Admin
Những điều cần biết về dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Lượt xem: 910
Việc xây dựng CSDLQG về dân cư thống nhất trên toàn quốc để thu thập, cập nhật được thông tin cơ bản của công dân Việt Nam nhằm phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân, khắc phục được các hạn chế, bất cập và có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng thành công Chính phủ điện tử, hướng tới nền kinh tế số.

Ngày 11/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 366/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLGQ) về dân cư.
Việc xây dựng CSDLQG về dân cư thống nhất trên toàn quốc để thu thập, cập nhật được thông tin cơ bản của công dân Việt Nam nhằm phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân, khắc phục được các hạn chế, bất cập và có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng thành công Chính phủ điện tử, hướng tới nền kinh tế số. 



Hội nghị trực tuyến về Dự án Sản xuất, cấp và quản lý CCCD và CSDLQG
về dân cư tại Công an tỉnh Bình phước, nguồn PX03 

Dưới đây là một số vấn đề mà quần chúng nhân dân cần biết về dự án CSDLQG về dân cư:

1. Thông tin chung về dự án 

- Tên dự án: CSDLQG về dân cư

- Cơ quan chủ quản: Bộ Công an

- Chủ đầu tư: Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an.

- Mục tiêu của dự án: Xây dựng CSDLQG về dân cư thống nhất trên toàn quốc, tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hoá, số hoá, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Quy mô, nội dung đầu tư: Xây dựng hệ thống CSDLQG về dân cư thống nhất trên toàn quốc, được triển khai và quản lý tập trung tại Bộ Công an, bao gồm:

+ Đầu tư hạ tầng kỹ thuật: Mua sắm, trang bị các thiết bị phần cứng, phần mềm hệ thống, thiết bị ngoại vi, thiết bị văn phòng, hệ thống thiết bị đảm bảo môi trường an ninh, an toàn vận hành, bảo mật thông tin;

+ Thuê hạ tầng truyền dẫn;

+ Xây dựng, triển khai hệ thống phần mềm ứng dụng phục vụ công tác quản lý nhà nước và các yêu cầu chức năng, nghiệp vụ của ngành Công an phục vụ thu thập, cập nhật thông tin;

+ Tổ chức thu thập, tạo lập và chuyển đổi dữ liệu dân cư và cấp số định danh cá nhân cho công dân;

+ Đào tạo về hạ tầng kỹ thuật, đào tạo sử dụng phần mềm ứng dụng; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách liên quan đến quản lý dân cư trên toàn quốc.

- Địa điểm đầu tư: Bộ Công an; Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công an các quận, huyện của thành phố trực thuộc Trung ương; Công an các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Công an xã, phường, thị trấn.

- Thời gian thực hiện: 2018 - 2021

2. Vị trí, vai trò của CSDLQG về dân cư

- Đối với công tác quản lý nhà nước và phục vụ Nhân dân.

 + Thông qua việc tổ chức thu thập, cập nhật các thông tin cơ bản của công dân sẽ tạo lập nên một hệ cơ sở dữ liệu về dân cư tập trung, thống nhất trên toàn quốc để dùng chung cho các bộ, ngành và chính quyền các cấp nhằm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin về dân cư (số liệu, cơ cấu, phân bổ và biến động dân cư...) phục vụ công tác quản lý nhà nước, hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.

+ CSDLQG về dân cư chính là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đề xuất lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, khắc phục tình trạng một người dân phải sử dụng quá nhiều giấy tờ cá nhân nhưng lại không đem lại hiệu quả trong công tác giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân.

+ Thông tin về dân cư được thu thập, cập nhật thường xuyên sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý dân cư, quản lý chắc biến động dân cư, quản lý các loại đối tượng hỗ trợ công tác tra cứu, xác minh về nhân thân của công dân, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm.
+ Cơ sở dữ liệu dân cư được xây dựng với mục tiêu kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các ngành, lĩnh vực trên toàn quốc, làm tăng khả năng khai thác, cập nhật thông tin về dân cư, hạn chế tối đa sự trùng lặp thông tin, giảm chi phí ngân sách nhà nước trong xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đồng thời, Cơ sở dữ liệu về dân cư ra đời cũng sẽ góp phần làm giảm khối lượng hồ sơ giấy tờ đang được lưu trữ quản lý tại cơ quan hành chính.

