Sửa đổi, bổ sung quy định về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an!
Tại Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân (CAND) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV, tại Kỳ họp thứ 5 sửa đổi, bổ sung quy định về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an.
Theo đó, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 30 về hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan CAND theo hướng: Bổ sung quy định và tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an (nam tăng 02 tuổi, nữ tăng 05 tuổi); tăng ngay 02 tuổi của với sĩ quan, hạ sĩ quan có hạn tuổi phục vụ cao nhất dưới 60 tuổi đối với nam và dưới 55 tuổi đối với nữ; riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá tăng 05 tuổi, nữ sĩ quan, hạ sĩ quan có cấp bậc hàm Thượng tá tăng 03 tuổi; nữ sĩ quan cấp Tướng thì vẫn giữ nguyên 60 tuổi như hiện hành; bổ sung quy định kéo dài tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan CAND trong trường hợp đặc biệt.
Ảnh: Đ/c Đại tá Dương Văn Mạnh – Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại Hội nghị Chuyên đề “Tuyên truyền và lấy ý kiến đóng góp dự thảo 05 dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV trong năm 2023” về nội dung cơ bản của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.
Thời gian tăng tuổi theo lộ trình: Mỗi năm tăng 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ. Riêng sĩ quan, hạ sĩ quan có hạn tuổi phục vụ cao nhất dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ thì tăng ngay 02 tuổi, không theo lộ trình nêu trên. Thời điểm tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất bắt đầu từ năm 2021 nhưng không áp dụng đối với trường hợp đã nghỉ công tác trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Căn cứ đề nghị chính sách trên là:
Một là, bổ sung quy định về hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an, theo khoản 6, Điều 2 Luật CAND quy định: công nhân công an là những người được tuyển vào làm việc trong CAND mà không thuộc diện được phong cấp bậc hàm sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nhưng hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an lại được quy định tại Điều 11 Nghị định số 49/2019/NĐ-CP, vì vậy để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thì cần quy định về hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an trong Luật CAND, cụ thể là: nam tăng 02 tuổi, nữ tăng 05 tuổi, tương đương mức tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường theo khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 .
Hai là, về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan:
+ Đối với nam tăng 02 tuổi, tương đương mức tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động theo quy định tại khoản 2, Điều 169 của Bộ luật Lao động năm 2019 (Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam);
+ Đối với nữ: hạ sĩ quan, sĩ quan có hạn tuổi phục vụ cao nhất dưới 55 tuổi thì tăng 02 tuổi, sĩ quan có cấp bậc hàm Thượng tá thì tăng 03 tuổi (từ 55 lên 58 tuổi); sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá thì tăng 05 tuổi (từ 55 lên 60 tuổi); sĩ quan cấp tướng thì giữ nguyên quy định hiện tại (60 tuổi).
Ba là, về lộ trình tăng tuổi: Lộ trình tăng tuổi đối với sĩ quan có hạn tuổi phục vụ cao nhất từ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ 55 tuổi trở lên đối với nữ, công nhân công an thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động (kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ); tức là mỗi năm tăng 03 tháng đối với nam, 04 tháng đối với nữ. Riêng đối với sĩ quan, hạn sĩ quan có hạn tuổi phục vụ cao nhất dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ thì tăng ngay 02 tuổi, không theo lộ trình nêu trên.
Bốn là, về kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan CAND trong trường hợp đặc biệt: Hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan CAND ngoài việc thực hiện theo quy định chung của Luật CAND, trong một số trường hợp đặc biệt còn được thực hiện theo quy định của Đảng, Nhà nước như tuổi nghỉ hưu của sĩ quan CAND là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội… tuy nhiên, Luật CAND năm 2018 chưa quy định về kéo dài hạn tuổi đối với các trường hợp này nên chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định của Đảng, Nhà nước và yêu cầu thực tiễn. Vì vậy việc bổ sung quy định kéo dài hạn tuổi phục vụ trong các trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định là cần thiết và phù hợp.
Năm là, theo quy định tại khoản 4 Điều 22 Luật CAND, tuổi để xét cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải không quá 57 tuổi, tức là với hạn tuổi phục vụ cao nhất của cấp tướng là 60 tuổi, sĩ quan được thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 03 năm công tác. Do đó, nếu tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan CAND thì cũng phải sửa đổi, bổ sung quy định nêu trên theo hướng: sĩ quan được xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 03 năm công tác, vừa bảo đảm chặt chẽ về kỹ thuật lập pháp và dễ áp dụng trong thực tiễn.
Việc đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an như trên vừa bảo đảo phù hợp với quy định tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động năm 2019, vừa phù hợp với thực tiễn chiến đấu; hiện nay, hạn tuổi phục vụ cao nhất của cán bộ, chiến sĩ có cấp bậc hàm Trung tá, Thiếu tá, Cấp úy và Hạ sĩ quan thấp hơn nhiều so với mức hạn tuổi phục vụ cao nhất trong CAND và quy định của Bộ luật Lao động (Hạ sĩ quan: 45 tuổi; Cấp úy: 53 tuổi; Thiếu tá, Trung tá: nam 55, nữ 53). Do đó, để thu hẹp khoảng cách về hạn tuổi phục vụ cao nhất giữa cán bộ, chiến sĩ có cấp bậc hàm nêu trên so với người lao động, Chính phủ đề nghị áp dụng tăng ngay 02 tuổi mà không theo lộ trình của Bộ Luật lao động. Việc áp dụng quy định này cũng bảo đảm sự ổn định, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ trong Công an nhân dân./.