Diễn biến Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ: HOÀN TOÀN TIÊU DIỆT TẬP ĐOÀN CỨ ĐIỂM ĐIỆN BIÊN PHỦ
Thất bại của địch thật đã rõ rệt từ sau khi kết thúc đợt tấn công thứ 2, mặc dầu trong đợt này địch đã tận dụng mọi khả năng để đối phó lại cuộc tấn công của ta.
Na-va đã tăng viện thêm hai tiểu đoàn (khoảng một nghìn sáu trăm tên) cho Đờ Cát-tơ-ri. Đó cũng là sự cố gắng lớn của Na-va vì lúc đó Na-va đã phân tán hết quân mất rồi! Muốn có lực lượng hai tiểu đoàn đó, Na-va ra lệnh cho mỗi đơn vị nộp từng tốp lính khoảng mươi, mười lăm tên rồi tập trung đưa lên Điện Biên Phủ. Chúng phỉnh phờ những tên lính này và gọi là lính “tình nguyện”. Có những tên lính chưa từng được huấn luyện nhảy dù bao giờ, có những tên còn trẻ măng độ mười tám, mười chín tuổi, chân ướt chân ráo mới ở Pháp tiếp viện sang cũng bị đưa lên máy bay rồi đẩy xuống Điện Biên Phủ.
Khi bị ta tấn công mạnh, địch đã huy động gần bốn trăm phi cơ, tức khoảng ba phần tư tổng số phi cơ ở toàn Đông Dương và thêm số phi cơ Mỹ tiếp viện ứng cứu như loại vận tải hai thân kiểu C119, loại phi cơ khu trục kiểu “Cướp bể” (Corsair) để đối phó.
Bao nhiêu phi cơ đều tập trung đem đi tác chiến ở Điện Biên Phủ đến nỗi ở đồng bằng Bắc Bộ không còn một bóng phi cơ nào đi khủng bố, bắn phá các làng mạc như hồi trước khi ta đánh Điện Biên Phủ.
Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp (người ngồi giữa) họp Bộ Tổng tham mưu chiến dịch bàn kế hoạch tác chiến. (Ảnh: Tư liệu)
Hàng ngày địch dùng hàng trăm phi cơ ném liên tiếp hàng trăm tấn bom xuống trận địa, phá thành giếng ở cánh đồng, đốt cháy trụi cả đói, tan tác cả rừng cây. Suốt ngày trên trời luôn luôn có hai mươi chiếc phi cơ khu trục bắn phá, có lần địch dùng ba mươi tám phi cơ bắn và ném bom trong một lúc. Đại bác địch cũng bắn phối hợp cộng tới mười vạn viên. Bọn Mỹ còn lập ba cầu hàng không do hai trăm chuyên viên quân sự Mỹ trực tiếp phụ trách; một cầu từ Mỹ qua Pháp rồi sang Đông Dương; một cầu từ Phi Luật Tân và một cầu nữa từ Nhật Bản đến Hải Phòng rồi lên Điện Biên Phủ để tiếp tế ứng cứu. Về cuối đợt hai, Mỹ còn đưa vào vịnh Bắc Bộ ba hàng không mẫu hạm để tăng thêm số phi cơ do phi công Mỹ lái đến bắn phá ở Điện Biên Phủ.
Trung bình mỗi ngày có năm mươi đến sáu mươi phi cơ vận tải tiếp tế chở khoảng hai trăm tấn lương thực đạn dược cho Điện Biên Phủ. Chúng đã thả tới ba mươi sáu nghìn chiếc dù lương thực đạn dược, đến nỗi kho dù ở Đông Dương cạn hết, chúng phải vét dù ở Nhật Bản và Phi Luật Tân đưa sang.
Để động viên Đờ Cát-tơ-ri, đế quốc Mỹ đã bàn với thực dân Pháp phải thăng cấp cho Đờ Cát-tơ-ri lúc đó mới ở đeo lon đại tá, lên cấp thiếu tướng vào ngày 18-4, giữa lúc hắn đang bị bại trận liên tiếp. Ngày 20-4, Đờ Cát-tơ-ri đánh điện tỏ lòng biết ơn: “Xin cam đoan rằng Điện Biên Phủ sẽ làm tròn nhiệm vụ”, nhưng đồng thời luôn luôn kêu gào thảm thiết cứu viện. Đế quốc Mỹ cũng không quên “nghĩ tới” bọn quân lính Pháp đang sống một đời địa ngục ở Điện Biên Phủ bằng cách gửi cho chúng mấy trăm chiếc áo giáp sắt và tuyên truyền rằng đạn bắn không thủng, nhưng thực tế, đạn vẫn cứ xuyên qua. Bọn lính Pháp đang bị đói, và mất tinh thần nên cũng không dám mặc chiếc áo giáp nặng ba mươi lăm cân đó, sợ chạy không kịp!