- Đối với công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm

Thông qua việc tổ chức thu thập, cập nhật các thông tin cơ bản của công dân sẽ tạo lập nên một hệ cơ sở dữ liệu về dân cư tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Từ hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư đó, sẽ giúp hỗ trợ công tác tra cứu, xác minh về nhân thân của công dân, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

 - Đối với việc hoạch định, phát triển kinh tế của Nhà nước

Từ CSDLQG về dân cư, các bộ, ngành có thể tra cứu các thông tin như: Di biến động về tình hình dân cư, số lượng người đến độ tuổi lao động tại các địa phương, từ đó có thể bố trí, sắp xếp các khu kinh tế trọng điểm tại địa phương mình; số lượng trẻ trên dưới 14 tuổi để sắp xếp xây dựng các trường học…

- Đối với việc bỏ Sổ hộ khẩu theo Luật Cư trú (sửa đổi)

 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 112/NQ-CP về đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an. Trong đó, quy định “Bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân”. Việc bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng Sổ hộ khẩu là thay đổi phương thức quản lý, từ quản lý thủ công bằng Sổ hộ khẩu sang quản lý hiện đại thông qua mã số định danh cá nhân để phục vụ tốt hơn cho người dân, phục vụ mục tiêu dùng chung trong công tác quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, phục vụ giao dịch của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử. Việc xây dựng CSDLQG về dân cư nhằm tiến tới quản lý dân cư dựa trên ứng dụng khoa học kỹ thuật thông qua mã số định danh cá nhân. Do đó, khi công dân có các giao dịch chỉ cần có số định danh cá nhân để chứng minh nhân thân, không cần thiết xuất trình Sổ hộ khẩu.

 3. Mã số định danh cá nhân và phương thức quản lý cư trú thông qua mã định danh cá nhân

 Mã số định danh cá nhân được sinh ra sau khi thông tin về công dân được thu thập vào hệ thống một cách đồng bộ, thống nhất. Mã số định danh cá nhân được xác lập từ CSDLQG về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin công dân trong CSDLQG về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Mã số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc cấp cho công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác. Mã số định danh cá nhân có vai trò rất quan trọng trong việc kết nối, liên thông giữa CSDLQG về dân cư với các CSDLQG, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, trong đó hệ thống quản lý dân cư trên toàn quốc được coi là hệ thống thông tin chủ đạo kết nối với các hệ thống thông tin chuyên ngành khác của bộ, ngành thông qua mã số định danh cá nhân.



Ảnh minh họa: Mã số định danh cá nhân

Việc bãi bỏ Sổ hộ khẩu là bước đột phá trong việc quản lý dân cư, thay thế phương thức quản lý dân cư từ thủ công sang quản lý điện tử bằng mã số định danh cá nhân xác lập từ CSDLQG về dân cư. Số định danh cá nhân được ghi trên giấy khai sinh và thẻ căn cước công dân (CCCD) để phục vụ công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Khi đó, quy trình thực hiện các thủ tục hành chính về quản lý dân cư cũng sẽ được nghiên cứu, thay đổi cho phù hợp. Với việc khi CSDLQG về dân cư (thực hiện các thủ tục về đăng ký, quản lý cư trú) kết nối với Cơ sở dữ liệu CCCD (thực hiện thủ tục về cấp, quản lý CCCD, Chứng minh nhân dân) và Cơ sở dữ liệu hộ tịch (khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn…) và kết nối đến các CSDLQG khác. Việc thực hiện các thủ tục hành chính sẽ được khai thác thông qua Số định danh cá nhân để chứng minh của công dân.

Theo đó, Luật CCCD tại khoản 3, Điều 10 cũng quy định: “Thông tin trong CSDLQG về dân cư là căn cứ để cơ quan, tổ chức kiểm tra, thống nhất thông tin về công dân. Khi công dân đã sử dụng thẻ CCCD của mình, cơ quan, tổ chức không được yêu cầu công dân xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã có trong CSDLQG về dân cư”.

