Ngày 28-10 hằng năm là ngày truyền thống của đội ngũ những người công nhân cao su Việt Nam. Đây cũng là ngày in đậm dấu ấn lịch sử không thể quên của nhân dân tỉnh Bình Phước với sự kiện chi bộ Đảng đầu tiên mang tên “Phú Riềng Đỏ” được thành lập (28/10/1929). Sự kiện này mãi mãi trở thành niềm tự hào trong những trang sử vàng của Bình Phước nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
Bối cảnh lịch sử và sự ra đời của tổ chức “Phú Riềng Đỏ”
Trở về bối cảnh lịch sử dân tộc những năm 1927-1928, với việc tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đề ra chủ trương “vô sản hóa”, đưa hội viên về các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền nhằm đẩy mạnh việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước lúc bấy giờ. Đồn điền cao su Phú Riềng (cùng với Nhà máy Ba Son - Sài Gòn và xã Vĩnh Kim - Mỹ Tho) được Hội chọn làm ba trọng điểm thực hiện “vô sản hóa” ở khu vực phía Nam.
Đồng chí Nguyễn Xuân Cừ (tức Nguyễn Văn Vĩnh) - Hội viên Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ được cử vào đồn điền Cao su Phú Riềng để gây dựng cơ sở. Tại đây, Nguyễn Xuân Cừ bắt liên lạc với Trần Tử Bình, lúc này đồng chí Bình đang là công nhân làm việc ở trạm xá, một trong những người tổ chức các cuộc đấu tranh của công nhân Cao su Phú Riềng thời gian trước. Với những hoạt động tích cực của Nguyễn Xuân Cừ và Trần Tử Bình, Nghiệp đoàn Cao su Phú Riềng được thành lập, phát động và tổ chức nhiều cuộc đấu tranh đòi giảm bớt đánh đập, chống cúp lương vô lý, đòi cải thiện sinh hoạt cho công nhân.
Ngày 28/10/1929, tại bờ suối trong khu rừng làng Ba, Chi bộ Cao su Phú Riềng được thành lập với 6 đảng viên, gồm các đồng chí: Nguyễn Xuân Cừ, Trần Tử Bình, Phan Thu Hồng, đồng chí Tạ, đồng chí Hoa, đồng chí Doanh. Đồng chí Nguyễn Xuân Cừ được bầu làm Bí thư - đây là Chi bộ đầu tiên của tỉnh Bình Phước. Dưới cờ Đảng, các đảng viên tuyên thệ: “thề trung thành với giai cấp, với Đảng. Thề giữ bí mật của Đảng đến cùng, nếu bị địch bắt, tra tấn đến chết cũng không cung khai. Tin tưởng có một chủ nghĩa cộng sản và thề chung sức đấu tranh, trước làm cách mạng giải phóng dân tộc, sau làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, tiến tới thế giới đại đồng”.
Sự kiện ra đời của Chi bộ Cao su Phú Riềng đánh dấu các phong trào đấu tranh của công nhân cao su miền Đông Nam Bộ ngày càng phát triển mạnh mẽ, từ đấu tranh tự phát chuyển sang đấu tranh tự giác dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Kể từ đây phong trào đấu tranh cách mạng của đội ngũ công nhân cao su đã có một sự biến đổi nhảy vọt về chất. Từ những cuộc đấu tranh lẻ tẻ, tự phát đòi quyền sống sơ đẳng nhất của những người phu cao su thì nay phong trào đấu tranh của công nhân cao su đã được tổ chức chặt chẽ, có mục tiêu và phương pháp đấu tranh cách mạng đa dạng phong phú. Công nhân đấu tranh đòi những quyền lợi thiết thực về ăn, ở, đòi giảm giờ làm việc, tăng lương, chống cúp phạt, chống đánh đập công nhân, cho thành lập nghiệp đoàn...
Tháng 11 năm 1929, nghiệp đoàn công nhân dưới sự lãnh đạo của Chi bộ đã tổ chức thành công cuộc đấu tranh đưa yêu sách cho bọn cai quản xưởng cơ khí đòi tăng lương, chống đánh đập, đòi trợ cấp cho phụ nữ hậu sản… Mọi chủ trương của Chi bộ thông qua nghiệp đoàn vận động đều được công nhân ủng hộ. Nghiệp đoàn biên soạn tờ “Giải thoát” (là tờ báo đầu tiên của công nhân ngành cao su), nhằm tuyên truyền, giáo dục ý thức cách mạng, hướng dẫn công nhân đấu tranh theo đường lối của Đảng.
Nổi bật là dịp tết Nguyên Đán Canh Ngọ năm 1930 (tức là ngày 30/1/1930 cho đến ngày 6/2/1930), dưới sự khởi xướng và lãnh đạo của đồng chí Trần Tử Bình - lúc này làm Bí thư Chi bộ Phú Riềng Đỏ đã lãnh đạo gần 5.000 công nhân cao su Phú Riềng tổ chức cuộc đấu tranh lịch sử. Cuộc đấu tranh đã giành được thắng lợi to lớn, gây ảnh hưởng rộng rãi và để lại nhiều bài học sâu sắc cho các mạng Việt Nam, góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam nói riêng và phong trào cách mạng Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới.
Cuộc biểu tình ngồi của công nhân đồn điền Cao su Phú Riềng (ảnh:Bảo tàng lịch sử Bình Phước)
Bài học sâu sắc nhất của cuộc đấu tranh là nổ ra đúng lúc, giành thắng lợi và bảo toàn lực lượng, làm thất bại mưu đồ thảm sát của bọn thực dân Pháp. Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng và dẫn dắt của tổ chức nghiệp đoàn cách mạng, phong trào đấu tranh của công nhân cao su đã hòa vào dòng thác cách mạng của cả dân tộc. Điều này cho thấy ánh sáng soi đường của Đảng cộng sản đã lan tỏa đến tất cả các đồn điền cao su. Để từ đó giai cấp công nhân cao su một lòng theo Đảng, theo cách mạng.
Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng
Nhằm tri ân những thế hệ cách mạng, nơi thành lập Chi bộ Phú Riềng tại ấp làng Ba, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, chính quyền và ngành cao su đã xây dựng Tượng đài Phú Riềng Đỏ và được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia vào năm 1999. Tượng đài Phú Riềng Đỏ là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, là niềm tự hào của Nhân dân Bình Phước nói chung và ngành cao su nói riêng trong lịch sử phong trào giải phóng công nhân Việt Nam.
Lãnh đạo và Cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh về nguồn sinh hoạt chính trị tại di tích lịch sử Phú Riềng Đỏ
Trải qua 95 năm lịch sử, Phú Riềng Đỏ năm xưa đã trở thành mảnh đất lành với bạt ngàn cao su xanh biếc, đóng góp “vàng trắng” xây dựng và phát triển quê hương Bình Phước ngày càng giàu đẹp, văn minh. Phú Riềng Đỏ mãi mãi là mốc son lịch sử trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam. Một địa chỉ đỏ để giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng chống giặc ngoại xâm đối với mỗi cán bộ, đảng viên trong Công an tỉnh Bình Phước, qua đó khắc phục mọi khó khăn, không ngừng học tập, rèn luyện để phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị được giao.
Được biết, trong năm 2023 và đầu năm 2024, có khoảng 300 lượt đoàn viên, hội viên và CBCS thuộc các đơn vị Công an tỉnh đã tổ chức các đợt về nguồn tri ân, dâng hương các anh hùng liệt sĩ và sinh hoạt chính trị tại di tích lịch sử Phú Riềng Đỏ.