào của ta bò gần tới đồn là đã phải run rẩy nộp súng đầu hàng.

Nếu đứng ở trên núi cao nhìn xuống thì thấy tất cả những đường chiến hào của ta từ  trong núi đổ ra, chằng chịt khắp cả cánh đồng Điện Biên Phủ như một mạng nhện khổng lồ, bao vây và bóp nghẹt dần bọn địch ở khu trung tâm. 
 

anh tin bai

Đèo Pha Đin trên đường số 6, nơi đã chứng kiến các cuộc hành quân lớn của quân ta vào chiến dịch. (Ảnh: Tư liệu)

Đại tướng Tổng Tư lệnh đã nhận định về tác dụng của hệ thống chiến hào như sau: “Đó thật là công trình to lớn. Công trình đó đã giúp ta thắt chặt vòng vây, hạn chế tiếp viện và tiếp tế của địch; không những thế, trận địa của ta lại đặt cả khu vực trung tâm địch vào trong tầm hỏa lực kích pháo của ta, đồng thời giúp cho quân ta tiếp cận địch. Trận địa tấn công và bao vây đã làm cho bao nhiêu cuộc ném bom dữ dội của không quân địch gần như vô hiệu quả. Trận địa tấn công và bao vây sẽ đem lại cho ta nhiều chiến thắng mới”.

Đợt tấn công thứ hai bắt đầu từ ngày 30-3-1954. Ta bắt đầu đánh phân khu Đông và phân khu Tây là những nơi rất quan trọng của địch dùng để yểm hộ cho khu trung tâm và chỉ huy sở của Đờ Cát-tơ-ri. 

Lực lượng địch ở hai phân khu Đông và Tây có ngót tám nghìn tên, gồm đa số những lính lê dương, lính nhảy dù và lính Bắc Phi tinh nhuệ. Phân khu Đông gồm năm ngọn đồi trực tiếp án ngữ cho sân bay và các cơ quan chỉ huy của địch. 
 

anh tin bai

Bộ đội ta mở đường Tuần Giáo trong chiến dịch. (Ảnh: Tư liệu)

Ngày 30-3, hồi 16 giờ 30, quân ta bắt đầu đánh vào hệ thống cứ điểm của địch ở phân khu này. Mặc dầu những cứ điểm đó được phòng thủ rất kiên cố, quân ta đã tiêu diệt ngay trong đêm đầu ba cứ điểm, bức rút một cứ điểm thứ tư và đánh chiếm một vị trí pháo binh trong đêm sau.

Nhưng các trận về sau đều phải kéo dài liên tiếp hàng mấy tuần lễ, vì địch cố hết sức phản công. Đợt tấn công thứ hai có tính chất quyết định, vì tiêu diệt được hai phân khu Đông, Tây và sân bay là chúng ta tới sát khu Trung tâm và chỉ huy sở của Đờ cát-tơ-ri, có thể chuyển được sang tổng công kích. Do đó, nhiều trận gay go ác liệt đã xảy ra vì địch thì cố liều mạng giữ, còn ta thì kiên quyết tiêu diệt chúng. 

Hai trận đánh dữ dội nhất là trận đồi C1 và A1. 

Trận trên đồi C1, ta với địch bố trí sát nhau mỗi bên một nửa quả đồi. Ta dùng lựu đạn, lưỡi lê, dao găm, tiểu liên đánh giáp lá cà. Ta đánh địch trên đồi này suốt hơn 20 ngày đêm không nghỉ trong hoàn cảnh vô cùng ác liệt, lăn lộn trong khói đạn, bụi cát, thiếu ăn, thiếu ngủ. Đến ngày 1-5 ta mới tiêu diệt được chúng. 

Còn trận đồi A1, trong ba mươi sáu ngày đêm giằng co không nghỉ, ta lấy được đồi, địch chiếm lại, ta lấy lại, địch lại chiếm, tranh chấp nhau từng tấc đất. Nếu cả phân khu Đông được coi như một bình phong vững chắc che chở cho khu chỉ huy, thì riêng vị trí đồi A1 cũng được coi là chìa khóa hoặc gọi là cổ họng của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiếm được ngọn đồi này ví như đã kề dao vào cổ địch. 

