Công an tỉnh Bình Phước
Nêu cao vai trò của phụ huynh trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông lứa tuổi học sinh
Lượt xem: 118
Lực lượng chức năng đang tăng cường kiểm tra và xử lý học sinh vi phạm pháp luật về giao thông. Tuy nhiên, cần phải có giải pháp để học sinh tự giác tuân thủ pháp luật về giao thông. Để thực hiện điều này, phụ huynh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc làm gương và có biện pháp giáo dục phù hợp để nâng cao ý thức cho các em.
anh tin bai

Mô hình “Cổng trường ATGT” đang từng bước phát huy hiệu quả

Trẻ em và học sinh thuộc nhóm tuổi chưa thành niên, từ nhận thức, tâm sinh lý cho đến hành vi của các em không thể đòi hỏi giống như người đã trưởng thành. Do vậy, cha mẹ và người giám hộ là những người có trách nhiệm rất lớn trong việc theo dõi, quản lý, kiểm soát các em. Theo quy định của pháp luật, khi phụ huynh giao xe cho con em chưa đủ điều kiện điều khiển, trách nhiệm đến đâu sẽ xử lý đến đó. Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 123/2021/NĐ-CP cũng đã đưa ra mức xử phạt nghiêm minh đối với hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển, đồng thời có thể dẫn đến chế tài cao hơn theo tính chất, mức độ hậu quả vi phạm. Do đó, kiên quyết không giao cho con em mình điều khiển khi chưa đủ điều kiện là việc đầu tiên mà phụ huynh cần thực hiện để đảm bảo an toàn cho các em trên con đường đến trường. Bà Nguyễn Hoà, xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú cho hay, “dù công việc bận rộn nhưng tôi vẫn phải cố gắng dành thời gian để đưa đón con đến trường. Thứ nhất là vì con chưa đủ tuổi, chưa có bằng lái điều khiển xe máy. Thứ 2 là khi mình hỏi dò con về một số quy tắc cơ bản khi tham gia giao thông thì thấy con không rành nên tôi cũng không dám mua xe đạp điện cho con đi”. 

Trên thực tế, gia đình và nhà trường đều phải có trách nhiệm trong việc giáo dục học sinh. Bởi việc xử phạt học sinh hay phạt phụ huynh cũng chỉ là bề nổi của vấn đề. Cần phải có sự giáo dục thường xuyên, liên tục, từ nhà trường và gia đình. Theo đó, phụ huynh sẽ là người trực tiếp giảng dạy về kĩ năng, kiến thức để cho con em mình tham gia giao thông an toàn. Khi học sinh vi phạm, phải có sự phối hợp thông tin từ gia đình, nhà trường và xã hội để có biện pháp giáo dục phù hợp với tâm sinh lý và độ tuổi của các em. Từ đó, nâng cao ý thức cho học sinh, đặc biệt là lứa tuổi chưa đủ khả năng chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hành chính của mình. 

anh tin bai

Phụ huynh kí cam kết bảo đảm trật tự ATGT

Vừa qua, Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia đã ban hành kế hoạch hành động chi tiết, cụ thể cho từng bộ, ngành, đặc biệt là cho các địa phương, cùng với chuyên đề của Bộ Công an và lực lượng Cảnh sát giao thông. Đây sẽ là giải pháp bền vững để giảm thiểu tai nạn giao thông cho lứa tuổi học sinh. Theo Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, công chức, viên chức, người lao động, đảng viên trong các tổ chức chính trị, xã hội cần làm gương trong việc tuân thủ các quy định về trật tự ATGT và kiên quyết không giao xe cho con em mình khi các em chưa đủ điều kiện tham gia giao thông. Thực hiện Kế hoạch số 301, ngày 27/9/2024 của Công an tỉnh Bình Phước về cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh, vừa qua, lực lượng CSGT cũng đã tổ chức cho 850 giáo viên, 10.511 học sinh và 9500 cha mẹ học sinh ký cam kết, bảo đảm học sinh chấp hành tốt Luật giao thông, không điều khiển mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi và chưa có giấy phép lái xe.

Thu Thảo