Tăng cường tổ chức thông tin, phổ biến pháp luật về thiên tai, lũ lụt và các vấn đề liên quan
Trong thời gian gần đây, tình hình thiên tai, lũ lụt đã và đang có nhiều diễn biến phức tạp tại một số địa phương trên cả nước, nhất là khu vực miền Trung, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế và đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.
(Ảnh minh họa lũ lụt miền trung, nguồn: internet)
Để chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với diễn biến bất thường của thiên tai trong thời gian tới và thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, ngày 05/11/2020, Bộ Tư pháp đã có văn bản số 4107 hướng dẫn triển khai thực hiện tăng cường tổ chức thông tin, phổ biến pháp luật về thiên tai, lũ lụt và các vấn đề liên quan. Ngày 18/11/2020, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an cũng đã có văn bản số 3992 để triển khai thực hiện văn bản hướng dẫn trên, qua đó đề nghị Công an các đơn vị, địa phương quán triệt, nghiêm túc tổ chức triển khai, góp phần chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với diễn biến bất thường của thiên tai trong thời gian tới.
Quán triệt văn bản của Bộ Công an, ngày 02/12/2020, Giám đốc Công an tỉnh đã triển khai văn bản số 1204 yêu cầu các phòng, trại, Công an các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện các nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt đầy đủ, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành chức năng về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, quyết liệt, trong đó chú trọng việc phổ biến pháp luật, vận động cán bộ, Nhân dân tự giác tuân thủ, chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống và khắc phục hậu quả của thiên tai, bảo đảm nhanh chóng ổn định đời sống Nhân dân, ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan.
Tập trung thông tin, phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; phòng, chống lũ lụt, thiên tai, dịch bệnh; quyền lợi của người tiêu dùng, trách nhiệm của nhà sản xuất hàng tiêu dùng, nhà phân phối sản phẩm; trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức cung cấp các dịch vụ cho người dân; trách nhiệm của tổ chức và xã hội hỗ trợ người dân gặp nạn; các quy định về huy động, hỗ trợ, tài trợ; chính sách y tế, giáo dục, việc làm; việc xử lý các hành vi đầu cơ, trục lợi…
Thứ hai, hình thức thông tin, phổ biến pháp luật về thiên tai, lũ lụt cần linh hoạt, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, điều kiện thực tiễn, bảo đảm thiết thực; truyền tải đầy đủ, kịp thời thông tin pháp luật đến cán bộ, Nhân dân. Trong đó chú trọng hoạt động thông tin, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở, sử dụng các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông, công nghệ số để cán bộ, Nhân dân dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu, chấp hành pháp luật có hiệu quả.
Thứ ba, yêu cầu các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện, góp phần chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với diễn biến bất thường của thiên tai trong thời gian tới. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc các đơn vị liên hệ Phòng Tham mưu, Công an tỉnh để được hướng dẫn.
Nguyễn Đức Hiếu