Luật Phòng, chống ma túy được ban hành đã mang lại nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực như: công tác quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy đi vào nề nếp và có hiệu quả; nhận thức của cán bộ, công chức các cấp và đông đảo người dân trong xã hội về tác hại của ma túy và trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân được nâng lên; công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy đã có sự đổi mới về nội dung đa dạng về hình thức, huy động được sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành và đông đảo quần chúng; phát hiện, điều tra, khám phá nhiều tổ chức, đường dây tội phạm sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy lớn trong nước và xuyên quốc gia, thu giữ lượng ma túy rất lớn. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án ma túy được thực hiện nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật. Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo nền tảng pháp lý cho việc thực hiện công tác phòng, chống ma túy.
Những kết quả triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy đã giúp kiềm chế sự gia tăng của tội phạm và tệ nạn ma túy, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Việc ban hành và thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống ma túy đã thể hiện trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong thực thi các Công ước quốc tế về phòng, chống ma túy cũng như các Nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh và đa dạng của nền kinh tế, đời sống văn hóa – xã hội nên một số quan hệ xã hội mới liên quan đến phòng, chống ma túy xuất hiện nhưng chưa có quy định điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn. Chẳng hạn như:
- Chưa có quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy trong khi số người sử dụng trái phép chất ma túy trong những năm vừa qua ngày càng gia tăng, đặc biệt là sử dụng ma túy tổng hợp, hình thức sử dụng phong phú, đa dạng từ hút, hít, tiêm chích sang uống, ngậm…
- Quy định về công tác cai nghiện còn một số bất cập: Công tác lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gặp khó khăn, người nghiện ở ngoài xã hội nhiều, tác động rất lớn đến tình hình trật tự, an toàn, xã hội; đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên sâu, hiệu quả không cao, nhiều địa phương làm mang tính hình thức.
- Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2008 có một số nội dung chưa bảo đảm sự thống nhất đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Cụ thể như: Mâu thuẫn với Luật Xử lý vi phạm hành chính về quy định thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Mâu thuẫn với Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự về thẩm quyền điều tra của Bộ đội Biên phòng.
- Ngoài ra còn một số vấn đề của thực tiễn đang đặt ra, nhưng luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2008 chưa đáp ứng được, như là: Một số hoạt động chưa được đưa vào kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy như tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, đây là các hoạt động trên thực tiễn diễn ra thường xuyên, rất dễ bị các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội về ma túy…
Vì vậy, Bộ Công an (BCA) đã chủ trì xây dựng Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) (gọi tắt là Dự thảo Luật) nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy và khắc phục những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2008, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy. Trong đó, lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt, chủ trì công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Nâng cao nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy, củng cố lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy. Quản lý tốt người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, góp phần ngăn chặn, đấu tranh từng bước loại trừ tệ nạn ma túy, tội phạm ma túy ra khỏi đời sống xã hội. Mở rộng tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy. Ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy thẩm lậu vào trong nước, kiên quyết không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế.
Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) gồm 8 chương, 69 điều, có một số điểm mới, cụ thể như sau:
- Về bố cục, so với Luật phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2008 tăng 13 điều, trong đó giữ nguyên 7 điều, sửa đổi, bổ sung 47 điều và 15 điều mới.
- Về nội dung
+ Đối với Chương I, Dự thảo Luật đã bổ sung Điều luật quy định đối tượng áp dụng của luật là cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống ma túy; Tách khái niệm "tội phạm về ma túy" ra khỏi "tệ nạn ma túy". Bổ sung khái niệm: người sử dụng trái phép chất ma túy; khái niệm cai nghiện ma túy; khái niệm thuốc tiền chất; thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất; Bổ sung quy định để đảm bảo điều kiện cho công tác phòng, chống ma túy, tăng cường nguồn lực và năng lực cho các cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy, cai nghiện ma túy và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
+ Đối với Chương II, Dự thảo Luật đã quy định cá nhân, tổ chức có trách nhiệm giúp đỡ, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng đấu tranh với tội phạm ma túy. Bổ sung nội dung quy định để cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân đấu tranh với tội phạm ma túy hiệu quả hơn.
+ Đối với Chương III, Dự thảo Luật đã bổ sung thuốc tiền chất; nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc; thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất cần được kiểm soát, không để tội phạm lợi dụng sản xuất ma túy tổng hợp. Bổ sung hoạt động tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập là những hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy cần phải kiểm soát.
+ Đối với Chương IV, Dự thảo Luật đã quy định nội dung mới trong Luật. Việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy được áp dụng ngay lần đầu người đó sử dụng trái phép chất ma túy. Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành. Trong thời gian quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy nếu người đó thuộc đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì thực hiện theo quy định của pháp luật về Xử lý vi phạm hành chính, nếu được xác định tình trạng nghiện thì thực hiện theo các quy định về công tác cai nghiện. Quy định Công an xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thống kê người sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn quản lý. Bộ Công an có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn và thực hiện việc thống kê người sử dụng trái phép chất ma túy.
+ Đối với Chương V, Dự thảo Luật đã sửa đổi cơ bản và toàn diện, cụ thể: Quy định về xác định tình trạng nghiện, người có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện; Về chính sách cai nghiện theo hướng tạo điều kiện cho người nghiện cai nghiện tự nguyện, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; Quy định về hoạt động của cơ sở cai nghiện ma túy công lập và cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân. Sửa đổi các quy định về cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Giao cho Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm quản lý, kiểm tra, hướng dẫn, tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng trên địa bàn quản lý; Bổ sung các quy định cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập và cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân theo hình thức hợp đồng cung cấp dịch vụ cai nghiện giữa các cơ sở đối với người nghiện; Quy định cụ thể các trường hợp áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên và cai nghiện cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi; Bổ sung quy định về cai nghiện ma túy cho người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài bị trục xuất về nước do nghiện ma túy; Người đang cai nghiện ma tuý bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập mà bị phát hiện thực hiện hành vi phạm tội trước hoặc trong thời gian chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nếu bị tòa án xử phạt tù thì người đó được miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Bổ sung quy định về công tác thống kê người nghiện ma túy cho các Bộ, ngành, trong đó BCA có trách nhiệm tổng hợp số liệu chung về người nghiện.
+ Đối với Chương VI, Dự thảo Luật về cơ bản nội dung chương này kế thừa các quy định cũ; sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của các Bộ cho phù hợp với các nội dung được sửa đổi, bổ sung trong luật. Cụ thể như sau: Bổ sung trách nhiệm cho BCA về giám sát, quản lý, theo dõi người sử dụng trái phép chất ma túy. Bộ Quốc phòng về phối hợp với cơ quan hữu quan của nước khác để phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy và kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy ở khu vực biên giới và trên biển; Bộ Y tế trong quản lý thuốc tiền chất; nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông quản lý thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất; Quy định trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội cho phù hợp với các nội dung về công tác cai nghiện ma túy được sửa đổi; Phân công trách nhiệm cụ thể cho Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy.
+ Đối với Chương VII, Dự thảo Luật đã kế thừa quy định cũ. Đây là quy định mang tính nguyên tắc, chính sách. Trong đó có sửa đổi quy định về các trường hợp từ chối tương trợ tư pháp thực hiện theo pháp luật về tương trợ tư pháp để đảm bảo tính thống nhất pháp luật.
+ Đối với Chương VIII, Dự thảo Luật đã quy định về hiệu lực thi hành và trách nhiệm quy định chi tiết tại các điều, khoản được giao trong luậtMong rằng Dự thảo Luật sớm được ban hành để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.