Admin
Biện pháp bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy khi sử dụng điện trong sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh
Lượt xem: 825
Việc bảo đảm an toàn cháy, nổ trong sử dụng điện tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và hộ gia đình là vấn đề hết sức cần thiết đặt ra hiện nay nhất là vào mùa nắng nóng nhu cầu sử dụng điện của các cơ quan, doanh nghiệp, gia đình tăng cao. 

Đã có nhiều vụ cháy xảy ra mà một trong những nguyên nhân cháy là do không bảo đảm an toàn cháy, nổ trong sử dụng điện tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và hộ gia đình, như là:
Vụ cháy xảy ra vào khoảng 00 giờ 30 phút ngày 05/4/2021, tại nhà số 213, đường số 7, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh. Đám cháy xảy ra vào buổi đêm khiến 04 người bị mắc kẹt trong căn nhà hoảng loạn, công tác chữa cháy ban đầu bất thành. Nhận được tin báo, Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an quận Bình Tân đã điều 6 xe chuyên dụng cùng hàng chục cán bộ chiến sỹ đến hiện trường dập lửa, cứu người và ngăn không để xảy ra cháy lan nhà dân xung quanh. Đến gần 01 giờ cùng ngày, đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Lực lượng chức năng đã đưa được 4 nạn nhân ra ngoài an toàn. Nguyên nhân ban đầu của vụ cháy được xác định là do chập ổ cắm điện. Vụ cháy đã thiêu rụi nhiều tài sản. Cảnh sát đã bảo vệ được khoảng 72m2 còn lại của căn nhà và ngăn chặn không để cháy lan sang các nhà dân xung quanh. 



Ảnh: Hiện trường vụ cháy tại số nhà 213 (nguồn internet)

Khoảng 23 giờ ngày 6-4, đám cháy bùng lên từ công ty chuyên sản xuất nhựa nằm trong con hẻm 172A đường Lạc Long Quân. Nhiều người dân huy động phương tiện, tiếp cận dập lửa nhưng bất thành, nhiều người dân hoảng loạn tháo chạy ra ngoài khu dân cư. Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Công an thành phố Hồ Chí Minh đã điều động 18 xe chuyên dụng, 96 cán bộ chiến sĩ của 5 đơn vị chữa cháy tức tốc đến hiện trường. Sau khoảng 03 giờ, đám cháy mới được dập tắt. Nguyên nhân ban đầu của vụ cháy được xác định là do chập điện. Vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng làm 250/300m2 diện tích công ty cùng nhiều tài sản bị cháy rụi, hư hỏng. 



Ảnh: Hiện trường vụ cháy công ty sản xuất nhựa trên đường Lạc Long Quân (nguồn internet)

Để chủ động ngăn ngừa các sự cố cháy, nổ, tai nạn do điện gây ra, góp phần bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản cho mọi người. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và khu dân cư, hộ gia đình cần thực hiện tốt các nội dung, biện pháp bảo đảm an toàn cháy, nổ trong sử dụng điện sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh. Như chúng ta được biết, điện được sử dụng ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và khu dân cư, hộ gia đình là điện xoay chiều, có hiệu điện thế 380v, 220v hoặc 110v. Bài viết này, tác giả xin đưa ra một số trường hợp xảy ra cháy, nổ trong sử dụng điện và biện pháp để phòng cháy, cụ thể:

- Cháy do bị chập mạch điện: Chập mạch điện là hiện tượng các pha chập vào nhau hoặc dây pha chạm đất làm điện trở dây dẫn giảm, cường độ dòng điện tăng lớn đột ngột dẫn tới cháy vỏ cách điện dây dẫn, phát sinh tia lửa gây cháy thiết bị điện…

Biện pháp phòng cháy:

+ Thiết kế, lắp đặt hệ thống điện phải tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn an toàn điện và phòng cháy, chữa cháy; đặc biệt đối với các môi trường có nhiệt độ cao, có chất ăn mòn, nguy hiểm cháy, nổ phải chọn dây dẫn, thiết bị điện đảm bảo an toàn, phù hợp với khu vực đó.

+ Đối với nguồn điện phục vụ báo cháy, chữa cháy, thoát nạn, cứu hộ phải lắp đặt hệ thống điện riêng, chống cháy.

+ Thường xuyên, định kỳ kiểm tra để phát hiện và khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót của hệ thống điện không bảo đảm an toàn phòng cháy như: sự lão hóa của vỏ cách điện, hỏng cách điện do va đập, kéo dãn cơ học, chuột cắn…

+ Ngắt thiết bị điện không cần thiết trong thời gian nghỉ làm việc, khi ngủ.

+ Lắp hệ thống chống sét cho hệ thống điện.

