Hướng dẫn cách nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến và nhận kết quả tại nhà mới nhất năm 2024 như thế nào?
Hướng dẫn cách nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến và nhận kết quả tại nhà mới nhất năm 2024 như thế nào?
Để nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến và nhận kết quả tại nhà, mời bạn đọc làm theo các bước theo hướng dẫn dưới đây:
Tra cứu quyết định xử phạt
Bước 1: Người dùng chọn chức năng [Thanh toán trực tuyến] trên giao diện Cổng Dịch vụ công quốc gia (địa chỉ https://dichvucong.gov.vn/); sau đó chọn [Tra cứu/thanh toán vi phạm giao thông], hệ thống hiển thị giao diện tra cứu quyết định xử phạt như sau:
Bước 2: Người dùng nhập các thông tin trên biên bản xử phạt, gồm các thông tin bắt buộc sau:
- Số biên bản;
- Họ tên người vi phạm;
- Đơn vị lập biên bản xử phạt: Tỉnh/thành phố, đơn vị CSGT;
- Ngày vi phạm;
- Mã bảo mật.
Sau khi cập nhật các thông tin nêu trên, thực hiện [Tra cứu] quyết định xử phạt:
Một số trường hợp có thể xảy ra như sau:
-Trường hợp 1: Nếu cơ quan công an chưa ra quyết định xử phạt, hệ thống sẽ hiển thị thông báo: “Chưa có quyết định xử phạt”;
-Trường hợp 2: Nếu quyết định xử phạt đã được thanh toán, hệ thống sẽ hiển thị thông báo: “Quyết định xử phạt đã được thanh toán”
-Trường hợp 3: Nếu đã có quyết định xử phạt và chưa được thanh toán, hệ thống sẽ hiển thị thông tin chi tiết gồm:
+ Số quyết định
+ Ngày ra quyết định
+ Hành vi vi phạm
+ Số tiền phạt
Khi người dùng đã tra cứu được quyết định xử phạt có thể thực hiện một trong hai cách sau: thanh toán và nhận kết quả tại cơ quan xử phạt hoặc thanh toán và nhận kết quả tại nhà qua dịch vụ bưu chính công ích.
Bài viết này hướng dẫn cách thanh toán và nhận kết quả tại nhà qua dịch vụ bưu chính công ích.
Thanh toán trực tuyến và nhận kết quả tại nhà
Bước 1: Người dùng chọn [Thanh toán và nhận kết quả tại nhà], khi đó hệ thống yêu cầu người dùng đăng nhập tài khoản Cổng Dịch vụ công quốc gia như sau:
Bước 2: Người dùng chọn tài khoản cấp bởi Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống hiển thị màn hình để người dùng nhập tài khoản như sau:
Người dùng thực hiện đăng nhập, sau khi đăng nhập thành công, hệ thống sẽ kiểm tra thông tin của tài khoản cổng Dịch vụ công quốc gia và thông tin người vi phạm, khi đó sẽ xảy ra 2 trường hợp:
- Trường hợp 1: Thông tin tài khoản cổng DVCQG và thông tin người vi phạm không khớp nhau hoặc khi lập biên bản xử phạt, người vi phạm không cung cấp CMND/CCCD nên không có thông tin CMND/CCCD để đối chiếu thông tin khi đó hệ thống hiển thị thông báo như sau:
- Trường hợp 2: thông tin người vi phạm và thông tin tài khoản cổng DVCQG khớp nhau, khi đó hệ thống cho phép người dân thanh toán trực tuyến và nhận kết quả tại nhà để bảo đảm người nộp phạt là người vi phạm (chủ tài khoản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia).
Bước 3: Hệ thống sẽ điều hướng vào trang tiện ích và lưu lại thông tin trong [Thông tin cá nhân] -> [Tiện ích] -> [Nộp phạt giao thông] -> [Thông tin vi phạm]
Tại trang [Thông tin vi phạm] người dùng có thể tra cứu các quyết định xử phạt và tình trạng thanh toán (chưa thanh toán hoặc đã thanh toán).
