Đất nước ta là một quốc gia có bề dày truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến, đã trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh, hy sinh sương máu để giành lại độc lập dân tộc như ngày hôm nay. Đúc kết từ kinh nghiệm lịch sử của ông cha ta, ngay từ những ngày đầu thành lập (19/8/1945), lực lượng Công an Nhân dân đã thấy được vai trò sức mạnh to lớn của quần chúng Nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, quyết định đến thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng đất nước khỏi ách thống trị của thực dân Pháp. Qua nghiên cứu từ thực tiễn chiến đấu, lực lượng Công an Nhân dân đã tham mưu cho Đảng, Chính phủ biện pháp vận động quần chúng Nhân dân tham gia kháng chiến, cùng nhau thực hiện khẩu hiệu “Ba không”, với nội dung phù hợp đặc điểm từng vùng, miền chiến lược trong chiến thuật chiến đấu của ta, cụ thể: (1) ở căn cứ địa Việt Bắc và vùng tự do thì thực hiện khẩu hiệu “Không nghe, không biết, không thấy”; (2) ở vùng tạm bị chiếm đóng thực hiện khẩu hiệu “Không làm việc cho địch, không bán lương thực cho địch, không chỉ đường cho địch”, (3) ở Nam Bộ phát động Nhân dân tham gia phong trào với khẩu hiệu “Ngũ gia liên bảo” để bảo vệ an ninh, trật tự thôn, xóm. Các khẩu hiệu tuyên truyền vận động trên đã nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng cho Nhân dân, mang lại hiệu quả thiết thực, vô hiệu hóa được “tai mắt” của địch, làm giảm sức mạnh của quân thù, khẩu hiệu nhanh chóng lan truyền, phát triển ra toàn quốc thành phong trào “Phòng gian bảo mật” với các nội dung: Bảo vệ bí mật, tài sản của Đảng, Nhà nước, bảo vệ nội bộ, bảo vệ trị an xã hội. Qua đó Nhân dân đã giúp đỡ lực lượng Công an kịp thời đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại âm mưu của địch thành lập “Xứ Nùng”, “Xứ Thái”, “Xứ Mường” ở miền núi phía Bắc và “Nước Tây kỳ tự trị”, “Nước Nam kỳ tự trị” ở miền Nam nhằm mục đích chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, kích động thành lập các khu tự trị. Các phong trào trên đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (ngày 07/5/1954), buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Ảnh minh họa
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng Công an đã tham mưu cho Đảng, Chính phủ, Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo xây dựng lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và phát động phong trào “Bảo vệ trị an”, “Bảo mật phòng gian”, phong trào ngày càng phát triển mạnh mẽ, gắn với phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng Xã hội Chủ nghĩa ở Miền Bắc và đấu tranh giải phóng ở Miền Nam đã trở thành phong trào cách mạng sôi sục trên cả nước. Nhiều địa phương có phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ trên tất cả các mặt trận điển hình như: Yên Phong (Ninh Bình), Hưng Khánh (Yên Bái), Thanh Bình (Lào Cai), Quang Chiểu (Thanh Hóa), Khối 30, Khu Đống Đa (Hà Nội)…
Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975), các phong trào vận động Nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trong toàn quốc phát triển thành phong trào “Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Đồng thời, Công an các cấp đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền tổ chức, vận động mọi tầng lớp Nhân dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, phong trào đã có bước phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng vùng, từng khu vực, từng lĩnh vực, từng địa bàn cụ thể, qua đó phát hiện, nhân rộng nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến trong toàn quốc. Phong trào đã phát huy năng lực sáng tạo của cơ sở, khơi dậy sức mạnh, tiềm lực to lớn của quần chúng Nhân dân trong phòng ngừa, tấn công, trấn áp tội phạm, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.
Ảnh minh họa
Trước yêu cầu cấp thiết của nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc trong thời kỳ đổi mới, thực hiện chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ Công an đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 521/2005/QĐ-TTg ngày 13/6/2005, lấy ngày 19/8 hằng năm là “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội đã tập trung tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, tạo chuyển biến mới về nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác giữ gìn an ninh, trật tự qua đó luôn đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, động viên cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân tham gia có hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; từng bước xây dựng nền an ninh Nhân dân, thế trận an ninh Nhân dân kết hợp chặt chẽ với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc tại địa bàn cơ sở, góp phần giữ vững an ninh Quốc gia.
