Công an tỉnh Bình Phước
Quy định mới về phù hiệu, giấy chứng nhận công tác đặc biệt, trang phục huấn luyện, trang phục chiến đấu của Cảnh sát cơ động
Lượt xem: 998
Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 55/2022/TT-BCA quy định phù hiệu, giấy chứng nhận công tác đặc biệt, trang phục huấn luyện, trang phục chiến đấu của Cảnh sát cơ động. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023.
anh tin bai

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thông tư số 55/2022/TT-BCA gồm 5 chương, 25 điều, quy định các vấn đề liên quan đến phù hiệu, giấy chứng nhận công tác đặc biệt, trang phục chiến đấu và trang phục huấn luyện của Cảnh sát cơ động.

Theo đó, Thông tư này quy định chi tiết khoản 2 Điều 24 Luật Cảnh sát cơ động năm 2022 về phù hiệu, giấy chứng nhận công tác đặc biệt, trang phục huấn luyện, trang phục chiến đấu của Cảnh sát cơ động; được áp dụng đối với Công an các đơn vị, địa phương; cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Về nguyên tắc cấp, quản lý, sử dụng phù hiệu, giấy chứng nhận công tác đặc biệt và trang phục huấn luyện, trang phục chiến đấu của Cảnh sát cơ động, Thông tư quy định: Phù hiệu, giấy chứng nhận công tác đặc biệt của Cảnh sát cơ động phải được quản lý chặt chẽ, cấp đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích; trang phục huấn luyện, trang phục chiến đấu của Cảnh sát cơ động được sử dụng trong huấn luyện, diễn tập và ra quân thực hiện nhiệm vụ.

Theo đó, tại Điều 6 Thông tư này quy định Giấy chứng nhận công tác đặc biệt được cấp cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động trong trường hợp được giao thực hiện phương án tác chiến chống khủng bố và bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt.

- Về thẩm quyền cấp, đổi, cấp lại, giao, thu hồi, tiêu hủy giấy chứng nhận công tác đặc biệt được quy định như sau: Bộ trưởng Bộ Công an quyết định cấp, đổi, cấp lại, tiêu hủy giấy chứng nhận công tác đặc biệt; Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định giao giấy chứng nhận công tác đặc biệt cho các đơn vị thuộc quyền; Thủ trưởng các đơn vị Cảnh sát cơ động thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Công an cấp tỉnh chịu trách nhiệm giao giấy chứng nhận công tác đặc biệt cho cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền quản lý và thu hồi sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Việc giao, thu hồi giấy chứng nhận công tác đặc biệt phải được thể hiện bằng văn bản.

- Về trách nhiệm quản lý giấy chứng nhận công tác đặc biệt như sau: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động có trách nhiệm lập sổ theo dõi việc cấp, đổi, cấp lại, giao, thu hồi giấy chứng nhận công tác đặc biệt; Định kỳ hàng tháng đơn vị quản lý trực tiếp đối tượng được giao giấy chứng nhận công tác đặc biệt phải kiểm tra việc quản lý, sử dụng và báo cáo kết quả về Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Hàng năm Công an cấp tỉnh báo cáo việc quản lý, sử dụng giấy chứng nhận công tác đặc biệt thuộc phạm vi quản lý gửi Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an việc quản lý, sử dụng giấy chứng nhận công tác đặc biệt.

Khi cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động xuất trình giấy chứng nhận công tác đặc biệt cùng Chứng minh Công an nhân dân thì theo quy định, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh quyết định, yêu cầu của người đó theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 32 Luật Cảnh sát cơ động 2022 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2023), cụ thể như sau: Cung cấp kịp thời cho người có thẩm quyền thông tin, tài liệu có liên quan đến công tác của Cảnh sát cơ động; Chấp hành quyết định, yêu cầu của Cảnh sát cơ động theo quy định như: cung cấp sơ đồ, thiết kế của công trình, trụ sở, nhà ở, phương tiện, trừ công trình quốc phòng, khu quân sự, phương tiện thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng; Vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân để chống khủng bố, giải cứu con tin; Trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện, thiết bị đó. 

Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động đề nghị tổ chức, cá nhân nước ngoài hỗ trợ, giúp đỡ để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Về trang phục chiến đấu của Cảnh sát cơ động, gồm: trang phục chiến đấu chung; trang phục chiến đấu của Cảnh sát đặc nhiệm; trang phục Cảnh sát bảo vệ mục tiêu; trang phục nghiệp vụ bay và trang phục kỹ thuật cơ vụ sân bay của Không quân Công an nhân dân; trang phục nghi lễ đặc thù của Cảnh sát cơ động kỵ binh; trang phục biểu diễn đặc thù của Đoàn Nghi lễ Công an nhân dân.

Cụ thể, trang phục chiến đấu chung xuân hè, gồm: công an hiệu; mũ mềm gắn Công an hiệu; mũ bảo hiểm Cảnh sát cơ động gắn Công an hiệu; áo: cánh tay trái gắn ký hiệu Cảnh sát cơ động, trước ngực bên phải gắn số hiệu, ngực bên trái gắn huy hiệu Công an nhân dân, cổ áo gắn phù hiệu kết hợp; ký hiệu Cảnh sát cơ động; số hiệu Công an nhân dân; huy hiệu Công an nhân dân; phù hiệu kết hợp; áo lót gắn ký hiệu Cảnh sát cơ động; dây lưng chéo; quần; dây lưng; giầy ghệt; bít tất; găng tay.  

Trang phục chiến đấu chung thu đông, gồm: công an hiệu; mũ mềm gắn Công an hiệu; mũ bảo hiểm Cảnh sát cơ động gắn Công an hiệu; áo mùa đông: cánh tay trái áo gắn ký hiệu Cảnh sát cơ động, may nhiều lớp, trước ngực bên phải gắn số hiệu, trước ngực bên trái gắn huy hiệu Công an nhân dân, cổ áo gắn phù hiệu kết hợp; ký hiệu Cảnh sát cơ động; số hiệu Công an nhân dân; huy hiệu Công an nhân dân; phù hiệu kết hợp; áo khoác mùa đông có mũ (chống rét): cánh tay trái gắn ký hiệu Cảnh sát cơ động, chất liệu giữ ấm, trước ngực bên phải gắn số hiệu, trước ngực bên trái gắn huy hiệu Công an nhân dân, cổ áo gắn phù hiệu kết hợp; áo lót gắn ký hiệu Cảnh sát cơ động; dây lưng chéo; quần; dây lưng; giầy ghệt; bít tất; găng tay.

Trang phục huấn luyện của Cảnh sát cơ động, gồm: trang phục huấn luyện chung; trang phục huấn luyện đặc thù của Cảnh sát cơ động kỵ binh; đơn vị huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ; đơn vị Không quân Công an nhân dân. 

Cụ thể, trang phục huấn luyện chung, gồm: mũ mềm gắn Công an hiệu; công an hiệu; áo: trước ngực áo bên phải gắn số hiệu Công an nhân dân; trước ngực áo bên trái gắn huy hiệu Công an nhân dân; cánh tay áo bên trái gắn ký hiệu Cảnh sát cơ động; cổ áo gắn phù hiệu kết hợp; số hiệu Công an nhân dân; huy hiệu Công an nhân dân; ký hiệu Cảnh sát cơ động; phù hiệu kết hợp; áo khoác mùa đông; dây lưng chéo; quần; giầy huấn luyện; bít tất.

Cảnh sát cơ động kỵ binh, các đơn vị huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ sử dụng trang phục quy định tại Điều 14 Thông tư này và trang phục quy định tại điểm b khoản 1 Điều 13 Thông tư số 12/2021/TT-BCA ngày 27/01/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về tiêu chuẩn, định mức, trang bị, quản lý, nuôi dưỡng, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ trong Công an nhân dân để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện nghiệp vụ đặc thù (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 44/2022/TT-BCA ngày 28/10/2022). Đơn vị Không quân Công an nhân dân sử dụng trang phục trang phục nghiệp vụ bay và trang phục kỹ thuật cơ vụ sân bay để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện nghiệp vụ đặc thù.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023 và thay thế Thông tư số 31/2014/TT-BCA ngày 24/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về Giấy chứng nhận công tác đặc biệt, phù hiệu và trang phục chiến đấu của lực lượng Cảnh sát cơ động.

Nguyễn Đức Hiếu