Admin
Một số quy định mới về quản lý hoạt động đường thủy nội địa
Lượt xem: 296
Ngày 08/01/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2021/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2021.

Nghị định này gồm 07 chương, 70 điều quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa, bao gồm: Đầu tư xây dựng, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; bảo đảm an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường trên đường thủy nội địa, cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu; quản lý hoạt động của phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu; trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động đường thủy nội địa.



Ảnh minh họa (nguồn: hoatieu.vn)

Theo nội dung Nghị định số 08/2021/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa có một số điểm mới như sau:

- Thứ nhất, một số các công trình trên đường thủy nội địa và các hoạt động trên đường thủy nội địa phải thiết lập báo hiệu phải thiết lập báo hiệu

+ Các công trình trên đường thủy nội địa phải thiết lập báo hiệu, gồm: Luồng đường thủy nội địa; cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu; âu tàu, công trình đưa phương tiện qua đập, thác; kè, đập, cầu, bến phà, cảng cá; phong điện, nhiệt điện, thủy điện; công trình vượt qua luồng trên không hoặc dưới đáy luồng; vật chướng ngại; nhà hàng nổi, khách sạn nổi (khi neo đậu); công trình khác.

+ Các hoạt động trên đường thủy nội địa phải thiết lập báo hiệu, gồm: Các hoạt động thi công công trình, thăm dò, khai thác tài nguyên, khoáng sản; khu vực nuôi trồng thủy sản, hải sản (bè cá, lồng cá, đăng, đáy cá, bãi nuôi trồng thủy sản, hải sản); khu vực tổ chức vui chơi, giải trí, diễn tập, thể thao, lễ hội, họp chợ, làng nghề, hoạt động thực hành đào tạo nghề trên đường thủy nội địa, hành lang bảo vệ luồng, vùng nước ngoài phạm vi luồng có hoạt động vận tải hoặc trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa; khu vực tổ chức điều tiết, thường trực chống va trôi, hỗ trợ giao thông, hạn chế giao thông; các hoạt động khác ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường thủy nội địa.

- Thứ hai, 06 trường hợp hạn chế giao thông trên đường thủy nội địa, gồm:

+ Có vật chướng ngại trên luồng gây cản trở giao thông;

+ Thi công công trình trên luồng, hành lang bảo vệ luồng, vùng nước cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu và vùng nước chưa được tổ chức quản lý nhưng có hoạt động vận tải mà xuất hiện tình huống gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông;

+ Công trình trên đường thủy nội địa làm hạn chế chuẩn tắc luồng đã được công bố;

+ Hoạt động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn;

+ Hoạt động bảo đảm quốc phòng, an ninh;

+ Hoạt động diễn tập, thể thao, lễ hội, vui chơi giải trí, thực tập đào tạo nghề, họp chợ, làng nghề;

Thẩm quyền công bố hạn chế giao thông tùy từng trường hợp sẽ do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; Chi cục đường thủy nội địa khu vực công bố hạn chế giao thông; Sở Giao thông vận tải hoặc cảng vụ công bố.

- Thứ ba, vấn đề bảo vệ môi trường trong khai thác cảng, bến thủy nội địa

+ Nội dung Nghị định nêu rõ: Về bảo vệ môi trường trong đầu tư xây dựng, bảo trì, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, chủ dự án các công trình xây dựng, bảo trì, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa có trách nhiệm tổ chức lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; xác định và bố trí kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường trong tổng mức đầu tư của dự án; đưa biện pháp xử lý chất thải, biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận vào thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và hồ sơ mời thầu, hợp đồng với các nhà thầu thi công xây dựng của dự án; tổ chức quản lý, giám sát và báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động thi công xây dựng dự án theo quy định của pháp luật xây dựng và bảo vệ môi trường;

Nhà thầu thi công xây dựng phải tuân thủ các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường và đáp ứng đầy đủ yêu cầu về bảo vệ môi trường trong hợp đồng đã ký với chủ dự án;

Nhà thầu tư vấn quan trắc, giám sát môi trường phải tuân thủ các quy trình kỹ thuật quan trắc môi trường, quy chuẩn kỹ thuật môi trường và chịu trách nhiệm trước chủ dự án, trước pháp luật về các thông tin, số liệu do mình tạo lập trong thực hiện công tác quan trắc, giám sát môi trường.

+ Người quản lý khai thác cảng, bến thủy nội địa có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ để bảo vệ môi trường trong khai thác cảng, bến thủy như sau:

Xây dựng và thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo quy định đối với cảng thủy nội địa và bến thủy nội địa kinh doanh xăng dầu;

Bố trí nhân sự quản lý, thực hiện công tác bảo vệ môi trường cảng, bến;

Thu gom, xử lý nước thải phát sinh trong quá trình hoạt động của cảng, bến bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường; thực hiện quan trắc định kỳ nước thải trước và sau khi xử lý theo yêu cầu trong hồ sơ được duyệt; lưu giữ số liệu quan trắc để phục vụ kiểm tra hoạt động của hệ thống xử lý nước thải;

Thu gom, phân loại, lưu giữ các loại chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình hoạt động của cảng, bến để xử lý hoặc thuê tổ chức có chức năng xử lý chất thải để tiếp nhận, vận chuyển và xử lý theo quy định;

Bố trí phương tiện, dụng cụ, thiết bị tại cảng, bến để tiếp nhận chất thải rắn thông thường từ phương tiện, tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài, thủy phi cơ; niêm yết, cung cấp danh sách tổ chức có chức năng xử lý chất thải nguy hại để tiếp nhận, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại phát sinh từ phương tiện, tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài, thủy phi cơ;

Giảm thiểu bụi và hạn chế tiếng ồn, độ rung gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường xung quanh và người lao động;

Bố trí cách ly và bảo đảm khoảng cách an toàn trong tiếp nhận, lưu kho hàng hóa nguy hiểm, hàng hóa dễ cháy nổ theo quy định.