Ở đây, năm 1945, bọn phát xít Nhật đã xây dựng các lô-cốt kiên cố. Dưới mặt đất có 3 hầm ngầm rộng và chắc. Bọn Pháp cũng đã đem xi măng cốt sắt củng cố thêm. Dưới chân đồi có một con đường dài chừng ba trăm năm mươi thước chạy thẳng vào khu trung tâm. Vì vậy địch cố sống cố chết giữ, mà ta thì kiên quyết chiếm bằng được để từ đó đánh thẳng vào khu trung tâm. 

Đánh lần thứ nhất, trận địa ta đào còn cách hai trăm năm mươi mét mới tới lô-cốt. Đêm 30-3, trước lúc đánh, dịch đã chiếm quả đồi cháy để yểm hộ cho đồi A1. Ta đánh bật chúng ra và chiếm được đồi cháy.

Năm giờ sáng ngày 31-3, pháo binh của ta bắn dữ dội vào đồi A1, Pháo của chúng bắn trả lại vào bộ binh của ta. Nhưng bộ binh ta đã phá được hàng rào dây thép gai, xông vào chiếm được nhà thông tin vô tuyển điện và hai ụ súng. Địch rút vào hầm ngầm và cho pháo binh bắn ngay lên nóc hầm. Bộ đội ta hy sinh và bị thương một số. Trong lúc đó chúng cho xe tăng lên tiếp viện. 

Hai bên đánh nhau dữ dội suốt ngày và đêm 31, địch bị diệt gần hết 1 tiểu đoàn, phải tăng viện thêm một tiểu đoàn quân dù. Công sự phía Đông bị ta bắn nát. Trận đánh ác liệt, giành nhau từng tấc đất, nhiều khi dùng lưỡi lê đánh giáp lá cà. Đêm 1-4 vẫn chiến đấu ác liệt như vậy, nhưng ta vẫn chưa diệt được hầm ngầm. 

Ba giờ sáng ngày 2-4, địch đánh lên bốn đợt, ta chỉ còn có một tiểu đội chiếm giữ trên đồi nhưng vẫn anh dũng đánh bật chúng lại. Qua bốn ngày đêm chiến đấu địch đã phải huy động sáu lần quân tiếp viện ở khu trung tâm đến và phản kích trên 30 lần, nhưng vẫn không có kết quả. Đại bác hai bên bắn nhau dữ dội đến nỗi đất, đá ở trên đồi biến thành cát bụi. Hào giao thông bị sập nhiều đoạn dài hàng chục mét. Bốc một nắm đất lên đều thấy lẫn gang thép của mảnh đạn. 

Trong trận này, đồng chí Chu Văn Mùi, tiểu đội trưởng phụ trách vô tuyến điện, hiện nay là Anh hùng quân đội, đã nêu gương chiến đấu dũng cảm đến cùng. Mỗi khi địch phản kích ào ạt, bắn phá dữ dội là đồng chí bình tĩnh quan sát tình hình và đánh điện báo kịp thời cho pháo binh ta bắn chặn giặc. 

Chiến đấu liên tục tới ngày thứ ba, lực lượng ta còn ít, đồng chí vừa theo dõi tình hình, vừa gọi pháo bắn, đồng thời tổ chức động viên bảy đồng đội chiến đấu đánh lui ba đợt xung phong của giặc. Còn hai người, đồng chí vẫn động viên kiên quyết giữ vững trận địa mặc dù địch mỗi lúc lên một đông. 

Đang chiến đấu, đồng chí được lệnh gọi về trung đoàn, đường đi rất nguy hiểm, máy nặng cồng kềnh, ba ngày không được ăn uống, vừa đói, vừa mệt, đồng chí phải uống một bát nước đái cho đỡ khát, rồi nhanh nhẹn ôm máy vượt qua giao thông hào. Địch trông thấy, bắn đuổi theo. Đồng chí bình tĩnh nấp dưới giao thông hào, đặt máy gọi pháo bắn vào đồn uy hiếp địch rồi vượt qua làn đạn về chỉ huy sở trung đoàn. Trận này, đồng chí đã giữ được mối liên lạc thông suốt giữa các đơn vị, quan sát địch, gọi pháo binh ta bắn suốt ba ngày bốn đêm, trực tiếp chỉ huy một tổ chiến đấu, kiên quyết giữ vững trận địa, bảo vệ được thương binh, góp phần lớn vào việc tiêu diệt nhiều sinh lực địch. 

Sau những trận ác liệt như vậy, cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn không ngừng suốt hơn một tháng trời, ta tiếp tục đào chiến hào lấn dần vào đồn, vừa đào vừa chiến đấu. 
Địch phải tăng viện thêm nhiều quân chủ lực đến cố thủ đồi A1. Và trong đợt tấn công thứ hai này, ta chưa chiếm được đồi A1. 