Với mức độ can thiệp như vậy, đế quốc Mỹ thấy vẫn chưa có hiệu quả, nên chúng chuẩn bị tiến hành âm mưu dùng lực lượng quy mô thật lớn để hòng tiêu diệt bộ đội ta.
Đế quốc Mỹ định dùng ba trăm sáu mươi phi cơ khu trục ném bom lấy ở các hàng không mẫu hạm và ở căn cứ Phi Luật Tân đưa đến, đồng thời định dùng cả Hạm đội thứ 7 ở Thái Bình Dương để tấn công ta. Trong cuốn “Đông Dương hấp hối”, Na-va đã thú nhận rằng hồi đầu tháng 4-1954, Mỹ đã cho Na-va biết ý định đó. Ê-ly là Tổng tham mưu trưởng Pháp lúc đó ở Hoa Thịnh Đốn cũng phái một sĩ quan đến gặp Na-va để báo cho Na-va biết chủ trương đó của Mỹ. Đa-lét ngoại trưởng Mỹ trong buổi họp của Tiểu ban ngoại giao của Quốc hội Mỹ cũng tuyên bố chủ trương Mỹ định dùng lực lượng không quân lớn để tấn công ta.
Na-va rất tán thành chủ trương của Mỹ. Chính phủ phản động Pháp cũng tán thành và đề nghị Mỹ xúc tiến việc đem lực lượng lớn đến can thiệp.
Việc dùng lực lượng lớn của không quân Mỹ trực tiếp tham gia tác chiến đã được nghiên cứu ở Sài Gòn và ở Hà Nội giữa Na-va với các tên chỉ huy không quân Mỹ ở Thái Bình Dương.
Không những thế, bọn đế quốc Mỹ còn chuẩn bị đưa cả tàn quân Quốc dân đảng của Tưởng ở biên giới Miến Điện tràn vào gỡ nguy cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Văng Phơ-lít (Van Fleet) tên tướng Mỹ chỉ huy các lực lượng xâm lược Triều Tiên lúc đó đã bàn kế hoạch với Ai-xen-hao định dùng cả quân Lý Thừa Văn để can thiệp. Tiếp sau cuộc bàn bạc, hắn đã tổ chức nhiều cuộc tập trận ở Nam Triều Tiên và Nhật Bản với nội dung diễn tập là “tấn công vào Đông Dương”.
Theo tờ báo “Tin tức Nữu Ước” (New York Herald) xuất bản tháng 4-1954 ở Mỹ, thì bọn Mỹ còn có chủ trương ném bom nguyên tử chiến thuật xung quanh Điện Biên Phủ. Báo đó đã tiết lộ như sau: “Không quân và hải quân Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng một kế hoạch ném bom nguyên tử chiến thuật ở xung quanh Điện Biên Phủ. Kế hoạch này theo một nguồn tin chắc chắn thì Rát-pho (Radford) là Tổng tham mưu trưởng Mỹ đã tán thành”.
Đi đôi với tin này, nghị sĩ Mỹ Rô-be Si- kớt (Robert Sikes) có tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn của các nhà báo về việc dùng bom nguyên tử ở Đông Dương, với một giọng lưỡi trắng trợn gây chiến: “Mỹ có vũ khí nguyên tử đủ các loại lớn nhỏ mà chưa có dịp thí nghiệm trong tác chiến. Kỳ này sẽ thử xem sao!”.
Trong những ngày sau các cuộc gặp gỡ bàn mưu tính kế đó, báo chí phản động Mỹ và một số nhân vật trong giới cầm quyền Mỹ nói nhiều đến tình hình nghiêm trọng ở Đông Dương và vị trí chiến lược quan trọng của Đông Dương đối với “thế giới tự do” (có nghĩa là trong âm mưu xâm lược của chúng) mục đích nhằm chuẩn bị dư luận cho những biện pháp can thiệp sau này.
