Nguyễn Đạt
Một số điểm nổi bật của Thông tư liên tịch quy định về quan hệ phối hợp trong tố tụng hình sự khi không tổ chức Công an cấp huyện
Lượt xem: 419
Ngày 27/02/2025, Liên ngành Bộ Công an - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao vừa ký ban hành Thông tư liên tịch số 02/2025/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC quy định về quan hệ phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự, quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự khi không tổ chức Công an cấp huyện.
anh tin bai

Toàn cảnh Lễ ký ban hành TTLT số 02/2025/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC

Theo đó, kể từ ngày 01/3/2025, Bộ Công an không tổ chức Công an cấp huyện. Để đảm bảo quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra, VKSND và TAND trong hoạt động điều tra hình sự, quản lý thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự khi không tổ chức Công an cấp huyện thì cần thiết ban hành Thông tư quy định về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự, quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự khi không tổ chức Công an cấp huyện để thống nhất thực hiện khi chưa sửa đổi các luật có liên quan.

Thông tư liên tịch số 02/2025/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC quy định về quan hệ phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự, quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự khi không tổ chức Công an cấp huyện (gọi tắt là TTLT số 02), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2025; trong đó có một số điểm đáng lưu ý sau:

Một là, quy định về phối hợp trong việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cụ thể:

Thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự của Cơ quan Cảnh sát điều tra của Công an nhân dân cấp tỉnh (khoản 2 Điều 5 TTLT số 02): Tiếp nhận và giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại các chương từ Chương XIV đến Chương XXIV của BLHS khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện và cấp tỉnh, tội phạm xảy ra trên xảy ra trên địa bàn nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phạm tội có tổ chức hoặc có yếu tố nước ngoài trừ tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao, Cơ quan An ninh điều tra của Công an nhân dân”.

Thẩm quyền thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự; giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự (Điều 6 TTLT số 02): kiểm sát việc giải quyết đối với vụ, việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh khi thụ lý, giải quyết vụ việc, vụ án quy định tại Điều 5 TTLT số 02.

Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có thẩm quyền thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự; giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự đối với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh thụ lý, giải quyết vụ việc, vụ án quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 5 Thông tư liên tịch số 02. Trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ việc, vụ án mà phát hiện vụ việc, vụ án thuộc thẩm quyền thực hành quyền công tố, kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh thì Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện báo cáo để chuyển vụ việc, vụ án lên Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh để thực hành quyền công tố, kiểm sát theo thẩm quyền, đồng thời thông báo cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh.

Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có thẩm quyền thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm, người phạm tội ra tự thú, đầu thú của Công an cấp xã, Đồn Công an và hoạt động thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Điều tra viên, Cán bộ điều tra thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh bố trí ở Công an cấp xã, Đồn Công an.

VKSND cấp tỉnh có thẩm quyền thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự; giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự đối với CQĐT Công an cấp tỉnh khi thụ lý, giải quyết vụ việc, vụ án quy định tại Điều 5 TTLT số 02…

Hai là, phối hợp trong thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự

Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự của Công an nhân dân được quy định tại Điều 10, Thông tư liên tịch số 02/2025, cụ thể:

Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 14; điểm a và điểm b khoản 1, các khoản 2, 3, 4, 7, 8, 9, 10, 11 và 12 Điều 16 Luật Thi hành án hình sự.

Trại tạm giam, phân trại thuộc trại tạm giam thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong thi hành án hình sự theo quy định tại Điều 18 Luật Thi hành án hình sự. Phân trại thuộc trại tạm giam trực tiếp quản lý số phạm nhân phục vụ việc tạm giữ, tạm giam tại phân trại thuộc trại tạm giam, tống đạt quyết định thi hành án cho người bị kết án phạt tù ở phân trại thuộc Trại tạm giam và báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh.

Công an cấp xã trực tiếp thực hiện việc giám sát người được hưởng án treo, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân; quản lý người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; kiểm soát người chấp hành án phạt quản chế.

Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh thực hiện thẩm quyền kiểm sát thi hành tạm giữ, tạm giam, kiểm sát thi hành án hình sự đối với trại tạm giam Công an cấp tỉnh và giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến trại tạm giam Công an cấp tỉnh theo quy định của pháp luật hiện hành.

Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện thực hiện thẩm quyền kiểm sát thi hành tạm giữ, tạm giam và kiểm sát thi hành án hình sự đối với phân trại thuộc trại tạm giam Công an cấp tỉnh; kiểm sát việc thi hành án hình sự của cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự có trụ sở đóng tại địa bàn cấp huyện đó và giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến phân trại thuộc trại tạm giam Công an cấp tỉnh.

Việc ký kết TTLT số 02 là cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra của Công an nhân dân; cũng như hoạt động kiểm sát việc quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị VKSND cấp huyện khi không tổ chức Công an cấp huyện.

Lê Ngọc PC (PV01)