Ảnh minh họa: Hoạt động đường thủy nội địa (nguồn: Internet)

+ Bên cạnh đó, phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài hoạt động trên đường thủy nội địa, trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu phải chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về quy định bảo vệ môi trường.

Phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài đang neo đậu trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu không được thực hiện các hành vi sau đây: Nạo ống khói hoặc xả khói đen; cọ rửa hầm hàng hoặc mặt boong gây ô nhiễm môi trường; bơm xả các loại nước bẩn, dầu, nước lẫn cặn dầu và các loại chất lỏng độc hại khác; vứt rác, đổ rác hoặc các đồ vật, chất thải rắn khác từ phương tiện, tàu xuống nước hoặc cầu cảng, bến thủy nội địa; gõ rỉ, sơn tàu làm ô nhiễm môi trường.

Tàu biển phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các hệ thống ngăn ngừa ô nhiễm biển của tàu. Phương tiện phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngăn ngừa ô nhiễm do phương tiện thủy nội địa.

Đối với chất thải thông thường, phương tiện, tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài hoạt động trên đường thủy nội địa và các tuyến vận tải ven biển phải che chắn, không để rơi hàng hóa, phát tán bụi gây ô nhiễm môi trường. Chất thải, chất gây ô nhiễm của phương tiện, tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài phải được thu gom, lưu giữ tại phương tiện, tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài để chuyển lên hệ thống thiết bị tiếp nhận tại cảng, bến thủy nội địa hoặc chuyển cho tổ chức có chức năng xử lý theo quy định. Phương tiện, tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài phải trang bị thiết bị xử lý nước thải hoặc các két chứa trước khi chuyển lên bờ để xử lý. Thông tin về việc đổ rác thải phải được lưu vào sổ ghi chép rác trên tàu, phương tiện. Trường hợp phương tiện chở hàng hóa có khả năng gây ô nhiễm thì phải có biện pháp phòng ngừa ô nhiễm tương ứng với hàng hóa gây ô nhiễm đó.

Đối với chất thải nguy hại, phương tiện, tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài, thủy phi cơ phát sinh chất thải nguy hại, phải tuân thủ quy định pháp luật về quản lý chất thải nguy hại.

+ Ngoài ra, phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài hoạt động trên đường thủy nội địa không được xả dầu, nước dằn, nước làm mát hoặc nước lẫn dầu chứa các chất gây ô nhiễm ra môi trường vượt quá quy chuẩn môi trường cho phép, không sử dụng chất phân tán tràn dầu ra môi trường nước.

Khi phát hiện có nguy cơ hoặc hành vi gây ô nhiễm môi trường, sự cố tràn dầu, người điều khiển phương tiện, tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài phải áp dụng ngay biện pháp ứng phó hiệu quả, đồng thời phải báo cáo ngay lập tức sự cố ô nhiễm môi trường, sự cố tràn dầu hoặc dự kiến khả năng xảy ra sự cố ô nhiễm, tràn dầu cho cơ quan quản lý chuyên ngành nơi gần nhất;

Người điều khiển phương tiện, tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài gây thiệt hại, ô nhiễm môi trường phải bồi thường và bị xử lý theo quy định.

- Thứ tư, nội dung bảo đảm an toàn, an ninh trong hoạt động đường thủy nội địa bao gồm:

+ Các công trình, hoạt động liên quan đến đường thủy nội địa phải được bảo đảm an toàn, an ninh theo quy định của Nghị định này và quy định khác có liên quan của pháp luật.

+ Trách nhiệm bảo đảm an toàn, an ninh trong hoạt động đường thủy nội địa:

Chủ công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, người khai thác cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu; tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động trên đường thủy nội địa có trách nhiệm bảo đảm và duy trì an toàn, an ninh công trình, hoạt động trong quá trình đầu tư xây dựng, quản lý khai thác theo quy định của pháp luật;

Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan quản lý chuyên ngành giao thông đường thủy nội địa, cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn, an ninh đối với công trình và hoạt động liên quan đến đường thủy nội địa, cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu; kiểm tra, xử lý đối với hành vi vi phạm quy định về bảo đảm an toàn, an ninh đường thủy nội địa, cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu theo quy định.

+ Nghị định cũng quy định trách nhiệm của Bộ Công an trong quản lý hoạt động giao thông đường thủy nội địa: Chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa; tổ chức lực lượng Cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trên đường thủy nội địa đối với người, phương tiện tham gia giao thông đường thủy nội địa theo quy định của pháp luật; điều tra, thống kê, cung cấp dữ liệu về tai nạn giao thông đường thủy nội địa; chỉ đạo lực lượng Công an các địa phương tăng cường phối hợp bảo vệ kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.

Đức Hiếu