Nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm không gian mạng
Tội phạm trên không gian mạng hiện nay đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường với phương thức, thủ đoạn tinh vi. Chính vì vậy, phòng chống tội phạm này không chỉ là nhiệm vụ riêng của lực lượng Công an mà cần có sự tham gia, phối hợp, huy động sức mạnh của các ban ngành, cơ quan, doanh nghiệp và người dân.
Theo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, các phương thức lừa đảo chủ yếu của tội phạm trên không gian mạng là: tuyển cộng tác viên tham gia kinh doanh, buôn bán, giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử (chiếm 44,7%); phát tán mã độc, tấn công để chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội để nhắn tin lừa đảo (17,3%), gọi điện giả danh lực lượng chức năng (11,6%); tạo lập các sàn giao dịch, kêu gọi đầu tư tài chính, tiền ảo, chứng khoản (13,2%); giả danh công ty tài chính, ứng dụng vay tiền (8,5%); một số hình thức lừa đảo khác (4,7%). Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao toàn quốc đã phát hiện, tiếp nhận hơn 3.500 vụ việc, tổng số tiền thiệt hại hơn 2.487 tỷ đồng.
Một số thủ đoạn giả danh của các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng
Có một thực tế là nhận thức về an ninh, an toàn mạng của người dân hiện vẫn còn hạn chế, thiếu cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn, hoạt động lừa đảo trên không gian mạng và bị các đối tượng lợi dụng sơ hở để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh đó, việc chấp hành quy định bảo vệ dữ liệu chưa nghiêm. Theo phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh cho biết, hiện nay tội phạm công nghệ cao thường xuyên nắm bắt các xu hướng, hoạt động mang tính thời sự, đánh vào tâm lý của nạn nhân để lừa đảo. Hơn nữa, hầu hết người dân, đặc biệt là người cao tuổi, trung niên, trẻ vị thành niên đều có điện thoại thông minh để tham gia vào môi trường mạng xã hội như: facebook, tiktok, youtube. Tuy nhiên, đây là nhóm người có khả năng nhận diện các dấu hiệu, hành vi lừa đảo và cách thức tấn công mạng còn khá thấp. Do đó, tội phạm sử dụng công nghệ cao thường nhắm đến.
Trước diễn biến phức tạp của tội phạm trên không gian mạng, lực lượng Công an đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm huy động sức mạnh, hình thành thế trận toàn dân phòng chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng. Mới đây nhất, phòng An ninh mạng và phòng chồng tội phạm công nghệ cao đã phối hợp với phòng Thông tin – Báo chí – Xuất bản, Sở Thông tin và Truyền thông ra mắt mô hình “Tuyên truyền phòng chống vi phạm pháp luật trên không gian mạng”. Theo đó, Ban chỉ đạo và thành viên thực hiện mô hình sẽ thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, đồng thời tích cực hưởng ứng tham gia phòng, chống vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Qua đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các sở, ngành liên quan trong việc phối hợp tuyên truyền, vận động Nhân dân giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng”.
Ra mắt Ban chỉ đạo công tác xây dựng, thực hiện mô hình “Tuyên truyền phòng chống vi phạm pháp luật trên không gian mạng”
Để chung tay cùng với lực lượng chức năng đấu tranh và ngăn ngừa tội phạm không gian mạng, người dân cần tự mình nâng cao ý thức cảnh giác, tự quản, tự phòng, tự đề kháng để phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Trong đó, cần cảnh giác khi nhận các cuộc điện thoại của người lạ, thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật và quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội, không cung cấp thông tin dữ liệu cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng cho bất kì đối tượng nào khi chưa biết rõ nhân thân và lai lịch của người đó, thận trọng rà soát và kiểm tra kĩ thông tin khi thực hiện các giao dịch trực tuyến trên môi trường điện tử.