Trong khi ta tác chiến ở mặt phía Đông như vậy thì tại mặt phía Tây, ta chủ trương chiếm bằng được sân bay của địch để triệt hoàn toàn đường tiếp tế duy nhất của chúng. 
 

anh tin bai

Bộ đôi ta hành quân trong chiến dịch. (Ảnh: Tư liệu)

Sân bay trung tâm Điện Biên Phủ là một sân bay vào hạng to nhất ở Đông Dương, chiều dài một cây số rưỡi, chiều ngang bốn trăm mét. Đường bay lại lót sắt để cho những phi cơ hạng nặng có thể lên xuống được. Trước khi quân ta đánh, mỗi ngày có tới bốn mươi phi cơ tiếp tế lên xuống ở sân bay này. 

Bắt đầu từ ngày ta tấn công Điện Biên Phủ, trọng pháo của ta đã kiềm chế sân bay, phá hủy những đèn hướng dẫn, bắn cày đường bay và bắn cháy tất cả những chiếc phi cơ thường trực. 

Sau đợt tấn công thứ nhất thắng lợi, pháo binh của ta vẫn tiếp tục bắn phá và điều những đơn vị cao xạ pháo đến gần để có thể bắn bao trùm được tới sân bay. Địch gặp nhiều khó khăn, phải luôn sửa chữa sân bay, và nhiều khi phi cơ đã phải hạ trộm xuống ban đêm hoặc vào những buổi sáng tinh mơ còn dầy đặc sương mù, không có giờ nhất định để tránh bị ta bắn. 

Phối hợp chặt chẽ với những trận tác chiến ở phía Đông, ta tiếp tục bao vây và đào lấn vào các vị trí bao bọc sân bay, đánh chiếm các vị trí đó. Tiến chiếm được đến đâu ta giữ vững trận địa đến đó, rồi đưa cao xạ pháo vào gần, bắn phi cơ, đoạt dù tiếp tế của địch. 

Do đó địch đã gặp nhiều khó khăn về liên lạc tiếp tế. 

Có vị trí như vị trí 105 ở phía Bắc sân bay chỉ cách Mường Thanh là nơi trung tâm chỉ huy sở địch có một cây số rưỡi, mà đã có lần chúng phải huy động tới 250 tên và hai xe tăng yểm hộ để mang có hai mươi lăm thùng nước và đồ hộp cho bọn bị vây trong vị trí. 

Bộ binh ta vừa đào chiến hào vừa đánh. Địch luôn luôn điều quân, nhất là vào ban đêm, tới phá trận địa của ta. Ta càng tiến sát vào sân bay, cuộc giao chiến càng ác liệt. Bom đạn địch trút như mưa xuống trận địa. Mỗi đoạn chiến hào đều nhuốm máu chiến sĩ của ta, nhưng sinh lực địch thì đã bị sát thương một số lớn. 

Bộ đội ta vừa đánh vừa rào; trận địa ta cứ tiến dần, giặc không sao cản nổi! Đêm 16-4, trận địa ta từ phía Đông thông suốt sang phía Tây, nhiều chiến hào của ta đã gặp nhau ở giữa sân bay, cắt phía Bắc sân bay thành từng mảnh. 

Trước nguy cơ bị tiêu diệt, bọn địch ở vị trí phía Bắc sân bay định bí mật rút hồi ba giờ sáng ngày 18-4, đồng thời ở Mường Thanh địch cũng cho quân tiếp viện lên đón. Quân ta lập tức chặn đánh. Địch cuống cuồng chạy dồn sang phía Đông liền bị pháo ta bắn đuổi. Chúng xô nhau chạy dạt về phía Tây lại vào đúng trận địa phục kích của ta, bị các cỡ súng của ta quét chết và làm bị thương một số lớn. Bọn sống sót phải chạy vào đồn. 

Đến tờ mờ sáng, bọn chỉ huy ở Mường Thanh lại điều động thêm hai trăm tên và ba xe tăng lên cứu viện. Bọn trong đồn liều chết chạy ra. Quân ta liền xung phong ập vào đồn. Địch tiến thoái lưỡng nan, quay về đồn cũng bị đánh, chạy về Mường Thanh cũng bị đánh, nên rối loạn, bị ta tiêu diệt và bắt sống hơn sáu mươi tên. Bọn viện binh ở Mường Thanh lên tất cả bốn đợt đều bị đánh lui và bị bắn cháy một xe tăng. 

