Quy định mới về sử dụng pháo hoa và quy trình tiêu huỷ pháo, thuốc pháo của các cơ quan chức năng
Thứ nhất, chúng ta cùng tìm hiểu, vì sao quy định tại Nghị định số 137/2020/NĐ-CP lại thu hút sự quan tâm nhiều như vậy của dư luận xã hội và cá nhân, tổ chức sử dụng pháo hoa như thế nào cho đúng quy định của pháp luật?
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, câu đối này dường như đã nằm lòng trong mỗi người dân Việt khi Tết đến xuân về. Hình ảnh pháo hoa rực rỡ đêm giao thừa, xác pháo nổ nhuộm hồng trước sân nhà sáng mùng một Tết là điều gì đó khó phai mờ trong ký ức tuổi thơ của thế hệ 7X, 8X trở về trước, nhiều người kể lại rằng, ngày xưa kinh tế còn khó khăn nhưng từ thành thị đến nông thôn nhà ai cũng cố sắm cho được bánh pháo đốt đêm giao thừa, nhà nào có điều kiện hơn thì mua vài ba bánh đốt đến ngày tiễn ông bà ông vải. Từ chiều 30 Tết, lũ trẻ đã háo hức, treo sẵn pháo lên trước hiên nhà, hồi hộp đếm thời gian chờ đến 12 giờ đêm để được nghe tiếng “đùng đùng đùng…” của pháo nổ.
“Có lẽ, tiếng pháo báo hiệu xuân về đã đi vào tâm thức của biết bao thế hệ người Việt như một âm thanh tượng trưng cho sự vui mừng, hạnh phúc. Thế nhưng, ở một chiều hướng khác, pháo cũng là nguyên nhân đẩy nhiều gia đình vào bất hạnh, gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, ô nhiễm môi trường và tổn thất kinh tế cho đất nước”. Các số liệu được công bố của các cơ quan chức năng về xử lý các hành vi vi phạm về pháo nổ, các vụ tai nạn do pháo được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng đã cho chúng ta thấy thực trạng đáng báo động về sử dụng pháo, đặc biệt trong vài năm trở lại đây, pháo lại xuất hiện khắp cả nước, từ thành thị đến nông thôn, bất chấp nỗ lực tuyên truyền, ngăn chặn của các cấp chính quyền và lực lượng chức năng. Theo số liệu được công bố ngày 11/02/2019 (tức mùng 7 Tết Kỷ hợi) của Cục Quản lý, khám chữa bệnh – Bộ Y tế, số ca nhập viện do pháo nổ là 335 trường hợp, trong đó có 01 ca tử vong là bé trai 10 tuổi ở Đồng Nai, so với cùng kỳ Tết Mậu tuất 2018, số ca cấp cứu do pháo nổ tăng 49 %.
Vậy, cá nhân, tổ chức sử dụng pháo hoa như thế nào cho đúng?
Quy định tại Điều 17, Nghị định cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật.
Nghị định với nhiều điểm mới đã tạo ra sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Có rất nhiều người ủng hộ vì cho rằng đây là nhu cầu thực tế của người dân, nhưng cũng có ý kiến lo ngại về nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm, an ninh trật tự. Đặc biệt, người dân cần phải lưu ý rằng theo quy định, Nhà nước phân loại pháo bao gồm pháo nổ và pháo hoa (quy định tại Điều 3). Trong đó pháo hoa nổ tầm thấp và pháo hoa nổ tầm cao là các loại pháo nổ thường được Nhà nước tổ chức sử dụng trong các lễ hội, tết (quy định tại Điều 11). Còn “pháo hoa” được Nghị định giải thích là sản phẩm tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và đặc biệt là không gây ra tiếng nổ.