+ Lắp đặt thiết bị bảo vệ (cầu dao tự ngắt, cầu chì…) đúng tiêu chuẩn để kịp thời ngắt mạch khi xảy ra chập mạch.

- Cháy do đấu nối dây điện không đúng kỹ thuật (lỏng, hở): Khi nối dây dẫn không tốt làm điện trở dây dẫn tăng lên làm cho điểm nối nóng đỏ gây cháy dây dẫn và các vật cháy liền kề. Khi mối nối lỏng, hở sẽ có hiện tượng tia lửa điện, được phóng qua không khí (mối nối dây dẫn, đón mở cầu dao, công tắc điện). 

Biện pháp phòng cháy:

+ Cầu dao, bảng điện phải được bắt chặt và có hộp bảo vệ, cầu chì có đủ nắp đậy; ở những nơi có chất cháy, các thiết bị điện này phải được đặt phía ngoài; ở những nơi có nguy hiểm cháy, nổ phải lắp hệ thống điện an toàn cháy, nổ.

+ Các mối nối phải chặt và bọc kín bằng chất cách điện.

+ Không nối hai dây dẫn có chất liệu và điện trở khác nhau để dẫn điện.

+ Không để các vật liệu dễ cháy gần bảng điện, cầu dao, tủ điện… đề phòng phóng tia lửa điện gây cháy, nổ.

- Cháy do dùng điện quá tải: Quá tải là hiện tượng dòng điện của các phụ tải tiêu thụ lớn quá so với dòng điện định mức cho phép của dây dẫn điện, các thiết bị đóng ngắt hoặc nguồn cấp, làm cho cường độ dòng điện lớn hơn nhiều so với lúc bình thường, đến mức có thể làm cháy lớp cách điện của dây dẫn điện. Để phát hiện điện quá tải ta có thể dùng đồng hồ Ampe để kiểm tra cường độ dòng điện và so sánh với bảng tiêu chuẩn cường độ dòng điện cho phép.

Biện pháp phòng cháy:

+ Thiết kế, lắp đặt hệ thống cáp dẫn, dây dẫn điện đúng tiêu chuẩn và có hệ số dự phòng.

+ Lắp đặt thiết bị cầu dao tự ngắt (Aptomat) đúng tiêu chuẩn và không tự ý thay đổi các thiết bị tự ngắt làm cho thiết bị này không đúng tiêu chuẩn, hoạt động không chính xác.

+ Không dùng nhiều thiết bị điện có công suất lớn cùng một lúc vào ổ cắm.

+ Khi lắp đặt thêm các thiết bị tiêu thụ điện vào mạng điện phải kiểm tra phụ tải của dây dẫn bảo đảm đủ tải các thiết bị, nếu không đủ tải phải lắp đặt dây dẫn điện riêng.

+ Thường xuyên, định kỳ kiểm tra hệ thống điện, thiết bị điện để khắc phục kịp thời những sơ hở thiếu sót gây quá tải.

- Cháy do tia lửa tĩnh điện: Tĩnh điện là hiện tượng phát sinh do ma sát giữa các vật dẫn điện với nhau hoặc giữa các vật cách điện với vật dẫn điện khi có sự xúc tác của các chất lỏng dễ cháy (xăng, dầu) khi bơm rót hoặc va đập của các chất cách điện với kim loại hay khi nghiền nát các hạt nhỏ rắn cách điện. Các trường hợp tĩnh điện, hiệu điện thế thường đạt tới 20 - 50KV nguy hiểm cháy. 

Biện pháp đề phòng:

+ Tiếp đất cho các thiết bị máy móc, các bể chứa, các đường ống dẫn nguyên liệu, các phương tiện chuyên chở. Định kỳ ít nhất một năm một lần kiểm tra đo điện trở nối đất bảo đảm không vượt quá 04 ôm.

+ Tăng độ ẩm của không khí ở khu vực có nguy hiểm về tĩnh điện.

+ Ion hóa không khí để nâng cao tính dẫn điện của không khí.

+ Dùng các thiết bị máy móc như vôn kế tĩnh điện, tĩnh nghiệm điện có tụ điện, tín hiệu tự báo động có tĩnh điện để kiểm tra tĩnh điện.

- Cháy do sự truyền nhiệt của thiết bị tiêu thụ điện. Thiết bị tiêu thụ điện trong thời gian sử dụng, hoạt động đều tỏa nhiệt. Nhiệt tỏa ra phụ thuộc vào tính chất môi trường, công suất và thời gian tiêu thụ. Nếu không được kiểm soát thì nguồn này cũng có thể gây cháy. 

