Admin
Phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh Bình Phước
Lượt xem: 733
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, các cơ quan chức năng vẫn thường xuyên chú trọng công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân tránh xa cạm bẫy "tín dụng đen", cho vay lãi nặng và tăng cường đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Tuy nhiên, các đối tượng cho vay “tín dụng đen” vẫn tiếp tục hoạt động với những phương thức, thủ đoạn ngày càng phức tạp, tinh vi, hình thành các băng nhóm hoạt động hết sức manh động. Hoạt động của các nhóm đối tượng này là nguyên nhân làm nảy sinh các vụ việc vi phạm pháp luật như: cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích,... gây mất trật tự an toàn xã hội, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Theo số liệu thống kê năm 2020, lực lượng Công an tỉnh đã phát hiện, xử lý 40 vụ - 75 đối tượng phạm tội, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” (trong đó đã khởi tố 15 vụ - 25 đối tượng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; 03 vụ - 05 đối tượng cưỡng đoạt tài sản).

Nguyên nhân làm phát sinh tội phạm hoạt động “tín dụng đen”

- Do bản thân người dân có hoàn cảnh khó khăn như: cần tiền để chi trả phí khám chữa bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, tai nạn, huy động vốn để đầu tư kinh doanh, gần Tết nhu cầu của người dân tăng cao nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVIC-19 nhiều người dân bị mất việc, giảm thu nhập... Trong khi đó muốn vay vốn ngân hàng để sử dụng cho các mục đích nêu trên, người dân gặp nhiều khó khăn về mặt thủ tục, chứng minh tài sản hay cần phải thế chấp tài sản,... Nắm bắt được những khó khăn nếu trên, các đối tượng cho vay lãi nặng chủ động mời chào, phát tờ rơi với nội dung hấp dẫn như: “giải ngân nhanh không cần thế chấp”, “cho vay qua chứng minh thư, hộ khẩu, bằng lái”,... tạo điều kiện rất thuận lợi để người dân có thể  vay vốn. Tuy nhiên khi tham gia vay vốn của các đối tượng trên, người dân sẽ phải thanh toán mức tiền lãi cao hơn rất nhiều lần so với quy định của pháp luật.



(Ảnh minh họa: Thủ đoạn dán tờ tơi cho vay tín dụng đen)

- Ngoài ra còn một bộ phận người dân, nhất là thanh, thiếu niên ham chơi, không chịu làm ăn, mê cá độ cờ bạc, game online đã vay nặng lãi để sử dụng vào mục đích ăn chơi không chính đáng của bản thân, khi cần lên thì bất kể một lãi suất nào họ cũng vay. 

- Mặt khác một bộ phận người dân hám lợi, có tiền dư không gửi ngân hàng mà sử dụng để trực tiếp cho vay dưới dạng “tín dụng đen” hoặc tham gia với vai trò trung gian, huy động vốn, gây rủi ro rất lớn cho cả người cho vay và đi vay, dẫn đến tình trạng vỡ nợ, hụi, họ;…

Phương thức, thủ đoạn hoạt động “tín dụng đen”

- Nắm bắt được tâm lý trên của người dân, các đối tượng hoạt động cho vay “tín dụng đen" đã lợi dụng danh nghĩa các cơ sở kinh doanh dịch vụ (công ty đòi nợ thuê, công ty tài chính,…); các tổ chức tín dụng hoạt động biến tướng dưới các hình thức như khuyến mãi, hoa hồng, huy động vốn để đầu tư,…; các cá nhân cho vay tài chính bất hợp pháp như cho vay đáo hạn ngân hàng với lãi suất cao, “vay nóng” tiêu dùng…; các cơ sở, cá nhân huy động vốn với lãi suất cao bất thường (chơi hụi, phường…) hoặc góp vốn dưới hình thức kinh doanh đa cấp….để thực hiện hoạt động cho vay “tín dụng đen”. Các đối tượng sử dụng nhiều chiêu thức hoạt động để cho vay lãi nặng; cấu kết thành lập những băng nhóm đòi nợ thuê hoạt động ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố.