Âm mưu của đế quốc Mỹ thâm độc là như vậy, nhưng không thể dễ dàng thực hiện được: Trong nội bộ bọn đầu sỏ hiếu chiến Mỹ cũng còn lúng túng chưa nhất trí về phương pháp tiến hành âm mưu này. Đa-lét và Rát-pho thì hung hăng muốn dùng bom nguyên tử đánh vào Điện Biên Phủ. Nhưng Rít-uây, tham mưu trưởng lục quân Mỹ lo rằng dùng bom nguyên tử cũng chưa chắc giải quyết được vấn đề, và hắn còn có ý nói cần phải nhớ đến bài học thất bại nặng nề, đau đớn ở Triều Tiên. Một số chuyên viên quân sự khác thì có ý kiến là ngoài việc sử dụng bom nguyên tử, còn phải cần thêm 10 vạn quân Mỹ nữa. Nhưng những tên khác thì tính toán cho rằng dù có dùng số lớn quân như vậy cũng chưa chắc đã đủ đối với điều kiện chiến đấu ở Đông Dương, ngoài ra còn gặp hai khó khăn lớn: Một là tinh thần bạc nhược của quân đội Mỹ sau thất bại ở Triều Tiên, hai là đường tiếp tế vận tải thì rất xa, phương tiện cũng chỉ có hạn và đắt tiền.
Tất nhiên chúng cũng không thể nào không tính đến tinh thần quân đội viễn chinh Pháp, bao nhiêu lần thất bại liên tiếp, đã gần như suy sụp hẳn.
Một điểm quan trọng nữa mà nhiều tướng tá Mỹ đều lo lắng là nếu dùng bom nguyên tử thì cục diện chiến tranh sẽ thay đổi hẳn; và trong trường hợp này thì những căn cứ của Mỹ ở Đông Nam Á và ở ngay cả đất nước Mỹ cũng không tránh khỏi bị tàn phá. Hơn nữa, lúc này Hội nghị Giơ-ne-vơ sắp họp vào ngày 26-4, phong trào quần chúng ở Pháp, ở Mỹ, ở các nước Đông Nam Á và trên thế giới phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam làm áp lực ngày càng mạnh, và nhất là đường lối hòa bình chính nghĩa và thái độ kiên quyết của phe xã hội chủ nghĩa đứng đầu là Liên Xô bắt chúng phải suy nghĩ đắn đo trước khi có một hành động liều lĩnh.
Trước tình hình đó, bọn đế quốc Mỹ ngoan cố theo đuổi chính sách gây chiến mạo hiểm phiêu lưu, ngày càng bị cô lập.
Mỹ muốn kéo thêm đế quốc Anh và các chư hầu Lý Thừa Văn, Úc, Thái Lan, Phi Luật Tân, Tân Tây Lan để lập thành một tập đoàn xâm lược Đông Dương, mở rộng chiến tranh ra cả Đông Nam Á dưới quyền chỉ huy của Mỹ.
Trong cuốn “Quan hệ của Mỹ với Đông Nam Á và Đông Dương” của ký giả Mỹ Phác-lây (Farley) xuất bản hồi tháng 11-1955 tại Nữu Ước, đã nêu thêm một tin như sau: “Nếu Anh tán thành kế hoạch can thiệp của Mỹ thì ngày 26-4-1954, Ai- xen-hao sẽ xin Quốc hội cho toàn quyền hành động. Và nếu Quốc hội Mỹ tán thành thì không quân Mỹ ở các hàng không mẫu hạm và ở Phi Luật Tân sẽ tấn công vào Đông Dương và dùng vũ khí nguyên tử vào ngày 28-4-1954”.
Nhưng đế quốc Anh đã từ chối không theo đuôi Mỹ.
Ngày 27-4-1954, Sớc-sin (Churchill) thủ tướng Anh tuyên bố trước Thượng nghị viện là chính phủ Anh bác bỏ mọi chủ trương can thiệp khi chưa có sự thảo luận ở Hội nghị Giơ-ne-vơ. Lý do từ chối của đế quốc Anh cũng rất dễ hiểu: Anh cũng như Mỹ vừa bị thất bại ở Triều Tiên, và bị áp lực của quần chúng ở nước Anh phản đối sự can thiệp đó. Hơn nữa nếu đi theo đuôi Mỹ mở rộng chiến tranh thì chẳng ích lợi gì cho Anh mà sẽ còn bị Mỹ lấn chân vào các thuộc địa của Anh ở Đông Nam Á, nhất là ở Mã Lai kề cạnh phía Nam Đông Dương. Còn các nước khác tuy bị phụ thuộc vào Mỹ, nhưng cũng không dám mạo hiểm theo Mỹ đi ăn cướp, vì sợ nguy hiểm và sợ phong trào quần chúng phản đối, trừ mấy tên tay sai thật đắc lực của Mỹ như chính phủ phản động Úc và bọn Lý Thừa Văn.