Nhất quán quan điểm “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương quan trọng, phát động nhiều phong trào thi đua, vận động Nhân dân tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Chỉ thị số 186-CT/TW, ngày 17/02/1960 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về mấy công tác lớn phải làm để đẩy mạnh công tác đấu tranh chống bọn phản cách mạng, nhằm bảo vệ công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc” nêu rõ: “Phong trào bảo vệ trị an là một cuộc vận động quần chúng rộng rãi, nhằm giáo dục quần chúng đảm đương lấy sự nghiệp bảo vệ thành quả cách mạng và bảo vệ an toàn cho đời sống hàng ngày, đó là hình thức tốt nhất để phát huy tính tích cực của quần chúng trong công tác đấu tranh chống kẻ địch để giữ gìn trật tự an ninh chung”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nhấn mạnh: “Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, kết hợp chặt chẽ với thế trận an ninh Nhân dân vững chắc… Xây dựng lực lượng Công an Nhân dân vững mạnh toàn diện kết hợp lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách, các cơ quan bảo vệ pháp luật với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Ngày 01/12/2011, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, đánh giá cao vai trò, sức mạnh to lớn của quần chúng Nhân dân, các đoàn thể chính trị trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Trải qua 18 năm tổ chức các hoạt động “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trên địa bàn tỉnh Bình Phước, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng có sự kết hợp giữa phần “lễ” và phần “hội”, điển hình là các hoạt động mít tinh, diễu hành biểu dương lực lượng; tuyên dương các điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và Công an xã tiêu biểu; tổ chức các hoạt động từ thiện, đỡ đầu, gặp mặt, thăm hỏi các gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công trong sự nghiệp giữ gìn ANTT; lồng ghép vào các cuộc họp dân để tuyên truyền; biên soạn tài liệu phát trên hệ thống truyền thanh; trưng bày các khẩu hiệu, pa nô, áp phích cổ động trực quan tại nơi công cộng, đông dân cư; tổ chức các diễn đàn, hội thi tìm hiểu về pháp luật và phòng, chống tội phạm; các hoạt động thể dục, thể thao, văn hoá văn nghệ lồng ghép tuyên truyền phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ… tạo hiệu ứng tích cực trong công tác vận động Nhân dân trong tham gia các hoạt động đảm bảo an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở; từ đó thúc đẩy phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa phương ngày càng phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần thực hiện thành công khẩu hiệu của Đại hội đảng bộ tỉnh “Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần, tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.
Trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã xuất hiện nhiều gương tiêu biểu về sự dũng cảm, kiên quyết đấu tranh chống tội phạm của quần chúng Nhân dân rất đáng trân trọng và tôn vinh, như: Liệt sĩ Vũ Văn Vượng, Phó Công an xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, Liệt sĩ Phạm Đức Ninh, Công an viên xã Phú Trung, huyện Phú Riềng; Thương binh Trần Như Lễ, Phó Công an xã Đoàn Kết, Huyện Bù Đăng và gần đây nhất vào khoảng 01h sáng ngày 11/6/2023 anh Hoàng Nhật Tiến, anh Lê Ngọc Phú thành viên mô hình “Tổ Phòng chống tội phạm” Phường Hưng Long, thị xã Chơn Thành trong quá trình tham gia cùng Lực lượng Công an Phường Hưng Long, thị xã Chơn Thành tuần tra vũ trang phát hiện truy đuổi đối tượng có biểu hiện nghi vấn vi phạm pháp luật quá trình truy đuổi đã xảy ra va quẹt với xe của đối tượng, với tinh thần kiên quyết đấu tranh chống tội phạm anh Hoàng Nhật Tiến tử vong tại chỗ, anh Lê Ngọc Phú bị gãy tay. Bên cạnh đó, còn rất nhiều quần chúng tiêu biểu đã được Bộ Công an, UBND tỉnh, Công an tỉnh và UBND các cấp tặng bằng khen, giấy khen vì có thành tích đột xuất trong đấu tranh phòng chống tội phạm.
Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc được tổ chức hàng năm nhằm tuyên truyền đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh tổ quốc, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, phát huy tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh với các loại tội phạm, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia.
Ngày hội nhằm biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, điển hình tiêu biểu trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc ở cơ sở, đồng thời, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong các tầng lớp Nhân dân nhằm đưa phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc phát triển sâu rộng, vững chắc với chất lượng và hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Quán triệt tinh thần chỉ đạo trên của Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, hàng năm tỉnh Bình Phước luôn chủ động triển khai tổ chức Ngày hội bảo đảm thiết thực, ý nghĩa sâu sắc và hướng về cơ sở.