 Sau khi dự án CSDLQG về dân cư được hoàn thành và đưa vào khai thác, Bộ Công an sẽ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đề xuất lộ trình đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân thuộc lĩnh vực đăng ký, quản lý cư trú, cấp và quản lý Chứng minh nhân dân. Chứng minh nhân dân sẽ dần được thay thế bằng CCCD. Việc quản lý và khai thác thông tin dân cư sẽ thông qua mã số định danh cá nhân thay thế cho việc xuất trình Sổ hộ khẩu như hiện nay.

 4. Tính bảo mật của thông tin công dân trong hệ thống CSDLQG về dân cư

Theo quy định của Luật CCCD thì công dân có quyền được đảm bảo bí mật cá nhân, gia đình và trách nhiệm của cơ quan quản lý phải đảm bảo an toàn, bí mật thông tin cá nhân trong CSDLQG về dân cư. Chính vì vậy, ngay từ khi triển khai, đầu tư xây dựng, Bộ Công an đã chỉ đạo thiết kế xây dựng hạ tầng, đường truyền riêng thông suốt từ Trung ương đến địa phương, có phương án để kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành liên quan. Hệ thống được trang bị bảo mật tiên tiến, nhiều lớp như: Chia vùng phần cứng và phần mềm chuyên dụng, bảo mật đường truyền, mã hoá dữ liệu thông tin kết hợp với quản lý người dùng. Vì vậy đảm bảo thông tin của công dân được an toàn, bảo mật tuyệt đối.

 5. Quyền, nghĩa vụ của công dân trong việc thực hiện thu thập, cập nhật thông tin công dân trong CSDLQG về dân cư

- Công dân có quyền:

+ Được đảm bảo bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong CSDLQG về dân cư trừ trường hợp phải cung cấp thông tin, tài liệu theo luật định.

+ Yêu cầu cơ quan quản lý CCCD cập nhật, chỉnh sửa thông tin khi thông tin trong CSDLQG về dân cư và Cơ sở dữ liệu CCCD hoặc thẻ CCCD chưa có, chưa chính xác hoặc có thay đổi theo quy định của pháp luật.

- Công dân có nghĩa vụ:

Cung cấp đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn thông tin, tài liệu của bản thân để cập nhật vào CSDLQG về dân cư.

Bên cạnh việc chấp hành nghiêm quyền và nghĩa vụ của mình, công dân cần nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng CSDLQG về dân cư. Từ đó, vận động người thân, bạn bè chấp hành nghiêm, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ, bảo đảm xây dựng CSDLQG về dân cư đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao.

6. Vấn đề chia sẻ với các bộ, ngành về thông tin công dân để phục vụ công tác quản lý của bộ, ngành

CSDLQG về dân cư sẽ bao gồm tập hợp 18 trường thông tin cơ bản của toàn bộ công dân Việt Nam. Hệ thống CSDLQG về dân cư được tích hợp với hệ thống CCCD, hệ thống đăng ký khai sinh, khai tử, thay đổi, cải chính hộ tịch của Bộ Tư pháp và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành… Đây là “chìa khoá” để CSDLQG về dân cư trao đổi, chia sẻ hồ sơ dữ liệu gốc của công dân với các CSDLQG, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các cơ quan nhà nước khác khi có nhu cầu đảm bảo tính nhất quán, chính xác, kịp thời và tránh trùng lặp thông tin về công dân trong các cơ sở dữ liệu; cung cấp thông tin tổng hợp về công dân theo yêu cầu khai thác của Chính phủ và cung cấp dịch vụ xác thực nhân thân theo nhu cầu của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

7. Cách thức để Nhân dân biết và khai thác thông tin của mình trong CSDLQG về dân cư

Trong dự án CSDLQG về dân cư đã xây dựng các chức năng cho phép công dân được tra cứu các thông tin của mình qua cổng dịch vụ công quốc gia. Do vậy, sẽ tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn công dân cách thức thực hiện việc tự tra cứu thông tin trên cổng này.

Ngoài ra, công dân có nhu cầu khai thác thông tin thì làm văn bản yêu cầu nêu rõ mục đích, nội dung thông tin cần khai thác và đến Công an địa phương (cấp huyện, xã thuộc hệ lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính), xuất trình thẻ CCCD để cơ quan Công an kiểm tra, xác định đúng người trước khi yêu cầu tra cứu, xác minh thông tin của mình. 

Nguyễn Đức Hiếu