Kết quả là đế quốc Mỹ đã bị thất bại trong âm mưu kéo bè, kéo cánh để mưu mở rộng chiến tranh xâm lược. Và trước nguy cơ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt, Pháp, Mỹ đành phải đặt kế hoạch rút quân từ Điện Biên Phủ về Thượng Lào. Mà cũng chỉ có rút lui là thượng sách, vì tăng quân thêm nữa thì sợ bị tiêu diệt nhiều hơn, đánh vào hậu phương ta để đỡ đòn thì đã có kinh nghiệm thất bại ở Tây - Nam Ninh Bình, mang bộ đội lớn từ Lào đánh sang thì có kinh nghiệm ở dọc sông Nậm-Hư (Lào),
Nhưng rút lui thì cũng khó mà rút được. Tên quan năm Tờ-răng-ca (Trancard), sau khi ta giải phóng Điện Biên Phủ có khai rằng: “Tới những ngày gần đây, Bộ Chỉ huy tối cao Pháp ra lệnh cho chúng tôi tháo chạy chạy sang Lào, bỏ mấy nghìn thương binh lại.” Bộ Chỉ huy Điện Biên Phủ hỏi ý kiến các sĩ quan chỉ huy các đơn vị hầu hết điều trả lời: “Đường thì xa, sức kiệt rồi, chạy sao nổi. Chạy thì cái chết nắm chắc trong tay, thà ở lại may ra còn sống sót !”.
Trong khi địch lúng túng đối phó như vậy thì Bộ Tổng Tư lệnh ta đã chỉ thị cho bộ đội tranh thủ thời cơ thuận lợi, tập trung lực lượng mở đợt tấn công thứ ba, tổng công kích vào khu trung tâm Điện Biên Phủ.
Bộ đội ta kiểm tra phương tiện phục vụ chiến đấu. (Ảnh: Tư liệu)
Đợt tấn công thứ ba rất ngắn, bắt đầu ngày 6-5-1954 và kết thúc ngay ngày hôm sau 7-5-1954.
Ta tập trung lực lượng tiêu diệt gọn ghẽ hàng loạt những vị trí địch còn lại ở khu Đông và Tây. Những vị trí quan trọng mà địch chống cự quyết liệt nhất trong suốt cả đợt tấn công thứ hai như đồi A1, C2, thì trong đợt này ta chủ trương mau chóng tiêu diệt cho bằng được.
Từ trận địa trên đồi A1 mà ta đã chiếm được trong đợt tấn công thứ hai, quân ta đánh thẳng sang đồi C2, và tiêu diệt được vị trí này.
Trên đồi A1, đêm 6-5, chiến hào của ta đã lọt vào trong vị trí. Bộ đội ta theo các chiến hào đó xung phong vào diệt các lô- cốt và dùng thuốc nổ phá các hầm ngầm. Địch lại áp dụng lối đánh trước, tức là bắn đại bác lên nóc hầm để tiêu diệt bộ binh của ta. Nhưng vì ta đã nhanh nhẹn tiêu diệt xong hầm thứ nhất và đang ném hàng loạt lựu đạn vào hầm thứ hai, nên trước khí thế dũng mãnh đó, tên quan chỉ huy đồi A1 đã phải xin đầu hàng cùng với tất cả bọn sĩ quan và binh lính còn sống sót khoảng ngót bốn trăm tên.
Ta đã phá tan vị trí then chốt của địch yểm hộ cho khu trung tâm. Tình hình đã rất nguy ngập. Đờ Cát-tơ-ri đánh điện về Hà Nội cầu cứu thì Cô-nhi trả lời: “Bộ chỉ huy tối cao cũng chịu, muốn làm thế nào thì làm!”
Đêm 6-5, Đờ Cát-tơ-ri đề nghị cho rút chạy thục mạng sang thượng Lào. Na- va và Cô-nhi đều đồng ý.
