Admin
Công an tỉnh Bình Phước triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp
Lượt xem: 321
Sau hơn 7 năm thi hành Luật giám định tư pháp, công tác giám định tư pháp đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, Luật này cũng đã bộc lộ nhiều bất cập trước những yêu cầu mới của đời sống xã hội, của hoạt động tố tụng. Để tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về nâng cao chất lượng hoạt động giám định tư pháp, bảo đảm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng, tập trung sửa đổi, bổ sung nhanh chóng, kịp thời những vấn đề mang tính cấp bách, cần thiết nhất để tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, khắc phục khó khăn trong công tác giám định tư pháp. Ngày 10 tháng 6 năm 2020, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.

Cùng với các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh Bình Phước, Giám đốc Công an tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch số 231 ngày 16/12/2020 về triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp để chỉ đạo các đơn vị trong toàn lực lượng Công an tỉnh Bình Phước triển khai thi hành Luật, theo đó, thủ trưởng các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tổ chức quán triệt đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ nắm và thi hành các quy định của Luật với 9 nhóm nhiệm vụ chính, cụ thể:

(1) Tổ chức quán triệt việc thi hành và tuyên truyền, phổ biến Luật.

(2) Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo phù hợp với quy định của Luật.



Thời hạn giám định tư pháp tối đa không quá 04 tháng

(3) Tổ chức triển khai thi hành nghiêm túc các quy định của Luật, đặc biệt là các nội dung được sửa đổi, bổ sung so với các nội dung của Luật Giám định tư pháp năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó có 06 nội dung mới của Luật cần chú ý, gồm: 

- Bổ sung quy định cấp thẻ giám định viên tư pháp; 

- Viện kiểm sát nhân dân tối cao được giám định âm thanh, hình ảnh; 

- Nới điều kiện mở Văn phòng giám định tư pháp;

- Thời hạn giám định tư pháp tối đa không quá 04 tháng; 

- Giám định viên được bố trí chỗ ngồi phù hợp tại tòa; 

- Bổ sung thêm trường hợp bị miễn nhiệm giám định viên tư pháp.

(4) Tham gia góp ý xây dựng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật.

(5) Củng cố, phát triển đội ngũ cá nhân, tổ chức giám định tư pháp theo hướng gắn với nhu cầu giám định thực tế của hoạt động tố tụng (rà soát, đổi mới quy trình bổ nhiệm, cấp thẻ giám định viên tư pháp và công nhận, đăng tải danh sách người, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; rà soát, cập nhật danh sách tổ chức giám định tư pháp).

(6) Phân công đơn vị đầu mối trong việc quản lý chung công tác giám định tư pháp; đơn vị làm đầu mối tham mưu, thống kê về giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng.

(7) Cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ giám định tư pháp và kiến thức pháp lý cho người làm giám định tư pháp; bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về giám định tư pháp cho người tiến hành tố tụng.



Từ 01/01/2021, Giám định viên tư pháp sẽ được được bố trí chỗ ngồi phù hợp tại tòa

(8) Phối hợp kiểm tra tình hình tổ chức, hoạt động, quản lý giám định tư pháp và thực hiện trách nhiệm về giám định tư pháp của các cơ quan tiến hành tố tụng.

(9) Đánh giá công tác giám định kỹ thuật hình sự, tham mưu cơ quan có thẩm quyền tôn vinh, khen thưởng tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực trong hoạt động giám định tư pháp. 

Căn cứ nội dung Kế hoạch triển khai thi hành luật và tình hình thực tiễn, Giám đốc Công an tỉnh yêu cầu các phòng, trại và Công an các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm triển khai thi hành nghiêm túc các nội dung được phân công, trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc thì báo cáo về Công an tỉnh để tháo gỡ kịp thời, nhằm đảm bảo thực hiện có hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Xuân Quynh