Đến tám giờ sáng ngày 18-4, quân ta hoàn toàn chiếm được đồn phía Bắc sân bay. Xác địch ngổn ngang trên trận địa. Như vậy quân ta đã chiếm được một cứ điểm quan trọng và chiếm được một nửa sân bay. Trận địa ta cũng tiến thêm được bảy trăm mét về phía Mường Thanh. 

Từ đó, trận địa của ta ngày càng phát triển về phía Nam sân bay. Những cuộc phản kích và xung phong giữa ta và địch xảy ra hàng ngày, tranh đoạt nhau từng mét đất. 

Đêm 19-4, trong một cuộc giáp chiến, ta đã tiêu diệt hơn 100 tên giặc và kiểm soát con đường từ Mường Thanh đi lên sân bay. Quân ta cứ tiến dần về phía Mường Thanh. 

Ngày 20-4, trận địa ta đã xuyên qua hàng rào dây thép gai của vị trí 206 là vị trí cuối cùng ở phía Tây sân bay và bộ đội ta bắn sập một lô-cốt. 

Đêm 22 rạng ngày 23, hồi 1 giờ 30 sáng, quân ta mở cuộc tấn công bất ngờ, nhanh chóng đánh sâu vào trong vị trí làm địch trở tay không kịp. Sau hơn ba giờ và chiến đấu, quân ta đã tiêu diệt toàn bộ quân địch ở vị trí này, và đánh bật bốn lần phản công bằng xe tăng của địch. 

Từ đó ta chiếm được hoàn toàn sân bay. Ta đào ngay chiến hào cắt sân bay làm nhiều đoạn. 

Thời gian chiến đấu ở phía Tây từ khi bắt đầu đến khi ta chiếm xong được sân bay là hai mươi ba ngày đêm ròng rã, liên tục hết đợt này sang đợt khác. Trong khi ta đánh ở phân khu Đông và phân khu Tây, thì tại khu Nam (Hang Cúm) ta cũng đào chiến hào bao vây chặt quân địch. 

Từ khi bộ đội ta bắt đầu tấn công Điện Biên Phủ, địch đã tấn công nhiều lần mở đường liên lạc giữa khu trung tâm với khu Nam. Nhưng phần lớn các cuộc tấn công đó đều bị ta đánh lui và khu trung tâm đã bị cắt đứt liên lạc với khu Nam. 

Ngày 19-4, địch ở khu Nam chia làm ba mũi đánh ra phía Đông Bắc định phá trận địa của ta. Nhưng cả bốn đợt xung phong của địch đều bị đánh lui, làm chúng bị thiệt hại nặng. 

Vòng vây của ta vẫn cứ dần dần khép chặt, tiến tới sát sân bay ở khu Nam, rồi cắt sân bay. 

Mất cả hai sân bay, phi cơ tiếp tế của địch không xuống được, “dạ dày của Điện Biên Phủ bị thủng rồi” (danh từ của Đờ Cát-to-ri), địch phải tổ chức tiếp tế bằng thả dù. 

Lúc này, những đội cao xạ pháo của ta càng hoạt động ráo riết. Nhiều phi cơ địch đã bị ta bắn rơi. Tính từ khi bắt đầu tấn công cho đến hết đợt 2, ta đã bắn rơi tới năm mươi chiếc phi cơ địch gồm đủ các loại, từ loại vận tải lớn hai thân đến loại ném bom hạng nặng. Các phi công địch rất sợ cao xạ pháo của ta nên phải thả dù từ khoảng ba nghìn mét trên cao, vì vậy 1/3 số dù lương thực đạn dược đã lọt vào trận địa của ta. Chỉ tính ngày 5-4-1954, một đơn vị của ta đã thu được bảy trăm bảy mươi sáu chiếc dù và sáu mươi tám tấn lương thực, đạn dược. Những đơn vị bám sát địch đã sử dụng những chiến lợi phẩm này để tự túc một phần về lương thực và đã dùng những súng đạn đoạt được để bắn luôn vào đầu giặc. Đờ Cát-tơ-ri lúc này hết sức hoang mang lo lắng. Hắn đã ví đường hàng không tiếp tế từ Hà Nội lên Điện Biên Phủ như một cái nhau nối liền cái bào thai với người mẹ. Bây giờ cuống nhau đã bị đứt, bào thai sẽ phải chết, nên hắn luôn luôn đánh điện cho Na-va xin cầu cứu rất thảm thiết: “Phải gấp rút tiếp tế lương thực đạn dược cho chúng tôi như tiếp máu cho người ốm!”. 