Nhưng sáng ngày 7-5, ở phía Tây, ta còn cách hầm Đơ Cát-tơ-rí chừng bốn trăm mét; ở phía Đông khi ta tiêu diệt xong vị trí “cổ họng” của Điện Biên Phủ là đồi A1 ta cũng đã chuyển sang tổng công kích vào khu trung tâm.
Tất cả cỡ súng của ta điều bắn dồn dập vào khu trung tâm trong khi bộ binh ào ào tiến lên như vũ bão. Ý chí đề kháng của địch lúc này đã hầu như tan vỡ hoàn toàn. Chỉ có mươi, mười lăm khẩu súng máy bắn một cách miễn cưỡng rời rạc. Pháo binh của địch cũng bắn lẻ tẻ yếu ớt. Hàng loạt phi cơ địch từ Hà Nội bay lên, từ Thượng Lào bay tới vội vã trút bom đạn một cách tuyệt vọng. Thực tế tình hình cũng không thể nào cứu vãn được nữa, vì bộ binh của ta đã xung phong vào khu trung tâm. Tiếng thét xung phong của các chiến sĩ ta và tiếng loa gọi quân địch đầu hàng vang lên dồn dập khắp chiến trường.
Ta tiến đến đâu, cờ trắng của địch giơ lên tới đó. Cờ trắng cứ mọc dần và lan ra khắp cả khu trung tâm. Quân địch lũ lượt chui ở hầm ra hàng, chật ních cả giao thông hào, mỗi tên đều cầm một lá cờ trắng bằng vải dù hoặc bằng vạt áo sơ-mi. Có nhiều tên khi ra hàng đã gọi những cờ trắng đó là “cờ hy vọng”. Giữa hàng nghìn cờ trắng, cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Hồ Chủ tịch tặng thưởng bộ đội ta đỏ chói vinh quang, phấp phới tung bay đem lại sức mạnh phi thường và một niềm phấn khởi, cảm động vô bờ cho đoàn quân đang chiến đấu. Các chiến sĩ ta hò reo vang dậy trên toàn mặt trận và tiếp tục và tấn công như vũ bão vào tất cả các lô-cốt, hầm, công sự của giặc để kiểm soát cho nhanh toàn bộ chiến trường.
Đồng chí Tạ Quốc Lực dẫn đầu một tổ năm đồng chí xung kích hướng thẳng đường hầm Đờ Cát-tơ-ri xông tới. Anh em hô: “Quyết bắt sống Đờ Cát-tơ-ri để mừng sinh nhật Bác”.
Đại liên của địch từ các lô cốt xung quanh hầm tên tướng giặc vẫn bắn ra như mưa. Bốn chiếc xe tăng lớn kiểu Mỹ vẫn lồng lộn chạy quanh chỉ huy sở bắn lung tung.
Vượt qua tất cả các lưới của địch, năm chiến sĩ ta đã thọc tới đúng cửa hầm của tên tướng giặc.
Hầm chỉ huy sở của Đờ Cát-tơ-ri ở sâu dưới đất có nắp rất dày và kiên cố, có hai lối lên xuống.
Bọn giặc ngoan cố vẫn ở dưới hầm ném lựu đạn lên. Quả thủ pháo đầu tiên của chiến sĩ Nho ném lọt vào cửa hầm nổ vang. Trong khi đó cửa hầm thứ hai đã bị ta bịt chặt. Khói lựu đạn chưa tan thì một tên sĩ quan giặc đã lóp ngóp giơ tay từ dưới lên, mặt xám ngắt. Hắn run run nói với chiến sĩ ta: “Toàn bộ chỉ huy Điện Biên Phủ chúng tôi xin ra hàng!”.
Năm đồng chí của ta xông thẳng xuống hầm. Vừa thấy bóng quân ta, Đờ Cát-tơ-ri và bộ tham mưu của nó hơn hai mươi tên, trong đó có bốn tên quan năm, sáu tên quan tư, tất cả đứng dậy giơ tay hàng. Đội trưởng Luật chĩa súng lục hẳn vào tên Đờ Cát-tơ-ri, Tên tướng giặc sợ hãi run run nói: “Tôi đã hạ lệnh cho quân lính tôi ra hàng và phi cơ không được ném bom nữa”.
Hắn có biết đâu, chẳng cần đợi lệnh, quân lính của hắn đã phất cờ trắng lâu rồi!
Tiếng súng im hẳn vào lúc năm giờ chiều.
Trận địa của quân ta chật ních ngót sáu nghìn tù binh địch.
