Admin
Một số nội dung cơ bản của Luật Thỏa thuận quốc tế
Lượt xem: 450
Ngày 13/11/2020, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Thỏa thuận quốc tế (TTQT) năm 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021. 



Ảnh minh họa. (Nguồn: luatvietnam.vn)

Việc xây dựng Luật TTQT nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật hiện hành về công tác ký kết và thực hiện các văn bản hợp tác quốc tế không là điều ước quốc tế, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật; quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương trong công tác TTQT; bảo đảm triển khai và quản lý một cách thống nhất, nâng cao hiệu quả ký kết, thực hiện TTQT, tranh thủ nguồn lực bên ngoài, cả về công nghệ, kỹ năng, kinh nghiệm và nguồn vốn của các nước và tổ chức quốc tế phục vụ công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước.

Luật TTQT gồm 07 chương, 52 điều, dưới đây là một số nội dung cơ bản của Luật TTQT năm 2020:

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh

Theo đó, Luật này quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện, tổ chức thực hiện, trách nhiệm của các cơ quan trong việc ký kết và thực hiện TTQT (khoản 1 Điều 1).

Bên cạnh đó, Luật bổ sung điều khoản loại trừ, theo đó, Luật này không điều chỉnh việc ký kết, thực hiện thoả thuận về vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài theo pháp luật về quản lý nợ công; thoả thuận về cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài theo pháp luật về cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài; thoả thuận về viện trợ phi chính phủ nước ngoài theo pháp luật về viện trợ phi chính phủ nước ngoài; hợp đồng theo pháp luật về dân sự; hợp đồng dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư theo pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (khoản 2 Điều 1).

Thứ hai, về giải thích từ ngữ

Luật TTQT đã bổ sung quy định về giải thích một số từ ngữ như: TTQT; bên ký kết nước ngoài; bổ sung quy định về thành phần bên ký kết Việt Nam; cơ quan nhà nước ở trung ương; rút khỏi TTQT.

Thứ ba, về ngôn ngữ của thỏa thuận quốc tế

Để bảo đảm nguyên tắc tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia và phù hợp với thực tiễn ký kết TTQT thời gian qua, Điều 7 của Luật quy định TTQT phải có văn bản bằng tiếng Việt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài. Trong trường hợp TTQT chỉ có văn bản bằng tiếng nước ngoài thì bên ký kết Việt Nam có trách nhiệm dịch TTQT đó ra tiếng Việt. Văn bản bằng tiếng Việt phải bảo đảm chính xác về nội dung, thống nhất về hình thức với văn bản bằng tiếng nước ngoài của TTQT.

Thứ tư, về thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế

Đối với thẩm quyền quyết định việc ký kết TTQT, Luật TTQT quy định cụ thể như sau:

- Chủ tịch nước quyết định việc ký kết TTQT nhân danh Nhà nước (khoản 1 Điều 8).

- Thủ tướng Chính phủ quyết định việc ký kết TTQT nhân danh Chính phủ (khoản 2 Điều 8).

- Chủ tịch Quốc hội quyết định việc ký kết TTQT nhân danh Quốc hội (khoản 1 Điều 12).

- Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội quyết định việc ký kết TTQT nhân danh Hội đồng Dân tộc và Ủy ban của Quốc hội (khoản 2 Điều 12).

- Tổng thư ký Quốc hội quyết định việc ký kết TTQT thuộc thẩm quyền của Tổng Thư ký Quốc hội (khoản 3 Điều 12).

- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quyết định việc ký kết TTQT nhân danh Văn phòng Quốc hội (khoản 4 Điều 12).

- Người đứng đầu cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc ký kết TTQT nhân danh cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khoản 5 Điều 12).

- Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định việc ký kết TTQT nhân danh Kiểm toán nhà nước (khoản 6 Điều 12).

- Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước quyết định việc ký kết TTQT nhân danh Văn phòng Chủ tịch nước (khoản 1 Điều 14).

- Chánh án TANDTC quyết định việc ký kết TTQT nhân danh TANDTC (khoản 2 Điều 14).

- Viện trưởng VKSNDTC quyết định việc ký kết TTQT nhân danh VKSNDTC (khoản 3 Điều 14).

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ quyết định việc ký kết TTQT nhân danh Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (Điều 16).

- Chủ tịch HĐND cấp tỉnh quyết định việc ký kết thỏa TTQT nhân danh HĐND cấp tỉnh (khoản 1 Điều 18).

- Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định việc ký kết TTQT nhân danh UBND cấp tỉnh (khoản 2 Điều 18).

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quyết định việc ký kết TTQT nhân danh tổng cục, cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ (khoản 1 Điều 20).

- Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định việc ký kết thỏa TTQT nhân danh cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; UBND cấp huyện; UBND cấp xã ở khu vực biên giới (khoản 2 Điều 20).

- Người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức quyết định việc ký kết TTQT nhân danh cơ quan trung ương của tổ chức (Điều 21).

- Cơ quan quản lý hoạt động đối ngoại của cơ quan cấp tỉnh của tổ chức quyết định việc ký kết TTQT nhân danh cơ quan cấp tỉnh của tổ chức (khoản 2 Điều 23).

Thứ năm, về thực hiện thỏa thuận quốc tế

Trên cơ sở kế thừa các quy định của Pháp lệnh năm 2007 và luật hóa các quy định của Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các cam kết, TTQT, Luật TTQT quy định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan nhà nước ở cấp tỉnh, cơ quan trung ương của tổ chức, cơ quan cấp tỉnh của tổ chức; trách nhiệm của cơ quan, đơn vị tham mưu về công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế của cơ quan nhà nước ở trung ương và cơ quan nhà nước cấp tỉnh trong việc thực hiện TTQT.

- Đối với cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan nhà nước ở cấp tỉnh, cơ quan trung ương của tổ chức, cơ quan cấp tỉnh của tổ chức, Điều 42 Luật TTQT quy định trách nhiệm cụ thể như sau: 

+ Tổ chức thực hiện TTQT do cơ quan đó đã ký kết hoặc đề xuất ký kết trong trường hợp ký kết TTQT nhân danh Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, đồng thời yêu cầu bên ký kết nước ngoài thực hiện TTQT đó trên tinh thần hữu nghị, hợp tác; 

+ Xây dựng kế hoạch dài hạn, kế hoạch hằng năm về thực hiện TTQT do cơ quan đó đã ký kết hoặc đề xuất ký kết trong trường hợp ký kết TTQT nhân danh Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ gửi Bộ Ngoại giao để theo dõi và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ; kế hoạch hàng năm được gửi chậm nhất vào ngày 15/11 năm trước; 

+ Tổ chức sao lục, công bố, tuyên truyền, phổ biến TTQT mà cơ quan đó đã ký kết hoặc đề xuất ký kết trong trường hợp ký kết TTQT nhân danh Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, trừ trường hợp TTQT không được phép công bố theo thỏa thuận giữa bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trường hợp TTQT chỉ có văn bản bằng tiếng nước ngoài thì phải kèm bản dịch tiếng Việt của TTQT đó; 

+ Đôn đốc việc thực hiện TTQT nhân danh tổng cục, cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã ở khu vực biên giới thuộc phạm vi quản lý;

+ Phê duyệt kế hoạch thực hiện TTQT của tổng cục, cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã ở khu vực biên giới thuộc phạm vi quản lý;

+ Tiến hành những biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của bên ký kết Việt Nam trong trường hợp TTQT bị vi phạm.

- Đối với cơ quan, đơn vị tham mưu về công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế của cơ quan nhà nước ở trung ương và cơ quan nhà nước cấp tỉnh trong việc thực hiện TTQT, Điều 43 Luật TTQT quy định cụ thể trách nhiệm như sau:

+ Tham mưu về xây dựng kế hoạch dài hạn, kế hoạch hằng năm về thực hiện TTQT do cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan nhà nước cấp tỉnh đã ký kết hoặc đề xuất ký kết trong trường hợp ký kết TTQT nhân danh Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; 

+ Đôn đốc việc thực hiện các TTQT do cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan nhà nước cấp tỉnh đã ký kết hoặc đề xuất ký kết trong trường hợp ký kết TTQT nhân danh Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ.

Luật TTQT năm 2020 thể hiện tính công khai, dân chủ, minh bạch, nhà nước pháp quyền, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp. Việc ban hành Luật TTQT có ý nghĩa quan trọng cả về đối nội và đối ngoại, tạo khung pháp lý vừa chặt chẽ vừa linh hoạt, đáp ứng nhu cầu ký kết TTQT phù hợp với lợi ích quốc gia và nhu cầu hoạt động đối ngoại, khắc phục kịp thời những bất cập của Pháp lệnh năm 2007 và được kỳ vọng sẽ đáp ứng các yêu cầu hội nhập quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Đức Hiếu