Vì một phần khá lớn số dù bị lọt vào tay ta và vì nhiều kho lương thực bị ta bắn cháy, nên bọn địch ở Điện Biên Phủ đã phải ăn đói. Trước kia, một tên lính được ăn ba hộp lương khô một ngày, nay ba tên mới được phát một hộp. Vì đói như vậy nên binh lính càng tăng thêm ăn vụng, ăn cắp và đánh lộn nhau khi chia thức ăn. Còn bọn quan thì ăn chặn của lính. Có tên liều chết bò ra lấy những dù lương thực rơi gần trận địa của ta, khi sống sót trở về thì đem cất giấu một nơi để ăn dần. 

Đờ Cát-tơ-ri phải tuyên bố sẽ xử tử tên nào ăn vụng, dù chỉ một hộp lương khô nhỏ. Có lẽ sợ lính nổi loạn nên hắn lại nói thêm: “Nhưng hãy tạm ghi vào sổ lính, sau này về tòa án quân sự Hà Nội sẽ xử!”.

Cũng vì mất sân bay nên thương binh địch đã nhiều lại mỗi ngày càng nhiều thêm mà không chuyển đi được. 

Ở khu trung tâm lúc đó có khoảng bảy trăm thương binh nặng (theo lời khai của những tù binh địch sau khi ta giải phóng Điện Biên). Ngụy binh bị thương nhẹ phải tự chữa lấy. Có những tên ốm đến nhà thương bị đuổi về. Bọn đốc-tờ và y tá sợ mệt nhọc, sợ chết, sợ khổ nên làm ẩu, cưa bừa, có nhiều tên không đáng cưa mà cũng bị cưa cụt tay chân. Nhà thương dưới hầm chật đến nỗi phải treo cáng nằm thành từng tầng chồng lên nhau, thằng nằm trên rỏ cả máu, mủ, giòi bọ rơi xuống thằng nằm dưới, bẩn thỉu thối tha đến lộn mửa. Đối với những tên giặc bị chết, chúng dùng xe dũi đất đào thành từng luống dài, quẳng từng lượt xác chết như cá hộp rồi vùi đất nông lên. Chúng nó phá cả nhà thờ Mường Thanh làm nghĩa địa mà cũng không đủ chỗ chôn. 

Tất cả những tình hình đó đã làm cho binh lính địch cảm thấy cái chết ở đây đến rõ rệt, từ từ và chắc chắn. 

Trong khi đó thì tiếng đại bác của ta vẫn tiếp tục ra oai sấm sét, nện từng loạt vào hầm của chúng làm chúng mất hồn mất vía. 

Tinh thần binh lính địch sa sút nghiêm trọng. Ngụy binh rất lo sợ đã viết vào vỏ đồ hộp: “Chúc bộ đội khỏe mạnh, chúng em ở đây khổ sở lắm!”. 

Đúng lúc đó, ta dùng pháo phóng ba mươi vạn truyền đơn địch vận vào trận địa của địch.

Những truyền đơn đều nêu rõ những chính sách khoan hồng của Chính phủ và Hồ Chủ tịch, nêu rõ cho binh lính địch thấy cần phải hòa bình ở Việt Nam, hồi hương quân đội viễn chinh Pháp. Những truyền đơn đó là nguồn hy vọng của chúng. Tên nào cũng cất kỹ trong mình một lá truyền đơn và coi như bùa hộ mệnh, đồng thời mong chờ kết quả của Hội nghị Giơ-ne-vơ. Có tình trạng những tên nhặt được nhiều truyền đơn thì đem bán lại cho tên khác không nhặt được với giá rất là đắt là mười đồng Đông Dương một chiếc. 

Ảnh hưởng chính sách khoan hồng của ta lớn đến nỗi có nhiều tên địch bị thương trong các trận đánh, được ta băng bó và thả cho về, nhưng khẩn khoản xin ở lại làm tù binh, không muốn trở lại hàng ngũ của Đờ Cát-tơ-ri nữa.

Trích từ cuốn “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”, Nghiêm Xuân Hiếu biên soạn, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, 1958.
Văn Thuỷ (Tổng hợp)