Sự phát triển mạnh mẽ của không gian mạng mở ra nhiều thời cơ mới nhưng cũng đặt ra những thách thức mới, trong đó tin giả nằm trong những nguy cơ đặc biệt. Mặc dù là một vấn đề cũ nhưng tin giả hiện nay cũng mang bộ mặt mới chưa từng có khi nó được truyền tải một cách nhanh chóng nhờ sự tương tác của những người sử dụng và cơ chế kiểm duyệt nội dung không có kiểm soát trên không gian mạng; chính tốc độ và sự truyền tải nhanh chóng đã biến tin giả thành một mầm mống tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, các thông tin được truy cập nhiều nhất không còn là những thông tin có giá trị thay vào đó nó phụ thuộc vào số nhấp chuột và khả năng sinh lời của thông tin chứ không còn là tính xác thực hay chiều sâu của thông tin nữa. Tin giả trở nên nguy hiểm khi nó có thể định hình thế giới quan, nhận thức, suy nghĩ của một cá nhân, cộng đồng dẫn đến những suy nghĩ và hành động lệch lạc đặc biệt khi hiện nay cơ chế hoạt động của không gian mạng luôn khai thác triệt để vấn đề và lĩnh vực mà người sử dụng quan tâm từ đó làm cho thật giả lẫn lộn, nhiều thông tin bị xuyên tạc, bóp méo với những tiêu đề “giật gân”, gây chú ý trong đó không ít những tin giả được sử dụng với mục đích và ý đồ đen tối gây phương hại đến tình hình an ninh, trật tự. Nhiều tổ chức, cá nhân đã bị cơ quan chức năng xử lý vi phạm hành chính, nhiều trường hợp bị xử lý vi phạm hình sự khi chia sẻ, đăng tải những thông tin không đúng sự thật trên không gian mạng.
Có một số lý do khiến việc phân biệt giữa thông tin “thật” và thông tin “giả” trên internet trở nên khó khăn. Đầu tiên, bất kỳ ai cũng có thể tạo một trang web hoặc blog và đăng bất cứ thứ gì họ muốn. Không có quy trình xét duyệt để kiểm tra tính chính xác của thông tin trước khi nó được đăng tải. Thứ hai, có thể dễ dàng sao chép và dán nội dung thông tin từ trang này sang trang khác mà không cần kiểm tra thực tế về nội dung của tin tức. Thứ ba, có rất nhiều trò lừa bịp và thuyết âm mưu lan truyền trên mạng rất khó phân biệt với tin “thật”. Cuối cùng, mọi người thường chỉ chú ý và xem những gì mà mình muốn xem, dựa trên thành kiến và sở thích của bản thân do đó các phần mềm, ứng dụng, trang wed sẽ chủ động đề xuất các nội dung theo mong muốn của từng cá nhân dựa trên tính năng theo dõi người dùng.
Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, thông tin luôn có sẵn trong tầm tay của chúng ta. Tuy nhiên, với lượng thông tin khổng lồ lan truyền trên internet, thật khó để phân biệt đâu là “thật” đâu là “giả”. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể nhận biết được tin “thật” và tin “giả”, mọi người khi tham gia không gian mạng cần có kỹ năng cơ bản để nhận biết và phân loại thông tin “thật”, “giả” với một số đặc điểm sau:
- Những tin tức “thật” thường có tiêu đề rõ ràng, nội dung khách quan, vô tư, không thiên vị hay mang tính cá nhân của người viết trong khi đó tin “giả” thường có tiêu đề, nội dung “giật gân”, “câu khách” kích thích sự hiếu kỳ của người xem về những vấn đề xã hội đang quan tâm, nội dung bài viết có thiên hướng thiên vị hơn về một chủ thể nào đó, hoặc có những bài viết mà nội dung không bám sát ý chính của chủ đề bài viết.
- Tin “giả” thường không được chú trọng về hình thức, cấu trúc ngữ pháp, thể thức văn bản, cách thức diễn đạt, nội dung của người viết sơ sài không thống nhất, sử dụng hình ảnh, video cắt ghép hoặc không liên quan đến nội dung bài viết.
- Tin “giả” thường được đăng tải trên các trang, miền không chính thống, không có địa chỉ, thông tin đăng ký cụ thể trên trang. Vì vậy, hãy kiểm tra nguồn gốc của bài viết. Nếu nó đến từ một trang tin tức uy tín, thì rất có thể đó là tin thật. Tuy nhiên, nếu bài viết đến từ một trang web hoặc blog ít nổi tiếng hơn thì nên xem xét kỹ hơn về nội dung.
Trước thực trạng trên đối với mỗi người dân, nhất là giới trẻ cần trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết trong việc nhận diện và chọn lọc thông tin, nâng cao cảnh giác với tin “giả”, khi phát hiện các tài khoản, trang mạng thường xuyên đăng tải tin “giả” cần chặn, xóa, không chia sẻ những thông tin khi chưa được kiểm chứng và mạnh dạn tố giác đến các cơ quan chức năng để những thông tin đó không tiếp tục lan truyền, góp phần ngăn chặn những tác động tiêu cực của tin “giả”, xây dựng môi trường mạng và môi trường sống trong sạch, tích cực.