Admin
Hãy suy nghĩ về thông tin mà bạn định bình luận, chia sẻ trước khi đăng tải lên mạng Internet
Lượt xem: 493
Trong khi tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona  (SARC CoV2) gây ra đang diễn biến phức tạp, bên cạnh việc đề ra các biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch Covid-19, chính quyền địa phương các cấp còn phải giải quyết một vấn nạn khác không kém phần nguy hiểm, gây hoang mang dư luận quần chúng nhân dân, ảnh hưởng đến tình hình ANTT tại địa phương… đó là tình trạng tin giả (tin không đúng sự thật) lan truyền trên mạng xã hội. 

Dù với bất kỳ hình thức nào, việc đăng những thông tin sai sự thật cũng gây hoang mang, tạo dư luận không tốt trong xã hội. Nó khiến cho cuộc chiến chống dịch ngày càng khó khăn, phức tạp. Nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp để đưa tin giả về thuốc, tình hình dịch bệnh, số người bị nhiễm/thiệt mạng, nguồn gốc của virus, xuyên tạc sang vấn đề chính trị gây hoang mang dư luận…



Việc lan truyền thông tin giả maọ,
chưa được kiểm chứng trên mạng Internet nguy hiểm không khác gì virus gây bệnh chết người


Thống kê cho thấy, kể từ khi Việt Nam ghi nhận ca nhiễm SARC CoV2 đầu tiên vào đầu tháng 01 năm 2020, đến nay, những thông tin giả mạo liên quan đến dịch bệnh Covid-19 đã xuất hiện với số lượng và tần suất ngày càng dày đặc trên các trang mạng xã hội, khiến cho cuộc chiến chống dịch bệnh ngày càng trở nên khó khăn, phức tạp. Hậu quả của những tin đồn thất thiệt này không chỉ dừng lại ở việc cản trở công tác chống dịch của các tổ chức Y tế hay gây ra bất ổn xã hội, mà còn đe dọa đến tính mạng của người dùng nếu làm theo những chỉ dẫn sai lệch này. Tin vào tin giả, nhiều người tỏ ra chủ quan, lơ là, vi phạm các quy định phòng chống dịch và cũng có nhiều người không khỏi hoang mang, lo lắng thái quá khi tin vào những thông tin sai lệch bị thổi phồng về số ca mắc mới, lịch trình di chuyển của ca bệnh không đúng với thực tế, thông tin do cơ quan chức năng đưa ra.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Đảng và Nhà nước ta đã có những quyết sách chiến lược, chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo từ Trung ương tới cơ sở, được sự đồng thuận của các cấp ủy đảng và toàn thể nhân dân; bằng sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp, Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi, giảm thiểu những thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra. So với các nước trên thế giới, số người mắc và tử vong do dịch Covid-19 ở Việt Nam khá thấp; tỷ lệ người được chữa khỏi bệnh cao. Mặc dù, trong những ngày gần đây, số người dương tính với Covid-19 gia tăng tại TP.HCM và một số tỉnh phía Nam, nhưng ta vẫn kiểm soát được tình hình, hạn chế thấp nhất số người lây nhiễm trong cộng đồng. 

Trong khi tình hình dịch diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, thì Đảng, Chính phủ và nhân dân đã linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tình trạng một số người nhận thức hạn chế, thiếu trách nhiệm, lợi dụng tình hình dịch bệnh để tung tin giả đã gióng lên hồi chuông về trách nhiệm và đạo đức công dân đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19. Thông tin giả, bóp méo, xuyên tạc làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là làm nhiễu loạn thông tin, gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong dư luận, tạo ra những bất ổn trong xã hội. 

Trước thực tế đó, các cơ quan chức năng đã và đang tăng cường rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Cơ quan chức năng xử lý nhiều trường hợp lợi dụng mạng xã hội thông tin sai sự thật, về tình hình dịch bệnh; bóp méo, xuyên tạc, thông tin sai sự thật về hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương liên quan đến dịch Covid-19, trong đó có nhiều đối tượng bị xử lý hình sự, xử phạt vi phạm hành chính, nhắc nhỡ, răn đe và yêu cầu gỡ bỏ bài viết. 

Tại địa bàn tỉnh Bình Phước cũng đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm đăng tải các thông tin chứa nội dung sai sự thật về dịch Covid-19. Trong 06 tháng đầu năm 2021, các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Phước đã xác minh làm rõ vụ việc, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 02 đối tượng (01 ở Đồng Xoài và 01 ở Phú Riềng) với tổng số tiền 15.000.000đ; ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng đã tiến hành nhắc nhở, yêu cầu gỡ bỏ thông tin sai sự thật và cam kết không tái phạm đối với nhiều trường hợp khác. Các cơ quan chức năng sẽ tăng cường rà soát, phát hiện, ngăn chặn thông tin xấu, độc, nhận diện, xử lý tin giả, tin sai sự thật trên môi trường mạng, kịp thời thông tin các nội dung cần thiết để người dân hiểu rõ bản chất vấn đề, không để tác động xấu đến dư luận. Các cơ quan chức năng tỉnh cũng khuyến cáo người dân không đăng tải, bình luận, chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin giả mạo, sai sự thật nói chung, đặc biệt là các thông tin sai sự thật liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19. Đối với những trường hợp vi phạm, cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 



Hãy suy nghĩ trước khi bình luận hay chia sẻ, đăng tải thông tin lên không gian mạng 

Thời gian tới, tình hình dịch Covid-19 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, trong khi cuộc chiến với tin giả cũng không kém phần gian nan và khốc liệt. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng... và quan trọng nhất là ý thức của người dân. 

Một mặt, các cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp kiểm soát, phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai sự thật về diễn biến, tình hình dịch bệnh. Đồng thời, các cơ quan báo chí, truyền thông và chính quyền các cấp phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức về dịch Covid-19 cho nhân dân. Khi nhận thức đúng, có đủ kiến thức cần thiết người dân sẽ bình tĩnh, không cả tin, hoang mang trước những thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội. 

Mặt khác, thông qua tuyên truyền, giáo dục giúp cho người dân có kiến thức về pháp luật, nắm rõ về các chế tài xử lý đối với hành vi tung tin giả và những biểu hiện lơ là, chủ quan, thực hiện không nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19; người dân khi tham gia vào môi trường mạng cần có sự tỉnh táo, bằng kiến thức và hiểu biết để suy xét thận trọng, kỹ lưỡng, đừng vì nhẹ dạ, cả tin, bức xúc nhất thời mà bình luận, chia sẻ, đăng tải những thông tin sai lệch, chưa rõ nguồn gốc, thiếu kiểm chứng... trên mạng xã hội. Những hành động như vậy sẽ gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, tự tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị chống phá đất nước. Hãy thực sự là những cư dân mạng tỉnh táo và có trách nhiệm, với chính bản thân và cộng đồng.

Trần Văn Tiên