Như vậy tổ chức, cá nhân chỉ được sử dụng các loại pháo hoa không gây ra tiếng nổ mà thôi, không phải là các loại pháo hoa được đốt lên trời gây ra tiếng nổ. Khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng pháo hoa thì chỉ được mua pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng. Sở dĩ có quy định này là bởi trên thực tế trong các dịp lễ, hội, cưới hỏi, các chương trình biểu diễn nghệ thuật ở nước ta thường có các loại pháo hoa nhỏ việc quy định rõ nội dung này trong Nghị định là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, đồng thời tạo sự thuận lợi cho cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xử lý việc kinh doanh pháo hoa, vì chỉ có các loại pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng sản xuất mới được phép kinh doanh trên thị trường
(Dù bị cấm, nhưng pháo lậu vẫn bán tràn lan trên mạng xã hội,
trên là ảnh chụp màn hình của một trang Facebook bán pháo nổ)
(Pháo hoa nổ tầm thấp và tầm cao, chỉ được chính quyền sử dụng
và một số trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quy định)
Thứ hai, Thực tế hiện nay phát sinh nhiều vấn đề vướng mắc trong công tác quản lý, bảo quản, tiêu hủy pháo (Tại Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ không quy định), trong khi đó, pháo nổ là sản phẩm rất dễ cháy, nổ, nguy cơ mất an toàn rất cao, vì vậy, trong quá trình quản lý, bảo quản, xử lý cơ quan chức năng, gặp rất nhiều khó khăn, bên cạnh đó, số lượng pháo cơ quan chức năng thu giữ từ các vụ án, vụ việc là rất lớn, theo số liệu được công bố rộng rãi trên Báo Công an nhân dân, từ năm 2009 đến tháng 6/2020, số lượng pháo bị cơ quan Công an các cấp thu giữ là trên 369 tấn pháo các loại.
Do đó, tại Điều 7, Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định về “Tiêu hủy pháo, thuốc pháo”, gồm các nội dung: yêu cầu của công tác tiêu hủy; phương án tiêu hủy (gồm: thời gian, địa điểm, phương pháp, cách thức tiêu hủy, thành phần Hội đồng tham gia tiêu hủy, biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố trong quá trình tiêu hủy và hạn chế ảnh hưởng đến môi trường, địa điểm tiêu hủy phải biệt lập, cách xa nơi dân cư, công trình công cộng và hạn chế ảnh hưởng đến môi trường) đã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, phục vụ cho công tác đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về pháo.
(Một số loại pháo hoa, cá nhân, tổ chức được phép sử dụng theo quy định)
Kết luận: Nghị định 137/2020/NĐ-CP đã quy định rõ người dân, tổ chức được phép sử dụng pháo hoa nhưng cần lưu ý rằng chỉ được sử dụng pháo hoa không nổ, chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất kinh doanh pháo hoa và quy định cụ thể về sử dụng pháo hoa nổ của chính quyền; nhưng thiết nghĩ, vấn đề môi trường cũng là một vấn đề đáng lưu tâm và việc người dân, cơ quan, doanh nghiệp sử dụng pháo hoa như thế nào cho hợp lý, vì theo nhiều nghiên cứu khoa học pháo hoa sau khi bắn gây ô nhiễm không khí trong nhiều ngày sau đó. Đầu tiên là bụi, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sau một màn trình diễn pháo hoa thì nồng độ các hạt trong bầu khí quyển tại khu vực bắn pháo hoa tăng lên, đáng chú ý trong nhiều ngày sau khi biểu diễn, các hạt này vẫn bị lơ lửng trong không khí và con người có thể hít vào. Điều này có thể gây ra các vấn đề hô hấp, hoặc làm trầm trọng thêm các loại bệnh như hen, suyễn, viêm xoang. Tiếp theo, khi pháo hoa được châm lửa và phóng lên trời, nó giải phóng các hạt kim loại nhỏ, những kim loại này được sử dụng để làm cho pháo hoa có nhiều màu sắc, như màu đỏ từ stronti hoặc lithium, màu xanh từ đồng và màu xanh lá cây sáng hoặc màu trắng từ các hợp chất bari và rơi xuống nơi sân khấu, nhiều trường hợp nếu có gió sẽ bay rất xa, ảnh hưởng xấu đến cảnh quan môi trường, đôi khi, chúng ta quên rằng, để đảm bảo an ninh cho mỗi buổi bắn pháo hoa lực lượng chức năng đã phải lên kế hoạch bảo vệ an toàn buổi lễ kỹ lưỡng, công phu, nhiều đêm 30 Tết là những đêm trực phải xa gia đình, xa mâm cơm đón Giao thừa của nhiều chiến sĩ lực lượng vũ trang, hay sau mỗi cuộc vui pháo hoa vẫn có những người công nhân vệ sinh thầm lặng làm việc, dọn dẹp cảnh quan môi trường và những công nhân này không tránh khỏi việc hít phải bụi hạt, khí độc còn sót lại của pháo hoa.
Vũ Xuân Quynh