Bị sống chui rúc nhiều ngày trong những hầm đen tối, bẩn thỉu thối tha, nay được ta cho lên mặt đất, chúng khoan khoái nhìn trời quang đãng và hít thở không khí mát mẻ. Nhiều tên đã nói với bộ đội ta: “Bộ đội Việt Nam giải phóng Điện Biên Phủ tức là giải phóng đời sống địa ngục của chúng tôi!”. Tên quan Ca-pây-rồng thốt ra lời chua chát: “Mấy tháng nay ở giữa cánh đồng bát ngát mà bây giờ mới thở không khí trong sạch, nhìn một khoảng trời rộng rãi. Ở giữa vùng cây xanh mà đến nay mới nhìn được màu lá xanh. Ở bên con sông rộng mà bây giờ mới thảnh thơi ngâm mặt xuống nước. Còn binh lính của chúng tôi nhảy lên ca hát tưởng đến điên cuồng”.
Những tên thương binh địch cũng được bộ đội ta khiêng lên khỏi hầm, băng bó cẩn thận và đặt nằm ở trong những lều vải dù đã căng sẵn.
Giữa bọn lính Âu, Phi, ngụy đang reo lên sung sướng vì thoát chết, tên tướng giặc Đờ Cát-tơ-ri và bọn sĩ quan cúi mặt lủi thủi lê bước đi về hướng trại tù binh. Dưới sự áp giải của một số ít bộ đội, đoàn tù binh đông hàng mấy nghìn tên, lũ lượt kéo đi hàng ba cây số, tự động theo những biển có mũi tên hướng dẫn vào trong các trại.
Trong khi toàn bộ quân địch ở Mường Thanh đã đầu hàng thì ở khu Hang Cúm lúc đó có còn khoảng hơn hai nghìn tên run sợ, mạnh tên nào tên ấy chạy, định rút sang phía Thượng Lào.
Nhưng chúng chạy đâu cho thoát! Quân đội ta đã chăng lưới bao vây chặt chẽ rồi!
Lúc đó là đúng 20 giờ ngày 7-5-1954, ta kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ.
Thế là sau năm mươi lăm ngày đêm chiến đấu không ngừng, bộ đội ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch gồm:
17 tiểu đoàn bộ binh và quân dù của binh đoàn lớn (binh đoàn quân nhảy dù số 2, binh đoàn cơ động số 9, binh đoàn cơ động số 6).
3 tiểu đoàn trọng pháo.
1 tiểu đoàn công binh.
Tổng cộng 21 tiểu đoàn và 10 đại đội trong đó có:
Tướng Đờ Cát-tơ-ri chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
16 quan năm.
353 sĩ quan, từ quan một đến quan tư.
1.396 hạ sĩ quan.
Tính thành quân số thì tổng cộng là 16.200 tên, gồm đủ các loại binh chủng: Bộ binh, quân nhảy dù, pháo binh, công binh, vận tải, cơ giới, phi công. Số quân đó bằng hai phần năm toàn bộ quân chủ lực cơ động mà Na-va đã ra sức tập trung ở Bắc Bộ vào đầu thu 1953. Đạo quân đó là bộ phận tinh nhuệ nhất mà Na-va đã mệnh danh là “mũi mác của quân đội viễn chinh”.
Ta thu toàn bộ vũ khí, kho tàng đạn dược, quân trang, quân dụng trong đó có trên ba vạn chiếc dù. Ta bắn rơi tất cả sáu mươi hai phi cơ các loại.
Đại thắng ở Điện Biên Phủ là một đòn chí tử đánh vào chủ nghĩa thực dân, đã làm lung lay đến cội rễ hệ thống thuộc địa của đế quốc Pháp.
Trận Điện Biên Phủ là thất bại lớn nhất của đế quốc chủ nghĩa Pháp trong lịch sử xâm lược thuộc địa của chúng.
Ngày 13 tháng 5 năm 1954, trong lễ chiến thắng tưng bừng Điện Biên Phủ, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, người chỉ huy trực tiếp chiến dịch Đông-Xuân và chiến dịch Điện Biên Phủ, đọc nhật lệnh trước toàn quân đã nói rõ ý nghĩa chiến thắng:
“Chiến thắng Điện Biên Phủ là một chiến thắng vĩ đại xưa nay chưa từng có trong lịch sử chiến đấu của quân ta. Chúng ta đã tiêu diệt mười sáu nghìn quân chủ lực tinh nhuệ của địch trong tập đoàn cứ điểm kiên cố nhất của chúng. Chúng ta đã giải phóng toàn bộ căn cứ địa Tây-Bắc, củng cố hậu phương rộng lớn của cuộc kháng chiến, góp phần cho cuộc cải cách ruộng đất được thành công.
