Công an tỉnh Bình Phước
Lừa đảo qua điện thoại: Thủ đoạn cũ nhưng vẫn có nạn nhân “sập bẫy” mất tiền
Lượt xem: 2467
Với thủ đoạn giả danh cán bộ viện kiểm sát, cơ quan điều tra công an gọi điện thoại cho người dân hù dọa có liên quan đến các vụ án đang điều tra, đường dây buôn bán ma túy, mua bán người, rửa tiền… đẩy bị hại vào trạng thái tinh thần sợ hãi, hoảng loạn. Sau đó, yêu cầu bị hại chuyển toàn bộ số tiền đang có vào tài khoản ngân hàng mà đối tượng chỉ định với lý do “phục vụ công tác điều tra”, “chứng minh tài khoản ngân hàng trong sạch”… Thủ đoạn lừa đảo này không mới, đã được cơ quan công an và báo chí cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng đến nay trên địa bàn tỉnh vẫn có nạn nhân “sập bẫy” mất hàng tỷ đồng.

Gọi điện thoại giả danh viện kiểm sát, công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Ngày 15-12, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bình Phước cho biết, cho biết, đơn vị đã tiếp nhận đơn trình báo của anh H.T.M (30 tuổi) trú phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài về việc nhận được cuộc điện thoại từ số 02877790904 của một đối tượng tự xưng là nhân viên giao hàng Vietnam Post gọi đến. Người này thông báo anh M có 1 bưu kiện hàng bị niêm phong liên quan tới tội phạm bị hải quan bắt giữ. Sau đó, một đối tượng khác tự xưng là nhân viên cơ quan điều tra Công an TP. Đà Nẵng gọi điện cho anh M. Nhằm tạo sự tin tưởng, đối tượng này đã gọi video thông qua ứng dụng LINE để anh M có thể trực tiếp nhìn thấy là một người mặc quân phục giống công an, đồng thời cho biết anh M liên quan đến một vụ án rửa tiền, thông tin cá nhân đang bị rò rỉ trên không gian mạng. Đối tượng đã gửi và hướng dẫn anh M truy cập đường link dẫn đến giao diện thể hiện trang thông tin điện tử của cơ quan công an để làm việc trực tiếp với cán bộ điều tra.

anh tin bai

Ông H.T.M đến Cơ quan công an trình báo vụ việc

Trong quá trình trao đổi, đối tượng nói anh M nếu muốn chứng minh trong sạch thì phải chuyển vào số tài khoản ngân hàng của chính anh M số tiền 521,7 triệu đồng. Với suy nghĩ chủ quan, tự bản thân nạp tiền vào tài khoản ngân hàng của mình thì cũng không mất mát gì nên anh M đã đi vay mượn để thực hiện theo yêu cầu của đối tượng. Sau khi nạp tiền xong, đối tượng đã gửi cho anh M một đường link để tải ứng dụng 010.apk với giao diện logo huy hiệu của công an. Sau khi anh M tải ứng dụng và cài đặt thì phát hiện bị mất quyền truy cập vào ứng dụng ngân hàng trên điện thoại. Khoảng 30 phút sau, nghi ngờ nên anh M kiểm tra tài khoản thì phát hiện toàn bộ số tiền 521.700.000 đồng đã được chuyển đến số tài khoản ngân hàng của người khác và bị rút hết tiền.

anh tin bai

 “Quyết định giả” lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh phong tỏa tài sản cùng hình ảnh nhận dạng bị can mà đối tượng gửi cho bà D

Trước đó, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh tiếp nhận đơn trình báo của bà T.T.M.D (40 tuổi), trú thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng. Bà D trình báo về việc nhận được cuộc điện thoại của một nhóm đối tượng tự xưng là công an điều tra và viện kiểm sát yêu cầu phối hợp điều tra vụ án “bán thông tin cá nhân” liên quan đến bà D và nghi ngờ bà liên quan một đường dây bán ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia. Sau đó, đối tượng đã yêu cầu kết bạn Zalo và gửi hình ảnh nhận dạng một bị can đang bị bắt tạm giam vì tội bán ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia và có liên quan đến bà D. Tiếp đó, đối tượng gửi quyết định của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ra lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh phong tỏa tài sản. Qua trao đổi, đối tượng yêu cầu bà D cung cấp số tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã OTP. Do tài khoản ngân hàng không có tiền nên nghĩ không bị sao, bà D đã làm theo yêu cầu. Khoảng 1 tháng sau, do đáo hạn ngân hàng nên bà D vay mượn của anh em, bạn bè 2,57 tỷ đồng, tất cả số tiền được gửi vào tài khoản ngân hàng của bà D. Ngay sau đó, toàn bộ số tiền hơn 2,5 tỷ đồng đã bị chuyển vào một tài khoản khác và bị rút ra toàn bộ.

Hiện 2 vụ việc đang được Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bình Phước thụ lý giải quyết. 

Người dân cần đề cao cảnh giác

Qua các vụ việc nêu trên, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, đồng thời tuyên truyền đến người thân, bạn bè, hàng xóm… về thủ đoạn trên, để tránh bị “sập bẫy” của đối tượng xấu, nhất là thời điểm cận kề Tết nguyên đán đang đến. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch. Đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định.

Để làm việc với người dân, lực lượng chức năng và công an, viện kiểm sát, tòa án sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi cho người đó và làm việc trực tiếp tại trụ sở cơ quan, không làm việc online qua mạng cũng như gọi qua điện thoại.

Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc liên hệ số điện thoại của Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bình Phước theo số: 069.3460505, hoặc fanpage https://www.facebook.com/anninhmangbinhphuoc, để được hướng dẫn, giải quyết.


Minh Hà-Đoàn Dự