Biện pháp đề phòng:

+ Đặt các thiết bị tiêu thụ điện sinh nhiệt cách xa vật liệu, đồ dùng là chất dễ cháy ít nhất 0,5m; khi sử dụng, vận hành phải có người giám sát.

+ Trong khu vực có nồng độ hơi, bụi nguy hiểm cháy, nổ phải thiết kế, lắp đặt các thiết bị tiêu thụ điện an toàn phòng cháy, nổ; không dùng bóng điện để sấy quần áo, khi mất điện phải ngắt nguồn điện cấp cho các thiết bị tiêu thụ điện.

+ Ngắt các thiết bị điện không cần thiết trong thời gian nghỉ làm việc và khi ngủ.

- Một số biện pháp phòng cháy trong sử dụng điện sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh:

+ Tính toán, thiết kế, thi công lắp đặt hệ thống điện bảo đảm tiêu chuẩn và các yêu cầu kỹ thuật; lắp Aptomat bảo vệ chung cho công trình, ngôi nhà, từng tầng, từng gian phòng; cầu dao, aptomat phải đặt trong (tủ, hộp) chuyên dùng và lắp đặt ở vị trí dễ thao tác. Đối với cơ sở sản xuất, nhà kho, chợ, trung tâm thương mại phải tách riêng hệ thống điện phục vụ sản xuất, kinh doanh với hệ thống điện bảo vệ và chữa cháy.

+ Lựa chọn dây dẫn điện có tiết diện phù hợp với khả năng chịu tải của thiết bị tiêu thụ điện; lựa chọn dây dẫn có chất lượng cao khi đi ngầm trong tường; lựa chọn dây dẫn, thiết bị điện có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

+ Lắp đặt cáp dẫn, dây dẫn điện phải đặt trong khay cáp, thang cáp, hộp cáp hoặc rãnh cáp, ống luồn dây chuyên dùng; các mối nối dây dẫn điện phải đảm bảo đúng kỹ thuật (nối so le và được quấn băng cách điện).

+ Không câu móc, đấu nối điện tùy tiện; không luồn dây điện qua mái lá, mái tôn (nếu cần luồn qua phải luồn trong ống thép); không cắm dây dẫn trực tiếp vào ổ cắm.

+ Thường xuyên kiểm tra, phát hiện, sửa chữa thay thế thiết bị điện và mạng lưới dây điện hư hỏng.

+ Không sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn vào cùng một ổ cắm.

+ Không lắp đặt thêm các thiết bị tiêu thụ điện nếu không xác định rõ dây dẫn có chịu tải được hay không.

+ Không để các hàng hóa, vật liệu dễ cháy đè lên dây dẫn điện hoặc phủ lên ổ cắm điện, cầu dao điện, không để dưới bảng điện, ổ cắm điện, để cách xa ít nhất 0,5m.

+ Không phơi, sấy quần áo trực tiếp lên đèn, quạt sưởi; khi dùng thiết bị đốt nóng như bếp điện, ấm... phải có người trông coi.

+ Không sạc điện thoại, máy vi tính, xe đạp điện, xe máy điện qua đêm.

+ Tắt các thiết bị điện không cần thiết trong thời gian nghỉ làm việc và trước khi ra khỏi nhà, khi ngủ; đối với các thiết bị tiêu thụ điện (Tivi, điều hòa, quạt…) tắt bằng điều khiển xong phải tắt công tắc, aptomat hoặc rút phích điện ra khỏi ổ cắm.

- Một số biện pháp xử lý khi xảy ra cháy điện: Khi xảy ra cháy hệ thống điện hoặc trong khu vực có điện phải bằng mọi cách cắt ngay nguồn cấp điện để tránh chập cháy sang các khu vực xung quanh.
+ Đối với hệ thống điện: Ngắt cầu dao, aptomat.

+ Đối với thiết bị: Cắt công tắc, rút phích cắm.

Các trường hợp không thực hiện được thì dùng kìm cách điện, câu liêm có cán bằng vật liệu cách điện để cắt đứt dây dẫn điện từ nguồn cung cấp điện cho nơi bị cháy.

Sau khi đã cắt điện, tiến hành các biện pháp chữa cháy phù hợp với từng loại đám cháy, sử dụng các phương tiện chữa cháy ban đầu như: bình bột, bình khí CO2, cát, nước để dập tắt đám cháy. Đồng thời báo cháy ngay cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy theo số máy 114 hoặc lực lượng Công an, chính quyền địa phương nơi gần nhất khu vực vực xảy ra cháy.

Mong rằng qua bài viết này sẽ giúp cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và gia đình có thêm nhiều kiến thức, biện pháp để thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy khi sử dụng điện, góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng, tài sản của chính mình và bảo vệ an ninh, trật tự.

Đức Hiếu