Cùng với các đơn vị chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích khắp toàn quốc, cùng với quân đội giải phóng Pa-thét Lào và quân đội giải phóng Khơ-me, chúng ta đã đánh bại kế hoạch Na-va. Chúng ta đã đánh một đòn rất nặng vào âm mưu mở rộng chiến tranh của bọn thực dân hiếu chiến Pháp và bọn can thiệp Mỹ.
Trải qua chiến dịch Điện Biên Phủ, quân đội ta đã trưởng thành vượt bậc, từ chỗ đánh công kiên quy mô nhỏ tiêu diệt từng tiểu đoàn địch, tiến lên chỗ đánh công kiên có tính chất trận địa, qui mô tương đối lớn, tiêu diệt hai mươi mốt tiểu đoàn địch. Sự trưởng thành đó là cơ sở vững chắc để quân ta tiến lên tiêu diệt nhiều địch hơn nữa, để cuộc kháng chiến của ta giành những thắng lợi to lớn hơn nữa.
Quân ta đã đại thắng ở Điện Biên Phủ, đó là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Hồ Chủ tịch, Trung ương Đảng và Chính phủ.
Quân ta đã đại thắng ở Điện Biên Phủ, đó là nhờ tinh thần chiến đấu dũng cảm, gan dạ, bền bỉ, ở tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn của toàn thể cán bộ và chiến sĩ Điện Biên Phủ. Tinh thần đó cần được củng cố và phát huy hơn nữa.
Quân ta đã đại thắng ở Điện Biên Phủ, đó là nhờ tinh thần tích cực phục vụ tiền tuyến của anh chị em dân công, của đồng bào Tây Bắc và đồng bào hậu phương.
Thay mặt bộ đội, tôi xin biết ơn toàn thể anh chị em dân công, biết ơn toàn thể đồng bào.
Quân ta đã đại thắng ở Điện Biên Phủ, đó là nhờ sự phối hợp rất đắc lực của các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích trên chiến trường toàn quốc.
Ở đồng bằng Bắc Bộ, chiến tranh du kích đã phát triển mạnh hơn bao giờ hết, bộ đội ta đã nhiều lần cắt đứt đường số 5, đã từng tập kích thắng lợi vào trường bay Gia Lâm, Cát Bi.
Ở Bình Trị Thiên quân ta đã hoạt động mạnh.
Ở Liên khu 5 quân ta đã giải phóng Kontum, đánh sâu vào sau lưng địch, làm cho chúng khó lòng thực hiện âm mưu đánh chiếm cả vùng tự do của ta.
Ở Nam Bộ chiến tranh du kích phát triển mạnh.
Tôi nhiệt liệt khen ngợi tất cả các cán bộ và chiến sĩ của quân đội ta trên khắp các chiến trường toàn quốc.
Quân ta đã đại thắng ở Điện Biên Phủ, đó là nhờ sự phối hợp chặt chẽ của quân đội giải phóng hai nước anh em Khơ-me và Pa-thét Lào.
Thay mặt quân đội nhân dân Việt Nam, tôi nhiệt liệt hoan nghênh tinh thần đoàn kết chiến đấu của quân đội giải phóng Khơ-me, của quân đội giải phóng Pa-thét Lào....”
Chiến thắng Điện Biên Phủ tỏ rõ sức mạnh đoàn kết đấu tranh của quân và dân ta đã trưởng thành vượt bậc, đã đánh bại âm mưu thâm độc của bè lũ đế quốc Pháp - Mỹ và sẽ đánh bại bất cứ mọi lực lượng xâm lăng nào đụng chạm đến đất nước yêu quý của chúng ta.
Ý chí đấu tranh bảo vệ hoà bình, bảo vệ tổ quốc ta đã toàn thắng.
Cùng với các chiến thắng Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa ngày trước, chiến thắng Điện Biên Phủ ngày nay đã ghi thêm một trang sử vẻ vang trong truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc Việt Nam!
* Trích từ cuốn “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”, Nghiêm Xuân Hiếu biên soạn, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, 1958.