Bước 4: Hệ thống lựa chọn [Nhận kết quả tại nhà qua VNPost], người dân bấm nút [Thanh toán], hệ thống hiển thị màn hình thông tin nhận kết quả tại nhà như sau:
- Các thông tin cá nhân được lấy từ thông tin tài khoản;
- Thông tin địa chỉ mặc định là thông tin người dùng đã khai báo trong Tài khoản. Người dùng có thể thay đổi địa chỉ nhận theo nhu cầu của mình.
Người dân bấm [Tiếp tục thanh toán], hệ thống chuyển sang giao diện của Nền tảng thanh toán của Cổng Dịch vụ công quốc gia để lựa chọn ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán, Doanh nghiệp Mobile Money như sau:
Hệ thống hiển thị màn hình để nhập thông tin thẻ ngân hàng như sau:
Người dùng nhập thông tin thẻ ngân hàng và bấm nút thanh toán, hệ thống chuyển sang màn hình để người dân nhập tài khoản của Ngân hàng đã lựa chọn.
Người dùng đăng nhập theo yêu cầu của Ngân hàng, khi đó hệ thống hiển thị màn hình để người dùng xác nhận thanh toán như sau:
Người dùng xác nhận việc thanh toán, sau khi xác nhận thanh toán thành công, người dân sẽ nhận được thông báo đã thanh toán thành công như sau:
Người dùng có thể tải biên lai về máy tính hoặc điện thoại để xuất trình khi nhận giấy tờ tạm giữ tại cơ quan xử phạt (nếu có yêu cầu).
Trong trường hợp thanh toán và nhận kết quả tại nhà người dân có thể quản lý được các lịch sử giao dịch thanh toán bằng cách đăng nhập, chọn [Thông tin cá nhân], chọn tiếp menu [Tiện ích] -> [Nộp phạt giao thông] -> [Lịch sử giao dịch] như sau:
Hướng dẫn cách nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến và nhận kết quả tại nhà mới nhất năm 2024 như thế nào? (Hình từ CA tỉnh Bình Phước)
Có thể nộp tiền phạt theo những hình thức nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định 118/2021/NĐ-CP có nêu rõ như sau:
Hình thức, thủ tục thu, nộp tiền phạt
1. Cá nhân, tổ chức vi phạm thực hiện việc nộp tiền phạt theo một trong các hình thức sau đây:
a) Nộp tiền mặt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc tại ngân hàng thương mại nơi Kho bạc nhà nước mở tài khoản được ghi trong quyết định xử phạt;
b) Chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;
c) Nộp phạt trực tiếp cho người có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 56, khoản 2 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính hoặc nộp trực tiếp cho cảng vụ hoặc đại diện cảng vụ hàng không đối với trường hợp người bị xử phạt là hành khách quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam để thực hiện chuyến bay quốc tế xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam; thành viên tổ bay làm nhiệm vụ trên chuyến bay quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; thành viên tổ bay của hãng hàng không nước ngoài thực hiện chuyến bay quốc tế xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam;
d) Nộp tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ vào Kho bạc nhà nước theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích.
Theo đó, cá nhân, tổ chức vi phạm thực hiện việc nộp tiền phạt theo các hình thức như quy định trên.
Thời gian nộp phạt vi phạm giao thông là bao lâu?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (được sửa đổi bởi khoản 39 Điều 1 Luật Sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020) khoản 2 Điều 68 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 và khoản 2 Điều 79 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định như sau:
Thủ tục nộp tiền phạt
1. Trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 68 hoặc khoản 2 Điều 79 của Luật này, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt, trừ trường hợp đã nộp tiền phạt theo quy định tại khoản 2 Điều này. Nếu quá thời hạn nêu trên sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp tiền phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
2. Tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp tiền phạt cho người có thẩm quyền xử phạt. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm thu tiền phạt tại chỗ và nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn không quá 07 ngày, kể từ ngày thu tiền phạt.
Trường hợp xử phạt trên biển hoặc ngoài giờ hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được thu tiền phạt trực tiếp và phải nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày vào đến bờ hoặc ngày thu tiền phạt
....
Như vậy, thời hạn nộp phạt vi phạm giao thông là 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt; trường hợp quyết định xử phạt có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.
Ngoài ra, thời hạn nộp tiền phạt nhiều lần không quá 06 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực; số lần nộp tiền phạt tối đa không quá 03 lần.