- Các đối tượng cho vay “tín dụng đen” sử dụng số thuê bao không đăng ký chính chủ, lập các website, sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook để đăng tin, gửi tin nhắn, quảng cáo, gọi mời các hình thức cho vay tiền không cần thế chấp, thủ tục linh hoạt đơn giản, tiện lợi, nhanh chóng; thậm chí các đối tượng hoạt động tín dụng qua mạng Internet dưới dạng cho vay trực tuyến, không cần gặp mặt. Ngoài việc vay tiền qua các dịch vụ trên người dân còn có thể vay tiền “siêu tốc” thông qua các app (ứng dụng) trên điện thoại sử dụng hệ điều hành Android hoặc iOS. Chỉ cần gõ cụm từ tìm kiếm trên “Chợ ứng dụng”, người ta có thể nhận được hàng vài chục ứng dụng cho vay khác nhau, song gần như cùng một kiểu là vay nhanh với lãi “cắt cổ”.

- Các đối tượng cho vay lãi nặng thường hoạt động tại những nơi đông dân cư, gần trường học, khu công nghiệp để nhắm vào đối tượng là học sinh, sinh viên và công nhân với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt như in tờ rơi, quảng cáo ghi các thông tin cho vay tiền nhanh gọn, không cần thế chấp, phát hoặc dán tại các địa điểm công cộng như tường rào, trụ điện, thậm chí tới từng nhà dân để phát... Khi đến vay tiền, người dân chỉ cần đưa bản photo chứng minh nhân dân, hộ khẩu, giấy phép lái xe... Sau đó, các đối tượng sẽ tiến hành làm hợp đồng vay mượn, trả góp, trong đó có kèm theo lãi suất nhưng không quá mức lãi suất mà pháp luật quy định tuy nhiên lại “đẻ” thêm giấy vay tiền viết tay, các giấy này có thể tiêu hủy hoặc thay đổi dễ dàng…. Ngoài ra, một số trường hợp cần tiền kinh doanh, đáo hạn ngân hàng, thua tiền đánh bạc... sẵn sàng "vay nóng" hoặc mượn tiền trả góp theo ngày (với lãi suất 10-60%/tháng). Nếu không trả đủ lãi, họ sẽ cộng số lãi này vào tiền gốc. Cứ như vậy, số tiền nợ càng nhiều, đến khi người vay không còn khả năng chi trả, các đối tượng cho vay tiền sẽ đe dọa hành hung, bắt cóc, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, thậm chí đe dọa người thân của người vay nợ nhằm tạo sức ép buộc phải bán nhà cửa, tài sản trả nợ.

Hậu quả của hoạt động “tín dụng đen" là hết sức nặng nề

- Khi tham gia vay tiền từ các đối tượng cho vay lãi nặng, nếu người vay không thanh toán tiền đúng hạn, sẽ bị các đối tượng cho vay lãi nặng dùng mọi hình thức để uy hiếp tinh thần, đe dọa người vay, ép người vay phải trả tiền hoặc tiếp tục tham gia vay nợ các đối tượng nêu trên. Để có thể xiết nợ người vay, các đối tượng cho vay lãi nặng ban đầu cho người đến tạt sơn, ném chất bẩn (phân, dầu nhớt, mắm tôm,…) vào nhà người vay, gây ô nhiễm, mất mỹ quan khu dân cư, đồng thời gây ra những dư luận xấu trong quần chúng nhân dân. Nếu người vay vẫn tiếp tục lẩn tránh, không trả tiền các đối tượng này sẽ đến nhà, cơ quan uy hiếp tinh thần, hạ thấp danh dự bằng nhiều hình thức như: sử dụng loa phóng thanh chửi bới, thậm chí sử dụng nhạc cụ, vật dụng như quan tài, vòng hoa,… để đòi nợ. Cuối cùng, khi người vay không còn khả năng thanh toán số tiền nợ và lãi nợ, các đối tượng cho vay lãi nặng sẽ thực hiện các hành vi manh động, côn đồ để uy hiếp người vay như đánh đập, bắt giữ, sử dụng nhục hình để cưỡng đoạt tài sản người vay, gia đình người vay. Ép họ phải “bán” tài sản cho các đối tượng cho vay lãi nặng để trừ nợ, khiến người vay nợ khiếp sợ, không dám tố cáo hoặc không dám hợp tác với cơ quan công an để điều tra.



