Quốc hội thông qua Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân
Ngày 13/12/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, phiên họp thứ 18 đã thông qua Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (sửa đổi).
Ảnh: Kỳ họp thứ 18 của Quốc hội. (nguồn: internet)
Theo đó, Ngày 20/1/2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã ban hành Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND (Pháp lệnh số 09).
Pháp lệnh số 09 có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong thực tiễn đời sống chính trị, pháp lý của đất nước, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, góp phần bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013 và thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người.
Sau hơn 8 năm triển khai thi hành Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân đã bộc lộ một số hạn chế và bất cập. Thực tiễn cho thấy, Pháp lệnh số 09 không còn phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn cũng như yêu cầu của Luật Xử lý vi phạm hành chính và thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật cần thiết phải được nghiên cứu, sửa đổi. Từ đó, đòi hỏi cần thiết phải sửa đổi Pháp lệnh số 09 nhằm mục đích khắc phục những hạn chế, bất cập, chưa phù hợp của pháp luật hiện hành, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng trong hoạt động tư pháp.
Mục tiêu của việc sửa đổi là tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục trong việc Tòa án nhân dân xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính và khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Pháp lệnh số 09, nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống vi phạm pháp luật, đồng thời bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp của người vi phạm, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp.
Sửa đổi, bổ sung trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, công bằng, đúng quy định của pháp luật để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Sửa đổi, bổ sung trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với người chưa thành niên chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội và bảo đảm thủ tục thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của các em.
Trên cơ sở đó, sáng ngày 13/12/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào Dự thảo Pháp lệnh về áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (Pháp lệnh số 09). Tại phiên họp, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết tán thành thông qua Pháp lệnh nói trên.
Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (sửa đổi) có 05 chương và 44 Điều. Trong đó:
Chương 1 những quy định chung (gồm 07 điều, từ Điều 1 đến Điều 7) Chương này quy định về phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính; thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; trách nhiệm quản lý công tác xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; chi phí, lệ phí trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Chương 2 quy định về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính (gồm 19 điều, từ Điều 8 đến Điều 26).
Chương này quy định về thời hạn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; nhận, thụ lý hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; phân công Thẩm phán xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; những trường hợp phải từ chối, thay đổi Thẩm phán, Thư ký phiên họp; thông báo về việc thụ lý hồ sơ đề nghị; kiểm tra hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; quyền cung cấp tài liệu của người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; yêu cầu bổ sung tài liệu; đình chỉ, tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; quyết định mở phiên họp xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính…
Chương 3 quy định về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn hoặc miễn chấp hành; giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại (gồm 03 điều, từ Điều 27 đến Điều 29).
Chương này quy định về nhận, thụ lý hồ sơ đề nghị hoãn hoặc miễn áp dụng biện pháp xử lý hành chính; giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại; hủy bỏ quyết định hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Chương 4 quy định về khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị; giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính (gồm 15 điều, từ Điều 30 đến Điều 44) gồm 2 mục:
- Mục 1. khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị; giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị các quyết định của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính (từ Điều 30 đến Điều 37)
- Mục 2. khiếu nại, giải quyết khiếu nại hành vi của người có thẩm quyền của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính (từ Điều 38 đến Điều 42).
Chương 5 quy định điều khoản thi hành và điều khoản chuyển tiếp (gồm có 02 điều: Điều 43 và Điều 44).
Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (sửa đổi) đã bổ sung mới 02 điều (Điều 7 và Điều 44), sửa đổi, bổ sung 42/42 điều so với Pháp lệnh số 09. Trong đó, có những quy định mới liên quan đến thẩm quyền của Tòa án nhân dân xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, quy định về đảm bảo thủ tục thân thiện đối với người chưa thành niên bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính và một số quy định khác.
Sau khi cho ý kiến, với sự thống nhất cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí thông qua về mặt nguyên tắc dự thảo Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (sửa đổi) và nhất trí về nguyên tắc về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh để hoàn chỉnh thủ tục trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành trong tháng 12/2022.