(Ảnh minh họa: Hành vi tạt chất bẩn khủng bố đòi nợ)

- Đối với vay thế chấp, cầm cố tài sản, khi người vay tham gia vay nợ của các đối tượng cho vay lãi nặng, mức tính lãi tương đương với vay tín chấp. Các đối tượng này yêu cầu người vay phải cầm cố thế chấp tài sản, giữ tài sản để làm tin, tuy nhiên trên thực tế các đối tượng cho vay lãi nặng yêu cầu người vay phải viết giấy bán tài sản (nhằm hợp thức hóa việc chiếm đoạt tài sản) sau đó mới được nhận tiền. Để hợp thức hóa việc thu tiền nợ, lãi nợ của người vay, các đối tượng cho vay lãi nặng sau khi “mua” lại tài sản từ người vay sẽ cho người vay thuê mượn lại chính tài sản đó và ký hợp đồng thuê mượn. Trong trường hợp, người vay không đủ khả năng để trả tiền, các đối tượng cho vay lãi nặng sẽ chiếm đoạt các tài sản nêu trên.

- Đối với người cho vay, do hám lợi nên cho các đối tượng vay với lãi suất cao sẽ dẫn đến bị các đối tượng lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hoạt động “tín dụng đen”

- Đối với lực lượng Công an: 

+ Chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp với các cơ quan có liên quan để tuyên truyền phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động “tín dụng đen”, cung cấp thông tin về các vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” cho báo chí phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền. Kịp thời bóc gỡ, xóa bỏ tờ rơi, biển quảng cáo dán, treo trên tường, cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông, cây xanh, nơi công cộng về cho vay tài chính, cầm đồ làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội.

+ Siết chặt việc cấp giấy chứng nhận và tăng cường quản lý, kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, nhất là các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ; kiên quyết xử lý, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với các cơ sở vi phạm. Rà soát các ngành nghề kinh doanh thường bị các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” lợi dụng, núp bóng hoạt động, dễ phát sinh các loại tội phạm và vi phạm pháp luật

+ Tham mưu UBND tỉnh: thành lập Tổ công tác liên ngành do lực lượng Công an làm nòng cốt, tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh cầm đồ, đòi nợ và cơ sở kinh doanh có nghi vấn hoạt động “tín dụng đen”; xử lý những biển hiệu, biển quảng cáo liên quan đến “tín dụng đen” vi phạm quy định về quảng cáo và Điều 5 Luật Các tổ chức tín dụng; xây dựng kế hoạch, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn trong việc kiểm tra, giám sát, ngăn chặn và xử lý các cá nhân, cơ sở, tổ chức hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn; mở các đợt cao điểm để đấu tranh, trấn áp với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, gắn với đấu tranh, triệt xóa các đường dây đánh bạc, tổ chức đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các hình thức huy động vốn, tham gia hụi, họ, biêu phường, triệt phá các băng nhóm tội phạm có tổ chức, sử dụng vũ khí nóng, núp bóng doanh nghiệp để hoạt động.

- Đối với người dân: 

+ Cần tìm hiểu rõ những phương thức, thủ đoạn của tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen" và hậu quả của nó gây ra cho bản thân, gia đình nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa đối với tội phạm cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê. Không tiếp tay hoặc để các đối tượng lợi dụng hoạt động. 

+ Người dân tích cực tham gia lên án, tố giác tội phạm liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng, siết nợ, đòi nợ thuê “tín dụng đen". Đối với những người đang tham gia vào hoạt động “tín dụng đen" bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc bị đe dọa, hành hung, cưỡng đoạt tài sản cần đến ngay cơ quan Công an nơi gần nhất để trình báo hoặc gọi điện theo đường dây nóng của lực lượng Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn biện pháp xử lý.

- Đối với các cơ sở lưu trú, nhà trọ, nhà dân cần cảnh giác không cho các đối tượng liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng, siết nợ, đòi nợ thuê “tín dụng đen" thuê nhà để làm cơ sở hoạt động. 

- Đối với các ngân hàng cần tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản pháp luật về cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, các gói, khoản cho vay ưu đãi đến mọi tầng lớp nhân dân; đẩy mạnh huy động tối đa nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân, phát huy tiềm năng, nội lực của nền kinh tế; nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản quy trình, thủ tục vay vốn theo hướng thuận lợi để mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn vay hợp pháp khi có nhu cầu.

Đức Hiếu